7 năm ngắn ngủi mà độc đáo của văn hóa Tây Đô Lê Văn Hảo
|
|
Trong lịch sử
chế độ quân chủ Việt Nam, nhà Hồ đã lập được ít nhất
được một kỷ lục : so với các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê,
Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, Tây Sơn
và vua Nguyễn, triều Hồ đã chết yểu sau 7 năm cầm quyền
ngắn ngủi.
Tại Thăng Long vào
năm 1397 Hồ Quí Ly đã ép vua Trần Thuận Tông phải dời về
kinh đô mới dựng ở Thanh Hóa, gọi là Tây Đô. Năm sau bắt
vua phải nhường ngôi cho thái tử mới lên 3 tuổi, sau đó
mưu giết Thuận Tông, rồi năm 1400 đã truất ngôi vua Trần
tí hon 6 tuổi và giết hại một lúc 370 quí tộc và quan lại
nhà Trần sau khi họ đã thất bại trong âm mưu ám sát Hồ
Quí Ly.
Diệt xong những kẻ chống đối, Quí Ly tự xưng hoàng đế (1400), năm sau lại nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương và tự xưng là thái thượng hoàng, chính thức thành lập triều Hồ. Chỉ trong thời gian 7 năm triều đình này đề ra và cố gắng thực hiện một loạt cải cách kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Nhưng những cải cách đó chưa thực hiện được bao nhiêu đã bị gián đoạn bởi cuộc xâm lược qui mô lớn của quân nhà Minh. Từ cuối năm 1406 tới mùa hè 1407, mặc dù kháng cự kịch liệt, quân đội nhà Hồ đã liên tiếp bại trận và rút lui, cuối cùng ba cha con Hồ Quí Ly cùng nhiều tướng lãnh, quan lại, thân thuộc đều bị bắt đưa về Trung Quốc. Vương triều Hồ kết thúc thảm hại như thế đó để cho quan quân nhà Minh chiếm đóng đất nước, nô dịch nhân dân và tàn phá văn hóa Đại Việt trong 20 năm. Phải chờ cho đến lúc xuất hiện những người anh hùng của đất Lam Sơn để đánh đuổi chúng chạy về phương Bắc. |
|
Tuy chỉ cầm quyền
có 7 năm nhưng triều Hồ đã để lại cho dân tộc một công
trình kiến trúc quân sự độc đáo : Thành nhà Hồ - còn gọi
là thành Tây Đô - ở trên phần đất xã Tây Giai, huyện Vĩnh
Lộc, tỉnh Thanh Hóa, được xây vào năm 1397 ở trên một
thế đất khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự hơn
là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Sử sách cổ ghi
lại rằng Hồ Quí Ly hạ lệnh xây thành và sau 3 tháng thì
xây xong. Đây cũng là một kỷ lục khác của triều Hồ.
Ngoài bốn bức thành đá, Thành nhà Hồ còn có vòng la thành vững chắc bằng tre gai. Ở phía Nam và phía Đông - vùng đồng bằng trống trải - Hồ Quí Ly còn cho đắp một lũy đất cao chạy dài suốt hai mặt thành. Thành có bốn cửa : Đông, Tây, Bắc và chính Nam ; mỗi cửa đều mở ở chính giữa các mặt thành và đều được xây kiểu vòm cuốn bằng đá khối lớn. Ba cửa Bắc, Đông và Tây đều có một vòm cuốn ; riêng cửa chính Nam có tới ba vòm cuốn, cửa giữa to và hai cửa bên nhỏ hơn. Cửa chính Nam thành nhà Hồ rộng tới 38 mét, cao hơn 10 mét, xây nhô ra ngoài tường thành 4 mét, ba vòng cuốn đều rộng gần 6 mét, vòm giữa cao 8,5 mét, hai vòm hai bên cao 7,8 mét tạo nên một ấn tượng đồ sộ hoành tráng hiếm thấy. Quanh bốn mặt tường thành phía ngoài đều có hào sâu rộng tới 50 mét. Toàn bộ thành nhà Hồ đã bị phá hủy từ lâu, di tích còn lại chỉ là 4 cổng thành bằng đá và một thành bậc ở chính điện chạm một đôi rồng đá đẹp dài 3,7 mét. Điều đáng nói là giới kiến trúc sư Việt Nam và thế giới, hôm qua và hôm nay, đã công nhận thành nhà Hồ thể hiện một trình độ cao về kỹ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Và mặc dù nó chỉ bảo vệ quốc đô của triều Hồ trong một thời gian quá ngắn ngủi, thành nhà Hồ, tức thành Tây Đô, mãi mãi là một công trình kiến trúc quân sự cổ kính vào loại to lớn nhất và có giá trị nhất của đất nước ta thời trung đại. |
|
Phải có trình
độ khoa học kỹ thuật cao tới một mức nào đó thì mới
có thể tạo nên được một tòa thành đồ sộ, kiên cố
là thành nhà Hồ như ta vừa thấy.
Thời Hồ cũng đã
thực hiện được một số sáng tạo khoa học kỹ thuật quân
sự đáng ghi nhận : thuyền Cổ Lâu và súng Thần Cơ mà tác
giả của chúng là Hồ Nguyên Trừng.
Một nhà khoa học tài năng khác trong lãnh vực xây dựng là kiến trúc sư Nguyễn An (1381-khoảng 1480) mà triều Hồ chưa kịp trọng dụng thì đã bị quân Minh bắt đưa về Trung Quốc. Tên tuổi của Nguyễn An sau này sẽ gắn liền với việc xây dựng Cố cung ở Bắc Kinh. Trong lĩnh vực văn học tuy thời Hồ chỉ có 7 năm ngắn ngủi mà vẫn đếm được một vài nhà văn, nhà thơ đáng kể. Người đầu tiên phải nói tới là Hồ Quí Ly, một con người có đầu óc mạnh dạn về tư tưởng và văn hóa. Ông viết sách Minh đạo (Làm sáng tỏ đạo) năm 1392 để xét lại Nho giáo : xếp Chu Công lên trên Khổng Tử, phê phán Mạnh Tử, Hàn Dũ, Trình Chu và các nhà Tống nho khác, nêu ra những điểm đáng ngờ trong sách Luận ngữ, v.v. Hồ Quí Ly còn dịch chương Vô dật trong Kinh Thư ra tiếng Việt (chữ Nôm) để dạy vua vào năm 1395. Một điểm đáng khen là chỉ có ông - và sau ông là Nguyễn Huệ Quang Trung - là hai vị vua đã chủ trương dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong công văn chiếu sắc của triều Hồ và triều Tây Sơn. Đó là một chủ trương mới mẻ giàu tinh thần dân tộc và ý chí khẳng định đất nước tự cường về văn hóa, muốn cho người Việt có một học phong mang bản sắc riêng mà chữ nôm vừa là biểu tượng vừa là công cụ hoàn toàn có khả năng thay thế chữ Hán của phương Bắc. Phần thơ văn của Hồ Quý Ly hầu như đã mất hết, chỉ còn có 5 bài thơ, tuy quá ít ỏi nhưng cũng đủ cho ta thấy ở ông vua này một tấm lòng gắn bó với văn hóa dân tộc, một niềm tự hào về phong vị riêng của đất nước và con người Việt như được biểu lộ qua bài thơ "Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục" (tạm dịch): Nước Nam phong tục vốn thuần hậu Áo mũ không khác chi nhà Đường Lễ nhạc tương tự như nhà Hán Bình ngọc rót rượu mới cất ngát thơm Dao vàng mổ cá ngon nhỏ vảy Hàng năm vào khoảng tháng Hai tháng Ba Hoa đào hoa mận nở tràn vườn xuân Hồ Nguyên Trừng cũng để lại trong Nam Ông mộng lục một số lời bình luận thi ca khá tinh tế của một người biết chú ý tới những tác động của điều kiện xã hội và môi trường thẩm mỹ đối với tác phẩm. Vì những lý do đó Nam Ông mộng lục được giới nghiên cứu đánh giá là tập hồi ký (viết bằng chữ Hán) có sớm nhất và có giá trị của nền văn học Việt Nam.
(tạm dịch) [...] Sau cơn mưa nghe suối chảy ì ầm Trời đã tạnh sạch làu làu lam chướng Cuộc phù thế trăm năm đời người như giấc mộng Được nửa buổi thanh nhàn ta tưởng mình là Tiên |
|
- Ban hành chính sách hạn chế ruộng đất và nô tì nhằm hạn chế quyền lực tầng lớp quí tộc nhà Trần đã phát triển kinh tế điền trang quá mức cần thiết ;
- Cho đào vét lại một số cảng, kê khai lại số lượng hộ khẩu của toàn dân để tăng cường biên chế quân đội ;
- Định lại chế độ thuế khóa cho công bằng hơn ; thống nhất hệ thống đo lường, ban hành tiền giấy ;
- Lập nhà thương cho dân (quảng tế thự) và cho xây kho lúa phòng chống đói (thường bình) ;
- Mở khoa thi chọn hiền tài ;
- Chủ trương dùng chữ Nôm thay chữ Hán trong sinh hoạt hành chính, v.v.
|
hậu duệ của thần cơ đời Hồ |
Danh nhân thứ hai mà chúng ta vừa mới kể tên là Hồ Nguyên Trừng (không rõ năm sanh và năm mất). Là con trai cả của Hồ Quí Ly, ông không làm vua mà là tả tướng quốc của triều Hồ, và ở cương vị đó ông còn là một tài năng lớn trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật quân sự. Là người có đầu óc phát minh, sáng chế và khả năng trí tuệ phi thường, ông đã cung cấp cho nhà Hồ thuyền Cổ Lâu và súng Thần Cơ.
Thuyền Cổ Lâu là loại thuyền chiến lớn, đóng đinh sắt, có hai tầng và hàng chục tay chèo, hai người chèo một mái và được xem là đã tạo ra một tốc độ lớn khi có thủy chiến. Còn súng Thần Cơ, một sáng tạo khác của Hồ Nguyên Trừng là một loại hỏa pháo cải tiến hiệu nghiệm hơn tất cả các loại đại bác đương thời, điều này triều Minh đã thấy được, có thể trước khi xâm lăng, và đã tuyển lựa để bắt giữ rồi áp tải ông vế Bắc Kinh. Nhà Minh sau đó tận dụng tài năng của Nguyên Trừng với chức vụ tả thị lang bộ Công.
|
|
Danh nhân thứ ba ở thời Hồ cần nhắc tới là bậc thầy kiến trúc Nguyễn An (1381-khoảng 1460) mà người Trung Quốc biết rõ hơn người Việt Nam ta ! Quả thật, về nhân vật lỗi lạc này chỉ thấy Lê Quí Đôn nhắc tới qua hơn 10 dòng trong cuốn Kiến văn tiểu lục. Còn ở Trung Quốc thì Nguyễn An được nhắc tới trong nhiều thư tịch từ thời trung đại tới thời hiện đại. Ví dụ : từ những cuốn Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục... của thời Minh tới cuốn Trung - Việt quan hệ sử luận văn tập của nhà sử học Trương Tú Dân xuất bản tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 1992.
Trong công trình nghiên cứu quan trọng về giao lưu tiếp biến văn hóa Việt Nam - Trung Quốc này, Trương Tú Dân đã dành tới 4 chương viết về Nguyễn An. Trương Tú Dân đã làm việc nhiều năm tại Thư Viện Quốc Gia Bắc Kinh và là người nghiên cứu kỹ lưỡng nhất về Nguyễn An. Ông đã cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu quí báu và những đánh giá khách quan như sau :
"...Nguyễn An, tức A Lưu, đến Trung Quốc vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), là một trong số những thanh niên Giao Chỉ đẹp trai và thông minh do Trương Phụ bắt đưa về Nam Kinh để hoạn sau khi bình Giao Nam.
|
|
Điều đó chứng tỏ Nguyễn An có tài bẩm sinh về suy xét, tính toán, há chẳng phải là thiên tài trong lịch sử kiến trúc đó sao ! Đến nỗi các quan bộ Công cũng như những đốc công trông coi mọi công việc qui hoạch và các xưởng xây dựng bao thầu đều làm việc theo lệnh của Nguyễn An mà thôi.
Minh Anh Tông (trị vì 1437-1445) lên ngôi khi thiên hạ thái bình, hòa cốc phong đăng, nhà đủ người đông, thế là lại khởi công lớn về thổ mộc, thực hiện chí của Minh Thành Tổ chưa thành. Công việc đầu tiên là xây dựng lầu thành 9 cửa... Vua liền sai Nguyễn An đảm nhận công việc, khởi công xây dựng năm Chính thống thứ hai (1438) đến tháng 4 (1440) xây dựng xong lầu chính, lầu vọng nguyệt, thành, hào, cầu ở 9 cửa... Công trình cần đến 180.000 người, Nguyễn An chỉ dùng có 10.000. Binh sĩ được An ưu đãi nên công trình đã sớm hoàn thành.
Ba điện đã xây dựng xong năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) trước đó chưa đầy nửa năm đã bị hỏa hoạn. Tháng 3 năm Chính Thống (1441) vua mới sai Nguyễn An xây lại, lực lượng xây dựng là 70.000 người. Năm thứ 6 (1442) hai cung Càn Thành, Khôn Ninh, ba cung Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân xây xong, đó là tiền thân của ba điện lớn Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa ngày nay (trong Cố Cung ở Bắc Kinh). Xong việc Nguyễn An được vua thưởng 50 lượng vàng, 100 lượng bạc, 10.000 quan tiền.
Năm thứ 10 (1446) Nguyễn An lại được lệnh sửa tường thành kinh đô... Như vậy là ở thời nhà Minh, việc xây dựng Bắc Kinh đời Vĩnh Lạc là thời kỳ mở mang đến đời Chính Thống là thời kỳ hoàn thành. Trước sau chủ trì công việc từ đầu đến cuối đều là Nguyễn An, người cống hiến trọn đời cho Bắc Kinh... Nguyễn An hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn một nén vàng trong túi. Đó là một con người cao thượng đã để lại công đầu ở Bắc Kinh...".
Cám ơn nhà sử học TrươngTú Dân đã cho chúng ta biết cách nay sáu thế kỷ kiến trúc sư Nguyễn An cùng với nhà khoa học quân sự Hồ Nguyên Trừng là hai người Việt đã đem chuông đi đánh xứ người và đã có những đóng góp đáng kể vào lịch sử văn hóa nhân loại.
Lê Văn Hảo
(Paris)
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét