Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

HỆ THỐNG TƯỢNG PHẬT - TÊN GỌI - HÌNH DÁNG - P2

Thần Linh

Về những vị thần linh nói chung, trong đồ tượng học thường thể hiện đề tài tuân thủ khá nghiêm túc trong những loại tượng gỗ, đất nung, sành sứ. Đây là: tượng Ngọc Hoàng, 10 vị Minh Vương và các nữ thần. Các pho tượng Ngọc Hoàng, Minh Vương được chế tác trong tư thế ngồi nghiêm chỉnh trên ngai, hai tay chắp trước ngực, cầm hốt. Về trang phục thì đầu đội mũ bình thiên, mặc long bào, đai vàng. Những vị phụ tá như Nam Tào, Bắc Đẩu, 2 Phán Quan được chế tác theo thức văn quan. Tư thế đứng thẳng, đầu đội mũ đề bá, hai dải mũ thẳng xuống vai, đi hia, đai vàng. Các nữ thần được chế tác dạng Thiên mẫu Hình. Ngồi trên ngai, đội mũ bình thiên, mặc mãng bào, phủ yếm cổ hình hoa sen, đi hài thêu. Một số tượng khác thì mặc bì hay xiêm y, mũ phụng, tay vịn đai ngọc, bàn tay đỡ thẻ bài.

Tiêu Diện Đại Sĩ

Đại Sĩ là một từ tôn xưng đối với các bậc Thanh Văn, Bồ Tát. Tiêu Diện Đại Sĩ có hình tượng khuôn mặt cháy nám. Theo truyền thuyết Phật Giáo, Tiêu Diện Đại Sĩ là một trong các thị hiện (tức là Hoáthân) của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo "Tam thập nhị thân" (32cách hoá thân) của đức Quan Thế Âm Bồ Tát, thì hình tướng Tiêu Diện Đại Sĩ biểu thị cho một Quỷ Vương, mà truyền thuyết nói đếnvị chúa của Dạ Xoa (Yasha). Dạ Xoa là một loài ác thú có mặt ở dương thế, trên trời và âm phủ, tùy trường hợp hành trì. Hình tướng Dạ Xoa dữ tợn, kỳ quái, đầu gồ lên 3 u thịt, nhiều tay, nhiều mắt, nhiều đầu, nanh nhọn, mắt lồi, tai thú. Phật Thoại kể: Để có thể hoá độ cho các vong hồn nơi cõi Diêm Phù, cho nên đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã hoá thân theo dạng Quỷ hình, thì dễ bề dung hoá hơn. Chúa quỷ Dạ Xoa thống quản các vonghồn. Khi đó đức Quan Thế Âm Bồ Tát bèn hoá thân thành một chúa quỷ, có hình dáng kỳ quái hơn, để tỏ uy lực của mình. Bồ Tát nhấcngọn Tam sơn lên, đặt trên đầu để thị oai. Tuy nhiên, chúa quỷ vì quá ngạo mạn, nên lại phun lửa để đốt cháy đối thủ. Ngọn lửa chỉ là “cháy nám mặt" vị Bồ tát hoá thân cứu khổ, cứu nạn. Danh xưng Tiêu Diện Đại Sĩ có từ đó.

Chủ mạng Quỷ Vương

Theo bản Kinh Địa Tạng thì: Chủ Mạng Quỷ Vương là một trong nhiều Quỷ Vương ở trong núi Thiết Vi, cùng chung nơi trú ngụ của Diêm La Vương. Các Quỷ Vương và Diêm La Vương đã nương theo oai thần của Phật và Bồ tát Địa tạng lên cung trời Đao Lợi nghe Phật thuyết pháp. Nhân dịp nầy, Chủ Mạng Quỷ Vương đã phát nguyện quy y Phật, và ra sức tu hành cứu độ chúng sanh trong cõi Diêm Phù. Do đó, Chủ Mạng Quỷ Vương đã được đức Phật thọ ký. Đức Phật dạy Điạ Tạng Vương Bồ Tát: "Chủ Mạng Quỷ Vương là một bậc Bồ tát Đại Sĩ vì lòng từ bi phát nguyện hiện thân làm Quỷ Vương. Trải 170 kiếp, sẽ thành Phật hiệu Vô Tướng Như Lai".

Như vậy, Chủ mạng Quỷ Vương là vị Bồ Tát hoá thân dưới dạng Quỷ.Trong nghệ thuật tạo hình bằng gốm nung, Chủ Mạng Quỷ Vương thường được chế tác dưới dạng một Quỷ Vương: cầm trì vật là tích trượng nhằm biểu thị phò tá vị Giáo chủ cõi u minh.

Bát Bộ Kim Cang

Đây là các vị Kim Cang lực sĩ (Vajrapani) cũng được gọi là Kim Cang Thần; thường chỉ chung các vị thần cầm chày Kim Cang (như Kim Cang Thủ, chấp Kim Cang) biểu hiện uy thế lớn lao, bảo vệ Phật pháp ở khắp tám bộ chúng (Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khần Na La, Ma Ha La Già).

Nghiên cứu kỹ những đồ tượng đất nung và đồ gốm cải tiến, thì những vị Kim Cang Thần được chế tác với dạng các võ tướng: đầu đội kim khôi, mình mặc áo giáp, vai có phong đai, tay cầm hoasen, ngọc châu... Tuy là Thiên Hình tướng như Bát bộ Kim Cang đều có diện mạo thanh tú, khuôn mặt hiền hậu, phúc đức. Điều nầy khác với vẻ oai vệ và dữ dội của các loại tượng Kim Cang khác.

Những vị Hộ Pháp (Dharma Pala)

Những vị Hộ Pháp Thần cũng có hình tướng oai vệ và trang nghiêm: mặc áo giáp, đội kim khôi, có phong đai, đi giày trận, tay cầm chày Kim cang, chống mũi nhọn vào miệng một con rồng ẩn trong mây. Đây là hình tượng của Vi Đà (Skanda) - một vị thần có nguồn gốc Bà La Môn giáo. Theo truyền thuyết thì chức năng của chư Hộ Pháp là bảo hộ chư thần của tôn giáo này đã được Phật Giáo đồng hoá thành một thần Hộ Pháp. Thường thờ mặt trước của chùa chiền, miếu vũ.

Thiện Hữu và Ác Hữu

Hai vị thần Hộ Pháp nầy cũng rất phổ biến trong tập hợp những thể loại tượng đất nung, tượng gỗ ở các chùa. Phật Thoại viết: Thiện Hữu và một thái tử, tiền thân của dức Phật Thích Ca, đã chấp nhận mọi sự thử thách, để xuống tận Long Cung, tìm viên Ngọc Như Ý đem về để ban phước lạc cho dân chúng. Ác hữu là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta); cũng là một hoàng tử cùng thời với thái tử Thiện Hữu, nhưng Ác Hữu thì lại thường có lòng ganh ghét, tìm đủ cách để ngăn cản Thiện Hữu làm việc thiện.

Vào thời Phật Thích Ca giáng thế, Đề Bà Đạt Đa là con nhà chú củađức Phật Thích Ca. Ông là một người có tài, nhưng lòng đố kỵ và ngạo mạn. Về sau, ông xuất gia, nhưng lại tự cho mình chẳng kém gì đức Phật, nên chính ông đã gây những bất hòa trong thánh chúng, toàn tách rời hẳn ra để lập ra một Giáo hội khác. Ông đã sai người lén tìm cách để giết Phật, nhưng khi người đó đến nơit hấy cung cách siêu thoát của đức Phật thì quay lại quy y. Đề Bà Đạt Đa cũng thả thú dữ để làm hại Phật nhưng các con thú đó cũng cảm đức hạnh của đức Phật nên quay đầu trở về... Tuy nhiên, Đề Bà Đạt Đa "vốn có nhiều công đức" cho nên được Phật thọ ký cho thành Phật, hiện là Thiên Vương (Devaradja) của cõi Thiên đạo.

Theo Kinh Niết Bàn thì: Tùy thuận thế gian, Đề Bà Đạt Đa thị hiện ra việc hoại tăng, hoá tác ra nhiều hình mạo sắc tướng; đó là vì giúp cho Phật chế định giới luật. (Theo Phật Học Từ điển – Đoàn Trung Còn - trang 550). Có lẽ để biểu đạt về "sự hoá tác ra nhiều hình dạng sắc tướng" màcụ thể là một kẻ hung ác, cho nên hình tướng của Ác Hữu được thể hiện là một Thiên Tướng có mặt mày hung dữ
Tứ Thiên Vương

Tứ Thiên Vương còn được gọi là Hộ Thế Tứ Vương là hình tướng tiêu biểu cho Thiên Vương Hình. Cả bốn vị đều ngự ở cõi trời "Tứ Thiên Vương Thiên" (Caturmaha Rajakasika) thuộc về cõi trời dục giới; lưng chừng trên ngọn núi trung tâm vũ trụ gọi là "Tu Di Sơn", thấp hơn cõi trời Đao Lỵ của Đế Thích.

Tứ Thiên Vương là ngoại thần của Đế Thích có trách nhiệm thống quản cõi trời theo 4 hướng:

a.Trì Quốc Thiên Vương (Virudka) (Hướng đông)
b.Quảng Mục Thiên Vương (Viruphaka) (Hướng tây)
c.Tăng Trưởng Thiên Vương (Dhrtarastra) (Hướng nam)
d. Đa Văn Thiên Vương (Dhananda) (Hướng bắc).

Tứ Thiên Vương đã từng nghe đức Phật thuyết pháp kinh Đại Thừa và cũng đã nguyện độ trì Tam bảo. Do vậy, mà các chính điện chùa chiền đều có tượng Tứ Thiên Vương. Biểu tượng của các tướng Thiên vương là một tướng nhà trời oai nghiêm: đi giày trận, mặc áo giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm bửu bối; đàn tỳ bà, bảo kiếm, vòng kim cang, ngọc châu, che dù, có con "hoa hồ điêu". đó là hình tướng phổ biến trong các tượng thuộc đề tài nầy cũng như trong điệu múa "Tứ Thiên Vương" ở cung đình Huế. Một số làng miền Nam cũng theo nghi lễ như vậy. Tuy nhiên, ở đây, các loại bửu bối đã được giản lược bớt, chẳng hạn như mũ kim khôi được thay bằng mũ "ngũ Phật" với hình 5 cánh sen.

Tượng La Hán

Hình tướng của các bộ tượng La Hán ở tập hợp tượng đất nung, hầu hết được biểu hiện dưới dạng Thinh Văn Hình. Biểu tượng nầy còn gọi là Tỳ Kheo Hình, tức là có hình tướng chiếu theo hình tướng của đức Bổn Sư Thích Ca khi còn tại thế; tuy nhiên tóc không xoắn mà đầu cạo trọc, đỉnh đầu không có nhục kế, áo hậu có dây thắt lưng. Nói chung, hình tướng La Hán có phần thoát sáo, và trong chừng mực nào đó, đã thoát khỏi những nét đặc trưng nhân dạng của người Tây Vực hay Trung Hoa, mà lại có nhân dạng Việt Nam khá rõ nét.

Ở nhóm tượng nầy thường có hai loại: ngồi trên ngai và cưỡi thú. nhưng dù thuộc thể loại nào chăng đi nữa, thì hình tướng cũng có phần hiện thực hơn so với các tượng thuộc nhóm Phật hình, Bồ Tát hình, hay những nhóm tượng thuộc Thiên Vương, Hộ Pháp, Thiện Hữu, Ác Hữu, Kim Cang, thường được gọi chung là Thiên Thần Hộ Pháp.
                                   
                                        Sưu tầm từ:
http://www.vanhoaphuongdong.com/forum/showthread.php?t=5&page=8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét