Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ PHÁP TRUNG HOA - PHẦN I

QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THƯ PHÁP TRUNG HOA
CÁT HIỂU ÂM
Trung Quốc
Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa đã có một lịch sử phát triển lâu đời. Về mặt thể chữ, để dễ dàng thuận tiện cho việc sử dụng, chữ Hán đã chuyển dần từ phức tạp sang đơn giản, còn về kỹ xảo thư pháp, thì sự biến hóa lại ngày một nhiều, phong cách cũng ngày càng đa dạng, phức tạp.
Từ cổ xưa đến ngày nay, về thể chữ, cơ bản có năm loại: triện, lệ, khải (chân), hành, thảo. Những thể chữ này, không ngừng diễn biến thay đổi tùy theo sự phát triển của lịch sử và đời sống xã hội. Theo những ghi chép trong sách xưa, thì trước khi xuất hiện chữ triện, đã có một loại văn tự cổ từ thời trước đó, tương truyền do Thương Hiệt () sáng tạo ra, là nguồn gốc chính thức của văn tự Trung Quốc, nhưng đây chỉ là truyền thuyết, còn chưa được khảo cứu hư thực thế nào. Chung đỉnh văn thời Hạ, truyền là khắc trên cửu đỉnh do Hạ Vũ () đúc khi trị thủy, cũng chưa thực sự tin cậy. Thời Ân, Thương người ta dùng mai rùa, xương thú để xem bói, trên đó có khắc các lời bói (bốc từ), là những chữ tượng hình, gọi là giáp cốt văn. Đến thời Chu Tuyên Vương (), một vị quan Thái sử tên Trựu ( ) đem những cổ văn từ trước, chỉnh lý thành một thể chữ mới, gọi là Trựu văn, Trựu triện, đại triện. Đời Chu còn có một loại chữ gọi là thạch cổ văn, là loại chữ mà quý tộc chư hầu khi đi săn bắn ở Kỳ Sơn khắc vào đá ghi lại sự việc, lấy từ chữ Trựu triện và có chỉnh lý đôi chút, cũng thuộc vào loại chữ đại triện. Những chữ đại triện đến nay còn thấy được, tiêu biểu nhất có: Mao công đỉnh, Tụng đỉnh,… chữ mang phong cách Tông Chu(1), chân phương, ngay ngắn, nét chữ tròn đều, trầm, nặng. Cùng với Tông Chu, vùng Kinh Sở còn có một kiểu viết chữ rộng, thưa hơn, mà tiêu biểu là Tản thị bàn, có phong cách rất hùng vĩ. Những loại chữ khắc trên chuông, đỉnh, và các đồ thờ cúng kim loại khác, còn được gọi là kim văn.
Đời Tần, để thống nhất văn tự của sáu nước, Thừa tướng Lý Tư () đã tiến hành lược bỏ những nét phức tạp của chữ đại triện đi, giữ lại những điểm hợp lý, sáng tạo ra thể chữ tiểu triện.
Loại chữ này có khuôn chữ hẹp mà dài, hình chữ cũng tề chỉnh, cân đối. Các tờ
chiếu thời Tần hầu hết đều dùng chữ tiểu triện. Thời gian này có Trình Mạc (
) - một viên ngục lại ở huyện, vì mắc tội với Tần Thủy Hoàng, bị giam giữ ở ngục Vân Dương (), đã để tâm suy nghĩ trong suốt mười năm trời, thêm bớt những nét vuông tròn cho chữ đại, tiểu triện, tạo ra ba ngàn chữ lệ thư, Tần Thủy Hoàng liền dùng ông ta vào chức Ngự sử. Vì loại chữ này thuận tiện cho những người tù, nô lệ, quan ngục sử dụng nên được gọi là lệ thư (chữ lệ trong từ nô lệ). Đó là cách nói phổ biến xưa nay về việc ra đời của chữ lệ. Song cũng có người cho rằng chữ lệ khởi nguyên từ đời Chu, có người lại cho rằng chữ lệ là loại chữ dành riêng cho những người nô lệ, hạ dân, chỉ vì thời Tần chưa sử dụng một cách phổ biến, đến thời Hán mới lưu hành nên gọi là Hán lệ.
Chữ Lệ sử dụng phổ biến thời Hán về hình chữ thể chữ cũng có rất nhiều loại. Nét đặc sắc của nó là: tự hình mở rộng sang hai bên, nét chữ cứng cỏi, gấp vuông, phóng khoáng thanh thoát, nét bút lên xuống, nặng nhẹ rõ ràng. Chữ lệ đời Hán hiện còn phần lớn là khắc ở bia mộ, kệ đá, cột hoa biểu đá, cửa khuyết đá… Những chữ đề tự khắc đá ở đền Võ Lương và đền thờ mộ Quách Cự ở núi Hiếu Đường đều là chữ lệ, khí vận cao nhã, cổ kính. Bia khắc lệ thư đời Hán, nổi tiếng nhất có Lễ khí bi: nét bút khỏe khoắn, nhỏ mà cứng cỏi, khoảng cách các nét rộng; Sử Thần bi, Ất Anh bi: nét bút khoan thai, tú nhã, ngay ngắn mà không cứng nhắc; Trương Thiên biểu tụng: vuông khỏe trầm nặng, bút lực đầy đặn khỏe khoắn; Tào Toàn bi: đẹp đẽ, nhiều tư thái.
Đời Hán, ngoài thông dụng chữ lệ, còn có một loại chữ gọi là chữ bát phân (). Một trong những cách giải thích sở dĩ gọi là chữ bát phân là vì thể chữ này “cắt chữ lệ của Trình Mạc đi tám phần, giữ lại hai phần, cắt chữ triện của Lý Tư đi hai phần, giữ lại tám phần”, trong chữ bát phân thể triện nhiều hơn thể lệ. Một cách giải thích khác lại cho rằng sở dĩ gọi là “bát phân”, là bắt nguồn từ tự hình thể chữ này, phép viết thường phân bố hai phần phải trái hướng lưng vào trong (như hình chữ bát ). Có người nói đây là thể chữ thời Tây Hán, lại có người nói thể chữ này do Sái Ung () sáng tạo ra. Chữ bát phân ngày nay còn thấy đều là chữ đời Hán, không thấy có ở thời Tần. Bia chữ triện đời Hán cũng rất ít, chỉ có Trung nhạc Thiếu Thất thần đạo thạch khuyết minhKhai Mẫu miếu thạch khuyết minh là nổi tiếng nhất.
Đời Hán còn xuất hiện khải thư, hành thư và thảo thư. Trước đời Đường, khải thư được gọi là chân thư, theo ghi chép lại, đây là thể chữ do Vương Thứ Trọng () sáng tạo ra. Cuối đời Hán, Lưu Đức Thăng () sáng tạo ra hành thư. Nhưng còn ai sáng tạo ra lối thảo thư có nhiều cách nói chưa thống nhất. Thời Đông Hán, thông dụng lối chương thảo, loại chữ thảo này các chữ viết rời, không liền nối với nhau, còn mang nét cứng rời của chữ lệ và chữ bát phân. Có người nói thời Hán Chương Đế, Đỗ Bá Độ () giỏi thảo thư, Chương Đế rất yêu thích, hạ chiếu trong các chiếu lệnh, tấu chương đều dùng lối thảo, nên bấy giờ người ta gọi là chương thảo. Trương Chi () thời Đông Hán rất giỏi chương thảo, áo quần vải vóc trong nhà đều viết kín chữ rồi lại đem nhuộm lại, ra bên ao học viết chữ, nước ao cũng đen như mực… đều trở thành những giai thoại trong lịch sử thư pháp.
Thời Ngụy Tấn là thời kỳ phát triển thành thục của nghệ thuật thư pháp Trung Quốc, mà thể hành thư là phát triển nhất. Hành thư chia làm hai thể: một thể là chân hành, lối viết rõ ràng, quy củ, gần với khải thư; một thể là hành thảo, lối viết khá phóng túng, gần với thảo thư. Chung Diêu () sống ở thời Ngụy - Tam Quốc học theo bút ý hành thảo của Lưu Đức Thăng, và lệ thư, bát phân thư… tự lập thành một cách riêng, cũng là tị tổ của chân thư, cùng với Trương Chi được người đời ca ngợi so sánh, gọi gộp là “Chung Trương”, nhưng hiện nay tiếc rằng không còn một chữ nào là chân tích của họ Chung cả. Thời Tấn, Vệ Quán () và con trai là Vệ Hằng () đều là những nhà thư pháp nổi tiếng. Vệ Quán học lối chữ của Trương Chi, giỏi lối chữ thảo, thiên tư rất thần kỳ đẹp đẽ. Vệ Hằng giỏi viết chương thảo, lệ thư và còn học cả viết chữ phi bạch (một lối chữ viết với bút mực khô sơ, trong nét chữ thường có những vệt sơ trắng), tạo ra lối chữ tán lệ thư. Ông còn viết tác phẩm Tứ thể thư thế luận bút thế của bốn thể chữ: chữ bát phân, chữ triện, chữ lệ và chữ thảo. Em gái họ của Vệ Hằng là Vệ Thước () người đời vẫn tôn xưng là Vệ Phu nhân, cũng rất giỏi thư pháp, là thầy dạy của Vương Hi Chi (). Đến Vương Hi Chi và con trai là Vương Hiến Chi (), mà người đời gọi chung là “Nhị Vương” thì thành tựu thư pháp càng trở nên tột bực, đến nay vẫn còn là mẫu mực cho những người học thư pháp. Lan Đình tự của Vương Hi Chi được xưng tụng là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”, ngoài ra chữ chân, chữ thảo, chữ lệ, chữ phi bạch của ông loại nào cũng rất tinh xảo, người xưa từng ca ngợi chữ của ông: “Bút mực đậm đà, tự thành một phái với vẻ đẹp riêng, thiên tư tự nhiên, phong cách, thần thái bao trùm một thời”. (Thư đoạn của Trương Hoài Cẩn ). Vương Hiến Chi lúc nhỏ học thư pháp của cha, sau lại tự mình sáng tạo ra một lối riêng, giỏi cả năm thể: lệ, hành, thảo, chương thảo, phi bạch, phong cách của ông được người xưa ca ngợi là: “Hùng vĩ, mạnh mẽ, thần thái phóng túng, nét bút sinh động, đẹp đẽ tràn đầy”. Ông sáng tạo ra thể kim thảo đời Tấn, còn gọi là phá thảo, liên miên thảo, hình chữ tương đối giản ước, nhưng chữ viết lưu loát, nối liền với nhau, khó mà biện nhận được. Sau này, Mễ Phất () - thư pháp gia đời Tống cho rằng: “Nói đến chữ một nét bút (tức kim thảo) thì thiếp của Tử Kính (tên tự Vương Hiến Chi) là đứng đầu thiên hạ” (theo Thư sử).
Thời kỳ Nam Bắc triều, thư pháp Trung Hoa cũng phân ra hai phái Nam, Bắc. Nam triều thịnh hành giản độc (các thẻ tre hoặc gỗ để viết các văn thư), phong cách khoan thai nhàn dật, Bắc triều thì chủ yếu là bia khắc, phong cách nghiêm cẩn, trầm lắng, dầy dặn. Nam triều có nhà sư Trí Vĩnh () là cháu bảy đời của Vương Hi Chi, đặc biệt nổi tiếng về thảo thư, ông học theo lối chữ của Vương Hi Chi, viết lại Chân thảo Thiên tự văn hơn 800 bản, lưu hành khắp các chùa ở vùng Triết Đông (phía đông Triết Giang), được người sau vô cùng trọng thị. Ông viết chữ trên gác chùa Vĩnh Hân, những cây bút viết cùn, hỏng chất đầy năm chiếc thùng gỗ lớn, mỗi thùng có thể chứa được hơn một thạch (một thạch tương đương 100 lít), cũng là một giai thoại trong lịch sử thư pháp.
Bia khắc Bắc triều, chữ lệ, chữ khải đều có, khỏe khoắn, có lực, cùng với bia thời Đường trở thành hai dòng bia khải thư lớn. Bia Bắc triều thì bia Bắc Ngụy lại là hưng thịnh nhất, do đó gọi là Ngụy bi. Người đời Thanh sau này, quan tâm nghiên cứu về bia cổ, hầu như đều lấy Ngụy bi làm khuôn phép. Thể chữ Ngụy bi là loại chữ lấy khải thư làm chính, nhưng dụng bút lại mang hơi hướng ý vị của lối lệ thư. Ngụy bi số lượng rất nhiều, nhưng về đại thể có thể phân ra hai loại: Loại thứ nhất, đại biểu là Long môn nhị thập phẩm, ngoài những bia Pháp Sinh, Bắc Hải vương, Ưu Điền vương, thì các bia còn lại đều dùng phương bút, các nét gập, nét mác, nét phẩy của chữ đều có góc nhọn, tự hình đơn giản, kết cấu chặt chẽ, mạnh cứng vô cùng khỏe khoắn. Loại thứ hai lấy Vân Phong sơn tứ thập nhị chủng của Trịnh Đạo Chiêu () làm đại biểu, đều là lối viết viên bút. Khang Hữu Vi () đời Thanh rất ca ngợi Ngụy bi, từng nói: “Ngụy bi không có tấm nào không đáng gọi là giai phẩm, như hình ảnh của một cô thôn nữ quê mùa, nhưng đầy đặn xinh tươi, trong nét giản dị toát ra tư thái đẹp đẽ, kết cấu từng chữ đều chặt chẽ vô cùng”, ông còn tổng kết nên mười vẻ đẹp (thập mỹ) của Ngụy bi, đó là: “Phách lực hùng cường; khí tượng hồn mục; bút pháp khiêu việt; điểm họa tuấn hậu; ý thái kỳ dật; tinh thần phi động; hứng thú hàm túc; cốt pháp động đạt; kết cấu thiên thành; huyết nhục phong mĩ”. Nổi tiếng nhất của Ngụy bi, ngoài Long Môn nhị thập phẩm và thạch khắc ở núi Vân Phong, còn có Trương Mãnh Long bi, Tung cao Linh miếu bi, Cúc Ngạn Văn mộ chí, Thạch Môn minh, Điếu Tỉ Can văn, Lý Trọng Toàn tu Khổng tử miếu bi, Giả Tư Bá bi, Lý Siêu bi
Đời Tùy thống nhất hai thư phái của Nam Bắc triều, mở ra một phong thái mới cho thư pháp đời Đường, thành tựu thư pháp trên bia tuy chưa vượt qua được Ngụy bi, nhưng cũng có một số bia nổi tiếng, như Long Tàng tự bi chẳng hạn, xưa nay vẫn cùng được xếp ngang với Trương Mãnh Long bi là những cực phẩm của bi thư. Đầu thời Đường, bia đá được dựng khắp nơi với lối chữ khải thư kết hợp cả phong cách hai phái nam và bắc, đã truyền lại được bút ý Lục triều, tự hình nghiêm túc, trầm, chắc, mang đậm hơi hướng kim thạch, nhưng lại nhiều tư thái, phong vận bay bổng, lưu loát. Thời Sơ Đường nổi tiếng với bốn đại gia thường được nhắc đến là: Âu, Ngu, Chử, Tiết.
Âu, tức Âu Dương Tuân (), các thể chữ ông đều giỏi, bút lực mạnh hiểm, kết cấu chặt chẽ vững chãi, bút họa trầm nặng, rậm dày, nét sau nét trước liền mạch nhường tiếp lẫn nhau. Ông đặc biệt nổi tiếng với lối chữ tiểu khải, không những bút lực mạnh hiểm, tinh xảo, chỉn chu mà còn mang khí tượng hồn mục thanh cao, giản dị. Con trai Âu Dương Tuân là Âu Dương Thông () cũng rất giỏi thư pháp, hai cha con cùng nổi tiếng như nhau, thường được gọi là “đại tiểu Âu Dương”. Nhưng cách cục của Âu Dương Thông còn nhỏ nhặt, chưa được như cha.
Ngu, tức Ngu Thế Nam () là một khai quốc công thần thời Đường Thái Tông, thư pháp của ông học theo sư Trí Vĩnh, dùng bút điểm họa thì kế thừa phương pháp của Vương Hữu quân (Hi Chi), nét bút trầm hậu, an ổn, rõ ràng, bút lực chắc khỏe, mà phong thái thì thanh tú. Tác phẩm nổi tiếng có Phu tử miếu đường bi.
Chử, tức Chử Toại Lương (), chữ khải của ông có đặc điểm là dùng nhiều hình thái của lệ thư, phong cách thưa gầy, cứng cỏi điêu luyện mà chỉnh tề, hoa mĩ. Người đời Đường thường ca ngợi chữ của ông là “Trong chữ nảy vàng, giữa hàng sinh ngọc”. Tác phẩm nổi tiếng có Chử Hà Nam thánh giáo tự.
Tiết, tức Tiết Tắc (), ông bắt chước thư pháp của hai nhà: Ngu, Chử, phong cách phóng túng, đậm đà tú lệ, khải thư càng gần với phong cách Chử Toại Lương.
Kế tiếp sau Âu, Ngu, Chử, Tiết, đến thời Thịnh Đường các thư pháp gia trứ danh lại có Lý, Tôn, Trương, Tố, đều nổi tiếng về hành thư và thảo thư.
Lý, tức Lý Ung (), văn chương thư pháp đều lừng danh thiên hạ, quan lại, tăng ni, đạo sĩ khắp nơi muốn dựng bia khắc chữ đều đến cửa nhà ông để nhờ viết. Chữ của ông lưu truyền ở đời rất nhiều, phần đa là các thác bản. Ông dụng bút mạnh mẽ, kết tự ở giữa thì dầy chặt, mà bốn mặt thì rộng mở, phong cách khoan thai, hào sảng rất kỳ vỹ, có khí thế mạnh mẽ, nghiêm trang chưa từng có, người đời tôn xưng là Thư trung tiên thủ.
Tôn, tức Tôn Quá Đình (), tuổi tác dường như lớn hơn cả, ông sống khoảng thời gian dưới triều Võ Tắc Thiên, không tham gia quan chức. Thảo thư của ông học theo Nhị Vương, nhưng chuyên tâm vào dụng bút, phấn chấn, gãy gọn. Ông còn để lại tác phẩm Thư phả. Những nhà bình luận thư pháp xưa nay, thông thường đều cho rằng ông thuần học theo thư pháp đời Tấn, trong số những nhà thư pháp đời Đường, ông là người nắm được ý tứ của Nhị Vương hơn cả, nhưng sáng tạo mới thì còn chưa nhiều.
Trương, tức Trương Húc (), giỏi thảo thư, thường tự nói rằng mình được xem họ Công Tôn múa kiếm mà nảy sinh được bút ý, hạ bút như có thần. Khi ông viết chữ, thường uống rượu cho say khướt, hét to rồi vung bút mà viết. Hoặc lại nhúng cả đầu vào mực mà viết chữ, đến lúc tỉnh lại, tự mình cũng thấy là thần dị. Thảo thư của Trương Húc hào phóng, không câu thúc, như sấm vang chớp giật, quỷ thần biến hóa, bút pháp khó mà suy xét.
Tố, tức nhà sư Hoài Tố (), sống trong thời gian muộn hơn Trương Húc, tính cách ông giản dị, hào phóng. Vì nghèo khó, không có tiền mua giấy viết chữ, nên ông từng trồng hơn vạn khóm chuối ở vườn nhà, để lấy lá chuối viết chữ. Chữ đại thảo của ông như rồng đi, rắn chạy, mưa sối, gió gào. Những nhà thơ thời ấy đều có thơ tán tụng chữ của ông. Ông và Trương Húc đều chuyên giỏi lối cuồng thảo, nên người đời thường gọi là Điên Trương cuồng Tố.
Đến giữa thời Đường, xuất hiện một cao trào thứ hai của khải thư, mà nhân vật tiêu biểu là Nhan Chân Khanh () và Liễu Công Quyền (). Nhan Chân Khanh là một bậc trung thần nghĩa sĩ trong thời gian xảy ra loạn An -Sử. Ông giỏi lối khải thư và hành thư, lại tinh thông về văn tự học. Tiền nhân cho rằng chữ khải thư của ông là học từ Âu Dương Tuân và Ngụy bi, với đặc điểm là bút lực mạnh, đậm, lấy tân làm cổ, lấy vụng làm khéo, tự hình đặc biệt mở rộng, mà đẹp đẽ, không cầu tiểu xảo hoa mỹ. Hành thư của ông được người đời ca ngợi là: “Như dung kim xuất dã, tùy địa lưu tẩu, nguyên khí hồn nhiên”- (Như luyện vàng tôi bạc, tùy ý chảy tràn, nguyên khí tràn đầy, tròn trặn). Tác phẩm Tế điệt Quý Minh văn cảo của ông được người đời tôn xưng là “Thiên hạ đệ nhị hành thư” (Sau Lan Đình tự của Vương Hi Chi), tác phẩm Tranh tọa vị cảo, cũng là một danh tác.
Liễu Công Quyền sống sau Nhan Chân Khanh, cũng sở trường về khải thư và hành thư. Ban đầu ông học theo Vương Hi Chi, sau nghiên cứu nhiều bút pháp thời Tùy, Đường rồi tự thành một phong cách riêng, thể chữ, thế chữ khỏe đẹp, nét bút thanh gầy, lộ rõ gân cốt. Thời bấy giờ, các nước chư hầu đến nộp cống, đều chuẩn bị tiền của để mua lấy chữ của họ Liễu.
Còn tiếp...
LÊ TIẾN ĐẠTdịch
Chú thích:
(1) Tông Chu: chỉ kinh đô nhà Chu.
(¬) Trích dịch từ: Trung Quốc thư pháp nguyên lưu diễn biến thiển thuyết in trong Trung Quốc danh thắng dữ lịch sử văn hóa của Cát Hiểu Âm, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã,1989, tr.144-152./.                                             SƯU TẦM TỪ       (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80), 2007, Tr.72-81)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét