Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

KẺ LỬA


Chữ “môn” mà người ta cứ giải thích là từ Hán Việt tức từ Việt gốc Hán thực ra nó 100% là từ Việt (về sau Quan Thoại dùng nó đọc là “mấn” là cái cửa,chính là một từ Hán gốc Việt).
Hàng chục vạn năm về trước khi con người còn là người nguyên thủy nhưng hơn động vật là biết nói để giao tiếp thì những từ biết đến đầu tiên là chỉ các bộ phận trên cơ thể con người.
Tiếng Việt trên “ mặt” có: “mắt”, “mi”, “mày”, “mũi”, “mồm” là những cái chui ra đầu tiên khi mẹ đẻ ra là thấy ngay vì đỡ ra là nó nằm ngửa. Cái “mồm” ấy ở con người vì biết nói “tiếng” có ý nghĩa để giao tiếp nên mới gọi là cái “miệng”, khác với con vật chỉ có mồm (ngày nay có người vẫn lầm lẫn nên vẫn viết là con vật có miệng, tưởng là dùng từ ấy cho nó sang hơn chứ không tục). Cái mồm ấy khi đem “món” ăn bón cho khi còn chưa mọc răng không nhai được,chỉ nuốt , nên gọi là “măm”, còn khi mở mồm “đưa” thức ăn từ trong ra qua mồm thì gọi là “mửa”, chính từ mửa này là tiền đề cho từ “cửa” có sau , khi con người đã biết làm nhà ở.
Còn khi đang còn là người nguyên thủy chưa biết làm nhà ở thì cái cửa ấy người ta đã gọi là “môn”. Bởi vì mọi cái cửa đầu tiên mà con người ý thức được là nó ở trên cơ thể con người. Cái cửa đầu tiên có ở con người khi đang còn bào thai trong bụng mẹ là cái cửa duy nhất thông với cơ thể mẹ để lấy dinh dưỡng gọi là cái “rốn”.Tiếp đến trên cơ thể thấy các cửa là: cái “nõn”( “nõ”-“lõ”-“linga” ,mà hình tượng nhất là cái “nõ” điếu cày); cái “nồn” ( “yôni”-“nường”-“lường” nên từ “lường gạt” là từ mắng thậm tệ chỉ dùng cho gái điếm thay cho “lừa gạt” nhẹ hơn, cặp sinh thực khí Âm/Dương mà người Việt thời cổ đại thờ là cặp Nõn/Nường hay Lõ/Lường cũng vậy); cái “trôn” (mà Quan Thoại gọi là “hậu môn”, một âm tiết phải dịch ra thành hai âm tiết), cái cửa trong của trôn gọi là cái “dom” vì phải vạch ra “nom” mới thấy.
Người nguyên thủy vì ban đầu chưa biết làm nhà nên ở trong hang mà cái cửa hang là một lỗ nhìn vào tối “om om” hay tối “um” (mà về sau Hán ngữ phiên cái từ “đơn âm thành ý” là “um” ấy của tiếng Việt thành từ hai âm tiết bằng hai chữ “u minh”,chữ “u”烏 cũng nghĩa là tối đen, chữ “minh”冥 cũng nghĩa là tối đen) như hang dơi nhưng để con người có chỗ mà “chun” ra chun vô nên thoạt đầu họ gọi nó là cái “mun”,cũng thành từ để chỉ màu đen. Loại gỗ đen chỉ có ở rừng miền Trung Việt Nam là cây gỗ mun, mà ngày nay còn rất hiếm. Cư dân nông nghiệp của nền văn minh lúa nước yêu con mèo hơn con chó vì nó trị chuột , bảo vệ ngũ cốc, họ thích vuốt ve mèo,cho mèo ngủ chung trong chăn với người, còn chó thì chẳng mấy ai ôm và bị đuổi ra sân ngủ chứ đừng nói cho ngủ trên giường với người. Khác hẳn dân du mục đồng cỏ, họ ôm chó trong áo lông, cho chó ngủ chung giường vì nó là bạn chăn cừu và đi săn cùng họ. Con mèo đen gọi là mèo mun. Con chó đen gọi là chó mực cùng từ chữ mun mà ra (chữ “mực” ấy sau dùng chỉ mực là chất lỏng màu đen chế ra để viết trên giấy mà Quan Thoại gọi là “mặc thủy”.
 Cùng thời với Khổng Tử còn có ông Mặc Tử, cũng viết ra một cái giáo lý riêng của ông ấy gọi là “Mặc giáo”, cổ thư chữ Hán nói cũng chẳng biết ông ấy họ tên gì,sống độc thân ,đi lang thang, gọi là Mặc Tử vì ông ấy da đen trũi , tóc lại quăn -vậy thì ông ấy chính là người dòng Nam Đảo của Việt tộc chứ chẳng lẽ lại là người Hán?). Cái “mun” hỏm hòm hom là cửa hang của người nguyên thủy ấy sau viết chữ nho là chữ “môn”.Thời ở hang của con người thì mỗi hang là một dòng họ, phân biệt bằng cửa hang là “mun” nên gọi là “dòng mun” mà về sau chữ nho viết là “tông môn”, là cửa của một họ. Họ ấy là người một gốc, mà tiếng Choang gốc gọi là “thị”, chữ nho viết là thị氏 tức gốc đằng mẹ, vì chế độ mẫu hệ. Khi con người đã chuyển sang chế độ phụ hệ thì cái “gốc” ấy chữ nho viết là “tộc”族 , “thị” cũng là họ nhưng là họ theo mẹ, “tộc”族 cũng là họ nhưng là họ theo cha, “thị tộc”氏族 là từ chỉ cộng đồng người nguyên thủy, là một từ ghép theo đúng trật tự thời gian từ nào có trước đứng trước và từ nào có sau đứng sau, vì chế độ mẫu hệ là có trước, chế độ phụ hệ có sau.
 Khi con người biết làm nhà để ở thay cho ở hang thì cái cửa nhà là cái “đưa” con người chun ra chun vô nhưng nó sáng chứ không tối như cửa hang nên gọi là “cửa”. Thời ở hang là thời đại đồ đá cũ ,đến thời đại đồ đá mới kéo dài mấy chục ngàn năm, con người đã biết trồng trọt mà phương thức canh tác đầu tiên là chọc lỗ tra hạt trên đất khô. Hết thời ở hang, người Việt làm nhà sàn để ở. Nền văn minh lúa nước ra đời, và phát triển liên tục hàng chục ngàn năm,gắn bó đồng thời với văn minh nhà sàn và văn minh sông nước ở vùng nhiết đới nóng ẩm và gió mùa của Đông Nam Á. Nền kinh tế ấy cũng đồng thời sản sinh ra văn minh dịch lý để tính toán vũ trụ, thời tiết, nông lịch v.v. phục vụ cho chính nó.Nền văn minh ấy là vào khoảng 20.000 BC-17.000 BC, thời của vua Phục Hy. Người Việt được gọi là Mun ( “ngăm-ngăm”) bao gồm các nhánh Môn, Miên, Chăm, Lùm (Lào Lùm), Mường v. v.mà sử Hán gọi là “Man”, “Nam”, rồi từ ghép theo cú pháp Hán là “Nam Man”, (nếu theo cú pháp Việt thì phải đặt ngược lại là Man Nam) vì họ có nước da Nam Đảo-Nam Á ngăm đen chứ không trắng bằng người Hán là chủng Mogoloit. Theo phương dịch lý do mình sáng tạo ra , người Việt gọi mình là Kẻ Lửa (mà ngôn ngữ dịch lý thì gọi là Quẻ Ly, tượng là màu Đỏ, gọi theo ngũ hành là Hỏa) tức người ở phương nóng bức gần xích đạo. (Đồng bào miền núi phía bắc Việt Nam đến tận bây giờ vẫn gọi cái nhà sàn có bếp lửa đốt ở giữa nhà là “nhà quẻ Ly”, đó không phải là nói về cái kiểu nhà ,mà là do ký ức xa xưa nói đó là nhà của dân Kẻ Lửa).
Từ KẺ đã có những biến âm trong tiếng Việt là KÒ (tiếng Thanh Hóa)=KÔ (tiếng Nhật Bản)=KU (tiếng Việt)=TU (tiếng Tày)=TỬ ( chữ nho子)=ZỬ (tiếng Quan thoại)=TÍ (chữ nho 子)=CON (tiếng Việt) đều có nghĩa là “con”.
Từ KẺ ấy ban đầu viết bằng ký tự kẻ vạch là một kẻ dương (—) là kẻ có đầu tiên( hoa văn kẻ vạch chìm-hoa văn kỷ hà học- trên vỏ đồ gốm thời đại đồ đá mới tìm thấy ở nhiều nơi,kể cả ở Đài Loan và Nhật Bản, điển hình là ở di chỉ Hà Mẫu Độ ở Triết Giang Trung Quốc 7000 năm BC cùng di tích hạt lúa và rơm chất đống được các nhà khoa học Trung Quốcnhất trí nhận định là di tích văn hóa của dân tộc Bách Việt, là một trong những nét đặc trưng để nhận biết là văn hóa của người Bách Việt cổ đại. Hoa văn kẻ vạch ấy còn thấy trên trống đồng , và còn hiện hữu rực rỡ trên nền thổ cẩm của các dân tộc Mường, Dao, Hmông, Chăm,Tây Nguyên đến tận ngày nay.
Trong nghề gốm sành ở Nghệ An, các động tác gia công là: kẻ, khắc, khía, khứa, khót-là nạo bên trong lòng vật gia công-mà dụng cụ chỉ là một sợi lạt cật.Trong chuyện cổ tíchVợ chồng An Tiêm (có thể là bà An ông Tiêm) lên thuyền trôi dạt ra đảo,trồng dưa hấu, kẻ khắc ký tự lên vỏ quả dưa gửi trôi theo biển về báo cho cha là Vua Hùng rằng họ còn yên lành và khấm khá, đó là cái đạo hiếu của người Việt, con không bao giờ trách cứ cha mẹ “con cái không chê cha mẹ khó, con chó không chê chủ nghèo”, hòn đảo ấy chắc là đảo Đài Loan, dân bản địa Đài Loan từ cổ gọi nơi họ ở nam Đài Loan là Tuan Uan (có thể là do chỗ của ông Tiêm bà An), mà thành từ “Thái Oan” tức Đài Loan bây giờ, còn chuyện thuyền đánh cá của ngư dân Việt từ miền trung Việt Nam bị bão trôi dạt vào Đài Loan thì đến bây giờ vẫn là cái “chuyện thường năm ở huyện”).Từ LỬA đã có những biến âm trong tiếng Việt là: LẢ (tiếng Bắc Trung Bộ)=LA=LI (trong dịch lý)=LIỆT (chữ nho烈, nghĩa là “rực”), để rồi LIỆT biến âm thành VIỆT, cũng như LANG đã biến âm thành VƯƠNG . Đến thời Xuân Thu Chiến quốc trong Hán thư mới có từ Bách Việt, trước đó người Hán vẫn gọi dân tộc ở phía nam của họ là Man , do từ Mun của người Việt, vì có nước da ngăm đen hơn họ.
Đến thời Tam Quốc người Hán vẫn chưa vượt nổi sông Dương Tử nên quân Ngụy của Tào Tháo thua quân Ngô của Ngô Tôn Quyền khi đòi vượt sông.Trận thua “xất bất xang bang” đó sau sử gọi là trận Xích Bích tức húc phải bức tường lửa của dân Kẻ Lửa,chứ chẳng có địa danh nào bên sông Trường Giang gọi là Xích Bích cả. Biết bao làng quê, sông,núi của Việt Nam và cả những vùng đất bao la ở Giang Nam của Trung Quốc ngày nay đều có cái tên (địa danh) chỉ bằng một âm tiết theo đúng nguyên tắc ngôn ngữ Việt mà các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc nhận địnhnó là yếu tố đặc trưng của tiếng Bách Việt cổ, là “đơn âm thành ý” tức cứ phát ra một tiếng là có mang một ý nghĩa hoàn chỉnh, mà khi phiên ra tiếng Hán phải dùng hai chữ Hán. (Cũng vì nguyên lý này mà lỡ đánh một cái rắm thành tiếng thì người ngồi bên đã phê bình khéo là mày chê cái gì “ít”).
 Một nguyên tắc đặc trưng khác mà các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc thừa nhận ở tiếng Bách Việt cổ khác với tiếng Hán là cú pháp tiếng Việt “chính trước phụ sau,ở tiếng Hán thì phụ trước chính sau”.Các địa danh Việt chỉ có một âm tiết.
 Ở Việt Nam trước thời Bắc thuộc biết bao tên làng , tên sông là Lửa (làng Cầu Lửa tức Kẻ Lửa ở Nghệ An), là La (sông La ở Hà Tĩnh tức con sông của dân Kẻ Lửa), là Liệt ( làng Phương Liệt, tức vuông Liệt ở Hà Nội , là ruộng của dân Kẻ Lửa) . Đến như con sông Mịch La tận bên Giang Nam, nơi nhà thơ Khuất Nguyên trẫm mình là từ do Quan Thoại dùng từ “mi lúa” phiên âm từ “mẹ lửa” của tiếng Việt , là con sông mẹ của người Kẻ Lửa, cũng như người Thái gọi “mè Khoỏng” là “mẹ sông” mà thành tên Mê Kông. Đất nước của dân Kẻ Lửa ấy Hán thư phiên âm theo Quan Thoại là “Quẩy Sử” rồi viết đúng cú pháp Hán là “Sử Quẩy” tức nước “Xích Qủi”, “xích” là đỏ, lấy ý tương tự như “lửa” . Các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc rất tôn trọng đặc điểm đặt tên địa danh bằng một âm tiết ấy của lịch sử nên trong từ điển Hán ngữ đều có chú nguồn gốc xuất xứ của từ. Ví dụ một từ “điền” được giải nghĩa là ruộng, lại chú thêm “Điền” là địa danh gọi vùng Vân Nam thời cổ đại (đó là nước Điền Việt), do vậy đến khi nền văn minh nhân loại có vụ đăng ký biển số ô tô, cục quản lý xe chỉ việc lấy chữ đó làm mã số vùng, không như ta lấy hai con số đầu làm mã số vùng, nhìn qua đều chưa kịp giải mã xem nó là vùng nào. Ví dụ ở Trung Quốc nhìn biển số xe ô tô có chữ Việt粤 đầu biết ngay là xe Quảng Đông, nhìn chữ Quế桂 đầu biết ngay là xe Quảng Tây, nhìn chữ Điền田 đầu biết ngay là xe Vân Nam v.v, mà còn hiểu được cả lịch sử vùng đó xưa là đất Việt .
Từ điển tiếng Việt của ta xuất bản thì không hề có chuyện đó. Ví dụ tra chữ “noi” được giải thích là theo gương, không có mục “Noi” là tên làng Việt cổ sát Hà Nội gọi là Kẻ Noi nằm bên bờ sông Noi, mà thời Bắc thuộc Kẻ Noi được phiên âm là Cổ Nhuế, sông Noi được phiên là Nhị Hà, mà dân thì vẫn quen “đơn âm thành nghĩa “ nên gọi là sông Nhuệ; “lừ” được giải thích là phụ từ của lừ đừ,không có mục “Lừ” là tên con lạch cổ ở Hà Nội đổ ra sông Noi, thời Bắc thuộc “lạch Lừ” được phiên âm kèm đổi sang cú pháp Hán nên ngược thành “Lừ lạch” viết là “Tô Lịch”( đoạn cuối sông ấy ở đồng ruộng nhà quê bây giờ nước ô nhiễm đặc quánh và đen ngòm, dân vẫn gọi là con sông Lừ, nó còn lừ đừ hơn là con lạch trong xanh chảy êm đềm vì giữa đồng bằng, mà ngày xưa gọi là con lạch Lừ. (Nhưng từ điển giải thích từ Hán-Việt thì nhiều lắm, nhan nhản đủ kích cỡ, dày mỏng, trong hiệu sách ngày nay). Đến như Thuận Hóa là kinh đô cuối cùng của thời “Hán học” mà dân vẫn chỉ gọi có một âm tiết là Huế, rồi bắt buộc quan hàn lâm phải theo mà thành tên Huế cho đến bây giờ, trở thành thân yêu với bao nhiêu đặc sắc văn hóa hàm chứa chỉ trong một tiếng “Huế” .


Người Việt của dân tộc Bách Việt cổ đại đã đem nền văn minh lúa nước lấn-lướt (chữ nho “lăng liệt”凌烈) lên phía bắc bằng đường biển khai phá vùng Giang Nam rồi đồng bằng nam sông Hoàng hàng chục nghìn năm trước công nguyên. Từ khi người Mogoloit tràn xuống chiếm vùng đồng bằng Hoàng Hà là bắt đầu một sự hội nhập và đồng hóa mà dân tộc học gọi là quá trình “vàng hóa” chủng Nam Á- Nam Đảo da ngăm đen trên mảnh đất gọi là Trung Nguyên .
 Chủng Việt lui dần về nam sông Trường Giang, bảo lưu đặc sắc ngôn ngữ và văn hóa của mình, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc hình thành hàng loạt quốc gia Bách Việt hùng mạnh “ kéo dài từ Giao Chỉ đến Cối Kê hàng 7,8 ngàn dặm”, một trong số đó là Việt Quốc của Câu Tiễn tồn tại 160 năm với 8 đời vua, sau bị Tần diệt.Từ thời Tần Hán mới bắt đầu quá trình Hán hóalần thứ hai, diễn ra ở Giang Nam mà trước tiên là quá trình đồng hóa ngôn ngữ.
Đến thời Hán Vũ Đế thì Bách Việt hoàn toàn bị xóa sổ. Những trung tâm chính trị của dân tộc Bách Việt đều bị Hán Vũ đế chinh phục, đổi thành quận huyện của triều Hán.Từ đó về sau cái tên Bách Việt không còn thấy ghi trong sách sử nữa, cái tên dân tộc Việt cũng bị lãng quên trên đất Trung Hoa, chỉ còn dân tộc Việt Nam hậu duệ đích tôn của dân tộc Việt là còn tồn tại như một dân tộc độc lập với ngôn ngữ Việt nguyên vẹn là Nôm na.Tuy rằng ngày nay không còn tìm đâu ra cái tên gọi là dân tộc Bách Việt hay nhóm dân tộc Việt nhưng văn hóa Bách Việt trên thực tế thấu qua muôn ngàn phương thức lưu lại muôn ngàn dấu tích trong văn hóa các dân tộc khác nhau.
Đó là những đặc điểm văn hóa mà các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận là đặc điểm riêng để nhận biết cùng nguồn gốc: Gốm hoa văn kẻ vạch chìm đặc trưng của dân tộc này từ thời đồ đá mới; thờ rồng, tự coi mình là cháu con của rồng; tập tục xăm mình; cuộc sống làng gần nước; tập quán nhai trầu và nhuộm răng đen; khí cụ đồng thau tinh xảo, nhất là trống đồng, kiếm đồng,chuông đồng lớn; trồng lúa nước,vấn khăn xếp, bói chân gà, khắc cánh tay kết bạn, ăn nhiều ốc hến hải sản, ở nhà sàn (mà Hán ngữ phải phiên âm “sàn” bằng hai chữ “can lan”干欄), giỏi dùng thuyền và giỏi thủy chiến, thích chọi gà v.v. Mặt khác ngôn ngữ Bách Việt cổ còn đậm dấu ấn trong tiếng nói của hậu duệ người Mân Việt (Phúc Kiến), mà ở Đài Loan vẫn dùng, gọi là tiếng Hà Lạc, mặc dù ở Đài Loan và Phúc Kiến chẳng có địa danh nào gọi là Hà Lạc cả (Quan Thoại phiên âm là “ hứa lua”, nghe còn phảng phất âm “kẻ lửa” ,còn theo chữ dùng ghi âm đó là chữ河洛thì chỉ còn có thể nhận được ở bộ thủy có ở cả hai chữ, để hiểu rằng đó là chỉ thứ tiếng của dân sông nước, đó chính là tiếng của dân văn minh lúa nước, dân Kẻ Lửa) và tiếng Việt粤 của dân Quảng Đông .
Sự gần gũi để còn nhận thấy là : ở cách phát âm, ở cú pháp ghép cụm từ là cú pháp Việt trong khẩu ngữ nhất là ở những từ gốc (Ví dụ:曆日(lịch nhật)=lịch ngày, 風颱(phong đài)=bão (quan thoại là đài phong), 人客(nhân khách)=người khách, quan thoại là khách nhân, 鬧熱(náo nhiệt), quan thoại là nhiệt náo, 雞母(kê mẫu)=gà mái, quan thoại là mẫu kê, 雞公(kê công)=gà trống, quan thoại là công kê v.v.);

Ở bổ động từ, ví dụ: 看現現(khán hiện hiện=rõ mồn một)、行透透(hành thấu thấu=đi thông thống);食食去(thực thực khứ=ăn ăn đi)、摃走走去(tẩu tẩu khứ=chạy chạy đi)
Và ở từ láy , mà ở Kinh Thi gặp rất nhiều, nhưng ghi bằng hai chữ Hán giống nhau nên không rõ được thanh điệu của hai tiếng láy ấy phải là một Âm một Dương như khẩu ngữ nói, ở tiếng Hà Lạc còn có láy ba, ví dụ:甜甜甜(điền điền điền=Ngót ngòn ngọt), 烏烏烏 (u u u= hỏm hòm hom)、鹹鹹鹹 (hàm hàm hàm=Mắn mằn mặn),花花花 (hoa hoa hoa=Hỏe hòe hoe)v .v.
Đó là những đặc điểm cực giống tiếng Việt mà ở tiếng Hán không hề có.
Về từ láy thì tiếng Việt phong phú vô cùng, láy hai, láy ba, láy bốn, láy xuôi, láy ngược, láy lặp đi lặp lại, mà gốc cơ bản của nó là sự tách đôi một âm tiết trong cái bầu biểu tượng Âm Dương của người Lạc Việt như sự tách đôi tự sinh sản của tế bào, cho ra một từ hai âm tiết dính nhau không thể đảo ngược.
Để thư giãn cuối bài viết ,xin tặng bạn đọc bài thơ khuyết danh:
Tai nghe gà gáy te te
Ánh dương vừa rọi sân hè chói chang
Chập chùng mây núi chon von
Hoa năm sắc nở tươi non lập lòe
Chim tình bầu bạn tỉ tê
Ong chăm nuôi chúa lượm về phấn hoa
Lợi danh mặc kệ người ta
Mình đây nướng giấc đẫy đà khỏe re.
Để thấy rằng đổi qua dùng từ láy ba ,nó sẽ có hẳn một mùi vị khác thật dí dỏm:
Tai nghe gà gáy tẻ tè te
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè
Núi một chồng cao von vón vót
Hoa năm sắc nở lóe lòe loe.
Chim,tình bầu bạn kia kìa kỉa,
Ong,nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè
Danh lợi mặc người ti tí tỉ.
Ngủ trưa chưa dậy khỏe khòe khoe.

( Khi đã dùng đến từ láy của tiếng Việt thì các ngôn ngữ khác khó mà dịch cho ra nổi cái mùi vị của của câu văn và cái cảm xúc của người đọc.)

Sưu tầm từ:
http://www.lyhocdongphuong.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét