Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

TẾT NGUYÊN ĐÁN - PHẦN VI

2 - "Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè"
Nước ta nông nghiệp là chính nên đầu năm chưa bận mùa màng, dân chúng thường tổ chức hội hè mừng Xuân suốt tháng giêng, qua tháng hai, tháng ba, có khi kéo đến tận tháng tư như làng Phù-đổng, huyện Tiên-du, tỉnh Bắc-ninh. Suốt tháng giêng, đi đâu cũng nghe tiếng trống thùng thình, thấy cờ bay phấp phới.
Trong dịp Xuân, người ta tổ chức các trò chơi bách hí : thi đua, treo giải thưởng. Có những trò cổ truyền như đánh đu, leo cột mỡ, múa rối, cờ bỏi, cờ người... Lại có những trò riêng từng địa phương như hát quan họ, chơi kéo co, đánh phết... cả trăm trò khác nhau. Xin kể hai trò : đánh phết và đánh cờ người.
a - Ðánh Phết. Ðánh phết là một trò chơi đông người, chia làm hai phe. Chơi trên một khu đất rộng, gọi là sân phết. Sân chia làm hai phần, ở phía cuối mỗi phần vẽ một cái vòng tròn hoặc đào một cái hố. Người bên này dồn phết về phía bên kia, bao giờ quả phết lăn vào vòng tròn hay rơi xuống hố phe kia là thắng.
Quả phết làm bằng gỗ, to bằng cái bong bóng trâu thổi phồng. Gậy bằng gốc tre đực, đào cả củ, cắt bỏ cành rễ, dài độ một sải tay rưỡi, uốn cong khoằm khoằm.
Người chơi phải có sức mạnh mang nổi cây gậy phang vào quả phết bằng cái đầu có củ tre. Quả phết lăn đi, cũng có khi bị móc kéo đi. Lại phải nhanh nhẹn để tránh những đòn phang lầm rất mạnh.
Tương truyền, khi xưa hai bà Trưng huấn luyện nữ binh đã khuyến khích tinh thần chiến đấu và tình đoàn kết đồng đội bằng cách cho chơi phết. Mỗi khi chơi, Hai Bà thường ngự lãm và treo giải thưởng. Ðể ghi nhớ thời kỳ oanh liệt của Hai Bà, những làng có thờ các vị danh tướng của Hai Bà đều giữ tục đánh phết. Chẳng hạn, ngày 13 tháng giêng, dân làng Song-quan cúng tế Ðông cung Nữ tướng quân Thiều-Hoa, người đã lĩnh ấn tiên phong, đánh đuổi Tô-Ðịnh. Dẹp giặc xong, Thiều-Hoa không nhận phong thưởng, xin về quê, Trưng vương cho xã Song-quan làm thực ấp. Hàng năm, cúng tế xong bao giờ cũng mở hội cho trai gái tập trận giả rồi đánh phết. Ngày xưa, chơi phết toàn đàn bà, sau này có nơi trai làng giả nữ binh.
Có những làng không thờ danh tướng của Hai Bà cũng giữ tục này. Ðây là một trò chơi ồ ạt, đông người cười nói rầm rĩ. Từ ngữ Vui ra phết do đó mà ra (28).
b - Ðánh cờ người - Nếu đánh phết phải dùng sức mạnh thì đánh cờ phải đấu trí tuệ nhiều hơn. Khác với cờ bỏi mà quân là những cái biển mang tên, cắm ở vị trí quân cờ, quân của cờ người là người thực sự. Sau đây, tôi sơ lược lời của một tiền bối từng chứng kiến nhiều cuộc đấu cờ khoảng cuối thập niên 20, ở làng Ðại-yên, sát Ngọc-hà, vùng Hồ Tây, Hà-nội.
a - Bàn cờ là sân đình, có làm một cái rạp mái lợp cót để che mưa nắng, bốn phía để trống. Bàn cờ không có vạch, chia từng ô, mỗi góc ô có cái lỗ để cắm biển. (Cũng có nơi dùng vôi trắng kẻ vạch, hay vạch sâu xuống đất).
b - Giải vũ. Bên phải và bên trái của Ðình trung (nơi thờ Thành-hoàng) có hai dẫy giải vũ bằng gạch lợp ngói. Ngày thường là chỗ cất lọng, kiệu, đồ thờ, ngày làng vào đám dùng làm nơi cỗ bàn, ngày đấu cờ một giải vũ dành cho Tướng Ông, một dành cho Tướng Bà và các quân cờ sau khi bị loại ngồi nghỉ. Giải vũcó ba gian, trang hoàng, trần thiết như nhà riêng : vách treo y môn và trướng, giữa kê sập gụ trải chiếu hoa cạp điều, nệm nhiễu, gối xếp, sát tường bầy tủ chè, hai bên là tràng kỷ, án thư, có cả trầu nước để tiếp khách. Gian giữa, chỗ Tướng ngồi, thì treo mành.
c - Tế cờ. Suốt thời gian 10, 15 ngày từ khi mở hội cho tới khi rã đám, sáng nào cũng có tục tế cờ trước khi ra quân. Mỗi sáng, sau khi ăn cỗ linh đình tại nhà Tướng cờ, cả đoàn trang điểm rồi kéo nhau ra đình làm lễ tế Thành-hoàng, gọi là Tế cờ. Bên nam tế trước, nữ tế sau. Ðứng đầu là Tướng, quân sắp hàng ba đứng sau, đi đến trước bàn thờ Ðình. Có người điều khiển cuộc tế theo nhịp bát âm, tiến, lui, quỳ, bái, dâng rượu, hoa, nhang. Lúc tế có đốt pháo. Tế rồi ra sân, ai vào vị trí nấy, theo sự cắt đặt từ trước của Tướng cờ. Xong xuôi, Tướng cờ lui vào trong giải vũ, chỗ Tướng ngồi ở bàn cờ ngoài sân chỉ có cái biển. Ai tò mò muốn xem mặt Tướng -đặc biệt là các chàng trai Hà-thành muốn xem mặt Tướng Bà- có thể đến cửa giải vũ, chỗ treo mành, ngó vào.
d - Tướng cờ. Người được chọn làm Tướng là một vinh dự nhưng phải đăng cai, chịu tốn kém, đài thọ quân cờ ngày nào cũng cỗ bàn, ăn uống, người phục dịch, lại phải may sắm quần áo cho quân.
Bà Tướng mặc áo hồng, khăn vành giây vàng, đi giầy cườm hay vân hài bọc đoạn mầu, thêu rồng phượng, hoa lá, chỉ vàng chỉ bạc, ngồi trên sập trong giải vũ trông ra sân, trước sập có treo mành.
e - Quân cờ. Quân là những thanh niên nam nữ do làng cắt cử, nhưng cũng có người tự nguyện. Thường thì người ta chọn thừa 4, 5 người để quân cờ có thể thay phiên nhau cho đỡ mệt vì phải ngồi trên ghế đẩu ở ngoài sân có khi cả 4, 5 tiếng. Quân cờ sợ nhất phải ngồi dai, bị điều khiển nhiều lần. Vất vả là những quân xe, pháo, mã, người ta thích làm quân tốt ba, dễ được giải ngũ sớm. Mỗi quân cầm một cái biển sơn son, chữ vàng, có cán dài độ một thước rưỡi tây, cắm xuống cái lỗ của vị trí mình
Các quân nữ vấn khăn nhung, áo mầu, có nơi thêu tên quân cờ ở giữa ngực và sau lưng.
Quân nam mặc áo the hoặc áo tấc xanh, quần trắng ống sớ, thắt giây lưng điều, chân đi giầy Gia-định.

f - Người đấu cờ. Người đấu phải qua một lần khảo sát, đấu với người cầm trịch trên bàn cờ gỗ xem có "sạch nước cản" không, nghĩa là không đi quân lầm lỗi. Ðược chấm đậu mới rút thăm đấu vòng loại : đấu giải nhất thắng, rồi nhị thắng, tam thắng, tứ thắng, cứ loại dần cho tới khi chỉ còn hai người vào chung kết.
Mỗi người đấu có cây cờ lệnh (kiểu cờ đuôi nheo, hình tam giác, viền răng cưa) khi muốn đi nước nào thì lấy cờ phất một cái trên đầu quân cờ rồi tự tay cầm biển cờ cắm vào chỗ muốn đi, quân cờ sách ghế đi theo, ngồi xuống vị trí mới.
Người đấu phải quyết định tương đối nhanh, nghĩ nước lâu quá thì có người cầm trống khẩu kê bên mang tai mà gõ liên hồi để giục khiến cho tâm trí càng thêm rối loạn.
Cuộc đấu mà kéo dài đến đêm thì người ta đốt đèn đất (đèn khí đá, hydrocarbure) để tiếp tục cho đến khi phân thắng bại.
Sau đây tôi xin lược trích một truyện ngắn của Khái Hưng :
Làng Ðông vào đám, mở cuộc đánh cờ người. Khoá Nghị là người giữ giải. Ðã hơn một tuần lễ, ngày nào cũng có người đến đấu nhưng đều bị thua. Hôm ấy là ngày tan đám, lại cũng là ngày phá giải cờ. Trai gái các làng lân cận đến xem rất đông. Người ta đặc biệt chú ý đến 16 cô quân cờ ngồi trên ghế đẩu, từ cô Tướng đến cô Tốt đều xinh đẹp, ăn mặc lịch sự, phấn sáp điểm trang công phu, tóc bôi dầu dừa, vấn khăn nhung, áo cẩm châu sặc sỡ, giầy mũi nhọn...
Hai Phùng, người đến phá giải, nổi tiếng cao cờ khắp mấy tỉnh vùng xuôi, lại cũng là một tay "hào hoa phong nhã" nên vừa hiện diện lập tức gây sôi nổi, bàn tán. Lệ thường, người phá giải được quyền đi trước, còn người giữ giải được chọn bên. Lần này Hai Phùng phá lệ, tình nguyện nhường Khóa Nghị đi trước. Khóa Nghị tưởng Hai Phùng nhường vì muốn tỏ ra mình là tay "hào hiệp" bèn cũng không chịu kém, không những nhường cho Hai Phùng chọn bên, lại nhường luôn cả nước đi trước. Hai Phùng dĩ nhiên chọn bên nữ.
Trống đánh giục mở đầu, Hai Phùng tiến đến bên cô Sĩ, phất cờ đuôi nheo, mời cô đi lên. Khóa Nghị thấy Hai Phùng vào đầu ghểnh sĩ, cho là đối thủ không muốn tranh tiên đi trước, cam bỏ phí nước đầu. Khóa Nghị cũng tỏ ra mình "anh hùng", đấm tốt ba. Mặc cho Khóa Nghị đi nước gì Hai Phùng cũng không để mắt tới, cứ quanh quẩn bên cô Sĩ tán chuyện. Khi bị trống thúc ầm ĩ, không thể nói chuyện được thì Hai Phùng phất cờ mời cô Sĩ lui về chỗ cũ. Mọi người ngơ ngác, Khóa Nghị cho là đối phương khinh chiến, tức mình mở cuộc đại công kích. Nhưng hễ đến phiên Hai Phùng đi, vừa nghe tiếng trống giục là phất cờ mời cô Sĩ tiến lên hoặc lui xuống. Khóa Nghị đã vào pháo đầu mà bên địch còn xuống Sĩ. Khóa Nghị sang tốt đầu, người đánh trống thấy Hai Phùng lâu quá không đi bèn đem trống đến gõ bên tai. Hai Phùng vội giục cô Sĩ lên. Lần này cờ vừa phất, cô Sĩ vừa ngồi xuống thì ông Chánh Hội cười ngặt nghẽo, mời Hai Phùng đi ra.
Năm ấy Khóa Nghị đoạt được giải.
Nhưng Hai Phùng được quả tim cô Sĩ"(29).
Châtenay-Malabry, tháng 11, 1996
(Thế Kỷ 21, số Xuân Ðinh Sửu, tháng 2, 1997)
Sửa lại tháng 6-2001
 
CHÚ THÍCH
[1] - Sử Ký Tư Mã Thiên, tr. 135 - Kinh Dịch, tr. XXIV, 2, 19-20 - Lão Tử Tinh Hoa, tr. 128 - Nho Giáo, I, tr. 177 - Khổng Tử, tr. 137 - Thực lục, IX, tr. 168. [2] - Kinh Lễ, tr. 101-2.
[3] - Trung Quốc Sử Cương, tr. 9, 157, 303.
[4] - Vân Ðài Loại Ngữ, tr. 197.
[5] - Thủy Hử, IV, tr. 1310-11 - Văn Hoè, Trung Bắc Chủ Nhật, số 100.
[6] - Lê Tắc, tr. 46-7, 129
- Ðài Chúng tiên không đặc biệt dành riêng cho Tết, Ðại Việt Sử Lược, tr. 187 và 211 :
Năm 1120, mùa đông, tháng 10, Lý Nhân Tông sai dựng đài Chúng Tiên. Có đua thuyền.
Năm 1162, mùa thu, dựng đài Chúng Tiên, từng trên lợp ngói vàng, từng dưới lợp ngói bạc.
[7] - Minh Mệnh Chính Yếu, II, 153-4 - Thực Lục, IX, tr. 168-9.
[8] - Sử Ký Toàn Thư, III, tr. 98.
[9] - Sử Ký Toàn Thư, III, tr. 150.
[10] - Phan Huy Chú, Lễ Nghi Chí, tr. 149-50.
[11] - S. Baron, tr. 36.
[12] - Phan Huy Chú, tr. 150-1 - Thăng-long, Ðông đô, Hà-nội, tr. 194.
[13] - Phan Huy Chú, tr. 148-9 - Ðỗ Ðoàn Bằng, tr. 183-4.
[14] - Phủ Biên Tạp Lục, tr. 339.
[15] - Ðỗ Quang Chính, tr. 119-20, 128.
[16] - Minh Mệnh Chính Yếu, I, tr. 13, 20 ; III, tr. 43 ; II, tr. 206 - Thực Lục XXII, tr. 354-6.
[17] - Thanh Ðạm, tr.. 275.
[18] - J. Jacnal, tr. 104-5.
[19] - Thực Lục, III, 359.
[20] - Thực Lục, XXVII, tr. 65.
[21] - Thực Lục, VI, 133.
[22] - Thực Lục, IX, tr. 168-70.
[23] - Ðại-Nam Ðiển Lệ, tr. 333 - Tuyển tập Văn Bia Hà-nội, I, tr. 47-8. Bia soạn năm 1820.
[24] - Coutumes et Légendes...
[25] - Thi Nhân Việt-Nam, tr. 80-1.
[26] - Nhà Nho, tr. 151-2.
[27] - Hocquard, tr. 624-5.
[28] - Hội Hè Ðình Ðám, II, tr. 284-5.
[29] - Tiếng Suối Reo, tr. 178-84.
 
 

SÁCH THAM KHẢO
BARON, Samuel : Description du Royaume de Tonquin. Bản dịch của H. Deseille.
CHU THIÊN : Nhà Nho. Hà-nội, 1943 (?) ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.
ÐÀO TRINH NHẤT : "Quyển lịch của Quách Thủ Kính", Trung Bắc Chủ Nhật, số 184, 21/11/1943.
ÐỖ BẰNG ÐOÀN & ÐỔ TRỌNG HUỀ : Những Ðại Lễ và Vũ khúc của Vua Chúa Việt-Nam. Văn Học, 1992.
Й QUANG CHÍNH : Lịch sử chữ quốc ngữ. (1620-59). Saigon : Ra Khơi, 1972 ; Paris : Ðường Mới tái bản, 1985.
GIẢN CHI & NGUYỀN HIẾN LÊ : Sử Ký Tư Mã Thiên. Saigon : Lá Bối, 1970 ; tái bản, 1972 ; tái bản ở Mỹ.
GIANG QUÂN & PHAN TẤT LIÊM : "Lễ thức và Phong tục", Thăng-long, Ðông đô, Hà-nội. Hà-nội : Sở Văn Hóa & Thông Tin, 1991.
JACNAL, Jean : "Mémoires de S.E. Huỳnh Côn dit Ðan Tương. Ancien Ministre des Rites", Revue Indochinoise, No 1-2, Jan.-Fév. 1924.
KHÁI HƯNG : "Lên Sĩ... Xuống Sĩ...", Tiếng Suổi Reo. Tái bản ở Mỹ.
KIÊM THÊM : Tết Việt-Nam. California : Xuân Thu, 1987.
LAN SƠN : "Vết thương lòng", Thi Nhân Việt-Nam. Hà-nội, 1942 ; Hoa Tiên tái bản lần thứ hai ở miền Nam, 1968.
LÊ QUÝ ÐÔN : Phủ Biên Tạp Lục. Dịch giả Mai Ngọc Mai. Hà-nội : KHXH, 1977.
Vân Ðài Loại Ngữ. Dịch giả Tạ Quang Phát. Saigon : Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, 1972, 1973.
LÊ TẮC : An-Nam Chí Lược. Viện Ðại Học Huế, 1961.
NGÔ SĨ LIÊN : Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, I, II. Hà-nội : KHXH, 1967. Cao Huy Giu dịch.
NGUYỀN CÔNG HOAN : Thanh Ðạm. Hà-nội : Ðời Mới, 1943 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.
NGUYỀN DUY CẦN (Thu Giang) : Lão tử Tinh Hoa. Saigon : Khai Trí, 1963.
" " " : Dịch Học Tinh Hoa. Saigon : Khai Trí, 1969 ; Xuân Thu tái bản ở Mỹ.
NGUYỀN ÐỔNG CHI : Nguồn Gốc Sự Vật, I. Paris : Ðông Nam Á, 1986.
NGUYỀN HI�N LÊ : Khổng Tử. California : Văn Nghệ, 1992.
PHAN HUY CHÚ : Lịch Triều Hiến Chương - Lễ Nghi Chí. Hà-nội. Tổ Phiên dịch Viện Sử Học, 1961.
PHAN KẾ BÍNH : Việt-Nam Phong Tục. Sống Mới tái bản ở Mỹ.
PHAN KHOANG (?) : Trung Quốc Sử Cương. Saigon : 1958 ; Ðại Nam tái bản ở Mỹ.
THI NI AM : Thủy Hử, IV. Á Nam Trần Tuấn Khải dịch. Sống Mới, 1978.
TOAN ÁNH : Phong Tục Việt-Nam. Ðại Nam tái bản ở Mỹ.
: Hội Hè Ðình Ðám, II. Nam Chi Tùng Thư, 1974.
TRƯƠNG VĨNH KÝ : Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs. Saigon : Imprimerie coloniale, 1885. Bản dịch của Nguyễn Ðình Dầu, Ký ức về Saigon và các vùng phục cận. Trẻ, 1997.
VĂN HOÈ : "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rầm tháng giêng", Trung Bắc Chủ Nhật, số 100, 1/3/1942.
"Coutumes et Légendes de la Fête du Tết au Việt-nam". Edition spéciale publiée par la Revue Horizon. Saigon. Không đề năm và tên tác giả.
Ðại-Nam Thực Lục. Hà-nội : KHXH, Khoa Học, 1963, 1964, 1967, 1973.
Ðại-Nam Ðiển Lệ. Nguyễn Sĩ Giác dịch. Saigon : Ðại Học Luật Khoa, 1962.
Ðại Việt Sử Lược. Khuyết danh. Dịch giả : Nguyễn Gia Tường. TPHCM, 1993.
Kinh Lễ. Dịch giả Nguyễn Tôn Nhan. Văn Học, 1999.
Minh-Mệnh Chính Yếu, I, II, IV. Huế : Thuận Hóa, 1994.
Tuyển tập Văn Bia Hà-nội, tập I. Hà-nội : KHXH, 1978.
                                                                                              
                                                                                                     Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét