Từ ngã tư Đại La - Minh Khai rẽ vào phố Trương Định chỉ độ hơn trăm mét về phía bên trái là đường Hoàng Mai. Chùa nằm ở trong làng Hoàng Mai, gần cuối đường.
Tam Quan bề thế của đình Hoàng Mai, làng Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đầu đao tuyệt đẹp trên cổng phụ ở hai bên Tam Quan.
Trên đỉnh trụ hình Tứ Linh đắp nổi
Trong sân đình còn một đôi Ngựa đá, Voi đá nằm chầu hai bên. Đình thờ Trần Hãng, em của Trần Khát Chân và các tướng tâm phúc của Trần Khát Chân là Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất cùng bị hại sau khi mưu sát Hồ Qúy Ly ở Đốn Sơn( năm 1399) bị thất bại.
Liền kề bên trái đình là chùa Nga My.
Cổng chùa khiêm nhường với đôi cánh cửa chạm trổ cách điệu.
Trên Hoành phi là ba chữ Nga My Tự
Cổng chùa nhìn từ trong ra.
Sáng ra đã có một quả cũng vào chùa nhưng không vãn cảnh hay thắp hương mà buôn điện thoại ầm ĩ.
Ngay cạnh cổng có một cái cây rất lạ, lá xanh mướt, quả xù xì thô mộc vậy mà hoa đỏ đẹp đến não nùng. Đến giờ mới biết đây là cây Vô Ưu gốc từ Ấn Độ. Xem thêm tại đây:
http://web118.104.hosttech.eu/joomla/index.php?option=com_content&view=article&id=64:hoa-vo-u-co-phi-la-hoa-u-am-khong-&catid=8:pht-phap-vn-ap&Itemid=58
Ai cũng thích cây hoa này
Thiểu não tạo dáng vì không vào được trong chùa để chụp ảnh.
Khu chùa chính có quy mô kiến trúc lớn gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Tiền đường theo kiểu nhà khung gỗ gồm năm gian, hai chái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp gạch gốm hình hoa chanh. Bộ khung đỡ mái gồm sáu vì, kết cấu bốn hàng chân được làm giống nhau kiểu chồng rường. Nền nhà được tôn cao 120cm so với mặt sân, có hàng hiên rộng, phía trước làm cửa bức bàn, phía sau gian giữa thông với thượng điện, các gian ngoài xây tường bao. Dọc hai hồi nhà và tường hậu xây những dãy bệ gạch cao 60cm để đặt tượng thờ.
Ở sân trước sừng sững hai tòa tháp.
Cùng đi hôm đó còn có Bão mùa hè nữa, cháu đang mê mải ngắm hoa lạ.
Nhà bia, nơi lưu giữ những sử liệu vô giá cho hậu thế.
Có một cây Đa mọc ngược từ đáy của chiếc Đỉnh này mọc ra ngoài.
Thượng điện là một lớp nhà dọc bốn gian nối với gian giữa của tiền đường. Nhà được xây tường bao khép kín, các bộ vì đỡ mái có kết cấu giống nhau và giống như kết cấu vì nhà tiền đường. Do lòng nhà hẹp nên mỗi vì chỉ sử dụng hai hàng cột chính. Các vì nách có kết cấu chồng rường và được đặt trên thanh xà có một đầu ăn sâu chân mộng vào thân cột cái, đầu kia gác trực tiếp trên tường bao. Dưới câu đầu của các vì được treo những bức cửa võng, hoành phi sơn son thếp vàng đã làm tăng sự lộng lẫy cho Phật điện Đại thừa.
Trên mỗi mặt của tháp, ở tầng bốn không kể bệ, là một chữ trong câu Kệ: Nam Mô A Di Đà Phật.
Trong tháp thứ hai có một bức tượng nhỏ nhưng không rõ là vị cao tăng nào.
Nằm ở phía sau thượng điện, gác chuông chùa Nga My đã mang lại nét đặc sắc, quí hiếm cho kiểu bố cục mặt bằng ở đây. Kiểu gác chuông này hiện nay mới thấy ở chùa Keo (Thái Bình) và chùa Điềm Giang (Ninh Bình). Gác chuông chùa Nga My có mặt bằng hình vuông, hai tầng, tám mái, các góc đao được uốn cong ngược lên. Đầu của bốn đao trên đắp nổi cao bốn đầu rồng, còn bốn đao dưới trang trí văn thực vật, uốn gấp rất uyển chuyển. Phần cổ diêm giữa hai mái làm chấn song con tiện lấy ánh sáng cho bên trong. Tỷ lệ giữa phần mái trên, mái dưới và phần thân nhà rất cân đối mang lại cảm giác đầm ấm cho người xem. Gác chuông được tạo dựng vững chắc trên bộ khung gỗ gồm 16 chân cột, chia đều cho bốn góc nhà. Bốn cột cái có kích thước lớn và vươn tới nóc mái. Quanh mỗi cột cái có ba cột góc để đỡ hệ thống xà, kẻ của tầng mái dưới.
Trong số 44 pho tượng phật ở chùa này, đáng chú ý hơn cả là tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt và phần bệ đài sen. Đây là pho tượng có niên đại thế kỷ 18. Tượng có khuôn mặt hiền hậu được chạm khắc biểu hiện sự quyền quý. Những chi tiết tạo tác này cho thấy có sự gần gũi với nét trang trí trên khuôn mặt tượng Quan Âm nổi tiếng ở chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đài sen và bệ được trang trí mỗi cánh sen thể hiện múp phồng, nổi rõ mũi từng cánh, trong lòng cánh sen có hoa cúc (phong cách nghệ thuật thế kỷ 16).
Chùa Nga My đã được trùng tu vào các năm 1624, 1705-1719, 1829, 1900, 1907. Tháng 12/1972, tiền đường của chùa bị bom B52 của Mỹ phá hủy, ngay sau đó đã được phục dựng. Năm 1994 trùng tu dãy giải vũ bên trái; Năm 1996 dựng lại dãy giải vũ bên phải; Năm 1998 lại trùng tu chùa chính.
Chùa Nga My là một công trình Phật giáo có bề dày lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Tọa lạc trong một cảnh quan đẹp, hữu tình, chùa có quy mô kiến trúc bề thế, hệ thống hiện vật đa dạng, phong phú, chùa Nga My xứng đáng là một di tích văn hóa quan trọng của Hà Nội.
Cô bé Bão mùa hè đang làm dáng trước khi ra về.
Thật tiếc hôm đó không chụp được ảnh bên trong chùa, hẹn lần sau vậy dù đây là lần thứ hai rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét