Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

CỘT ĐÁ CHÙA DẠM ĐANG KÊU CỨU - I


Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, mất 9 năm mới xong. Ngày nay núi Dạm thuộc về xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Hoang vắng một "Linh sơn"

Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, mất 9 năm mới xong. Ngày nay núi Dạm thuộc về xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chùa còn có nhiều tên gọi khác: chùa Đại Lãm, Cảnh Long Đồng Khánh tự, chùa Tấm Cám. Gọi là chùa Tấm Cám vì chùa được khởi dựng để làm nơi tu hành của Nguyên phi Ỷ Lan, cũng là nơi khởi nguồn truyện cổ tích Tấm Cám, trên núi hiện còn một cái giếng Tấm Cám.



Theo sử sách ghi lại, chùa Dạm xưa có 99 gian vô cùng bề thế được xây tứ cấp dựa hẳn vào sườn núi, tổng diện tích ngôi chùa 8.400m2. Bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50x60cm) được đặt choãi chân, chếch khoảng 70 độ và cao 5-6m, đường xuống mỗi cấp của chùa gồm 25 bậc đá.

Tìm lên chùa Dạm, tôi ngỡ ngàng trước cảnh tượng hoang tàn, từ dưới chân núi ngước nhìn thấy ngút ngàn màu xanh của cỏ cây hoang dại. Những lớp tường đá kỳ vĩ, chứng tích của một đại danh lam vẫn bền bỉ bám vào mặt núi thẳng đứng. Leo lên hàng trăm bậc gạch rêu phủ, được chiêm bái cây cột đá trứ danh vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.


Chiều cao của cây cột đá hiện còn 5m, không kể phần bị gãy. Ông Phạm Mạnh Tập, người chịu trách nhiệm trông coi di tích này cho biết: Theo người xưa truyền lại, cây cột nguyên thủy cao hơn hiện tại rất nhiều, vào thế kỷ XVI đã bị sét hoặc bão đánh gãy, vết gãy nham nhở vẫn còn hằn rõ trên đỉnh cột. Ngôi chùa hoành tráng thuở xưa đã không còn.

Tìm tên cho cột đá chùa Dạm

Xét về niên đại, tất cả mọi nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng cột đá chùa Dạm được tạc từ thế kỷ XI. Theo giả thuyết được nhiều nhà khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa lịch sử uy tín, thì cột đá chùa Dạm là chiếc Linga, một biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực dân gian có nguồn gốc từ văn hóa Chăm Pa.

Đứng trước cột đá chùa Dạm, trong tôi cồn lên những thắc mắc: nếu coi đây là Linga được triều đình nhà Lý cho tạc dựng như cách lý giải của nhiều nhà khoa học, vẫn còn không ít điều bất ổn cần được giải đáp.



Ông Phạm Mạnh Tập đưa cho tôi xem nhiều bài viết mà các nhà khảo cổ - lịch sử từng tới đây nghiên cứu và để lại. Căn cứ vào các tài liệu, được biết cách đây gần 9 năm, từng có cuộc tranh luận giữa ông Nguyễn Hùng Vĩ và PGS Chu Quang Trứ.

Bài viết “Quan sát cột đá chùa một cột ở núi Dạm” của Nguyễn Hùng Vĩ, đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật số 10 năm 1999, đã đưa ra những lập luận để chứng minh cột đá chùa Dạm có chức năng làm cột đỡ cho một ngôi chùa một cột.

Liền ngay sau đó, trong tạp chí VHNT số 11 năm 1999, PGS Chu Quang Trứ đã phản bác lại bằng bài viết “Để hiểu đầy đủ hơn về cột đá chùa Dạm”, và từ đó đến nay luận thuyết Linga của các nhà khoa học chuyên môn vẫn được mặc nhiên công nhận.

Đọc lại bài viết của PGS Chu Quang Trứ , tôi ngạc nhiên, vì cách phê phán của PGS theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Vì vậy, tôi mạo muội có đôi điều bày tỏ, hy vọng bài viết này như một cách nhìn, mong được rộng đường dư luận.

PGS Chu Quang Trứ viết: “Từ dấu tích thực địa, từ Lễ hội Chen làng Nga Hoàng cạnh đó, từ tín ngưỡng phồn thực rất đậm đặc ở Việt Nam, mà chiếc Linga còn thờ trang trọng ở chùa Dâu cũng như cây cột đá ở bãi Bùng trong vùng gắn với chuyện Gióng, và hình cái giếng Việt trên núi Trâu Sơn… đã liên tưởng đến những chiếc Linga Mukha phổ biến trong nghệ thuật Chăm Pa”.

Lễ hội Chen làng Nga Hoàng là lễ hội của đình làng, không liên quan tới Phật giáo. Những thứ mà PGS Chu Quang Trứ liệt kê, hầu hết thuộc về tín ngưỡng phồn thực dân gian, chỉ chiếc cột ở chùa Dâu là có liên quan tới Phật giáo. Tất thảy chúng đều có niên đại sau thời nhà Lý, và đều là những tác phẩm do dân gian tạc, chứ không phải công trình do triều đình chỉ đạo làm. Vì vậy theo tôi, không nên đưa chiếc cột đá chùa Dạm (là tác phẩm do triều đình nhà Lý tạc dựng) vào dòng chảy văn hóa phồn thực dân gian này.

Theo PGS Chu Quang Trứ: “Hơn nữa thời Lý, có rất nhiều hình chạm rồng, song chưa thấy rồng thành bậc cửa, chứ chưa nói tới rồng ở dưới gầm nhà. Rồng là tối tượng thần, là biểu trưng của Hoàng đế, mà ở thời Lý, chỉ những di tích gắn với vua mới được chạm rồng, thì rồng đâu có chịu đội một tòa nhà như sự quả quyết của ông Nguyễn Hùng Vĩ”.

Theo tôi, phần đỉnh cột đá có thể là tòa sen, chứ không nghiêng về giả thiết ngôi chùa trên đỉnh cột. Vả lại, nếu đúng như giả thiết của ông Nguyễn Hùng Vĩ, thì đây không phải là rồng ở dưới gầm nhà, mà là rồng ở dưới bàn án thờ Phật. Hình tượng rồng đội tòa sen (quỷ biển) là mô típ rất phổ biến ở trong các ngôi chùa Việt.

Những di vật thời Lý, như ở pho tượng A Di Đà của chùa Phật Tích, ở đế bệ hình bát giác có trang trí những hình rồng, những hình rồng này đều nằm ở phía dưới tòa sen, là nơi Phật ngồi. Ở bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ cột đá chạm búp sen rồng cuốn, cũng có niên đại thời Lý. Vì vậy hình rồng được chạm khắc ở dưới tòa sen, bàn thờ Phật vốn khá phổ biến vào thời nhà Lý.

Bài viết của PGS Chu Quang Trứ có đoạn: “Đối lại, bên kia hệ thống bậc cửa lên tầng nền này là phía Tây thuộc bên hữu, ở đó có khu đất vuông cạnh dài 7m, cao chừng 2m cũng được kê đá chạm sóng quen thuộc của thời Lý, hình vuông là dấu hiệu của âm. Hai khu đất vuông-tròn ở hai bên phải và trái của lối đi chẳng những tạo sự đăng đối trong nghệ thuật, tạo sự cân bằng âm dương, là tiền đề cho sự ổn định và phát triển.

Đến thế kỷ XVI, trên khu đất vuông người ta cho dựng một tấm bia đá cao 1,5m rộng 1m trên lưng con rùa tương ứng. Bia đứng trên lưng rùa nằm cũng lại là sự hòa hợp âm dương mong được trường tồn”.

Tôi đã quan sát mô đất này, và có những suy nghĩ khác với những nhận định trên của PGS Chu Quang Trứ. Tôi đồng ý với PGS Chu Quang Trứ rằng, tấm bia đặt trên đỉnh mô đất bên hữu có niên đại thế kỷ XVI. Xem xét những phiến đá cổ tạc hoa văn, mà người ta xếp xung quanh để làm kè cho ụ đất, thấy những phiến đá này không đủ để bao quanh hết khu đất rộng lớn, vả lại chúng chẳng ăn nhập gì với ụ đất.

Vì vậy theo tôi, ụ đất đó được người ta đắp vào thế kỷ XVI để đặt tấm bia đá. Vì sẵn có những phiến đá hoa văn ở đấy, nên người ta xếp xung quanh ụ đất. PGS Quang Trứ cho rằng, những tảng đá đó chạm hình hoa văn sóng nước, nhưng thực ra theo quan sát của tôi, chúng đều là những cánh hoa sen. Như vậy, có thể đặt ra giả thiết rằng, khi sét đánh gãy cột đá hoa sen, thì những phiến cánh của hoa sen rơi xuống. Người ta xếp chúng vào một bên, và khi người ta đắp ụ đất để đặt tấm bia, thì tiện thể lấy luôn những phiến cánh sen này để kè xung quanh ụ đất.

Dưới chân cột đá chùa Dạm, có những phiến đá, mà theo PGS Chu Quang Trứ viết là chạm hình hoa văn sóng nước, tôi cũng thấy như vậy. Vậy thì hình ảnh Linga nhô lên từ sóng mặt nước, sẽ rất khó giải thích, Nhưng tòa sen nhô lên từ mặt nước lại rất hợp lý trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo.

Theo ông Nguyễn Hùng Vĩ phát hiện: “Trên cột đá còn để lại dấu vết của rãnh dầm chịu lực chính, rộng 23 cm… Gờ bên còn lại đo được là 3 cm, rãnh dầm có đáy bằng phẳng và còn hết sức vuông thành sắc cạnh. Trên cột còn có rãnh dầm xuyên tâm từ mặt Nam sang mặt Bắc, đó là cái gì, nếu không phải là mộng kỹ thuật. Cây cột xưa kia còn cao hơn hiện trạng bây giờ rất nhiều, những vết gãy rõ đã cho ta thấy điều đó”.

Dù tôi không có những kiến thức chuyên môn để biết những điều ông Hùng Vĩ đưa ra chính xác đến đâu, nhưng theo truyền khẩu của nhân dân địa phương thì cây cột đã bị sét (hoặc bão) đánh gãy từ thuở xa xưa, chắc phần trên cùng còn khá nặng thì mới bị sét hoặc bão đánh gãy như vậy.

Vả lại, xung quanh đỉnh cột hiện tại vẫn còn những lỗ khá lớn, những chiếc lỗ này mang chức năng gì trên chiếc Linga? Theo PGS Chu Quang Trứ, những lỗ này dùng để cắm khánh, cành phan. Mà người dân Đại Việt xưa chẳng đời nào lại cắm cành phan và khánh trên chiếc Linga như vậy, chính những chiếc lỗ này đã củng cố thêm giả thuyết cột đá hoa sen.

Các di vật: cột kinh đá, cây hương đá, cột đá, chùa Một Cột đều nằm trong một mạch chảy văn hóa Phật giáo và cùng liên quan tới việc thờ Quan Âm Nam Hải ngự trên tòa sen nhô lên từ mặt nước.

Xét theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhiều công trình của chùa Dạm đã được làm, đồng thời với các công trình của chùa Một Cột ở kinh thành Thăng Long, vì vậy hẳn cột đá chùa Dạm phải có ít nhiều ảnh hưởng bởi phong cách nghệ thuật của chùa Một Cột.

Giả thiết cột đá chùa Dạm là cột đỡ cho kiến trúc chùa một cột như ông Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra, rất cần quan tâm nghiên cứu. Theo tôi, nếu đó không phải là kiến trúc chùa một cột, thì phần trên của cây cột đá xưa kia có thể là tòa sen, nên rất có thể đây là một “Liên hoa đài”.

Chức năng của cột đá chùa Dạm là gì? Linga, chùa một cột, hay liên hoa đài? Rất cần có những kiến giải mang tính thuyết phục từ phía các nhà khoa học, chứ không nên áp đặt theo suy lý một chiều.

Những điều tắc trách

Người dân sở tại luôn ước nguyện một ngày nào đó phục dựng lại nguyên vẹn kiến trúc cho chùa Dạm, nhưng khát vọng này xem ra còn rất xa vời. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử của con người đối với di tích này đang thể hiện không ít sự tắc trách.

Cột đá chùa Dạm từng được nhiều nhà nghiên cứu xưng tụng, coi là báu vật hàng đầu của quốc gia, vì vậy việc tạo tác các phiên bản là rất cần thiết. Thời kỳ những năm đầu thành lập, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã  làm phiên bản cột chùa Dạm bằng xi măng. Đến năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã quyết định chuyển đổi cột chùa Dạm, công việc hoàn thành vào năm 2007.

Tuy nhiên, phiên bản mới này đã khiến không ít người phê phán vì sai lệch so với nguyên mẫu. Rồng thời Lý được tạc trên cột chùa Dạm vốn có thân hình tròn trặn, dài và nhỏ dần về phía đuôi, dáng dấp gần gũi với loài rắn, thế nhưng rồng tạc trên cột đá phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật lại có thêm vảy, đây là điều rất khó chấp nhận.

Việc bảo tồn di tích chùa Dạm dường như chưa được sự quan tâm đúng mức từ phía các cơ quan chức năng. Khoảng đất trống dưới chân núi Dạm xưa kia là nơi diễn ra hội chùa, thì nay đã bị nhà dân, cùng một số công trình choán hết, đã phá vỡ cảnh quan của chốn linh địa.

Đại danh lam phải chịu cảnh điêu tàn suốt hơn nửa thế kỷ, và không biết đến bao giờ mới được đánh thức, chính là bởi sự thờ ơ, tắc trách của con người.

Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, nhiều di tích lịch sử quan trọng được tôn tạo, thế nhưng chùa Dạm - một trong những công trình bề thế của triều đại nhà Lý thì vẫn đang bị bỏ quên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét