Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

TRANH ĐÔNG HỒ
























Chữ trong tranh Đông Hồ
Phùng Hồng Kổn
Theo lý thuyết, ngôn ngữ của hội hoạ là đường nét và màu sắc, tuy nhiên, hội hoạ hiện đại - nhất là tranh trừu tượng, nhiều khi không có đường nét nào, không có hình thù gì, thậm trí màu sắc cũng chỉ là tối thiểu. Ây là chưa kể tới nghệ thuật sắp đặt (installation), nghệ thuật trình diến (performance) đang thịnh hành ngày nay.
Hội hoạ cổ phương đông thì trái lại, ngoài đường nét, màu sắc, còn có cả chữ - hơn thế nữa còn có loại “tranh” chỉ có chữ, gọi là “tự hoạ”, lối vẽ tranh này gọi là “thư pháp”. Chữ giúp người xem hiểu ý đồ của tác giả hơn, chữ bổ sung thêm thông tin cho bức tranh, chữ là những lời bình luận về bức tranh, những lời chúc tụng cho chủ nhân bức tranh v.v... Chữ trong tranh có thể là thơ, là câu đối, tục ngữ, phương ngôn, hay có thể chỉ là một câu nói thường ngày - nhưng ý nghĩa lại rất rộng, rất sâu.
Làng Đông Hồ (xưa còn gọi là làng Mái) thuộc xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh có nghề làm tranh từ lâu đời. Khác hẳn với tranh dân gian ở nơi khác, tranh cổ Đông Hồ được in trên giấy Dó đã quét điệp. Đầu tiên các nghệ nhân “ra mẫu” tức là sáng tác mẫu. Tiếp đó mẫu được dán vào tấm gỗ thị rồi “cắt ván”( khắc ván). Một ván nét (contour) và bốn, năm ván màu tùy từng tranh. Sau đó là công việc của cả nhà: Quét điệp lên giấy Dó, phơi khô, in lần lượt các màu, cuối cùng là in ván nét màu đen. Tất cả các màu đều được chế từ chất liệu dân dã như lá tre, lá chàm, hoa hòe…(Đến thời kì nước ta bị thực dân Pháp đô hộ thì ở Đông Hồ xuất hiện loại tranh in nét rồi tô màu bằng phẩm ngoại). “Ra mẫu” là khâu then chốt trong việc làm tranh. Mỗi thời cả làng chỉ có vài nghệ nhân có thể ra mẫu. Những nghệ nhân này không chỉ có khả năng vẽ mà còn là những nhà nho có học hành cẩn thận. Chính vì vậy trên tranh Đông Hồ thường có thơ, câu đối, chữ. Và bản thân tranh cũng thường có đôi gọi là “đôi tranh” (như kiểu đôi câu đối).
Thưởng ngoạn tranh Đông Hồ với phần họa, bạn đã thấy hồn mình được trở về với cây đa giếng nước, với mái tranh tỏa khói lam khi chiều buông… Phần chữ trong tranh sẽ giúp bạn thức dây những cảm xúc mới thú vị.
Chữ trong tranh Đông Hồ chủ yếu là chữ Hán và chữ Nôm.Từ những năm đầu của thế kỉ XX một số nghệ nhân mới đưa chữ quốc ngữ vào tranh. Chữ Nôm là thứ chữ khó đọc. Những bản khắc truyền từ đời này sang đời khác, phần dễ bị tổn thương nhất (bị mòn, bị sứt mẻ) là phần chữ. Đọc được hết chữ trên tranh Đông Hồ là việc không dễ dàng. Nhờ được hầu chuyện các lão nghệ nhân, tôi xin chia sẻ cùng các bạn yêu tranh Đông Hồ những điều lí thú từ những dòng chữ trên tranh và cả những bài thơ xung quanh các bức tranh. Tranh Đông Hồ thì hầu như đều có chữ, vì khuôn khổ của bài báo nên tôi chỉ xin trích ra một số bức tranh tiêu biểu. Để tiện cho bạn đọc theo dõi tôi tạm phân thành hai mảng: Tranh về tín ngưỡng (Có một số tác giả gọi loại tranh này là “Tranh chúc phúc”) và Tranh về cuộc sống đời thường. Sự phân loại ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi tranh mô tả cuộc sống đời thường nhưng nhiều khi cũng được tác giả gửi gắm nhiều ý nghĩa.
Tranh về tín ngưỡng:

Tranh tiến tài, tiến lộc : Trên mỗi tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư - tưọng trưng cho việc học hành, tay kia nâng biểu tượng thần quyền. tranh tiến tài có chữ “tài hằng nguyên chí” (của như nước nguồn), tranh tiến lộc có chữ “lộc vị cao thăng” (lộc ngày càng tăng). Đó chính là mong ước của người nông dân thuở trước, họ dán hai bức tranh này ở hai cửa buồng (kiểu nhà năm gian hoặc ba gian hai trái thời xưa) với hy vọng thần tài phù trợ.
Tranh thổ công, táo quân: Phía trên, một bên là hai ông bà thổ công với chữ: “thổ công vị, thổ công hằng trợ, trạch chủ bình an”, bên kia là ba ông bà táo quân với chữ “táo quân vị, nhật hưởng vinh hoa, niên tăng phú quý”. Phía dưới là cảnh thanh bình, no ấm của nhà nông.
Tranh ông tơ, bà nguyệt : Các cụ kể lại, ngày xưa nhà nào có con 10 tuổi mà chưa dựng vợ, gả chồng thì tết đến chơi đôi tranh này. Trên tranh có ông tơ cưỡi rồng, bà nguyệt cưỡi phượng đang xe tơ kết tóc cho đôi trai gái. Bên cạnh có đôi câu đối: “ông tơ xe chỉ thắm; bà nguyệt kết giải đào”.
Tranh về cuộc sống đời thường:
Gà đại cát nghinh xuân (1) (đón xuân tốt lành): hai con gà đối xứng nhau, hình thể, lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ đại cát được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày của mọi người nông dân. người nông dân trồng lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hoà; chăn nuôi thì chỉ mong các con vật hay ăn chóng lớn, cuộc đời chỉ mong khoẻ mạnh, con đàn cháu đống v.v... tất cả đều là những ước mơ giản dị - điều lành lớn. Đôi tranh này có bố cục khác hẳn tất cả các tranh còn lại. trong những tranh khác, chữ - tuy cũng là một phần trong bố cục của tranh, những chỉ chiếm một phần nhỏ, còn ở đây chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh - tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân - đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới.

Gà dạ xướng, nhật minh : một chú gà trống đứng co một chân (kim kê độc lập - tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã được cách điệu rất đẹp. Trên tranh có chữ “dạ xướng ngũ canh hoà” (đêm gáy năm canh đều đặn). Vế kia của tranh, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ “nhật minh tam tác thuỵ” (ngày mang tới ba điều lành). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn. (tranh này cùng với tranh gà Đại cát thường được sử dụng làm “vi nhét” của sách báo).
Kê cúc (gà trống bên cây cúc): chú gà trống hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy- mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến. nói theo cách của hội hoạ hiện đại, bức tranh này sử dụng bảng màu “tương túc” (tương phản và bổ túc). hai màu tương phản: đỏ - xanh (tuy đỏ đã ngả nâu) và màu trung gian: vàng. những chiếc lông cánh, lông đuôi của con gà: xanh - vàng - đỏ, rồi xanh - đỏ - vàng, có chỗ lại: xanh - đỏ - xanh cùng những mảng vàng lớn - khiến cho thị giác người xem bị cuốn hút mạnh mẽ, chỉ có ba màu mà ta cảm thấy màu sắc như trùng trùng điệp - ấn tượng rất mạnh. Theo các nghệ nhân cao tuổi, hình ảnh gà trống oai phong, hùng dũng tượng trưng năm đức tính của người đàn ông: văn, võ, dũng nhân, tín.
- Cái mào đỏ tựa như chiếc mũ cánh chuồn - tượng trưng cho văn.
- Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để chọi - tượng trưng cho vũ.
- Thấy địch thủ, gà trống dũng cảm xông vào, chiến đấu đến cùng - biểu thị của dũng.
- Kiếm được mồi cùng gọi nhau ăn - biểu thị của nhân.
- Hàng ngày gà gáy sang canh không bao giờ sai, nó đánh thức mọi người dạy đúng giờ - biểu thị của tín.
Trên tranh không có chữ gì nhưng một bài thơ vịnh chú gà này của nghệ nhân Hiền Năng (1912-1993, người sáng tác nhiều mẫu tranh về lịch sử) lại được truyền tụng. Bài thơ có tám câu mà đã sử dụng tới bốn câu phương ngôn về gà:
Gà trống
Xưa vốn cùng chung một mẹ mà
Khôn ngoan đối đáp với người ta
Gáy lên bạn hỡi xem trời sáng
Báo để người nghe tỉnh giấc ra
Rõ vẻ giống tông đầu mỏ thế
Lẽ đâu ăn quẩn cối xay nhà
Mặc ai vờ vịt trông ra quốc
Thực giống Hồ đây chẳng phải pha.
Gà thư hùng : Các cụ kể lại, năm ấy (khoảng 1915) cụ chánh Hoàn gả con gái cho anh phán Vinh, cụ Đám Giác (tên thật là Nguyễn Thể Thức 1880-1943) đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới, gà thư hùng: một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. trên tranh có dòng chữ nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”- một lời chúc thật sâu sắc! (con nhà tông không giống lông cũng giống cánh). Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế chủ gia đình, che trở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc , đầm ấm trong một gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét