Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

TÂY TẠNG - LHASA - ĐẠI CHIÊU TỰ - I


Ở độ cao trung bình 3500m, thủ phủ Lhasa quả không phải là nơi để khách phương xa dễ dàng thích nghi, chưa kể thời tiết tháng 6 là nóng nhất trong năm (~ 23 độ C ngoài trời), chưa đến 7h sáng mà ánh nắng đã chan hoà trên những rặng núi cao và lan dần vào thành phố.

Ấn tượng đầu tiên khi đi dạo phố ở Lhasa là người dân ở đây dậy rất sớm, có lẽ bởi mặt trời ló dạng đằng Đông sớm hơn các vùng khác. Trên đường phố ở đâu cũng bắt gặp đoàn người hành hương và người bản xứ đang cùng song hành hướng về một phía – chắc bạn đọc cũng đoán ra – quảng trường Potala. Không khí ban mai của thủ đô trong lành, mát mẻ, có phần se se lạnh. Trời tuy nắng nhưng gần như không thấy ai mặc áo ngắn tay. Lòng vòng trong những con đường tắm nắng, ngắm nghía những ngôi nhà, góc phố, cùng người dân Tạng, du khách có thể thoải mái chụp ảnh!

Một vài hình ảnh về buổi sáng thường nhật nơi đây:
Nét cũ mới chen nhau ở Lhasa chắc không còn xa lạ gì trong những thập kỷ gần đây. Những khung cửa sổ trang trí mandala nhiều tuổi kế cận với những ngôi nhà người Hán mới xây càng minh chứng rõ ràng hơn cho cuộc sống đa sắc tộc trong lòng Lhasa:
Chúng tôi vào thăm một tự viện nhỏ nằm kín đáo bên trong các ngõ hẻm của khu chợ Bakhor, vì tự viện không cho chụp ảnh nên chỉ có vài hình ảnh phía ngoài chia sẻ cùng bạn đọc:
Sáu chiếc kinh luân (pháp khí của Mật tông) ứng với Lục Tự Đại Minh Chú – Om Mani Padme Hum:
Người Tạng mua những túi cây khô như thế này để đốt, khói trắng từ stupa lan toả trên nền trời xanh thẳm:
Nụ cười người Tạng: tay phải là chiếc chuyển kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ (nhìn từ trên xuống), tay trái là bọc tiền lẻ Nhân Dân Tệ. Tôi mất 1 RMB để chụp được bức ảnh này, tuy nhiên không nên lấy đó làm lạ, cũng chẳng hoài công xét đoán làm gì! Có chăng lại nhớ câu chuyện 2 vị tôn giả A Nan, Ca Diếp xưa cũng từng đòi Đường Tăng phải đổi bát tộ vàng thì mới trao cho Kinh pháp; nhìn theo góc độ học đạo thì đạo pháp không thể truyền thụ dễ dàng cho nên kẻ muốn thọ giáo phải đánh đổi. Có thực mới vực được đạo, cái sự tưởng chừng như đơn giản mà khó lãnh hội biết bao! Câu chuyện cũ lướt qua trong tôi giây lát, rồi lại về với thực tại phố phường Bakhor:
Rời tự viện, chúng tôi rảo bước trên con đường dẫn đến Đại Chiêu Tự. Trong tiếng Tạng, Bakhor Square có nghĩa là Bát Giác Nhai, nơi đây lấy Jokhang Temple làm tâm điểm, là nơi nhộn nhịp thứ nhì trong trung tâm Lhasa, chỉ sau quảng trường Potala. Đường đến Jokhang đầy nắng và gió, hai bên đường là các quầy hàng bán đồ lưu niệm Tây Tạng sặc sỡ sắc màu:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét