Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ PHÁP TRUNG HOA - PHẦN II


  Đời Đường cũng có một nhà thư pháp nổi tiếng với lối Triện thư, đó chính là người chú họ của đại thi hào Lý Bạch: Lý Dương Băng (). Ông đặc biệt giỏi tiểu triện, với nét bút nhỏ, cứng, bút lực không kém chữ triện của Lý Tư đời Tần, được coi là một “Thánh thủ” của triện thư đời Đường.
Đến thời Ngũ Đại, thư thể lại chuyển hướng dầy đậm. Dương Ngưng Thức () và Lý Kiến Trung () là những nhà thư pháp nổi tiếng nhất trong thời kỳ này. Dương Ngưng Thức bắt đầu học chữ Nhan Chân Khanh, cũng học được tới cái thần diệu của Nhị Vương, dụng bút nghiêm cẩn, nhưng phân hàng bố bạch cách nhau rất thưa. Ông còn giỏi cả lối viết cuồng thảo của Trương Húc. Lý Kiến Trung thì học Âu Dương Tuân, nhưng không theo trào lưu lối viết nét gầy nhỏ, lạnh lùng của những người học chữ họ Âu, mà tự thành một phong cách với nét bút dày, béo đậm.
Đến thời Tống, những bút tích thời Tấn Đường đã bị mai một nhiều, Tống Thái Tông hạ lệnh cho quan Thị thư Vương Trứ () tuyển tập bộ Cổ tiên đế vương danh thần mặc tích, khắc được mười cuốn thiếp thư pháp. Nhưng Vương Trứ không có đủ trình độ tinh tường rành rẽ về thư pháp, nên tuyển chọn vào không ít những ngụy tác. Từ khi lưu hành bộ thiếp thư pháp này, đã làm hỏng nguyên tắc “Học thư tất cầu chân tích” - (Học thư pháp của ai phải xem đúng bút tích thực của người đó) của người xưa, bút pháp cũng bị mai một đi nhiều. Tuy người đời Tống tiếp thụ được không nhiều truyền thống của đời trước, nhưng ở phương diện tự phát huy bản thân lại có nhiều điểm đáng để học tập. Những nhà thư pháp tiêu biểu thời Tống vẫn thường được biết đến là Tô (Thức), Hoàng (Đình Kiên), Mễ (Phất), Sái (Tương). Phong cách chung của các nhà thư pháp này là: tĩnh tại, dung dị, ý thái đổi mới.
Tô Thức () có cách cầm bút rất đặc biệt, gần giống như ngày nay cầm bút sắt, chỉ cầu được tự do viết ra theo phong cách, thần thái của mình. Ông và Hoàng Đình Kiên () đều là những nhà thơ, học giả lớn, tâm hồn rộng mở, kiến thức sâu sắc, coi trọng việc thể hiện ý tứ ở ngoài nét bút, lĩnh hội được ý thú tiêu sái thời Tấn, vì thế viết chữ thì nét bút tròn trịa, mà ý vị tràn trề. Điểm khác biệt giữa chữ của hai người là: chữ Tô Thức thì thiên tư tự nhiên, trong ý bút thấy lộ rõ tình cảm; còn chữ Hoàng Đình Kiên thì lại có một thần thái khỏe, đẹp khác vời. Hoàng Đình Kiên kết tự cũng vô cùng phóng khoáng, kết cấu bức chữ thường mang kiểu bức xạ, nét bút nhường tránh lẫn nhau, nhưng lại tụ tập dầy đặc vào trung tâm, tinh thần tràn trề. Ông sở trường về hành thư, thảo thư, riêng chữ khải lại tự mình lập ra một trường phái.
Mễ Phất học bút pháp cổ nhân có thể nói là công phu nhất, dụng bút có thể xuất phong tám mặt, tạo ra rất nhiều tự hình của riêng mình. Chữ khải, lệ, triện của ông không tinh xảo lắm, nhưng ông lại rất nổi tiếng về hành thư và thảo thư. Phong cách trầm lặng mà bay bổng, đạt được bút ý của Vương Hiến Chi. Nhưng cũng có người cho rằng, ông quá cầu kỳ, quá ham thích việc thể hiện tài tình, nên trên mặt giấy tràn ngập nét mỹ miều, tràn ngập hỏa khí, vẻ nhanh nhẹn thì có thừa mà cái ý thú hàm súc, tiêu sái thì chưa đủ. Nhưng bởi bút ý có ngọn ngành rành rẽ, nên vẫn hài hòa không tổn nhã. Con trai Mễ Phất là Mễ Hữu Nhân () sở trường thư họa, phong cách thư pháp thâm trầm kỳ lạ, nét chữ béo đậm, dày dặn tươi nhuận, cùng với cha mình được người đời gọi là “Đại, tiểu Mễ”.
Sái Tương () có phong cách giống với Nhan Lỗ Công, hành thư đứng thứ nhất, tiểu khải thứ nhì, thảo thư thứ ba, bút lực mạnh mẽ mà vẻ yểu điệu đẹp đẽ cũng có thừa. Thời bấy giờ ông được suy tôn là “Tống triều đệ nhất”, Tống Nhân Tông rất thích chữ viết của ông. Tuy vậy dụng bút của ông cũng thể hiện sự cầu kỳ dụng tâm quá nhiều, chữ chữ đều tinh hoa tuyệt thế, yểu điệu khuê phòng, Mễ Phất đã đem chữ của ông so với những mỹ nhân nhà quý tộc, phong tư tuy đẹp, nhưng trang sức quá nhiều. Đó cũng là một nhược điểm của ông.
Cuối thời Bắc Tống có Sái Kinh (). Thư pháp cũng được người đời đánh giá cao, thư pháp của Sái Kinh thế chữ hào hoa, khỏe khoắn, lắng trầm mau lẹ, vẻ đẹp của bút pháp còn hơn cả Sái Tương. Có người cho rằng, “Sái” trong bốn nhà “Tô, Hoàng, Mễ, Sái” đúng ra là Sái Kinh chứ không phải Sái Tương, nhưng do Sái Kinh là một đại gian thần nổi tiếng trong sử sách, nên mới đổi thành Sái Tương. Thư pháp thời Nam Tống vẫn theo phong cách bốn nhà Tô, Hoàng, Mễ, Sái, bút lực nhìn chung yếu hơn, nhưng cũng có những thư thể cao siêu, phóng túng, khỏe khoắn vượt trội, như thư pháp của Nhạc Phi () chẳng hạn, tác phẩm Xuất sư biểu của ông cũng là một trong những kiệt tác trong thư pháp thời Tống.
Đời Nguyên là thời kỳ phục cổ của thư pháp. Nhân vật đại biểu nhất thời kỳ này là Triệu Mạnh Phụ (). Ông có trình độ hội họa thư pháp rất sâu. Thư pháp của ông được coi là “Nguyên triều đệ nhất”, các loại thư thể đều quán tuyệt một thời, trở thành một nhà thư pháp tập hợp được hầu hết các lối viết. Ông ra sức khôi phục bút pháp của người xưa, luyện tập được bút ý tốt nhất của cổ nhân, bút lực cực mạnh, nhưng chủ trương tránh cái khó, theo cái dễ, mượn xưa thành nay. Ông viết chữ vừa nhiều, vừa nhanh, hạ bút như bay, khai sáng phong cách nhã mị, tú lệ đậm nhuần. Cũng có người còn chê lối viết của ông quá tròn trịa, thuần thục, nhưng thành tựu của ông lúc bấy giờ thực sự không một ai có thể so sánh, chỉ có Tiên Vu Khu () với lối chữ hành thảo ngang tàng mang tư thái kỳ dị là được coi trọng như Triệu Mạnh Phủ.
Các nhà thư pháp cuối Nguyên, đầu Minh hầu hết đều học tập theo lối của Triệu Mạnh Phủ. Thư pháp đời Minh vẫn nằm trong khuôn khổ của thiếp học, phần lớn là hạn chế ở việc mô phỏng học theo, mà rất ít sáng tạo mới. Thời kỳ này có Văn Trưng Minh () và Chúc Doãn Minh () là tương đối nổi tiếng, từng là những người lãnh đạo của những dòng thư pháp chính một thời. Văn Trưng Minh tinh thông cả thơ văn, hội họa. Khải thư của ông học theo Nhị Vương, Âu, Ngu, Chử, Triệu, thanh lệ mà cổ nhã, học được sở trường của các danh gia trước. Chúc Doãn Minh thì bút ý tung hoành, tài tình phóng khoáng, dụng bút tròn, dày, đậm đà tú lệ, người bấy giờ ca ngợi chữ của ông “Phong thái, cốt cách rạng ngời, tự nhiên phóng túng, có thể theo kịp Triệu Mạnh Phủ. Cuối Minh, xuất hiện Đổng Kỳ Xương (), ông lúc ban đầu học theo Mễ Phất, sau tự luyện thành một trường phái riêng, danh truyền ra tận nước ngoài. Từ Phỉ Hoa thiếp của Dương Ngưng Thức, ông tìm ra một lối hành khoản mới, giãn khoảng cách giữa các dòng, các chữ ra rất xa, viết chữ cũng không cầu quá đẹp, mà chỉ cốt sao tư thái của chữ có thể toát ra được một ý thú thanh đạm, cổ kính. Ông cũng là người tiêu biểu đề xướng phong cách viết tự nhiên, nhàn đạm. Song lẽ thư pháp của ông do học công phu cổ nhân chưa đủ, nên hành bút không tránh khỏi có những nét chống chếnh. Vì thế mà đến cuối đời, ông đặc biệt nể phục công phu học tập người xưa của Triệu Mạnh Phủ. Tuy vậy, phong cách và thần thái tiêu sái thoát trần của ông thực sự đã mở ra một thư phái mới trong suốt một thời kỳ dài, mà ảnh hưởng của nó còn đến tận giữa đời Thanh.
Thư pháp đầu đời Thanh chủ yếu chịu ảnh hưởng của Đổng Kỳ Xương. Đến thời Càn Long lại chuyên học theo Triệu Mạnh Phủ; thời Gia Khánh, Đạo Quang thì chuyên tập Âu thư; thời Hàm Phong, Đồng Trị thì phong trào học tập theo Ngụy bi lại cực thịnh. Thời Càn Long, ngành khảo cứu hưng thịnh, một lượng lớn các bi chí được tìm thấy, thư pháp cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Đời Minh chỉ chuyên có thiếp học, thì từ giữa đời Thanh về sau, lại xuất hiện thêm loại hình bi học nữa, phát triển đến thời Tuyên Thống thì bi thiếp đã có những hòa trộn, lai tạp, dung hợp lẫn nhau.
Những nhà thư pháp thời đầu Thanh hầu hết là thuộc các thư phái đời Minh, đến Trương Chiếu () mới có lối chữ riêng của đời Thanh. Trương Chiếu ban đầu học theo họ Đổng, trung niên thì học họ Mễ, được coi là đại gia một thời, nhưng do ông viết theo thể đài các, thường thay Càn Long ngự bút, nên chữ ông mới trở nên thông tục phổ biến, chứ về khí vận thì còn xa mới sánh được với Đổng Kỳ Xương. Lưu Dung () cũng là một đại gia xuất sắc ở đời Thanh, tuổi trẻ ông học Đổng Kỳ Xương, sau học theo Tô Đông Pha, hơn bảy mươi tuổi lại chuyên tâm học Ngụy bi, phong cách rất hồn hậu. Những nhà thư pháp nổi tiếng khác cùng thời ông và là những quan lại trong triều còn có: Vương Bành ( ), Ngô Vinh Quang (), Vương Văn Trị (); những danh gia ở ngoài dân gian, không tham gia quan chức cũng có: Trịnh Bản Kiều (), Cao Phượng Hàn (), Đinh Kính (), Kim Nông ()… Do thời Càn Long đã chán cựu học nên nhóm Trịnh Bản Kiều, Kim Nông… liền tham khảo vận dụng kết cấu của triện, lệ thư, bất kể bút pháp, biến thành cuồng quái, nhưng cũng vô cùng cổ kính, đẹp đẽ độc đáo.
Thời Đạo Quang, Nguyễn Nguyên () viết sách Nghiên kinh thất tập, đem thư pháp xưa nay chia thành hai phái nam, bắc: Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần là Nam phái; Bắc triều đến Tùy là bắc phái, đề ra thuyết “Bắc bi Nam thiếp” (Bắc thì tiêu biểu là bia, Nam thì tiêu biểu là thiếp). Sau này, nhà lý luận thư pháp Bao Thế Thần () đã kế thừa lý luận của ông, viết ra cuốn Nghệ chu song tiếp, trong đó, ngoài việc đề cao những nhà thư pháp nổi danh như Lưu Dung, Diêu Nãi ()… ông còn đặc biệt đề cao một nhà thư pháp mẫu mực nữa, đó là Đặng Thạch Như (), cho rằng chữ triện và chữ lệ của Đặng Thạch Như là hàng đầu ở đời Thanh, chữ khải và chữ thảo cũng vào hàng tuyệt diệu. Đặng Thạch Như có hiệu là Hoàn Bạch Sơn Nhân (), sống vào thời Gia Khánh, Đạo Quang. Ông từng xem khắp các danh bia Tần Hán, tìm tòi chuông đỉnh từ thời Tam đại (Hạ, Thương, Chu), mô phỏng, học tập chữ triện và chữ lệ. Triện thư của ông theo chữ của Lý Tư, Lý Dương Băng nhưng tung hoành khai hợp rất vi diệu, đặc biệt là chữ đại triện của ông, hơi mang ý tứ của chữ lệ, bỏ những nét nhọn mà giữ lấy nét mạnh cứng gẫy góc, tự thể hơi vuông, gần giống như những chữ viết trên trán bia, ngói, thời Tần Hán. Trên phương diện sử dụng bút lông để viết chữ triện, chữ lệ, có thể nói thành tựu của Đặng Thạch Như đến nay vẫn chưa có địch thủ.
Từ cuối đời Thanh cho đến thời Dân Quốc, phong trào tập theo Bắc bi, càng ngày càng mạnh, Khang Hữu Vi viết Quảng Nghệ chu song tiếp đã tập trung vào đề xướng bi học. Một nhà thư pháp xuất sắc cuối cùng của thời Thanh cũng thường được nhắc đến, đó là Hà Thiệu Cơ () - Tiến sĩ thời Đạo Quang, cách sử dụng bút lông và thế tay cầm bút viết của ông có thể nói là thiên tài ích phát, công lực thâm hậu. Tuổi trẻ, ông học hành thư khải thư theo chữ Nhan Chân Khanh, mạnh mẽ, hào tráng. Trung niên, ông học Bắc bi, đạt đến trình độ khá sâu. Cuối đời ông mới học triện thư và bát phân thư, đỉnh Chu, bia Hán, không có loại nào chưa từng nghiên tập, phỏng học, rồi đem dung hòa vào lối chữ hành, chữ khải, xuất thần nhập hóa, khiến cho thư pháp Trung Hoa suốt mấy trăm năm lại được một lần chấn phát bởi bàn tay của ông. Sau Hà Thiệu Cơ, các thư phái ngày càng phát triển phức tạp, đa dạng, vì thế không thể không chép lại.(*)
Ngày nay, thư pháp vẫn là một môn nghệ thuật khó và hấp dẫn nhiều tầng lớp quan tâm, học tập, nghiên cứu ở Trung Quốc, khó có thể nói hết được trong khuôn khổ một bài viết. Nhưng có một vấn đề thống nhất, đó là: dù thư pháp phát triển như thế nào thì vẫn phải phát huy, kế thừa và sáng tạo trên nền móng vững chắc hàng ngàn năm qua của nó. Không những ở Trung Quốc, mà các nước Đông Á chịu ảnh hưởng văn hóa Hán khác như: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thư pháp chữ Hán vẫn là một môn nghệ thuật có vị trí không nhỏ, vì vậy lịch sử phát triển của thư pháp chữ Hán từ khi phát sinh cho đến hết thời kỳ phong kiến ở mảnh đất đã sinh ra nó luôn là một cơ sở, hình mẫu quan trọng cho những người luyện tập thư pháp nghiên cứu, học hỏi.
LÊ TIẾN ĐẠTdịch
Chú thích:
(1) Tông Chu: chỉ kinh đô nhà Chu.
(¬) Trích dịch từ: Trung Quốc thư pháp nguyên lưu diễn biến thiển thuyết in trong Trung Quốc danh thắng dữ lịch sử văn hóa của Cát Hiểu Âm, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã,1989, tr.144-152./.                                             SƯU TẦM TỪ       (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80), 2007, Tr.72-81)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét