Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

ĐỀN THỜ DƯƠNG QUÝ PHI TẠI PHỐ HIẾN



PGS.TS. NGUYỄN MINH TƯỜNG
Viện Sử học
Trong chuyến công tác tại Phố Hiến - thị xã Hưng Yên, tôi được cán bộ Bảo tàng tỉnh cho đến thăm và dâng hương đền thờ Dương Quý Phi (?-1279), một nhân vật sống vào cuối triều Tống của Trung Quốc. Đền Dương Quý Phi là một trong những di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, nổi tiếng của vùng đất Phố Hiến xưa và thị xã Hưng Yên nay.

Dương Quý Phi, tranh lụa của Takaku Aigai tại bảo tàng mỹ thuật SEIKADO BUNKO
Đền Dương Quý Phi tọa lạc ở bên hồ Bán Nguyệt, xưa thuộc xã Hoa Dương, tổng An Lão, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc phường Quang Trung, thị xã Hưng Yên). Khu đền phía trong kiến trúc theo hình chữ đinh (), nhưng ở phía ngoài xây thêm 3 gian tiền tế, cho nên nhìn toàn thể lại có hình chữ Tam (). Phía sau cung tiền tế là cung trung từ 5 gian và hậu cung 3 gian. Ngoài cùng, còn có nhà đại bái và cổng tam quan được xây dựng khá bề thế, dáng vẻ cổ kính. Đặc biệt, khoảng giữa sân đền có một cây cổ thụ, hình thế khá đặc biệt: đó là cây đa và cây sanh được trồng liền sát vào nhau, cho nên chúng cùng chung một gốc. Tương truyền cây cổ thụ này có tuổi đời lên đến 700 năm nay. Đền Dương Quý Phi được trùng tu tôn tạo vào cuối thế kỷ XIX. Tại cây thượng lương của nhà trung từ ghi: “Thành Thái, Đinh Dậu, thập nhị nguyệt, phụng tạo” (nghĩa là: tháng 12 năm Đinh Dậu (1897) đời vua Thành Thái, kính cẩn tôn tạo).
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/8/84/YangGuiFei.jpg/300px-YangGuiFei.jpg


Dương Quý Phi-người đẹp hoa nhường
Tranh của Hosoda Eishi đầu thế kỷ 19 tại viện bảo tàng AnhSách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về ngôi đền này như sau: “Đền Dương Quý Phi nhà Tống: ở thôn Hương Dương, huyện Kim Động. Tương truyền, khoảng đời Thiệu Bảo(1), có người Nội thị ở triều đình Bắc quốc(2), theo thuyền buôn của người châu Hoan(3) ra đến khúc sông thuộc xã Xích Đằng làm nhà ở trên bãi cát, lại dựng một gian đền, thờ Dương thị là Quý Phi nhà Tống, cầu đảo thường được linh ứng, từ đấy người đến tụ họp mỗi ngày một đông, thành một thôn xóm, lập thành thôn Hoa Dương, đền miếu được sửa sang thêm rộng rãi đẹp đẽ. Bỗng một hôm, người Nội thị họp người trong thôn nói rằng: “Tôi là Thái giám nhà Tống, năm Tường Hưng thứ 1 (1278), theo Bính hoàng đế nhà Đại Tống chạy ra bãi biển, bị Hoành Phạm nhà Nguyên đuổi sát, đế Bính cùng thái hậu, phi tần đều nhảy xuống biển tự vẫn(4). Tôi nhảy sang một chiếc thuyền chài mới được thoát thân, lưu lạc đến bãi biển Chà Bàn(5), hơn một năm trời. Một hôm, tôi nằm mộng thấy Thái hậu Dương thị, cùng em là Quý Phi, mỹ nhân là Kim thị và Liễu thị từ trong biển bước ra, tôi đi vội đến trước mặt sụp lạy. Thái hậu bảo tôi rằng: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là người trinh liệt, phong cho làm Hải thần các cửa biển ở châu Hoan và Sơn Nam đều thuộc chị em ta quản lãnh. Ông là tôi con bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Cờn ở châu Hoan thăm hỏi một lần, rồi lại đến chỗ thượng lưu là Đằng giang, hạ lưu là Hoàng giang ở huyện Kim Động, thuộc Khoái Châu, trấn Sơn Nam mà phụng thờ Quý Phi, chỗ ấy non nước thanh tú, sau này người nước ta đến đấy tụ họp không phải là ít, nhân vật đông đúc thịnh vượng, hậu thân ông cũng được nương tựa lâu dài”.

Tượng Dương Quý Phi tắm tại Tây An


Tượng Dương Quý Phi tắm tại Tây An

Lúc tôi tỉnh giấc, chợt có thuyền buôn đi Hoan châu buôn bán, nhân đấy tôi đáp thuyền ấy đến cửa Cờn, đã thấy một ngôi đền mới dựng ở phía tây - bắc cửa biển. Tôi rảo đến trước cửa đền vừa lạy vừa khóc, người bản thổ nghe tiếng, kéo đến hỏi chuyện, tôi nói rõ lai lịch duyên do, người bản thổ vui lòng cấp cho hành lý và thuê cho một chiếc thuyền cho tôi đến trú ngụ ở đây. Vì thế, tôi đặt tên thôn là Hoa Dương. Chữ “Hoa” chỉ người Trung Hoa, chữ “Dương” là họ của Quý Phi. Nội thị nói xong, người trong thôn đều lấy làm lạ. Sau người Nội thị không ốm đau gì mà chết, người thôn dựng ngôi đền riêng để thờ. Còn đền Quý Phi, thì các triều đại đều có phong tặng. Thôn Hoa Dương sau đổi tên là Hương Dương.”(6)
Ngôi đền cửa Cờn nói trên đây, thuộc địa phận xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cũng sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Khoảng niên hiệu Tường Hưng (1278 - 1279) nhà Tống, quân Tống bị quân Nguyên đánh vỡ ở Nhai Sơn, Thái hậu họ Dương cùng ba công chúa chạy ra biển, chợt bão nổi bị chết đuối, xác trôi giạt vào cửa Cờn, nhan sắc vẫn như lúc sống, người dân địa phương lập đền thờ.”(7). Đền Cờn là một trong 4 ngôi đền nổi tiếng của xứ Nghệ An xưa: “Cờn - Quả - Bạch Mã - Chiêu Trưng”. (Đền Cờn thờ Dương Thái hậu nhà Tống. Đền Quả thờ Lý Nhật Quang, vị tướng đời Lý. Đền Bạch Mã thờ Phan Đà, danh tướng thời khởi nghĩa Lam Sơn. Đền Chiêu Trưng thờ Lê Khôi, cháu gọi Lê Lợi bằng chú, danh tướng khởi nghĩa Lam Sơn).
Sách Đại Nam nhất thống chí, tập 3, mục Đền miếu tỉnh Hưng Yên vừa kể trên chép về ngôi đền Dương Quý Phi nhà Tống. Trong khi đó sách Đại Nam nhất thống chí, tập 2, mục Đền miếu tỉnh Nghệ An lại chép Đền thần cửa Cờn thờ Dương Thái hậu nhà Tống. Như vậy, Dương Quý Phi và Dương Thái hậu là một hay hai nhân vật khác nhau ?
Đọc Tống sử (Q.46, Q.243, Q.451), chúng ta nhận thấy: Trước khi Hàng Châu bị quân Nguyên chiếm đóng, triều đình nhà Tống vội vàng phong cho hai người con của ấu chúa là Triệu Cương, Triệu Bính là Ích Vương, Quảng Vương chia nhau trấn giữ Phúc Châu, Tuyền Châu. Hai vương này sau một ngày khi vương triều nhà Tống dâng biểu xin đầu hàng nhà Nguyên, thì liền bỏ trốn khỏi Hàng Châu. Sau đó, họ đã đi theo đường biển đến Phúc Kiến. Riêng Thừa tướng Trần Nghi Trung đã bỏ trốn trước đó một đêm, cũng tìm tới dựa vào hai Vương để mưa cầu phục quốc.
Giữa tháng 6 năm 1276, Ích Vương đã lên nối ngôi hoàng đế tại Phúc Kiến, về sau được gọi là Đoan Tông. Người em Triệu Bính được phong làm Vệ Vương. Triều đình lưu vong của Nam Tống được thành lập.
Sau khi bình định được Giang Tây, quân Nguyên vượt qua Mai Lĩnh tiến vào Quảng Đông, một cánh quân khác thì tấn công Phúc Kiến rồi từ đó cũng tiến vào Quảng Đông. Mùa xuân năm 1278, chính quyền Ích Vương dời đến đảo Nao Châu (nay là một hòn đảo nằm trên biển bên ngoài Trạm Giang). Tháng tư năm 1278, Triệu Cương vì quá sợ hãi nên chết tại Nao Châu.
Trương Sĩ Kiệt, Lục Tú Phu… cùng đưa Vệ Vương Triệu Bính vừa mới 8 tuổi lên nối ngôi hoàng đế. Dương Thái hậu phải cùng ngồi nghe chính sự. Dương Thái hậu được tuyển vào cung thời vua Tống Độ Tông (1265-1274), được phong là Dương Thục phi, sinh ra Triệu Cương. Khi Triệu Cương (Tống Đoan Tông) lên ngôi, sách phong bà làm Thái hậu.
Đầu tháng 2, niên hiệu Chí Nguyên thứ 16 (1279), sau khi hai đội quân của Trương Hoằng Phạm và Lý Hằng được tập hợp lại, thì mở cuộc tổng tiến công vào thủy quân của nhà Tống tại Nhai Sơn. Đôi bên kịch chiến suốt ngày, quân Tống bị đánh bại toàn bộ. Lục Tú Phu cầm gươm xua vợ con nhảy xuống biển, còn bản thân ông thì cõng Quảng Vương Triệu Bính cũng nhảy theo tự trầm. Dương Thái hậu hay tin vô cùng đau xót. Bấy giờ, Trương Thế Kiệt dẫn hơn 10 chiến thuyền ngay trong đêm đó đốt phá trùng vây chạy về hướng Giao Chỉ, nhưng giữa đường gặp bão làm hỏng thuyền. Dương Thái hậu bèn nhảy xuống biển tự tử ở chân núi Bình Chương.
Như vậy, khi Quảng Vương Triệu Bính tự tử mới 9 tuổi, chưa lập cung phi. Bà họ Dương thời Tống Độ Tông là “Phi”, đến thời Quảng Vương Triệu Bính được sách phong là Thái hậu. Nên Dương Quý Phi hay Dương Thái hậu chỉ là một người.
Trong đền có nhiều câu đối và hoành phi ca ngợi gương hy sinh để giữ tấm lòng trinh liệt của bà Quý Phi họ Dương, thí dụ như câu:
维 宋 纲 常 傳 塞 北
体 坤 德 泽 顯 天 南
Phiên âm:
Duy Tống cương thường truyền tái Bắc,
Thể khôn đức trạch hiển thiên Nam.
Dịch nghĩa:
Vì Tống giữ cương thường, danh truyền đất Bắc;
Phận nữ ban đức trạch, tiếng nổi trời Nam.
Theo tôi, đáng quý hơn cả là bức biển được treo trang trọng ở gian giữa của cung trung từ, khắc bài thơ Đường luật của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Nhận thấy đây là một bài thơ đề vịnh hay của Tiến sĩ họ Chu, mà từ trước đến nay chưa được công bố rộng rãi (tập sách Nhà thơ Chu Mạnh Trinh của Lê Văn Ba, ấn hành năm 1996, cũng không có bài thơ này), nên tôi xin ghi lại để bạn đọc gần xa cùng tham khảo.
Nguyên văn bài thơ như sau:
故 國 山 河 渺 夕 煙
巋 巋 祠 廟 峙 南 天
仇 元 遺 恨 波 濤 壮
存 宋 孤 貞 日 月 懸
萬 杪 風 搖 環 珮 響
一 湖 秋 洗 鏡 光 圜
慈 雲 普 作 千 家 廕
乾 海 靈 聲 合 並 傳
任 辰 科 進 士 光 祿 寺 少 卿 領 興 安 省 按 察 使 朱 孟 楨 拜 奉 並 書。
成泰 丙 申 秋 孟。
Phiên âm:
Cố quốc sơn hà, diểu tịch yên,
Khuy khuy từ miếu, trĩ Nam thiên.
Cừu Nguyên di hận, ba đào tráng,
Tồn Tống cô trinh, nhật nguyệt huyền.
Vạn diểu phong dao, hoàn bội hưởng,
Nhất hồ thu tẩy, kính quang viên.
Từ vân phổ tác thiên gia ấm,
Càn Hải linh thanh, hợp tịnh truyền.
Nhâm Thìn khoa Tiến sĩ, Quang lộc tự Thiếu khanh lãnh Hưng Yên tỉnh Án sát sứ Chu Mạnh Trinh bái phụng, tịnh thư.
Thành Thái Bính Thân, thu mạnh.
Dịch nghĩa:
Sông núi quê hương mờ trong khói chiều,
Ngôi miếu [thờ bà] sừng sững đứng giữa cõi trời Nam.
Nỗi hận bọn giặc Nguyên xưa vương trên ngọn sóng lớn,
Tấm lòng trung thành với triều Tống còn mãi với mặt trời mặt trăng.
Muôn cành cây gió lay động, âm vang như tiếng vòng ngọc va chạm,
Một hồ nước thu tẩy rửa, ánh sáng chiếu dọi như chiếc gương tròn.
Mây lành bay khắp nơi, che chở cho hàng nghìn gia đình,
Đền này cùng với đền Cờn sẽ linh thiêng và truyền lại lâu dài.
Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1892), giữ chức Quang lộc tự Thiếu khanh, lãnh Án sát sứ tỉnh Hưng Yên là Chu Mạnh Trinh cung kính soạn và viết chữ. Tháng mạnh thu (tháng 7 âm lịch), năm Bính Thân (1896) niên hiệu Thành Thái.
Dịch thơ(8):
Nước cũ non sông ngợp khói chiều,
Trời Nam đền miếu dựng cheo leo.
Lòng trinh thờ Tống vầng dương tỏ,
Nỗi hận thù Nguyên sóng bạc reo.
Cành biếc(9) gió rung truyền réo rắt,
Gương hồ thu đến rửa trong veo.
Mây lành toả ấm nhà muôn nóc,
Càn Hải đền thiêng tiếng vẫn nêu.
Chú thích:
1. Thiệu Bảo (1279-1284) niên hiệu đời Trần Nhân Tông.
2. Bắc quốc: chỉ Trung Quốc.
3. Châu Hoan: tức Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay.
4. Theo Tống sử: Tháng 2 năm Tường Hưng thứ 2 (1279), tướng Nguyên là Trương Hoằng Phạm tiến đánh Đế Bính nhà Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống tan vỡ. Tả Thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua nhảy xuống biển mà chết. Cung nữ và các quan chết theo rất nhiều (Tống sử, Q.47).
5. Chà Bàn hay Đồ Bàn nay thuộc tỉnh Bình Định.
6. Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. KHXH. H. 1971, tập 3, tr.295-296.
7. Đại Nam nhất thống chí, Sđd. Tập 2, tr.166.
8. Bài dịch thơ này do Cử nhân Văn hóa Lương Khánh Hiền - cán bộ Phòng quản lý di tích Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên) cung cấp. Nhận thấy đây là bài thơ dịch khá hay, nên tôi sử dụng lại và sửa mấy chữ nêu trên.
9. Bài dịch thơ là:
Cửa ngọc gió rung truyền réo rắt
Tôi sửa lại: Cành biếc để dịch thoát hai chữ “Vạn diểu”.
Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905), là một danh sĩ, một thi sĩ tài hoa thuộc hàng bậc nhất trên thi đàn nước ta vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thi tài của họ Chu có thể sánh ngang với các bậc thi bá đương thời như: Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Tú Xương… Tiếc rằng, nhà thơ mất sớm (44 tuổi), con cháu của ông lúc đó lại còn nhỏ, nên tập thơ quý Trúc Vân thi tập đến nay vẫn chưa sưu tầm được đầy đủ. Do vậy, tác phẩm Chu Mạnh Trinh để lại không nhiều. Hiện nay, về loại thơ đề vịnh danh thắng lịch sử, chúng ta chỉ mới biết đến bài Vịnh đền Cổ Loa (Lang quân tình trọng phụ ân thâm…) của họ Chu. Bài thơ này (tạm gọi là Đề Dương Quý Phi từ) của Chu Mạnh Trinh là một bài thơ khá hay, tả cảnh khéo, tả tình chân thành, thiết tưởng ta nên công bố rộng rãi để bảo tồn một áng thơ quý của tiền nhân.
Chúng tôi nghĩ với cách làm này, dần dần chúng ta sẽ sưu tầm thêm được những bài thơ hay - những viên ngọc quý đã bị bụi thời gian che phủ - của thi sĩ Chu Mạnh Trinh, đặng làm cho bức chân dung văn học về ông mỗi ngày một rõ hơn, đậm nét hơn trong lâu đài văn hiến nước nhà./.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 11-15)
Sưu tầm       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét