Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

VÂN NAM KÝ SỰ

Thăm Đại Lý, Lệ Giang, Shangri La, khám phá dải ngọc quí của du lịch Vân Nam.
Du lịch Vân Nam lần này, tôi có đôi chút tò mò muốn đi trên con đường  mà tháng Tám 1945, khoảng 20 vạn quân của Tướng Lư Hán, Thống đốc Vân Nam, gồng gồng gánh gánh kéo sang miền Bắc nước ta giải giáp quân đội Nhật Hoàng. Và cách Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, 400 cây số về phái tây bắc có cổ thành Đại Lý, kinh đô nước Đại Lý xưa, muốn tìm hiểu một thiên cố sự.

Đại Lý bốn mùa phong, hoa, tuyết, nguyệt

Đất trời Đại Lý có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đủ cả phong, hoa, tuyết, nguyệt. Trên núi có tuyết, dưới đất có hoa. Từ hạ quan phong nhìn lên núi Điểm Thương, còn gọi là Thương Sơn, vời vợi Tam Tháp, biểu tượng của Đại Lý. Người đời nay vẫn đến tìm học người đời xưa xây cách nào mà trải bao lần động đất tháp không bị đổ. Lại có chùa Thiên Long gắn với sự tích nhà họ Đoàn lấy Mật Tông làm đạo trị quốc. Dưới chân Điểm Thương là Nhĩ Hải, hồ lớn sóng to nên gọi là biển. Gọi là "Nhĩ" vì  hồ hình dạng như tai người. Người ta nói rằng, đêm trăng, trăng dưới hồ còn sáng hơn trăng trên trời.

Chùa Thiên Long - Đại Lý
Chùa Thiên Long - Đại Lý

Diện tích Vân Nam xấp xỉ nước Ý và nhỉnh hơn Việt Nam ta một chút, ngày nay có 45 vạn dân và 52 dân tộc. Người Thái ở Đại Lý từ xa xưa có dây mơ rễ má với giống người Thái ở bắc Thái Lan và Lào. Số là, thế kỷ 13, Đại Lý mất về tay tướng Mông Cổ Hốt Tất Liệt, người Thái trốn vào rừng sâu, di chuyển xuống tây nam, trở thành thủy tổ của người Thái Lan. Có lẽ một bộ phận di cư tới thượng du bắc Việt Nam.

Đại Lý nằm giữa những núi non trùng điệp. Từ Côn Minh, ngày nay phải đi qua 8 đường hầm mới tới Đại Lý, có đường hầm dài hơn 3 cây số. Thời Tam Quốc, Khổng Minh dẫn quân Ba Thục chật vật lắm mới chinh phục được vùng đất hiểm trở đầy lam chướng này. Vào thời nhà Đường suy vong, lúc Đại Việt khôi phục nền độc lập, vương quốc Đại Lý cũng ra đời. Đại Lý là sự kế tiếp của nước Nam Giao, sử ta thường gọi là Nam Chiếu. Giữa thế kỷ thứ 9, vào thời mạt Đường, Nam Giao từng mấy lần đưa quân đánh đến tận Giao Châu, Bắc Việt Nam ngày nay, và đô hộ xứ ấy. Sau này, Cao Biền sửa sang việc quân phản kích giết được Đô thống Giao Châu của Nam Giao, bình định lại vùng đất này.

Phố cổ thành Đại Lý
Phố cổ thành Đại Lý

Đại Lý và Đại Việt cùng lập quốc một thời. Nhưng năm 1253, Đại Lý bị quân đội Hốt Tất Liệt thôn tính, từ đó vĩnh viễn sáp nhập vào đế chế Trung Hoa. Sau khi thôn tính Vân Nam, quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt trên ba hướng — Lào Cai, Lạng Sơn và đường biển. Đại Việt giữ được nước là nhờ ba lần đánh thắng quân Nguyên, lần thứ nhất diễn ra năm năm sau khi Mông Cổ thôn tính Đại Lý. Nếu thời đó Nguyên Mông thôn tính được Đại Việt, hẳn lịch sử nước Nam ta đã trải qua một chương bi tráng, bị đô hộ ít nhất một trăm năm dưới thời nhà Nguyên.

Có câu chuyện truyền thuyết về sự thất thủ của vương quốc Đại Lý. Quân đội Mông Cổ rất đông và dũng mãnh, nhưng không thể phá vỡ cứ điểm phòng thủ của người Đại Lý ở thung lũng Nhĩ Hải. Nơi này dễ thủ, khó công. Chỉ vài binh sĩ có thể cầm chân cả đạo quân. Đồn rằng, người Mông Cổ đã tìm được một kẻ dẫn đường vượt qua dãy Thương Sơn theo một con đường bí mật, bất ngờ đánh tan sự kháng cự của người Bạch, kết thúc 5 thế kỷ độc lập của Đại Lý dưới thời họ Đoàn. Còn người Việt ở phương Nam giữ được độc lập một phần vì không coi trọng việc giữ thành, mà chú trọng chiến lũy: Làng làng là chiến lũy, thành mất mà nước còn. Người Việt lại thạo thủy chiến, lấy nhỏ đánh lớn. Phương lược giữ nước ấy được đúc kết thành truyền thống quân sự. Vậy nên, dưới Triều Nguyễn, vua tôi học đòi phương Tây nơi nơi xây dựng thành quách. Người Pháp có mấy trăm quân bắn mấy quả đại bác thần công đã chiếm được thành Hà Nội. Mỗi lần đi ngang qua cửa Bắc thành Hà Nội, thấy cái vết lõm đại bác nông choèn ở cửa thành, tôi lại nghiệm ra cái đạo lý “bỏ thành xây lũy” của ông cha ta quả là sâu xa. Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết thành “chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân”. Lần đi Vân Nam này, tôi tìm thêm lý giải tại sao người Đại Lý mất nước mà người Đại Việt giữ được nước.

Tam Bảo Tháp - biểu tượng của Đại Lý
Tam Bảo Tháp - biểu tượng của Đại Lý
Dải ngọc Vân Nam

Từ Côn Minh ngược bắc còn đó bao chứng tích lịch sử, trộn lẫn với huyền thoại khá quen thuộc với du khách Việt Nam. Nơi đây vẫn lưu truyền điển tích “Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch” thời Tam Quốc. Và tự thưở nào, người Trung Quốc đã dựng các tượng thờ Lưu, Quan, Trương, Khổng Minh, cùng mấy vị hào kiệt khác thời Thục Hán.

Cổ thành Lệ Giang
Cổ thành Lệ Giang
Đại Lý hấp dẫn nhiều du khách qua các câu chuyện lãng mạn của Đoàn Hoàng gia, được Kim Dung, nhà tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng bậc nhất Trung Hoa, mô tả hấp dẫn và kỳ bí trong Thiên Long bát bộ. Khi Kim Dung viết cuốn tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình này nghe đâu chưa từng đặt chân đến Đại Lý.

Bên ngoài cổ thành Đại Lý là chùa Sùng Thánh sơn son thếp vàng. Đại Hùng Bảo Điện nguy nga có 1200 tượng phật với tượng Đức Phật Thích Ca khổng lồ. Quanh tường của bảo điện có bức phù điêu gỗ cao 1,8 mét, dài 117 mét nói về sự tích Đức Phật và đời sống nước Đại Lý thời xa xưa.

Đường vào cổ thành Lệ Giang
Đường vào cổ thành Lệ Giang
Cạnh Đại Hùng Bảo Điện là toà điện thờ 9 vua Đại Lý xuất gia tu hành, được xây dựng lại năm 2005. Đâu đây, Đoàn Dự từng dùng “nhất dương chỉ” đánh thắng đại cao thủ võ lâm đến từ Thổ Phồn (Tây Tạng).

Thành cổ Đại Lý là một điểm tham quan hấp dẫn. Phố xá ngang dọc như các phố cổ Hà Nội, các cửa hàng san sát màu mè. Nếu để ý vẫn còn thấy lại các dấu tích kiến trúc thành trì, nhà cửa tồn tại qua nghìn năm vật đổi sao dời.

Đi ngược về phía bắc 200 cây số nữa, chúng tôi đến cổ thành Lệ Giang, di sản văn hóa thế giới, được bảo tồn hoàn hảo, viên ngọc quí giữa vùng cao nguyên Vân Quý. Chúng tôi hòa vào dòng người khách du lịch, chủ yếu là người Trung Quốc, đến đây vào dịp nghỉ lễ 1/5. Nghe đâu mỗi năm Lệ Giang đón 1,5 triệu khách, trở thành điểm du lịch nội địa hấp dẫn bậc nhất vùng cao nguyên. Dập dìu tài tử giai nhân bên những dòng suối trong xanh chảy giữa lòng các phố cổ, từng đàn cá vàng, cá đỏ lội ngược dòng. Một người lội giữa dòng với cây vợt nhặt rác giữ cho dòng suối luôn sạch đẹp. Các quán nhỏ ẩn hiện dưới bóng liễu rủ đem lại cho bạn một phút thư dãn sau cuộc hành trình dài. Ở Lệ Giang, bạn có thể mua nhiều sản vật lưu niệm địa phương. Hàng thổ cẩm và khăn len thứ thiệt đẹp mà rẻ. Nếu biết mặc cả, có thể kéo giá từ trên trời xuống sát mặt đất hợp với túi tiền của bạn.

Du khách Việt Nam tại Tu viện Shangri La
Du khách Việt Nam tại Tu viện Shangri La
Hoàng hôn xuống, các phố cổ rực rỡ đèn lồng. Các màn tạp kỹ được trình diễn trên các sân khấu ngoài trời bên các quảng trường. Đâu đâu quán ăn cũng rộn vang đàn sáo và dọng ca lảnh lót của các ca sĩ má hồng trang phục dân tộc. Lời hát tuy không hiểu nhưng giai điệu du mục và của vùng cao nguyên phóng khoáng vẫn đắm say lòng người. Đáng tiếc cho các cô gái dân tộc Vân Nam duyên dáng là vậy cũng không thể níu kéo các lữ khách đến từ phương Nam như chúng tôi vào quán ăn của họ. “Tour” của chúng tôi đã được lập trình sít sao, 7 ngày 8 đêm, để có thể vượt Hà Khẩu trở lại Lào Cai trước khi chiều buông cuối ngày thứ 7.

Dù lịch trình là vậy, 7 người trong đoàn chúng tôi đã tách ra tự tổ chức đoạn hành trình 200 cây số từ Lệ Giang lên Shangri La sát chân cao nguyên Tây Tạng. Những người yếu tim mạch không nên thử sức trong tuyến hành trình lên tới độ cao 4000 mét so với mực nước biển này. Từ đỉnh cao tại tu viện của phái Mật Tông Tây Tạng, tôi gọi di động về cho bà xã nhà tôi báo tin mình đã “sờ được chân” của mái nhà thế giới. Chi phí mỗi người cho chuyến đi này chỉ 600 nhân dân tệ. Công ty lữ hành Vân Nam sẵn sàng tổ chức đoạn hành trình này với giá 2000 tệ. Các công ty du lịch có người nói được tiếng Anh, tiếng Nhật tại cổ thành Lệ Giang dễ dàng thu xếp chuyến đi với giá phải chăng.

Tác giả và các lạt ma Tây Tạng, Tu viện Shangri La
Tác giả và các lạt ma Tây Tạng, Tu viện Shangri La

Tôn giáo là hồn và nền tảng sự tồn vong của người Tây Tạng. Tu viện tại Shangri La mang kiến trúc đền chùa Tây Tạng, nghe nói là hình mẫu thu nhỏ của Cung điện Potala Tây Tạng. Từ xa, ba tòa bảo tháp lấp lánh vàng son, tọa lạc lưng chừng núi. Bao quanh là tu viện rộng lớn, san sát các tòa nhà vách đá thấp mà vững chãi nơi tĩnh tu của các tăng lữ. Tôi bắt gặp chú tiểu áo đỏ đang ghánh nước giữa chiều tà. Bể nước xây trên cao, có lẽ nước được bơm từ hồ dưới chân núi. Thôi thì chưa lên được Tây Tạng (mà chi phí một chuyến đi nghe đâu có thể lên tới 2000 đô la Mỹ), thăm Shangri La phần nào xoa dịu sự tò mò hiểu biết của du khách phương xa. Lần này tôi đã gặp được các lạt ma áo choàng đỏ bằng xương bằng thịt của Tây Tạng. Cúng điện tùy hảo tâm, bạn sẽ được vị cao tăng ban cho chuỗi hạt lấy phước đất Phật. Shangri La nằm trong vùng ảnh hưởng của Tây Tạng một thời  xa xưa cực thịnh. Đạo Phật có lẽ cũng qua ngả này mà truyền tới Nam Giao.

Huyết thống người Tây Tạng bộc lộ mạnh mẽ ở con người. Các cô gái người Tạng má hồng to con khỏe mạnh, các chàng trai da màu đồng hun, khi cười mặt rạng nắng trời. Có lẽ họ tin vào kiếp sau nên kiếp này sống vô tư lự. Nhưng sức mạnh huyền bí của người Tây Tạng có lẽ ẩn chứa bên trong những bức tường bao quanh các tu viện Mật Tông ở Shangri La này hay bất kỳ tu viện nào khác trên vùng cao nguyên Thanh Tạng.

Tối hôm đó, sau một ngày ngồi xe khách và vượt các bậc thang để lên tận các toà bảo điện lưng chừng núi, chúng tôi rẽ vào một quán nhỏ ở phố cổ, gọi món lẩu. Tạm đặt tên là “lẩu Shangri La” để phân biệt với “lẩu nấm Côn Minh” mà đoàn chúng tôi thưởng thức trong đêm đầu tiên đặt chân tới thủ phủ của Vân Nam. Còn tại đây, trên độ cao mấy ngàn mét, đồn rằng không khí loãng đến mức không thể nấu chín cơm. Thế mà nồi lẩu sôi sùng sục trên bếp than hồng. Cô chủ quán da trắng má hồng cười tươi roi rói đi tới đi lui tiếp rau, thêm nước vào nồi lẩu. Nồi lẩu có tới 10 loại rau và nấm cao nguyên. Rau sạch hẳn hoi. Mỗi suất tính ra 20 tệ. Ngồi bên mâm cơm tại khách sạn 3 sao ở Lào Cai hôm đoàn vượt Hà Khẩu trở về có hai món rau lèo tèo lại nhớ bữa “lẩu Shangri La” có 10 món rau. Vân Nam là xứ sở của rau xanh. Và người Vân Nam có lẽ dùng rau còn nhiều hơn cả người phương Nam mình.

Sưu tầm từ:http://dulich.chudu24.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét