Translate

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

ĐÔI LỜI VỀ VIỆC SỬ DỤNG CÁC THUẬT NGỮ NGHIÊN CỨU NHO GIÁO HIỆN NAY

NGUYỄN KIM SƠN
Đại học KHXH và Nhân văn
Hiện nay Nho giáo đang là đối tượng được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn chú ý. Nó là một vấn đề văn hóa, học thuật quan trọng của quá khứ, là vấn đề cần thiết cho hôm nay. Trong các công trình nghiên cứu trực tiếp về Nho giáo hoặc các lĩnh vực có liên quan, thấy nổi rõ một vấn đề; việc sử dụng các thuật ngữ nghiên cứu không thống nhất, chồng chéo, lẫn lộn, tùy tiện. Nho giáo là một đối tượng học thuật lớn, phức tạp, các thuật ngữ dùng trong nghiên cứu vì thế cũng có số lượng lớn và khá phức tạp. Bài viết nhỏ này chỉ góp đôi lời thảo luận về các thuật ngữ Nho giáo, Nho gia, Nho học, trên cơ sở so sánh cách hiểu và cách sử dụng của người Trung Quốc và người Việt Nam.
Cùng với bản thân học thuyết Nho giáo, các thuật ngữ nói trên cũng đều từ Trung Quốc di thực sang ta. Nhưng do nhiều lý do khác nhau, cách hiểu của người Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm lệch khác nhau. Tình hình lệch khác đó càng lớn khi so sánh các công trình nghiên cứu mới công bố gần đây của hai nước. Sự lệch khác đó trở thành vấn đề đáng lưu tâm khi chúng ta chuyển dịch các tài liệu từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt và dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài.
Để đẩy mạnh công việc nghiên cứu Nho giáo đang có cơ hội phát triển hiện nay, việc thảo luận về các thuật ngữ đương nhiên là cần thiết, là vấn đề không đáng lảng tránh. Trong quá khứ, cả người Trung Quốc và người Việt ta đều không có thói quen làm công việc định nghĩa, chỉ có truyền thống huấn giải là ra đời sớm và có ảnh hưởng mạnh mẽ mà thôi. Cho đến tận ngày nay, không thể dễ dàng tìm thấy các định nghĩa cần thiết để đối chiếu so sánh, truyền thống huấn giải hiện vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh ở Trung Quốc. Vì thế việc thảo luận về các thuật ngữ nghiên cứu Nho giáo gặp nhiều khó khăn. Việc chỉ ra sự lệch khác trong cách hiểu của người Trung Quốc và người Việt đối với nhiều thuật ngữ nghiên cứu Nho giáo, theo chúng tôi có ý nghĩa nhiều đối với việc nghiên cứu Nho giáo, nhưng vấn đề thú vị hơn còn ở chỗ cần phải lý giải xem nguyên nhân từ đâu vì đâu dẫn tới sự lệch khác đó, có liên quan gì đối với sự khác biệt giữa Nho giáo ở Việt Nam và Nho giáo ở Trung Quốc hay không. Bài viết này chưa thể giải quyết một cách toàn diện những vấn đề trên mà chỉ bước đầu đưa ra vài nhận xét về ba thuật ngữ Nho giáo, Nho họcNho gia.
1. Nho giáo
Theo các tác giả công trình Trung Quốc Nho học(1), từ Nho giáo có hai nghĩa. Thứ nhất: Nho giáo có nghĩa là đem Nho học để tiến hành giáo hóa (dĩ Nho học tiến hành giáo hóa). Nghĩa thứ hai: Từ Ngụy Tấn đến Nam Bắc Triều, Tùy Đường, giáo hóa của Nho học cùng với Phật giáo, Đạo giáo hợp xưng là Tam giáo, trong đó “giáo” của Phật giáo và Đạo giáo chỉ mặt tôn giáo, còn “giáo” trong Nho giáo mang ý nghĩa chỉ giáo hóa của Nho gia. Việc đưa ra thảo luận xem Nho giáo có phải là tôn giáo hay không, đưa vào cho “giáo” trong Nho giáo tính tôn giáo chỉ bắt đầu từ thời cận hiện đại. Cũng theo các tác giả công trình lớn này, những ý kiến của các học giả hiện đại cho Nho giáo cũng là tôn giáo chưa được số đông chấp nhận. Cũng có người cho rằng, Nho giáo không thể là một tôn giáo với đầy đủ ý nghĩa của nó. Người khác lại cho nó là một tôn giáo thực thụ, người khác lại cho nó chỉ có tính tôn giáo, mang tác dụng tôn giáo… Những quan điểm đó hiện nay còn đang tranh luận chưa phân thắng bại. Nhưng rõ ràng là, trong vốn từ quan tâm của chúng ta là từ xưa tới nay nó luôn được dùng với nghĩa đem Nho học để giáo hóa, ngay cả trong tương quan Tam giáo. Trong cách hiểu phổ biến, Nho giáo không biểu đạt tính tôn giáo của Nho.
Từ điển Từ hải(2), giải thích ngắn gọn “Nho giáo tức Khổng giáo”. Từ điển Từ nguyên(3) ghi “Nho giáo tức là lấy Nho gia học thuyết giáo nhân” (cũng tức là đem Nho học để tiến hành giáo hóa). Trung Quốc triết học đại từ điển(4), không có mục từ Nho giáo trong khi có mục từ Nho gia, Nho đạo, Nho thuật, Khổng giáo… Nhiều từ điển và các sách tra cứu khác của Trung Quốc cũng có tình trạng tương tự, không có mục từ Nho giáo. Người Trung Quốc không sử dụng từ Nho giáo phổ biến bằng từ Nho gia, Nho thuật, Nho học. Các sách tra cứu có mục Nho giáo thì cũng không có cách hiểu nào với sự mở đầu “Nho giáo là một tôn giáo…” cả. Người Trung Quốc không coi Nho giáo là một học phái, một học thuyết, một hệ tư tưởng, một tôn giáo. Ý nghĩa của từ này khá hẹp. Để biểu đạt khái niệm Nho giáo theo nghĩa rộng và phổ biến như cách hiểu của người Việt, người Trung Quốc có những khái niệm khác.
Trong khi đó ở Việt Nam, Nho giáo lại là từ dùng phổ biến nhất, phổ biến hơn cả Nho học, Nho gia. Trong công trình Nho giáo nổi tiếng của Trần Trọng Kim, tác giả đã nhiều lần nói: “Nho giáo là một học thuyết… Nhưng vấn đề mà Trần Trọng Kim trình bày trong cuốn sách này bao gồm cả những vấn đề tư tưởng, các danh nho, học phái, diễn tiến lịch đại của nội dung tư tưởng học thuyết… Như vậy tác giả đã thực sự hiểu Nho giáo với tư cách là một học thuyết, một học thuyết phải tương đương với Nho giáo, Nho học theo cách hiểu của người Trung Quốc. Giáo sư Vũ Khiêu, người chủ trì công trình Nho giáo tại Việt Nam(5) cũng nói rằng “Nho giáo là hệ tư tưởng thống trị trong xã hội phong kiến” (tr.11). Nhà nghiên cứu Quang Đạm trong cuốn Nho giáo xưa và nay(6) viết “Nho giáo hoặc đạo Nho, theo một lối gọi rất quen thuộc ở nước ta trước đây là học thuyết gì, đạo gì, tôn giáo gì? Cứ theo mặt chữ mà giải nghĩa một cách đơn thì đó là học thuyết, giáo lý hoặc đạo lý của các nhà Nho…”. Cố giáo sư Trần Định Hượu, trong các công trình nghiên cứu về Nho giáo trên nhiều góc độ khác nhau đã nhiều lần phát biểu có tính chất định nghĩa về Nho giáo. Chẳng hạn như trong “Những vấn đề Nho giáo hiện nay(7) giáo sư viết: “Nho giáo là một học thuyết, học thuyết chính trị đạo đức. Ra đời vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc, cự loạn ly, Nho giáo là một học thuyết chống loạn, cứu đời…” (tr.245)
Trong một công trình nghiên cứu không chuyên về Nho giáo, hai tác giả Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường trong Từ điển văn học Việt Nam(8) mục “Nho giáo và văn học” viết: “Nho giáo được sáng lập bởi nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại Khổng Tử, một học thuyết đạo đức chính trị…”.
Từ điển tiếng Việt(9) định nghĩa: “Nho giáo là hệ thống các nguyên tắc đạo đức chính trị do Khổng Tử sáng lập, nhằm duy trì trật tự của xã hội phong kiến” (tr.714).
Chỉ với ngần ấy dẫn chứng chúng ta cũng đã có thể thấy cách hiểu về Nho giáo của người Việt khác nhiều với người Trung Quốc. Người Việt dùng từ Nho giáo rất phổ biến, chỉ một nội dung học thuyết, một hệ tư tưởng do Khổng Tử khai sáng. Không thấy xuất hiện trường hợp hiểu Nho giáo là “đem Nho học để giáo hóa”, cũng không đặc chỉ mặt tôn giáo của Nho. Nho giáo chỉ toàn khối của Nho, gồm cả nội dung học thuyết, diễn tiến lịch đại tư tưởng, cả nhìn nhận nó như một học phái. Cách hiểu đó tương đương với Nho gia, Nho học của người Trung Quốc.
2. Nho học
Các taá giả công trình Trung Quốc Nho học định nghĩa về Nho học: “Nho học là học thuyết của Nho gia do Khổng Tử sáng lập, hậu Nho kế thừa, lấy ái làm hạt nhân, lấy tam cương ngũ thường làm nội dung chủ yếu” (T1-tr5). Định nghĩa này chỉ là cách gọi tắt của Nho gia học thuyết, cũng tức tương ứng với từ Nho gia của người Trung Quốc và tương ứng với Nho giáo trong cách hiểu của người Việt Nam.
Từ điển Từ nguyên (tr143) định nghĩa: “Nho học tức học thuyết của Nho gia (Nho gia chi học). Từ cách hiểu này mà hầu hết các công trình nghiên cứu Nho học của Trung Quốc đều bao gồm nghiên cứu về các nhân vật, tư tưởng, học phái… cũng tức tương tự như người Việt Nam nghiên cứu về Nho giáo vậy. Trong các sách, các tài liệu nghiên cứu khác của người Trung Quốc chúng tôi đều thấy có hiện tượng tương tự, đều coi Nho học là chỉ Nho gia học thuyết. Không thấy có tài liệu nào coi Nho học là học thuật của nhà nho, càng không có tài liệu nào quan niệm hẹp hơn: Nho học chỉ lĩnh vực giáo dục và khoa cử lấy Nho gia làm tư tưởng chỉ đạo. Để chỉ học thuyết của nhà Nho, có khi người ta dùng từ Nho thuật và cũng có lẽ các lĩnh vực học thuật của các nhà Nho Trung Quốc quá rộng lớn và có nhiều lĩnh vực chuyên sâu, nên người ta lấy tên gọi, của các lĩnh vực riêng đó để gọi chứ không gọi gộp các lĩnh vực học thuật của nhà nho vào một từ Nho học.
Ở Việt Nam việc sử dụng thuật ngữ Nho học có nhiều điểm khác. Trung Quốc hầu như không có hiện tượng dùng cặp đôi cả hai từ Nho giáoNho học đi liền nhau. Ở ta đã có nhiều trường hợp dùng cặp đôi như vậy. Chẳng hạn giáo sư Trần Đình Hượu có bài viết: “Nho giáo và Nho học ở Việt Nam, vài vai trò của nó trước thực tế phát triển thời cận hiện đại(10)”. Trong bài viết trên, tác giả có sự phân biệt giữa Nho giáoNho học, Nho giáo chỉ nội dung học thuyết, hệ tư tưởng, của Nho học với nghĩa chỉ giáo dục, trước thuật của nhà Nho.
Về mục từ Nho học, Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Nho học: Nền học vấn theo Nho giáo” (tr714). Từ điển văn học Việt Nam (Sđd), viết: “Nho học là loại hình giáo dục phổ biến nhất suốt thời trung đại” (tr.331). Cách hiểu Nho học là bộ phận học thuật và giáo dục của nhà nho, chịu sự chi phối, thống trị của tư tưởng Nho giáo là tương đối phổ biến trong các công trình nghiên cứu tư tưởng và văn hóa cổ trung đại gần đây. Các học giả Việt Nam rõ ràng phân biệt Nho họcNho giáo có hai nội hàm khác nhau, có sự phân biệt tương đối rõ. Ở ta không có hiện tượng cho Nho học là cách gọi tắt của “Nho gia học thuyết” và cũng không có hiện tượng đồng nhất Nho học với Nho giáo (đem học thuyết Nho gia tiến hành giáo hóa) như cách hiểu của người Trung Quốc.
Từ sự lệch khác trong cách hiểu của người Việt Nam và người Trung Quốc đối với thuật ngữ Nho học như trình bầy ở trên, khi dịch từ Nho học từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt phải tùy từng trường hợp, từng hoàn cảnh, nhưng dịch ra thành Nho giáo là có thể phù hợp với cách hiểu của người Việt.
3. Nho gia
Nho gia là từ dùng rất phổ biến ở Trung Quốc. Trung Quốc văn hóa sử tam bách đề(11) viết: “Nho gia là một học phái quan trọng của Trung Quốc cổ đaịi do Khổng Tử là người sáng lập” (tr.479). Triết học đại từ điển (Sđd) giải thích mục từ Nho gia: “Nho gia… là một học phái quan trọng sùng phụng học thuyết Khổng Tử. Trong Cửu lưu thập gia, Nho gia được đặt hàng đầu” (tr712). Từ điển Từ hải (Sđd) ghi: “Nho gia là một học phái trong tư tưởng học thuật Trung Quốc sùng phụng học thuyết Khổng Tử (tr.298).
Trong các tài liệu của Trung Quốc, chúng tôi thấy Nho gia đều được định nghĩa là một học phái do Khổng Tử là người sáng lập. Học phái Nho gia xét trong sự phân biệt với các gia khác thời Tiên Tần như Binh gia, Nông gia, Pháp gia… Không thấy có trường hợp dùng từ Nho gia để chỉ nhà Nho. Người Trung Quốc dùng từ Nho sĩ, hoặc Nho giả hoặc Nho để chỉ nhà Nho.
Trong khi đó, người Việt có xu hướng thiên về hiểu Nho gia là nhà Nho. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa: “Nho gia Người về học phái Nho học”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Nho gia – nhà Nho có tên tuổi”. Đến như Từ điển Việt – Hán(12) dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Hán cũng ghi: “Nhà Nho – Nho gia” (tr.799). Người Việt hiểu từ Nho gia cũng tương tự như các từ thương gia, nông gia chỉ những bộ phận người trong xã xã hội được phân biệt bởi nghề nghiệp. Thương gia chỉ người làm nghề buôn bán, nông gia chỉ người làm nghề sản xuất nông nghiệp, còn Nho gia chỉ bộ phận người chuyên đi học và tin theo đạo Nho. Nói như vậy không có nghĩa là người Việt không cho Nho gia chỉ học phái Nho, nhưng cách hiểu Nho gia là nhà Nho là một xu thế rõ ràng chiếm ưu thế.
Theo tương quan cách hiểu Trung - Việt như trình bày ở trên, đối với các công trình nghiên cứu của người nước ngoài như Nho gia tư tưởng nghiên cứu của Ngô Nãi Cung, Nho gia dữ hiện đại Trung Quốc của Vi Chính Thông… thì khi dịch sang tiếng Việt cũng có thể để nguyên Nho gia như một số người đã từng làm, nhưng cũng nên chuyển sang Nho giáo cho phù hợp với người Việt Nam để tránh hiểu lầm rằng đó chỉ là những công trình nghiên cứu riêng về Nho sĩ.
Xét cả ba trường hợp dùng các thuật ngữ Nho giáo, Nho gia, Nho học, chúng ta thấy giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự lệch khác. Việc sử dụng nó ở hai nước khác nhau, mức độ phổ biến khác nhau, nội hàm cũng khác nhau. Để làm sáng tỏ hơn, có sức thuyết phục hơn sự lệch khác trong cách hiểu các thuật ngữ nghiên cứu Nho giáo giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần có sự khảo sát, thống kê kỹ lưỡng hơn từ các công trình nghiên cứu, và cũng chỉ có thể trên cơ sở đó mới đưa ra được những ý kiến thích đáng đối với thực tế sử dụng. Bài viết này chỉ xem như một cách đặt vấn đề. Hơn nữa việc lý giải xem tại sao có hiện tượng lệch khác và phức tạp đó, cũng như tiếp tục so sánh đối với nhiều thuật ngữ nghiên cứu Nho giáo khác còn là vấn đề khoa học thú vị và cần thiết.
Chú thích:
1. Trung Quốc Nho học – t1 – Bàng Phác chủ biên – Đông phương xuất bản trung tâm - Thượng Hải 1997- tr.714.
2. Từ điển Từ Hải - Thượng Hải từ thư xuất bản xã - Thượng Hải 1989 tr.143.
3. Từ điển Từ nguyên – Thương vụ ấn thư quán - Bắc Kinh 1993.
4. Trung Quốc triết học đại từ điển – Trung Quốc triết học sử quyển - Thượng Hải từ thư xuất bản xã - Thượng Hải 1985.
5. Vũ Khiêu (chủ biên) – Nho giáo tại Việt Nam – Nxb KHXH – Hà Nội, 1994.
6. Quang Đạm – Nho giáo xưa và nay – Nxb Văn hóa – Hà Nội 1994.
7. Nhiều tác giả - Nho giáo xưa và nay – Nxb KHXH – Hà Nọi 1994
8. Lại Nguyên Ân – Bù Văn Trọng Cường - Từ điển văn học Việt Nam – Nxb Giáo dục – Hà Nội 1994.
9. Từ điển tiếng Việt – Trung tâm từ điển ngôn ngữ - Hà Nội 1992.
10. Trần Đình Hượu - Đến hiện đại từ truyền thống – Nxb Văn hóa Thông tin – HN, 1996.
11. Trung Quốc văn hóa sử tam bách đề - Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã - Thượng Hải 1987.
12. Từ điển Việt – Hán – Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp – Hà Nội 1994.
                                                                                 Sưu tầm từ Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr542-551)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét