Translate

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

PHỐ HÀNG BỘT


   Phố Hàng Bột  thời Pháp thuộc gọi là Rue Soeur Antoine . Hàng Bột là một đoạn đường thiên lý từ Nam ra Bắc , lối đi vào thành Thăng Long  ,qua Ô Chợ Dừa thẳng lên Văn Miếu rồi đi sang Cửa Nam .
   Vùng này tuy là đất thuộc địa phận kinh thành cũ nhưng còn là ở vòng ngoài mà Chợ Dừa là một cửa ô.
   Kể từ cửa ô đi vào , Hàng Bột đi qua đất các thôn cũ ;
   Bên phía tây  là các làng Dũ Hậu , Tiên Thù ,Cận Tú Uyên đều thuộc tổng Yên Thành ,huyện Vĩnh Thuận.
   Bên phía đông là các làng Xã Đàn ,Huy Văn ,Hương Miến đều thuộc tổng Hữu Nghiêm , huyện Thọ Xương .
   Đến giữa thế kỷ XIX ,triều đình nhà Nguyễn đổi lại tên các thôn ;Dũ Hậu  ,Tiên Thù sát nhập vào phường Thịnh Hào . Cận Tú Uyên sát nhập vào thôn Yên Trạch .Thịnh Hào và Yên Trạch đều thuộc thuộc tổng Yên Thành huyện Vĩnh Thuận .Còn thôn Huy Văn sát nhập với Hương Miến thành thôn Văn Hương  ,tổng Hữu Nghiêm cũng đổi tên là tổng Yên Hòa , huyện Thọ Xương .Như vậy Hàng Bột là đường ranh giới của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận .
   Suốt thời Pháp thuộc cho mãi đến năm 1945 ,địa giới phía nam thành phố Hà Nội chỉ đến con đường mới vạch đặt tên là Đường 221, một ngõ nhỏ sát nhà thờ Hàng Bột , dự kiến sẽ là phố Trương Vĩnh Ký .Do vậy phố Hàng Bột đoạn dưới không thuộc đất quản lý của thành phố nên không được mở mang theo quy hoạch mà vẫn chỉ là con đường cái hàng tỉnh từ Hà Nội vào Hà Đông ,chưa phải một đường phố chính thức.
   Theo nhiều người kể lại  ,năm 1910 Hàng Bột là một con đường cái không rộng trải đá lổn nhổn , có đường xe điện chạy sát mép đường bên phía tây

.Hai bên đường  rất ít nhà cửa ;có khu di chỉ cũ huyện Thọ Xương  sau chính phủ đem nhường cho bà sơ Antoine làm một trại thu nhận và nuôi người tàn tật  ,thêm cái trại của một viên tri huyện người công giáo ,chung quanh có lũy tre ,trong có vài ngôi nhà nhỏ . Trại này sau cũng cúng vào công cuộc của bà sơ Antoine  .Ngoài hai nơi đó thì từng quãng dài mới  có mấy hàng quán bán quà bánh ,nước chè cho người đi đường nghỉ chân ,còn thì là đồng ruộng ,ao chuôm và gò đống tha ma. Các làng xóm như Yên Trạch , Văn Hương ,Thịnh Hào ở phía trong xa xa khuất sau lũy tre xanh ,đi trên đường cái còn nhìn rõ chùa Văn Huy ở bên trái thấp thoáng dưới bóng đa cổ thụ .
   Con đường  ngoại ô đi vào tỉnh lỵ Hà Đông này thường chỉ sầm uất người và xe cộ đi lại vào những ngày trong tháng có phiên chợ Tơ.
   Hàng Bột trở thành một đường phố quan trọng hơn trước là từ ngày có phố Khâm Thiên  ,một xóm giải trí ăn chơi của người Hà Nội sẵn tiền ,đồng thời cũng là khu vực ven nội bắt đầu phát triển những cơ sở sản xuất tiểu thủ công .
   Tuy thế Hàng Bột là một đường phố lao động ,làm ăn là chính  ,ở đây không có nhà hát ,dù có vài nhà " săm " nó cũng chỉ là cái đuôi của xóm ăn chơi Khâm Thiên .
   Hàng Bột trong nhiều năm ( thập niên 20-30 ) vẫn chỉ là một đường phố ngoại ô ,nhà cửa  ở phố này chưa kín khắp hai bên mặt đường . Từ 1936 trở đi ,phố Hàng Bột nhà cửa dần dần mọc lên kín hai hai bên đường .

   Bên số lẻ giáp các xóm Văn Hương ,Văn Huy dọc mặt đường được kín nhà trước ,phần nhiều là người làng bỏ tiền ra mua đất xây để cho thuê  kiếm lời .
   Bên số chẵn thôn Yên Trạch ở xa bên trong  thì chỗ sát đường cái hãy còn nhhiều khu đất rộng và hồ ao lấp dở .
   Những chỗ đó có địa thế thuận tiện để đặt cơ sở sản xuất thủ công của nhhiều của hiệu trên phố ( Xưởng Xà phòng Ngựa bay của Anpo ).
   Nói chung trước năm 1945 ,Hàng Bột không có cửa hiệu lớn .Cả  phố lèo tèo ít cửa hàng xén ,hàng cơm nhỏ,thợ may ,thợ giặt phục vụ cho người trong phố và các làng bên trong .
   Phố Hàng Bột trước năm 1945 ,về mặt hành chính có hai bộ phận ;
   Phần đất nội thành từ đầu phố giáp với Hàng Đãy ( Duvillier-nay là Nguyễn Thái Học ) chỗ cạnh Văn Miếu , đến dưới ngã ba vào ngõ Thông Phong  ,tức là bên dưới phố Quốc Tử Giám  độ một trăm mét  vì con đường ranh giới cũ của thành phố đi sát tường bên Nhà thờ Hàng Bột qua các làng  Yên Trạch và Lương Sử  tới cạnh khu Ga Hàng  Cỏ .
   Phần đất ngoại thành kể từ ngã ba phố Phan Văn Trị ( cạnh số nhà 160 Hàng Bột  ) và ngõ số  83 ( nay là Xí nghiệp  Duợc Phẩm   )  đến Ô Chợ Dừa .  
   Phần phố thuộc  đất nội thành  thì được bản đồ địa chính ghi là Rue Soeur  Antoine còn phần phố nằm trên  đất ngoại thành chính thức không có tên nhưng để tiện việc thư từ người ta cứ viết là phố Ăng Toan kéo dài ( Rue Soeur Antoine prolongée ) .Còn tên thông thường dân không phân biệt cứ gọi chung cả là phố   Hàng Bột .
   Nhà thờ Hàng Bột còn gọi là Nhà nuôi làm người làm phúc của Bà phước Antoine ( Asile de la Soeur Antoine )
có nhà ở cả hai bên mặt đường phố ;ở hai đầu khu nhà thờ bên phía tây có hai ngôi nhà rộng xây lấn ra đến gần mặt đường hiện nay trước kia đều là nhà nuôi những người tàn tật nghèo khổ . Dẵy nhà một tầng hai chục gian ở cạnh nhà thờ là chỗ để người được nhận vào đây làm các nghề lao động chân tay tăng thêm nguồn thu nhập .
   Bên kia đường là nhà nhận trẻ mồ côi  hoặc trẻ khó nuôi gia đình đem cho các bà phước  ( một nhà cạnh đường số 162 Hàng Bột nay là cửa hàng Lương thực ,đã có một thời kỳ dùng làm nhà Hộ sinh  ;dãy nhà một tầng số 160 nay là cửa hàng Vải sợi và Bách hóa ;nhà số 107 a là trạm Y tế quận và cửa hàng Ăn uống Hàng Bột ) .
   Ngõ Văn Hương ở cạnh số nhà 97  .Ngõ Thịnh Hào I ở cạnh ngôi nhà 164 ,trông sang ngõ Văn Chương ở cạnh số nhà  121 .
   Số nhà 170 trước kia là một khu đất rộng ;một xí nghiệp cơ khí -lúc đầu là Hưng Thái  ,sau là Nam Thắng -đến đặt cơ sở ở đây. Nhà số 180 là của hiệu Anpo trên phố Cột Cờ  ,nhà hai tầng rộng mở cửa hàng .
  Bên số lẻ , từ ngõ Văn Chương (số 121 ) đến ngõ Huy Văn  (số 147 ) là đoạn phố có nhiều nhà làm từ lâu kiểu  cũ  ( xây vào khoảng những năm 20-30 ) là đất thổ cư của người làng Văn Chương .
   Ở đoạn phố này ,hai nhà số 180 và 190 vốn là nhà hai tầng rộng ,năm 1946 -1947 là hai vị trí của tự vệ khu phố ngăn quân Pháp từ nội thành tràn ra  ;hai trận đánh lớn đã diễn ra trong những ngày từ 24 đến 30 tháng Chạp năm 1946 dọc Hàng Bột  và quân giặc đã bị chặn lại ở quãng này .
   Qua ngõ Thịnh Hào 2 ( số 192 ) bên cạnh ngõ là di chỉ cũ của đình Thịnh Hào  (đình riêng của thôn Lăng Miếu  )
chỗ đó nay là kho của công ty Dược phẩm .Cạnh đình có một cái hồ lớn mới bị lấp gần đây ,và nay là kho của công ty Ăn uống . Tiếp theo là những ngôi nhà một tầng nhỏ ,khu vực này là đất cũ thôn Lăng Miếu(xã Thịnh Hào)
người làng còn giữ được đất cha ông để lại ,làm nhà ra mặt đường để ở hoặc cho thuê lại .
   Đối diện với mặt đường này ,từ ngõ Huy Văn (số 147 )đến số nhà 203 ( tức ngõ Đức Xương cũ ),có nhiều nhà hai tầng ; chỗ đó trước kia cũng chỉ là những  nhà một tầng mới cơi lên về sau ( khoảng những năm 40-50)  nhà số 195 hai tầng Đông Y Bảo An có sẵn từ những năm 30 .
   Qua ngõ Thịnh Hào 3 ( cạnh số nhà 202 ) ;bên phía tây số chẵn có nhiều nhà hai tầng . Quãng này bên trong là rìa làng Thịnh Hào có nhiều gò bãi ,ao bèo ,tha ma mộ địa ;nhiều người có tiền tậu đất đổ nền làm nhà ở hay mở xí nghiệp sản xuất vì có địa thế rộng .Nhà hai tầng nhiều gian ( số 206 đến số 212 -số 216 đến số 218 ...) ;nhà số 230 là một xí nghiệp nấu thủy tinh ,chung quanh còn ao ,bãi dâu .Nhà số 240 là xưởng nấu xà phòng của nhà Anpo ( nay là cửa hàng Quốc doanh Vật liệu điện và Máy ) .
   Bên đối diện số lẻ cũng thế  ;chỗ đó là bãi rộng của hai làng Văn Chương  và Thổ Quan . Ngõ 221 là ngõ Trại Ký Tường  ,bên trong là một dải hồ rộng của làng Văn Chương  .Ngoài mặt đường chỉ có nhà một tầng trừ nhà 217 là hai tầng .
   Đoạn cuối phố Hàng Bột  giáp Ô Cầu Dền  là đất làng Thổ Quan .Phía bên số chẵn có liền ba ngõ ngang mang tên Quan Thổ I (số 246) ,Quan Thổ II ,(số 256 ) ,Quan Thổ III (số 264 ) .Phần đất Thổ Quan này là một xóm của thôn Thổ Quan ,ít nhà mà nhiều gò đống  và ao hồ .Những năm 1930-1940 có phong trào lập trại ở ngoại ô ,người trong phố xuống đây tậu đất ,chỗ giáp mặt đường thì làm nhà cho thuê  hoặc mở cửa hàng ,nhà phần nhiều hai tầng rộng rãi ,đó là các nhà  284-286-306 .Bên trong đất rộng thì lập trại chăn nuôi ,trồng cây ,cho người gác  giữ đất để sau này mở mang thêm .
   Phong trào tậu đất mở trại ở Hàng Bột có;
   Trại Cẩm Văn ( của Cẩm Văn Đưòng ,Hàng Gai ) bên trong số 264
   Trại Vạn Tín ( số 278)
   Trại Đức Xương (số203 )
   Trại Ký Tường (số 221 )
   Trại Đỗ Lợi ( ngõ Văn Hương số 97 )
   Trại Ngựa của Ung Châu Phù  ( bên trong ngõ 264)
   Đối diện bên số lẻ cũng vậy ; nhiều nhà hai tầng cao rộng kiến trúc đẹp .Nhà số 279 là cửa hàng  của Trần Văn Tình chủ một hãng xuất nhập khẩu các mặt hàng như Hồi ,Quế ,Sơn ,Tóc rối ,Lông gà vịt .v.v...Nhà này tậu khu đất ở bên kia đường vốn là bãi cỏ phơi vải nhuộm  và cũng là chỗ trẻ con đá bóng  để lập trại Vạn Tín ( nhà số 279 nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân phường ; thời tạm chiếm nhà này là một phòng trà có sàn nhảy gọi là Đăng xinh Vọng nguyệt ).
   Số nhà 291-301 là một dãy nhà một tầng ,người ở thuê mở cửa hàng làm giặt là ,chữa xe đạp ,làm đồ sứ ...Nhà số 303 hai tầng là của Phạm Kim Quy một công chức Bưu điện .Nhà cuối phố Hàng Bột chung quanh Ô Chợ Dừa là nhà số 312 và nhà số 325 ;Nhà số 321 là hiệu Nam Thái bán thuốc lào và bánh mứt kẹo .
   Bây giờ tuy đã bị đổi tên thành Tôn Đức Thắng nhưng dân Hà Nội không ai gọi như thế mà chỉ dùng để chỉ đường cho khách thập phương .
   Hy vọng qua bài viết nhỏ này sẽ giúp cho Bạn tôi nơi đất khách quê người bớt phần lạnh lẽo u hoài trong nỗi buồn viễn xứ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét