Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

TỪ HIỂU SAI HIỂU CHƯA HẾT ĐẾN LƠ ĐỄNH DỊCH SAI

Đọc quyển Dịch từ hán sang việt, một khoa học một nghệ thuật(1) chúng tôi nhận thấy có nhiều nhận xét tinh tế về vấn đề dịch thuật, từ lý luận đến kinh nghiệm.
Chúng tôi rất tâm đắc về những điều nhận xét đúng và cũng xin được trao đổi với các bạn đồng nghiệp về những điều chúng tôi còn băn khoăn.
1) Về câu: “Quyết hội nghị ư băng đê” của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô đại cáo do Bùi Kỷ dịch, ông Ngô Linh Ngọc có nhận xét rằng: “Dịch thơ của con người lịch sử gắn với các sự việc lịch sử, vấn đề dựa vào “văn mạch” mà Phan Huy ích đã nói đến, cũng như vấn đề nắm vững “ngữ khí” của từng tác giả, càng rất quan trọng. Cụ Bùi Kỷ và một số cụ trước đây dịch Bình Ngô đại cáo, dịch không đúng câu “Quyết hội nghị ư băng đê” của Nguyễn Trãi, vì quên rằng đoạn trước câu này đã nói nhiều về thế địch mạnh, thế ta yếu (nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm), đến đoạn này thì ta cực mạnh, địch cực suy (dao mài vẹt núi, voi uống cạn sông) và đến giai đoạn tổng phản công thì ta quét địch giống như là “đê vỡ cuốn trôi tổ kiến, gió mạnh thổi sạch lá khô”. Mạch văn đến lúc này mạnh biết dường nào, nếu quay ngược lại với cái ý “tổ kiến hổng sụt toang đê cũ” thật là giảm khí lực và sai nghĩa. Cụ Bùi mà còn có lúc vội vã lầm như thế, những người hậu học, biết ít như chúng tôi thật đáng lo ngại biết chừng nào !”(2).
Chúng tôi thì không nghĩ như vậy và chúng tôi lại cho rằng cụ Bùi Kỷ không có lầm khi dịch câu “Quyết hội nghị ư băng đê” là “Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ”.
Nếu đặt câu ấy vào toàn bài Bình Ngô đại cáo cho đúng với giai đoạn tổng phản công, thì chúng ta phải hiểu là: Lúc này lực lượng nghĩa quân đã rất mạnh và kẻ địch đã suy yếu, chỉ cần đánh vào địa điểm xung yếu của chúng cũng có thể phá vỡ toang cả phòng tuyến lớn, khác nào dòng nước là có sức mạnh vô hạn, chỉ phá vỡ tổ kiến ở chân đê là có thể làm băng cả con đê dài".
Đàn kiến nó đùn đất lên làm tổ hỏng cả con đê, nên dòng nước lũ chảy mạnh xói vào là tổ kiến hổng sụt toang ngay xuống và con đê bị băng vỡ tan tành hết. Tổ kiến ở chân đê đâu phải là cái tổ kiến ở trên cây có cành lá chằng chịt lại mà trôi đi được. Nó chỉ là đống đất bị kiến đùn rỗng, nên gặp nước chảy mạnh là sụt toang ra như cụ Bùi Kỷ nói.
Vậy bảo cụ Bùi Kỷ dịch sai là không đúng.
2) Về hai câu thơ của Đỗ Mục do Trần Trọng Kim dịch. Ông Ngô Linh Ngọc có nhận xét rằng: "Trần Trọng Kim trước kia dịch bài Khiển hoài của Đỗ Mục cũng vì quá thiên về mặt chơi bời phóng túng trong một thời gian nào đó của "Tiểu Đỗ" nên đã dịch sai tình và ý của hai câu thơ:
Lạc phách giang hồ tái tửu hành,
Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh
Ông dịch là:
"Giang hồ lạc phách rượu say,
Lưng eo, bụng lép, trong tay không tiền"
thì thật là cả một cái sai thảm hại"(3). Lời nhận xét ấy thật đúng. Ông P.V. trong bài Bàn thêm về dịch thơ - Thơ chữ Hán đăng ở Tạp chí Văn học số 2, năm 1982, có ghi thêm câu dịch lại như sau:
"Mang rượu đi khắp sông hồ như người mất vía
Bao cô gái Sở lưng ong xinh nhờ múa nhẹ trên bàn tay".
Chúng tôi cho rằng câu dịch nghĩa lại như vậy cũng vẫn sai, vì người dịch hiểu lầm hai chữ "lạch phách" này!
- Nếu phiên âm là "lạc phách" thì mới có nghĩa là: mất vía (sợ mất vía).
- Nếu phiên âm là "lạc thác" như trong bài thơ của Đỗ Mục thì hai chữ ất có nghĩa là: thất ý, đi lang thang nay đây mai đó, không có chỗ ở nhất định, âm "thác", tha lạc thiết, lạc thác "Khang Hi tự điển".
Người dịch lại câu thơ ấy cũng hiểu lầm mấy chữ "chưởng trung khinh". Sự thực thì: các cô gái nước Sở có lưng ong xinh đẹp đâu phải nhờ múa trên bàn tay.
Theo sách của Hàn Phi Tử thì: "Vua Linh Vương nước Sở thích những người con gái có lưng eo, nên trong nước có nhiều cô gái nhịn đói để có lưng eo, bụng nhỏ".
Còn chuyện múa trên bàn tay là do nàng Triệu Phi Yến đời Hán, người rất nhẹ có thể múa trên bàn tay được. Về sau người ta dùng mấy chữ "chưởng trung khinh" (múa trên bàn tay) để nói về những người con gái múa rất giỏi mà thật nhẹ nhàng. Do đó dịch lại câu "Sở yêu tiếm tế chương trung khinh" là: "Bao cô gái nước Sở lưng ong xinh nhờ múa nhẹ trên bàn tay" thì sai quá. Vậy muốn hiểu hai câu thơ trên, chúng ta phải phiên âm là "lạc thác" và hiểu đúng nghĩa của chữ ấy là kẻ bất đắc ý, lang thang nay đây mai đó, không có chỗ ở nhất định.
"Giang hồ tái tửu hành" mà dịch là mang rượu đi khắp sông hồ thì cũng không đúng hẳn, và "tái tửu hành" không phải chỉ có nghĩa là mang rượu đi mà nó còn có nghĩa là "hoa thiên tửu địa" tức là mê gái và uống rượu.
Đỗ Mục lúc trẻ là kẻ tài hoa lãng mạn. Khi ở Dương Châu, chàng trai ấy chỉ la cà các ca lâu tửu quán (chứ không phải mang rượu đi khắp sông hồ) nên sau mười năm, lúc đã tỉnh giấc mộng thì thấy chẳng còn gì, chỉ còn lại cái tiếng bạc tình mà thôi.
Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,
Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.
Hai câu này với hai câu trên kia là cả bài thơ tứ tuyệt của Đỗ Mục mà ta có thể dịch nghĩa là:
"Vì bất đắc ý, ta đi lang thang khắp các ca lâu tửu quán (mê gái và uống rượu). Chỉ thích ngắm các cô gái có lưng ong múa thật nhẹ nhàng (như Triệu Phi Yến xưa có thể múa được ở trên bàn tay).
Sau mười năm trời mê say như vậy, nay chợt tỉnh giấc mộng Dương Châu ta thấy chẳng còn gì.
Chỉ còn lại cái tiếng bạc tình ở chốn thanh lâu mà thôi".
Có đọc cả bài như vậy chúng ta mới hiểu được rõ nghĩa hai câu: "Lạc thác giang hồ tái tửu hành, Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh" mà Trần Trọng Kim cũng như những người dịch thơ Đường khác đều dịch sai ý của Đỗ Mục.
3) Về bài thơ Độ Tang Càn của Giả Đảo mà Tản Đà dịch hỏng chữ "sương", ông Mai Quốc Liên đã có nhận xét như sau: "Tản Đà, một nhà thơ mà ta đã từng biết, một người tưởng không ai nghi ngờ được cái học Hán học và tài nghệ thi sĩ, đã được người ta công nhận tài dịch thơ Đường và đã để lại nhiều bản dịch trứ danh. Thế nhưng có lần Tản Đà đã thất bại. Đó là trường hợp ông dịch bài thơ Độ Tang Càn của Giả Đảo. Nguyên văn bài thơ như sau:
Khách xá Tinh Châu dĩ thập sương,
Qui tân nhật dạ ức Hàm Dương.
Vô Đoan cánh độ Tang Càn thuỷ,
Khước vọng Tinh Châu thị cố hương.
và Tản Đà dịch:
Tinh Châu đất khách trải mươi hè,
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ quê.
Qua bến Tang Càn vô tích nữa,
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê.
Câu thơ Đường hiện ra trong một cấu trúc hô ứng nhưng khép kín và cái dụng công của Giả Đảo là thực hiện sự thống nhất về sắc thái từ ngữ ("khách xá" và "sương") để nhấn mạnh nỗi buồn tha hương của mình. Vì thế đem chữ "hè" dịch chữ "sương", Tàn Đà đã đánh mất Giả Đảo, chưa nói về vần điệu và ý tứ bản dịch quả thật đã không xứng với tài nghệ Tản Đà. Dù sao, đây là một bài học nhỏ: một thi sĩ tài danh, một nhà Hán học nhưng lơ đễnh không thâm nhập vào cái thế giới thơ đích thực của nguyên tác, không nắm từ ngữ trong cái cấu trúc toàn thể và trong sự vận động của nó trong cấu trúc đó, sẽ mắc sai lầm và dịch ngược lại ý nguyên tác"(4).
Chúng tôi thấy ông Mai Quốc Liên đã nhận xét đúng về điểm Tản Đà đã dịch ngược lại ý nguyên tác khi đem chữ "hè" dịch thành chữ "sương". Nhưng nếu bảo là Tản Đà "lơ đễnh" thì chưa chắc đã đúng. Có thể Tản Đà nghĩ rằng "sương" chỉ năm (vì mỗi năm có một kỳ sương giáng về mùa thu) thì "hè" cũng chỉ năm. Tản Đà cũng biết "hè" với "thu" là trái ngược nhau nhưng ông đã phải bỏ "ý" để theo "vần": Hè, về, quê. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, ông Mai Quốc Liên đã chép lầm câu thứ hai là "nhớ quê" nên bài thơ trùng vần "nhớ quê" (câu 2) và "thành quê" (câu 4), do đó ông đã phê bình oan Tản Đà về vần điệu.
Chúng tôi xin chép lại bài dịch của Tàn Đà nguyên văn như sau:
Qua bến Tang kiền
"Châu Tinh đất khách trải mươi hè,
Hôm sớm Hàm Dương bụng nhớ về.
Qua bến Tang Kiền vô tích nữa,
Tinh Châu ngoảnh lại đã thành quê".
Bài thơ dịch thì tuy có kém so với tài nghệ của Tản Đà nhưng chúng tôi nghĩ đây không phải trường hợp "lơ đễnh". Tản Đà chỉ thực sự lơ đễnh khi ông dịch bài "Tống khách qui Ngô" của Lý Bạch vì vào giữa mùa thu mà ông tả hoa đào nở rực rỡ. Nguyên văn bài thơ của Lý Bạch như sau:
TỐNG KHÁCH QUI NGÔ
Giang thôn thu vũ yết,
Lộ lịch ba đào khứ,
Đảo hoa khai chước chước,
Biệt hậu vô dư sự
Tửu tận nhất phàm phi
Gia duy toạ ngoạ qui
Đinh liễu tế y y
Hoàn ưng tảo điếu ky.
Tản Đà dịch là:
TIỄN KHÁCH VỀ NGÔ
"Sông thu ngớt hạ mưa tuôn,
Rượu vừa cạn chén cánh buồm xa bay.
Đường đi trải mấy nước mây,
Nằm ngồi ai chẳng khó thay đến nhà.
Cây đào hớn hở ra hoa,
Lăn tăn lá liễu thướt tha bên ngàn
Xa nhau rồi những thanh nhàn,
Thú chơi quét tấm thạch bàn ngồi câu".
Chúng ta để ý thấy ở đầu câu Lý Bạch đã nói đến mùa thu (thu vũ yết: mưa thu vừa tạnh) mà Tản Đà cũng đã dịch là: "Sông thu ngớt hạt mưa tuôn" thế mà không hiểu "lơ đễnh" thế nào, ông đã phiên âm "đảo hoa" thành đào hoa và dịch luôn câu "Đảo hoa khai chước chước" là "cây đào hớn hở ra hoa". Sự thực thì hai câu 5 - 6:
Đảo hoa khai chước chước
Đinh liễu tế y y
Có nghĩa là:
"Hoa trên đảo nở rực rỡ
Liễu bên bờ nước tơ nhỏ thướt tha"
Tản Đà đã nhầm rõ ràng là do lơ đễnh.
Nhóm biên dịch tập Thơ Đường, cuốn II gồm các ông Nam Trân, Hoa Bằng, Tảo Trang và Hoàng Tạo cũng không để ý sự lầm lẫn ấy và đã chép bài thơ dịch của Tản Đà như đã nói trên vào trong sách và còn dịch nghĩa thêm:
Xóm bên sông cơn mưa thu vừa tạnh,
Cạn chén rồi một lá buồm như bay.
Đường đi như lướt trên sóng bạc,
Chỉ việc ngồi hay nằm cũng sẽ đến nhà.
Hoa đào trên hòn đảo nở bung rực rỡ,
Liễu ven bờ tơ nhỏ thướt tha.
Chia tay rồi, không còn có việc gì,
Phẩy tấm đá lại ngồi câu cá.
Đúng các ông đã sơ ý và đã quá tin vào tài nghệ của Tản Đà!
Vậy để sửa bỏ một sai lầm vì lơ đễnh kia, hiện đây chúng tôi xin dịch lại bài Tống khách qui Ngô như sau:
TIỄN KHÁH VỀ ĐẤT NGÔ
Xóm bên sông mưa thu vừa tạnh,
Cạn chén rồi một cánh buồm bay.
Đường đi trên sóng lướt mây,
Ngồi nằm rồi cũng về ngay đến nhà.
Cây trên đảo nở hoa rực rỡ.
Liễu ven bờ tơ nhỏ thướt tha.
Thanh nhàn khi đã cách xa,
Phẩy trơn tấm đá kề cà ngồi câu.
CHÚ THÍCH
(1) Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb KHXH, Hà Nội, 1982.
(2) Sđd. tr. 136, 137.
(3) Sđd. tr. 136
(4) Sđd. tr. 54, 5
Sưu tầm từ:
http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét