Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

PHẬT ẤN

VÀI ẤN QUYẾT THÔNG THƯỜNG 
TRONG HÌNH TƯỢNG PHẬT GIÁO Bài và ảnh Võ Quang Yến
Đóa hoa lòng kính dâng đấng Từ Thân
Mùa Phật Đản muôn vạn lần như một. Tôn Nữ Hỷ Khương
Trong nhiều thế kỷ, nghệ thuật Phật giáo không trình bày đức Phật qua hình dáng con người mà biểu thị Ngài qua hình thức một chiếc lọng, một cái ngôi, một vết chân hay con ngựa của Ngài. Qua đầu Công nguyên, phong cách Hy-Ấn Gandhara và những trường phái điêu khắc Ấn Độ cùng lúc thực hiện những hình tượng Ngài cũng như những vị Bồ Tát qua nhiều bộ điệu khác nhau với những cử chỉ được xếp thành quy tắc. Những mudra mà người Tàu gọi là yin, người Nhật in-zô, ta dùng chữ ấn, thủ ấn, hay thành ngữ ấn quyết, tiêu biểu cho quyền lực và hiện hình thần thánh. Thật ra, những cử chỉ nầy đã có từ trước vừa trong tranh ảnh Ấn giáo, vừa trong kỹ thuật du già hay yoga, được xem như là một phương pháp giải thoát, nghĩa là chúng không thuộc về một tôn giáo nào. Người ta thường gặp chúng trong những tranh vẽ, những hình tượng điêu khắc cũng như trong những cuộc hành lễ tinh thần, thờ cúng, nghi lễ, định tâm. Được những giáo sĩ thời kỳ vệ đà sử dụng trong lúc tụng niệm những bài kinh thiêng, những cử chỉ nầy đã phát triển, biến dạng rất nhiều trong Phật giáo bí truyền Nhật Bản. Đối với nhiều người, các kiểu đứng, ngồi, bắt tay, xếp chân của các tuợng Phật, các vị BồTát, La Hán đều là ấn. Trong nghi lể Mật giáo Ấn Độ, những hình vẽ bằng đầu ngón tay, ta gọi là bắt ấn, có công năng thần diệu, giúp phần định tâm, còn gọi sự hỗ trợ của chư Phật, Bồ Tát. Trong nghệ thuật nhảy múa Ấn Độ, những cử chỉ nầy được khai thác thành "ngôn ngữ tượng trưng", một ngôn ngữ những dấu hiệu thực hiện chẳng hạn trong kỹ thuật tường kể một sự tích, nay được truyền bá ra mọi nơi. Cũng dễ hiểu khi biết Ấn Độ là một nước có một cuộc tiến hóa tinh thần lâu ngày, một khả năng dồi dào sáng tạo, phối hợp, xuất cảng những giáo huấn đạo lý, những phương thức tín ngưỡng và những biểu thức các tín ngưỡng ấy. Những người thực hành yoga (gọi là yogin) thường hay dùng vị trí những ngón tay để kèm theo hay để động viên sự tập luyện định tâm của mình. Ngày nay những mudra gọi là định tâm trong các tranh vẽ hay hình tượng Phật giáo cũng như Ấn giáo chỉ rõ yoga đã có ảnh hưởng nhiều lên những biểu tượng nầy. Những bài tụng ca vệ đà luôn còn được kèm theo những động tác ngón tay vô cùng phức tạp nhưng rất chính xác. Ấn quyết có thể xem như là quyền lực ban cấp cho bàn tay để gắn chặt tác động nghi lễ.
 
Phật Đường Khuông Việt
Orsay (miền nam Paris)
Mudra thường được ghép đôi với mantra, một thể thức cầu khấn. Trong khuôn khổ một nghi lễ, người giáo sĩ vừa đọc một mantra vừa xác định một vị trí cho bàn tay, vị trí có thể thay đổi tùy theo chữ, theo câu hay âm vang của giọng đọc. Từ thuở vệ đà, không phải ai cũng có quyền sử dụng mudra và không phải ở đâu cũng thực hiện mudra đuợc. Mudra như vậy đã xác minh giáo sĩ là người có quyền hạn nắm giữ kiến thức và quyền hành. Quyền hành chứa đựng trong mantra rất nguy hiểm trong tay những người chưa thành thạo vì mọi sai lầm trong việc sử dụng sẽ làm rối loạn trật tự thế giới, phá hại mùa màng, khởi động thiên tai, đói khổ, chiến tranh. Ta hiểu vì sao những chức vụ đạo giáo thường được dành cho một giới tinh hoa và ở Ấn Độ, những giáo sĩ Bà La Môn luôn kiếm cách giữ độc quyền. Rút cuộc, cuộc hỗn hợp mudra va mantra bao hàm một đặc tính thần diệu mà việc sử dụng có tính chất mã hóa chỉ dành cho những giáo sĩ, dân chúng có quyền hưởng thụ mà không cần thấu hiểu ý nghĩa sâu xa. Mudra còn quan trọng hơn khi thấy nó có liên quan đến y khoa, gắn liền với sức sống. Trong môn yoga, nếu mudra được xem là chỉ định cả những tư thế thân thể, tập luyện hô hấp hay, nói chung, tất cả những vận động vận dụng mọi phần tử của cơ thể, như vậy vị trí của tay chỉ là một phần nhỏ. Tuy nhiên có trường phái tin bàn tay là một vùng phản xạ tương đương với một phần cơ thể và óc não, như vậy bàn tay là tấm gương của cơ thể và tâm thần. Đi xa hơn, mudra ngón tay liên hệ với một tư thế thì lại còn tăng cường hiệu lực.
Trong nghệ thuật Phật giáo, mudra trước tiên được dùng để tỏ rõ những cử chỉ của đức Phật. Nó được xem như là một từ vựng tượng trưng, dễ hiểu cho dân chúng nhưng phù hợp với những quy tắc đã được công nhận. Nó thay thế những văn bản không thông dụng trong đại chúng, không phải ai cũng có và đọc được. Cốt yếu nhất là nó biểu đạt một khái niệm tôn giáo. Thật vậy mỗi một lời nói, mỗi một cử chỉ của đức Phật là một chỉ đạo tinh thần, vạch ra một quan hệ giữa con người. Khi sử dụng mudra trong các cuôc tập luyện tinh thần định tâm hay tập trung, các tu sĩ mong ước sáng tạo những hoạt lực đồng thời kêu gọi thần linh. Vì vậy họ thường dùng mudra trong sự thực hành nghi lễ thờ phụng, khẩn cầu. Khi gần đến chính giác muốn đạt, những jogin thường có một vị trí chính xác các bàn tay. Ngược lại, nhìn vị trí bàn tay, người ta có thể suy đoán trạng thái của người jogin. Theo người Nhật trong trường phái shingon, có tiếng là sử dụng nhiều mudra và dưới nhiều thể dạng, không phải bàn tay gợi lên thái độ của đức Phật mà chính đức Phật đã được tượng trưng ngay trong bàn tay. Trình bày riêng biệt, mỗi mudra nhắc lại một lúc nào đó trong đời đức Phật hay chứng nhận một khái niệm đạo giáo. Trình bày trên hình tượng đức Phật hay một vị Bồ Tát, mudra chỉ định bản sắc, phẩm chất, quyền lực của nhân vật. Ngoại trừ Hiệp chưởng ấn Anjali-mudra khi cầu nguyện, những trường phái phương Nam thường sử dụng rất giới hạn vài ấn quyết như Thiền ấn Dhyana (hay Samadhi)-mudra, Địa xúc ấn Bhumisparsha-mudra, Chuyển pháp luân ấn Dharmacakra-mudra, Vô úy ấn Abhaya-mudra, Thí nguyện ấn Varada-mudra, Giáo hóa ấn Vitarka-mudra trong hình tượng đức Phật. Những trường phái phương Bắc trái lại, ngoài những ấn quyết Ấn Độ, phát triển rộng rãi những mudra trong các giáo phái Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Quốc. Sau đây chỉ xin bàn đến vài ấn quyết thông thường, mỗi ấn quyết hai ảnh, một Việt Nam, một nước ngoài phần lớn chụp ở viện Bảo tàng Guimet.
 

Giáo hóa
ấn
Chuyển pháp
luân
Thí nguyện
ấn
Vô úy
ấn
Địa xúc
ấn


   Hính trích Dictionnaire encyclopédique du Bouddhisme
Thiền ấn

 Khi đức Phật tập trung tư tưởng đi đến Giác ngộ, Ngài ngồi xếp bằng Padmasana, hai tay đặt trước bụng, ngón tay duỗi thẳng, những ngón tay trái đặt trên những ngón tay mặt, hai ngón cái chạm nhau, gan bàn tay ngửa lên trên, có khi bắt chéo thành góc 45 độ, là một mudra rất thông dụng ở Đông Nam Á, được gọi là Thiền ấn Dhyana-mudra (hay Samadhi-mudra), có thể bắt nguồn từ trường phái nghệ thuật Gandhara hay từ triều Ngụy bên Trung Quốc. Trong mudra nầy, hai ngón cái có thể tách rời các ngón khác để chạm vào nhau làm thành một hình tam giác thần bí, biểu tưởng Tam Bảo Phật Pháp Tăng hay, theo nhiều môn phái bí truyền, ngọn lửa thần bí thiêu hủy mọi ô nhiễm. Được đặc biệt sử dụng trong hình tượng đức A Di Đà, ấn quyết nầy cũng được dùng trong hình tượng Bhaishajyaguru tức đức Dược sư Phật. Ở bên Nhật nó mang tên Yakushi Nyorai và người ta đặt thêm trên hai tay một cái chén. Không có ở Ấn Độ, ít ở Trung Quốc nhưng rất nhiều ở Nhật Bản là một cách trình bày Thiền ấn khác : hai tay rời khỏi thân, dang thẳng đứng lên ngang ngực, hai ngón cái có thể dính với hai ngón chỉ (vị trí cao Jobon), hai ngón giữa (vị trí vừa Chubon) hay hai ngón nhẫn (vị trí thấp Gebon). Mudra nầy dành cho đức A Di Đà Amitabha, bên Nhật Bản mang tên Amida Jô-in, trình bày định tâm, giáo huấn, đón tiếp vào cõi Tây phương Cực lạc. Theo truyền thống, Thiền ấn là mudra của đức Phật khi ngồi nhập định dưới gốc cây bồ đề, say sưa trong cuộc thiền định sâu đậm để cố tìm nguồn gốc sự đau khổ trên đời và phương cách chấm dứt : đây là tư thế của những yogin trước kia, khi thực hành một thăng bằng hoàn hảo giữa suy nghĩ, bình tâm, thư thái trong những tác động tập trung tư tưởng.
 
Chùa Bút Tháp - Hà Bắc
Bayon - Cao Mên (Vbt Guimet)
Thiền ấn
Dưới gốc cây bồ đề, đức Phật quyết ngồi cho đến lúc tìm ra được phương cách hủy bỏ mọi đau đớn trên đời nầy nên khi đạt đến đích, Ngài viện đất làm chứng những công đức mà Ngài đã tích lũy từ nhiều tiền thân. Địa xúc ấn Bhumisparsha-mudra, biểu tượng một lòng tin và một giải quyết không lay chuyển được, là điển hình những biểu thị đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đức Bất động Phật Akshobhya. Ngài ngồi xếp bằng Padmasana, tay mặt đặt trên đầu gối mặt, đầu những ngón tay duỗi ra đụng đất, có khi chỉ ngón chỉ, tay trái đặt trên đùi trái, gan bàn tay hướng lên trên. Có nhiều hình tượng bên Nhật Bản trình bày bàn tay mặt đặt lên mặt đất, gan tay hướng xuống dưới và được gọi Anzan-in tức là bình định núi non, hay Anchin-in nghĩa là bình định trái đất. Người ta thường giải thích đức Phật lấy tính kiên quyết để viện đất làm chứng. Cũng có thể hiểu khi được thỉnh cầu, đất đã gởi một đạo quân thiên thần để diệt trừ những quỷ sứ của Mara, vậy thì đây là một mudra chinh phục quỉ sứ. Trong vài hình tượng bí truyền, đức Vô Động Phật Akshobhya đụng đất với tay mặt nhưng tay trái vắt một vạt áo lên ngang ngực. Ở Hàn Quốc vì ngộ nhận nên cũng thấy có trình bày đức A Di Đà Amitabha với mudra nầy. Không có ảnh Việt Nam vì tôi không tìm thấy.
 
Ayuthaya - Thái Lan
Mandalay - Miến Điện (Vbt Guimet)
Địa xúc ấn
Khi Ngài đưa hai tay lên ngang ngực, gan tay trái hướng ra trước, gan tay mặt hướng lên trên, những ngón tay xòe ra gần đụng tay kia, đấy là lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp trong Chuyển pháp luân ấn Dharmacakra-mudra. Ấn quyết nầy nhiều nơi được thay đổi ít nhiều. Ở Ajanta bên Ấn Độ, hai tay xa hẵn nhau và các ngón không đụng nhau. Trong phong cách Gandhara, tay mặt nắm thành quả đấm trùm lên toàn bộ các ngón tay trái. Trong các tranh tường ở chùa Horyu-ji bên Nhật Bản, tay mặt được đặt lên trên tay trái. Còn có một dị bản nữa, hiếm hơn, là hai gan tay hướng ra ngoài, những ngón tay quấn vào nhau, đụng nhau ở đốt cuối. Khi thể hiện mudra gọi là mặt trời nầy, đức Phật được xem như đức Chuyển Luân Vương Chakravartin, chúa tể một thế lực toàn năng, đang quay bánh xe mặt trời, vận dụng giáo huấn trong sáng làm tiêu tan mọi bóng tối của ngu muội. Hai tay của Ngài làm thành hai vòng tròn thần bí, tiêu biểu cho hai bánh một chiếc xe. Hai ngón tay cái hợp lại với nhau là trục xe chống đỡ hai bánh xe tượng trưng hai mặt cốt yếu vật chất và tinh thần luôn luôn bền chặt liên kết và vĩnh viễn chuyển động. Nói cho đúng, trong những sách xưa bên Ấn Độ, bánh xe và hoa sen đã được dùng để trình bày bản thân đức Phật. Hoa sen được xem như một bánh xe mà tám cánh thể hiện Bát Chính Đạo. Đối với người Phật tử, Chuyển pháp luân ấn còn là một thời điểm rất quan trọng trong đời sống đức Phật, lúc Ngài thuyết pháp lần đầu tiên trong vườn những linh dương tức Lộc Uyển ở Sarnath. Thường chỉ có mudra nầy trên hình tượng đức Phật Gautama và ở Ấn Độ trên hình tượng đức Di Lặc Maitreya ngồi để thỏng hai chân phía trước (kiểu Bhadrasana), ở Nhật Bản trên hình tượng đức A Di Đà Amitabha.
 
Chùa Liên Phái - Hà Nội
Tây Tạng (Vbt Guimet)
Chuyển pháp luân ấn
Khi đức Phật muốn biểu lộ yên vui, nhân từ, bảo vệ, đừng sợ hãi, Ngài giơ tay mặt lên ngang vai, cánh tay gập lại, gan tay hướng về trước, những ngón tay dính nhau, còn tay trái thi thả lỏng xuống theo cơ thể. Trong các trường phái phương Nam, ở Thái Lan và nhất là ở bên Lào, Vô úy ấn Abhaya-mudra nầy thường liên kết với điệu bộ của đức Phật đứng hay, đúng hơn, đang từ Cõi trời Đâu suất Tusita xuống. Ở Đông Nam Á, thường thấy một thay đổi là cả hai tay đều giơ lên hai bên ngực hay, ít hơn, tay mặt như trên nhưng giơ lên ngang đầu. Ở Nhật Bản, nhiều tu sĩ nhận xét có khi ngón cả tay mặt được nâng lên phía trước, đây là một nhân vật thuộc môn phái Shingon. Mudra dễ hiểu nầy phát xuất từ một cử chỉ tự nhiên vì giơ tay không có khí giới tỏ ra một tín hiệu hòa bình nếu không là thân mật. Nhưng từ thời thượng cổ, ấn quyết nầy cũng đã được dùng để khẳng định quyền lực như những vua La Mã thường làm để vừa ấn định quy tắc vừa đem lại hòa bình. Trong sách Phật có viết lại chuyện đức Phật trước một con voi hung dữ liền giơ tay như ấn quyết nầy để cản lại voi, như vậy mudra không chỉ có ý nghĩa làm dịu mà còn gợi lên ý tưởng không sợ, đem lại yên tĩnh cho những người xung quanh. Trong nghệ thuật Gandhara và sau nầy ở Trung Quốc, vào thời đại các nhà Ngụy, Tùy vào các thế kỷ 4-6, mudra nầy được dùng để diễn tả động tác thuyết pháp. Ở các trường phái phương Bắc, trong hình tượng các vị thần thánh, đi đôi với ấn quyết nầy thường có một ấn quyết khác, thực hiện với tay trái hoặc như Thí nguyện ấn Varada-mudra, hoặc, vị trí ngồi, gan tay mặt hướng lên trên, làm thành một ấn quyết đôi Abhaya-Varada-mudra mà người Nhật gọi là Segan-semui-in.
 
Chùa Dâu - Hà Bắc
Tu viện Kapica Patava-Pakistan 
(Vbt Guimet)
Vô úy ấn
Thí nguyện ấn Varada-mudra tượng trưng cho lòng trắc ẩn, từ thiện, thành thực, mà cũng là đón tiếp, dâng hiến, biếu tặng, Đây là ấn quyết sự hoàn thành ước nguyện chuyên tâm giải thoát nhân loại. Thực hiện phần lớn với tay trái, cánh tay hoặc thông xuống theo dọc cơ thể, gan tay mở ra hướng về phía trước, hoặc gập lại, gan tay hơi hướng lên trên, những ngón tay duỗi ra hay hơi co. Mudra nầy giống với Vô úy ấn Abhaya-mudra nhưng hai định hướng bàn tay khác nhau. Cũng thấy có vài hình tượng đức Phật hay vị Bồ Tát ở Nhật Bản sử dụng ấn quyết nầy với tay mặt. Trong các hình tượng đời Ngụy hay thời kỳ Asuka, những ngón tay lúc đầu cứng đờ, dần dần mềm dẻo ra, hai ngón giữa và ngón chỉ tách ra khỏi những ngón khác, có khi là ngón nhẫn hay ngón út như ở tượng Yakushi trong toà Kondo chùa Horyu-ji. Qua đời Đường, những ngón tay hết còn cứng đờ và ít nhiều uốn cong. Ở Ấn Độ, từ thời kỳ Gupta (thế kỷ 4-5), mudra nầy là đặc trưng các hình tượng Quán Thế Âm Avalokiteshvara. Sách Phật dẫn tích Quán Thế Âm trong cuộc thăm viếng ở cõi âm ti, đã cho nước chảy từ cánh tay thỏng xuống theo ấn quyết nầy để cứu sống những người đã chết. Mudra nầy ít được thấy một mình mà cặp đôi với một mudra khác như với Abhaya-mudra (Abhaya tay mặt, Varada tay trái) thường gặp ở Trung Quốc và Nhật Bản. Trong các ấn quyết đôi nầy, khi hai ngón tay cái đụng nhau, ở Nhật Bản mudra được gọi là An-i-in và có ý nghĩa làm nguôi, làm dịu. Mudra nầy thường bị lầm lẫn với Giáo hóa ấn Vitarka-mudra mặc dầu trong ấn quyết nầy tay trái không đặt trên đầu gối như ấn quyết kia.
 
 
Chùa Dâu - Hà Bắc
Kyaunktawgyi - Mandalay Miến Điện 
(Vbt Guimet)
Thí nguyện ấn
Thật vậy, Giáo hóa ấn Vitarka-mudra giống vừa Abhaya-mudra vừa Varada-mudra, nhưng thực hiện với hai tay như trong ấn quyết đôi Abhaya-Varada-mudra, hai ngón cái đụng đầu hai ngón chỉ. Thường ấn quyết nầy tượng trưng cho một trong những kỳ thuyết giáo của đức Phật, kỳ bàn cải, biện luận. Ấn quyết cũng còn đuợc gọi biện minh ấn vì đây là lúc đức Phật giải thích giáo pháp, kiếm cách thuyết phục người chưa tin đạo. Bên Nhật Bản, mudra nầy được biến đổi. Khi ở bàn tay mặt ngón cái và ngón chỉ ghép với nhau, tay trái vén một vạt áo, người Nhật gọi ấn quyết nầy là Kesa-ken-in ; khi tay mặt đưa lên đến ngực, tay trái nắm vạt áo ngang đùi hay xê ra khỏi cơ thể thì là Nai-segan-in,... Bên Nhật Bản cũng như ở bên Trung Hoa, một biến thể của mudra nầy gọi là An-i-shoshu-in khi tay trái đặt theo Vitarka, tay trái theo Varada ngang háng ; khi tay mặt đặt theo Abhaya, tay trái Varada hay Vitarka mang một bình thuốc, mudra mang tên Yakushi-in được thực hiện trên hình tượng Dược sư Phật Bhaishajyaguru. Đặc biệt, bên Nhật Bản, hiếm nhưng cũng thấy có là ấn quyết dành cho hình tượng Thần Tài với ngón nhẫn ghép với ngón cái, gọi là Kichijo-in. Khi đầu hai ngón cái và ngón chỉ ghép với nhau thành hình tròn được xem là hoàn hảo tất nhiên bất diệt, phù hợp với Phật pháp. Bên Tây Tạng, với ngón tay cái ghép vào bất cứ một ngón nào khác, ấn quyết được những nữ thần Tara hay những vị Bồ Tát thực hiện. Cũng ở bên ấy, trong hình tượng những thần Yabyum, hai tay chéo nhau ở cổ tay, gan tay hướng về phía ngực, những ngón hơi xòe ra. Trong các môn phái bí truyền cũng như trong nghi lễ thờ phụng đức A Di Đà Amitabha, Giáo hóa ấn được dùng rất nhiều. Bên Nam Dương, trong tháp Borobudur, những hình tượng các đức Phật, trên lan can thứ năm quanh tầng vuông mandala, đều có tay mặt sử dụng Vitarka-mudra, tay trái đặt trên vạt áo, gan bàn tay hướng lên trên : ấn quyết nầy là đặc biệt của đức Bồ tát Phổ Hiền Samanthabhadra.


Chùa Láng


Giáo hóa ấn
Có một ấn quyết thông thường không khi nào các đức Phật được sắp cao nhất trong thứ bậc Phật giáo thực hiện, trong Đại thừa cũng như trong Tiểu thừa : hai tay chắp lại với nhau trước ngực như một người đang tụng niệm, đó là Hiệp chưởng ấn Anjali-mudra thường dành cho những người đọc kinh cầu nguyện. Rất thông dụng trong khắp Đông Nam Á khi kính cẩn chào hỏi, mudra nầy gợi lên một ý tưởng dâng hiến và nếu hai tay dang lên đến mặt thì là một cử chỉ tôn kính, sùng bái. Ấn quyết nầy cũng được thay đổi nhiều từ nước nầy qua nước nọ. Trong các môn phái bí truyền miền Bắc, người Nhật sử dụng Kongo-gassho-in tức là Vajra-Anjalikarma-mudra, thực hiện như Anjali-mudra nhưng những ngón cái chéo nhau, hai đầu ngón quấn vào nhau, hai cánh tay hơi dang ra đằng trước chứ không còn dính vào cơ thể. Trong những lễ phong chức, có thể chỉ hai ngón cái chéo nhau mà thôi. Ý nghĩa mudra nầy là hai tay tượng trưng cho hai phần mandala các thiên thần hay sự liên minh mật thiết giữa thế giới nhân loại (tay trái) và thế giới các đức Phật (tay mặt). Trong trường hợp đặc biệt hình tượng đức Quan Âm Fukukensaku, ấn quyết mang tên Ju-in được thực hiện với hai tay đặt mặt đối mặt, hơi xa nhau và nắm ở giữa một viên tinh thể.
 
Chùa Bảo Quang - Huế
Kiyomigundera - Kyoto Nhật Bản
Hiệp chưởng ấn
Là một hiện tượng tôn giáo, văn hóa, trí thức, Phật giáo được truyền bá qua giáo dục, thực hành, nghệ thuật. Bắt nguồn từ Ấn Độ từ 5 thế kỷ trước Công nguyên, đạo Phật lan tỏa lên toàn miền bắc, phía tây đến Afghanistan, phía đông dọc theo con đường tơ lụa qua bắc Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo đường biển, đạo Phật được phổ biển qua Tích Lan, quần đảo Nam Dương, bán đảo Đông Dương rồi tiến lên nam Trung Quốc. Phật giáo như vậy vào khoảng đầu Công nguyên đã được truyền bá khắp Á châu. Cuộc tiếp xúc sống động với những truyền thống tín ngưỡng, với những nền văn hóa khác đã gây ra những biểu tượng đặc thù. Mặt khác, uy lực tinh thần và trí tuệ của những bậc truyền giáo qua nhiều thế kỷ cũng đã góp phần không ít vào những giáo huấn truyền đạt. Những cộng đồng Phật tử tất nhiên tập hợp quanh những giáo điều đã được đức Phật giảng dạy, đặc biệt quanh những quy ước tranh ảnh, những tượng trưng tiêu biểu cho giá trị Phật giáo giúp họ nhận danh những nhân vật cao siêu, những bậc thầy cao quý được xem là gương mẫu. Những mudra là những "cử chỉ thiêng liêng", "cử chỉ thần bí", "cử chỉ ma thuật" giúp tín đồ trong sự cảm nhận đức Phật. Phát xuất từ những cử chỉ tự nhiên, mudra dính liền với đời sống đức Phật, từ đấy trở thành tượng trưng một sự hướng dẫn tinh thần. Với ý nghĩa phát xuất từ nội dung lịch sử và tôn giáo đời sống đức Phật, được thực hiện qua những cử chỉ được quy tắc hóa (thể dạng bàn tay) theo một cú pháp (định hướng bàn tay), ấn quyết chứa đựng một giá trị truyền đạt đòi hỏi ở tín đồ một cảm tính trí tuệ trên nẻo đường dẫn con người đến thần linh.
Mừng Phật Đản 2554 Văn hóa Phật giáo Xuân Kỷ Sửu 72-73 (2009) 51-55, có bổ túc
Tham khảo - Louis Frédéric, Les dieux du bouddhisme - Guide iconographique, Flammarion, Paris, 1992
- Philippe Cornu, Dictionnaire encyclopédique du Bouddhisme, Seuil, Paris (2001)
- Félicie Artaud, Les mudras, étude des gestes sacrés, Mémoire de fin d'études, 2002, www.arts-sceniques.be
- Cécile Becker, Thierry Olivier, Gestes et symboles du bouddhisme, www.guimet.fr

                                                                                                                       Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét