Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

THỜI CỦA BIỂU TƯỢNG































Tượng Quan Âm tống tử Chùa Mía

Cuộc sống ngày càng phức tạp và giàu có. Và hình như, càng giàu người ta lại càng thấy thiếu vắng gì đó. Không thể diễn đạt bằng ngôn từ, cũng không thể gọi thành tên đó là gì… Khoa học ngày càng phát triển, con người càng thấy mọi vật xung quanh trần trụi và mất phần thi vị, trí tưởng tượng và sự mộng mơ cũng vì thế mà tan biến đâu hết. Thơ ca thành một thứ vẩn vơ treo đầu ngọn cây. Và văn hóa được đóng khung trên màn hình vô tuyến. Thử làm một lát cắt tiết diện các hoạt cảnh sinh hoạt gia đình mà xem. Phổ biến nhất vẫn là các khuôn mặt cắm vào màn hình, trẻ con miệng há hốc, người lớn lại ngủ vùi nhưng tắt ti vi cái là tỉnh ngay. Mọi người trong gia đình ít giao tiếp với nhau hơn. Phần lớn sự liên lạc với xã hội là ngấm ngầm, và lén lút phơi bày qua các cuộc buôn điện thoại hay tin nhắn. Nhiều người sau một ngày lao lực lại thấy mình là một sinh vật nhỏ bé, đơn độc và lạc loài.

Tôi hay giành thời gian “nằm vùng” nghiên cứu tại các di tích làng xã, có đôi lần được xem các lễ cầu cúng siêu thoát của đại gia. Toàn là dân buôn bán làm ăn, ghế cao ghế thấp. Có nhà buôn bán hải sản toàn miền Bắc, ngày lãi vài tỉ đồng. Vợ chỉ có mỗi việc đi khắp các chùa cầu cúng. Một lần lập lễ đàn là tốn cả bạc tỉ. Nào là cúng vong, cúng đức Thánh Trần, đức Lý Thường Kiệt. Rồi cúng Phật, cúng tổ.v.v. Được biết, nhà cũng có làm công đức với các việc phúc lợi xã hội, nhưng không thỏa, vẫn thấy bất an. Càng giàu càng bất an. Giàu quá thành một nguy cơ. Giàu mà bất chính thì lúc nào cũng thấy quanh mình toàn hiểm họa. Thế là cần vô số các phương thức chống đỡ. Nào là xem nhà xem đất, mời thày phong thủy, xây mộ tổ, trang hoàng nhà thờ họ. Vẫn chưa an tâm, họ cần đến những thế lực khác nữa. Những thế lực phải nằm ngoài sự hiểu biết hạn hẹp xưa nay của họ, nhưng lại đáp ứng được sự giải tỏa về nỗi sợ và đem lại sự an lành trong tâm hồn. Nói như ngôn ngữ phổ thông, những người này từ “duy vật” () mà tìm đến “duy tâm” (). Nhưng cái sự đời không nên quá rạch ròi duy nọ duy kia. Quan trọng là lấy lại được thăng bằng cho tâm hồn và cứu cánh cho thân phận. Quả thực những lễ nghi cầu cúng trên kia đã phần nào cứu vớt được cơ số những người như vậy. Và xét về mặt chức năng, chúng lại trùng khít với BIỂU TƯỢNG, như Jean Chevalier và Alain Gheerbrant từng bàn luận: Biểu tượng “khiến đứa trẻ và con người cảm thấy mình không phải là sinh linh đơn độc và lạc loài trong cái tập hợp rộng lớn xung quanh”[1] hay “Biểu tượng diễn đạt một thực tại đáp ứng nhiều nhu cầu về nhận thức, về tình yêu thương và về sự bình an.” Trên thực tế, lễ hội (gồm lễ và hội) đều được liệt vào bảng phân loại biểu tượng của các nhà nghiên cứu[2]. Và mươi năm trở lại đây, nhân học biểu tượng đã trở thành ngành nghiên cứu nóng nhất ở khắp nơi trên thế giới.

1.Thời của biểu tượng

Có cảm tưởng rằng, con người càng mông muội càng hoang sơ thì lại càng có nhiều nỗi sợ. Con người càng ít biết đến khoa học thì lại càng có nhiều niềm tin hơn. Những niềm tin được dựng lên để khỏa lấp đi những nỗi sợ hãi. Và để có niềm tin con người phải phát huy hết trí tưởng tượng của mình về thế giới này. Tưởng tượng sinh ra các huyền thoại, nào là Cha Rồng Mẹ Tiên, bánh chưng là đất bánh dày là trời. Tưởng tượng sinh ra ngôn ngữ văn tự, người Việt gọi nhau là “đồng bào” là vì thế. Tưởng tượng dẫn dắt con người đến khoa học; biết đúc đồng luyện kim, con người tạo ra những mô hình thế giới theo các vòng tròn đồng tâm trên mặt trống đồng, coi đó là biểu tượng để kết nối với thần linh (tính thông linh), để tập hợp cộng đồng và biểu trưng sự giàu có thịnh vượng…

Đặt hết niềm tin vào sự tưởng tượng của mình về thế giới này, con người đã đi đến tín ngưỡng lúc nào không hay. Ở Việt Nam, tín ngưỡng ban đầu là thờ các nhiên thần. Mỗi một thần là một biểu tượng về thế giới, phản ánh vũ trụ quan của người Việt. Đá không còn là vật vô tri vô giác mà được gọi là linh thạch. Mây mưa sấm chớp được thần hóa thành các tín ngưỡng của văn hóa nông nghiệp. Và nhất là sau khi tiếp xúc với Phật giáo, hệ thống tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Điện, Pháp Vũ, Pháp Lôi) được đưa vào thờ trong chùa với tư cách là các vị Phật. Những niềm tin đã được cộng hưởng và hòa kết thành các biểu tượng đa chiều.

Mẫu Thượng Ngàn
Nhưng có lẽ biểu tượng gắn bó và xuyên suốt hơn cả đối với người Việt đó là biểu tượng MẸ. Thời mẫu hệ, mẹ là biểu tượng của sức mạnh, là biểu tượng của sự bảo vệ. Mẹ (Thần Mẫu) được khắc trên chuôi dao, tiếp sức cho các chiến binh Đông Sơn. Mẹ là biểu tượng của sự sinh thành con người. Theo truyền thuyết, mẹ luôn gắn liền với các biểu tượng khác nhau; đất mẹ, quả bầu mẹ là những biểu tượng mẹ-người sinh thành; Mẹ Lúa là biểu tượng cho người mẹ nuôi dưỡng. Mẫu Thoải (Mẹ Nước), Mẫu Thượng Ngàn (Mẹ Rừng)…là biểu tượng của bà mẹ chở che, phù hộ. Tư duy về mẹ mạnh đến nỗi người Việt đã “mẫu hóa” một số vị Phật. Tứ pháp quyền năng như thế vẫn mang dáng dấp của người phụ nữ. Quan Âm ở Ấn Độ vốn là nam, nhưng vào đến mảnh đất này bỗng hóa thành Phật Bà. Rồi Quan Âm nghìn tay nghìn mắt nhìn thấu khắp nỗi khổ của chúng sinh và tế độ muôn loài, hay Quan Âm Tống Tử ôm con trong lòng đau đáu và bất diệt, đó là những biểu tượng sâu sắc nhất trong lòng người Việt. Ở mảnh đất này, chỉ có mẹ mới là người xoa dịu và chở che. Thế nhưng, đây cũng là mảnh đất quá ư khắc nghiệt, đến cả nắng mưa cũng hùa vào với việc xóa nhòa đi tất cả…

2.Cái chết của biểu tượng
Có lẽ trên thế giới, chỉ có mỗi văn tự duy nhất trở thành biểu tượng, đó là hệ thống chữ khối vuông thuộc loại hình chữ Hán. Chữ không chỉ là công cụ giao tế xã hội mà còn là phương pháp để kết nối giữa con người với thần thánh, để thông linh giữa hai cõi âm – dương. Chữ được dùng để thờ và tán dương Phật pháp. Nhìn chữ để đoán ra người. Xem thư pháp là xem cái “khí phách của cả một đời người” (chữ của Nguyễn Tuân). Ở Việt Nam, chữ Hán đã được dùng từ đầu công nguyên. Với hào khí thời đại kiến lập quốc gia, những trí thức của triều Lý triều Trần đã sáng tạo ra chữ Nôm, dùng để ghi lại tiếng Việt. Thư tịch Hán Nôm hiện còn có thể coi là gần như toàn bộ di sản văn hiến truyền thống còn lại đến nay trong suốt 4000 năm lịch sử.
Câu đối đình làng Mai Động (1966)
Ảnh: Nguyễn Bá Khỏan


Năm 1919, dưới sự cưỡng ép của chính quyền bảo hộ thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã xuống chiếu bãi bỏ chế độ thi cử bằng Hán văn. Năm 1945, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức công nhận chữ quốc ngữ (thứ văn tự Latin do các cha đạo Thiên chúa giáo sáng tạo ra) là văn tự quốc gia duy nhất. Kể từ thời điểm này, chữ Hán và chữ Nôm trở thành những thứ văn tự chết. Cũng từ đây, người Việt trở nên bất lực trước di sản thư tịch và văn hiến của cha ông. Theo đó, các biểu tượng văn hóa cũng bị phủ bụi thời gian, và dần trở thành những BIỂU TƯỢNG CHẾT. Nhiều đình chùa bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại phế tích. Tất cả những gì thuộc về phong kiến đều bị coi là cổ hủ, lạc hậu phản động và bị giũ bỏ.
Còn nhớ một chuyện phá chùa vào thập kỷ 70 thế kỷ trước. Các cấu kiện gỗ được dỡ ra làm trường học. Tượng Phật bị hạ bệ, xích lại với nhau bằng thừng. Người ta giải tượng ra cánh đồng như giải tù binh, hăng hái đào hố, hố chôn tập thể. Kết thúc loạt đạn, không một ai chết, không một tiếng khóc. Mọi người đều phấn khởi và hoan hỉ.

Đình chùa bị phá. Rồng phượng nằm nghe mối mọt. Bia đá bị nung vôi. Lễ hội dập dìu với biết bao biểu tượng là thế đến đây cũng nhạt khói hương. Phong tục tập quán dần biến mất khỏi trí nhớ của cả cộng đồng. Đất chẳng giữ được lề, quê không quen thói cũ. Không gian sinh hoạt cộng đồng làng xã đã và đang biến mất. Hàng loạt các hệ thống biểu tượng không còn nơi trú ngụ.

Cứ sắp đến kỳ thi cử là học sinh các nơi lại đổ về Văn Miếu
Hay như Văn Miếu Quốc Tử Giám, ngày nay
 được coi như là biểu tượng của truyền thống hiếu học trên mảnh đất nghìn năm văn hiến. Nhưng lạ thay, nó được “hiện đại hóa” bằng một danh từ quá ư lạ lẫm “trường đại học đầu tiên của Việt Nam”. Học sinh vào Văn Miếu coi việc sờ đầu rùa như một hành vi lấy hên theo kiểu tư duy “học tài thi phận”, “may hơn khôn”. Thắp hương lạy Khổng Tử hay Chu Văn An cũng chỉ xuất phát từ cái lòng cầu lợi. Người ta nhét tiền vào tay Tứ Phối để mong chộp giật được ít niềm tin. Mấy ai biết được các biểu tượng của người xưa vẫn còn đó. Này là Thiên Quang tỉnh, này là Bích Ung, này là cửa Bí, cửa Súc, này là cửa Đại Thành,… Tất cả không những đã trở thành BIỂU TƯỢNG CHẾT mà đang biến mất khỏi trí nhớ của người bản địa.

Có người nói “cưỡng lại các biểu tượng là tự cắt què đi một phần của chính mình, làm nghèo đi toàn bộ tự nhiên; và dưới cái cơ chế là hiện thực chủ nghĩa, chạy chốn lời gọi mời xác thực nhất vào một cuộc sống hoàn chỉnh. Một thế giới không có biểu tượng thì sẽ ngạt thở: nó sẽ tức thì giết chết đời sống tinh thần của con người”. Cũng nói “thời đại không có biểu tượng là thời đại chết; xã hội thiếu biểu tượng là xã hội chết. Một nền văn minh không còn có biểu tượng thì sẽ chết, nó chỉ còn thuộc về lịch sử”[3]. Thế kỷ XX đã qua, người Việt đã bước đầu xây cho mình những biểu tượng mới… Có những biểu tượng cũ đang được phục hồi. Thế kỷ XXI còn rất dài, kinh tế và khoa học kỹ thuật sẽ còn phát triển. Con người càng cô đơn hơn. Có lẽ, chính vào lúc này, biểu tượng sẽ là một trong những phương thuốc hữu hiệu nhất để con người tìm lại mảnh đất an lạc trong tâm hồn?Trần Trọng Dương
* Đã in trong Tạp chí Tinh Hoa (The Magazine of Elites’ Life),                                                                                            chuyên đề “Biểu tượng Việt Nam”, số 01/2009, tr.32-35
[1] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.1997. Từ điển biểu tượng văn hóa thế thế giới. Nxb Đà Nẵng. tr.XXXII.
[2] Dương Ngọc Dũng. 2003. Lễ hội nhìn từ quan điểm văn hóa học và bối cảnh văn hóa Đông Phương. Trong “Triết giáo Đông phương”. Nxb. Đại học Quốc Gia Tp Hồ Chí Minh. Tr131-196.
[3] Jean Chevalier và Alain Gheerbrant.1997.sdd. tr.XXXIII.

*Bài viết do Thạc sĩ Trần Trọng Dương gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét