Translate

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

THĂNG LONG - HÀ NỘI

Năm 1010, Lý Thái Tổ chọn đất này làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long với lòng mong muốn ngày càng phồn thịnh như Rồng bay lên. Năm 1831, vua Minh Mạng triều Nguyễn đổi tên thành Hà Nội, nghĩa là thành phố nằm trong vòng bao của sông Nhĩ Hà.


Nơi đây còn ghi biết bao dấu tích văn hiến từ Đại La trở thành thủ đô qua suốt ba triều đại phong kiến thịnh trị Lý, Trần, Lê cho đến thời kỳ Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.
Nguồn gốc Thăng Long
Với tầm nhìn chiến lược, vị vua trẻ Lý Công Uẩn khi lên ngôi đã cảm thấy thành Hoa Lư trong vùng núi non hiểm trở tuy dễ phòng thủ nhưng không thể là kinh đô của một nước cường thịnh cả về quân sự lẫn kinh tế. Người đã tìm được thành Đại La nơi có thể hội tụ những yêu cầu ấy. Trong "Chiếu dời đô", hình ảnh của một thành phố giàu đẹp hiện lên vô cùng sinh động: "Thành Đại La ở giữa bờ cõi đất nước, có thế rồng cuộn, hổ ngồi, bốn phía đông, tây, nam, bắc tiện hình thế núi, sông, sau, trước đất rộng, bằng phẳng, cao ráo, sáng sủa, dân cư không phải khổ vì ngập lụt, muôn vật phồn thịnh. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là nơi then chốt của bốn phương họp lại và cũng là nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời...".
Khi thuyền nhà vua đến Đại La, Người nhìn thấy một con rồng bay lên trong đám mây, cho là điềm lành, bèn đặt tên là Thăng Long. Câu chuyện lịch sử pha lẫn huyền thoại này cho thấy thành Thăng Long được xây dựng ở một vị trí theo quan niệm phong thuỷ là lý tưởng cho phát triển đô thành vững mạnh, giàu có.

Sau gần 1000 năm, Hà Nội ngày nay và Thăng Long xưa đã khác nhau nhiều. Chỉ nói về phạm vi, thành Thăng Long xưa nằm giữa sông Nhĩ Hà và Tô Lịch; Hà Nội bây giờ bao gồm cả phần đất rộng lớn ở bên ngoài hai con sông. Trung tâm Thăng Long và trung tâm Hà Nội không trùng nhau. Nhưng những điểm ưu việt của điều kiện địa lý và tự nhiên của Thăng Long vẫn tạo ra những thế mạnh cho Hà Nội mà hiếm đâu sánh được.
Thứ nhất, thế đất bằng phẳng, cao ráo, nằm trên đồng bằng mầu mỡ, khí hậu lại ấm áp. Hà Nội là vùng sinh thái tuyệt vời cho con người định cư, phát triển.
Thứ hai, vị thế trung tâm Bắc Bộ của Hà Nội, lại nằm bên con sông lớn khiến cho giao thông với các địa phương khác dễ dàng, thuận tiện. Từ xưa, Hà Nội đã nổi tiếng là một trung tâm thương mại lớn: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến".
Thêm nữa, với cảnh sắc tươi đẹp và con người thanh lịch, Hà Nội là đề tài cho thơ ca, nhạc, hoạ, tạo nên sức thu hút du khách bốn phương.
Và còn rất nhiều thế mạnh nữa do tự nhiên đem lại mà Hà Nội đã và sẽ khai thác để xứng đáng là "Nơi đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời" như Lý Công Uẩn đã tiên đoán.
Đây là link phim Hà Nội Trong Mắt Ai, một tuyệt phẩm của  đạo diễn Trần Văn Thủy nói về Hà Nội.
http://www.youtube.com/watch#!v=RNGNGkkosxo&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=R_v75jt3zKU&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=AeWY3-9H7zw&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=r_dSEpWjOKM&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=eAVsqyFHvAI&feature=related
http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=767
Vị trí
Hà Nội nằm hai bên bờ sông Hồng, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ trù phú. Với vị trí và địa thế đẹp, thuận lợi, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học lớn, đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam.

-
 Vĩ độ bắc: 20o53’ đến 21o23’
-
 Kinh độ đông: 105o44’ đến 106o02’
-
 Giáp với năm tỉnh: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây.
-
 Diện tích tự nhiên 920,97 km2.
-
 Chiều dài nhất từ phía bắc xuống phía nam là hơn 50 km
-
 Chỗ rộng nhất từ tây sang đông 30 km
-
 Cao nhất là núi Chân Chim: 462 m (huyện Sóc Sơn)
-
 Thấp nhất thuộc xã Gia Thụy (huyện Gia Lâm), 12 m so với mặt nước biển.
Địa hình
Dạng địa hình chủ yếu của Hà Nội là đồng bằng được bồi đắp bởi các dòng sông với các bãi bồi đại, bãi bồi cao và các bậc thềm. Xen giữa các bãi bồi đại và các bãi bồi cao còn có các vùng trũng với các hồ, đầm (dấu vết của các lòng sông cổ) .

Phần lớn diện tích Hà Nội nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với độ cao trung bình từ 15m đến 20m so với mặt biển. Còn lại chỉ có khu vực đồi núi ở phía bắc và phía tây bắc của huyện Sóc Sơn thuộc rìa phía nam của dãy núi Tam Đảo có độ cao từ 20m đến hơn 400m, đỉnh Chân Chim cao nhất là 462m.
Hà Nội là thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là lớn nhất. Sông Hồng bắt đầu từ dãy Ngụy Sơn (Trung Quốc), ở độ cao 1776m, chảy theo hướng tây - bắc - đông - nam vào Việt Nam từ Lào Cai và chảy ra vịnh Bắc Bộ. Sông Hồng chảy qua Hà Nội dài khoảng 30 km.
Đê sông Hồng được đắp từ năm 1108, đoạn từ Nghi Tàm đến Thanh Trì, gọi là đê Cơ Xá. Ngày nay sông Hồng ở Việt Nam có 1267km đê ở cả hai bên tả, hữu ngạn. Độ cao mặt đê tại Hà Nội là 14m so với mặt nước biển.
Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình 100 triệu tấn/năm. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp cá giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Ngoài sông Hồng, trong địa phận Hà Nội còn có sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ và sông Cà Lồ.
Khí hậu
Khí hậu Hà Nội là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông lạnh, mưa ít.
Nằm trong vùng nhiệt đới, Hà Nội quanh năm tiếp nhận được lượng bức xạ mặt trời dồi dào và có nhiệt độ cao. Do chịu ảnh hưởng của biển, Hà Nội có độ ẩm và lượng mưa khá lớn.
-
 Trung bình hằng năm, nhiệt độ không khí 23,6 độ C, độ ẩm 79%, lượng mưa 1245 mm.
-
 Mỗi năm có khoảng 114 ngày mưa. Hà Nội có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sự luân chuyển của các mùa làm cho khí hậu Hà Nội thêm phong phú, đa dạng và có những nét riêng.
-
 Từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa hè: nóng và thi thoảng có mưa rào.
-
 Từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa thu. Thời tiết khô ráo, trời cao, xanh ngắt, gió mát, nắng vàng.
-
 Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là mùa đông: Thời tiết lạnh, khô ráo.
-
 Từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa xuân: Cây cối xanh tốt với hàng ngàn loài hoa khoe sắc, mùa của những lễ hội truyền thống độc đáo, mở đầu là Tết nguyên đán, lễ hội lớn và quan trọng nhất của người Việt Nam.
-
 Nhiệt độ thấp nhất là 2,7 độ C (tháng 1/1955).
-
 Nhiệt độ cao nhất: 42,8 độ C (tháng 5/1926).
Khách du lịch có thể tới thăm Hà Nội quanh năm. Tuy nhiên, mùa xuân, mùa thu và mùa đông rất thích hợp với du khách ở những vùng hàn đới.
Thực vật và động vật
Các loại thực vật tự nhiên chỉ còn dạng thứ sinh, tập trung trong huyện Sóc Sơn. Ở đây còn khoảng hơn 6.700 ha đất lâm nghiệp đang được gấp rút trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc để khôi phục thảm thực vật, bảo vệ môi sinh. Do có rừng, gần đây đã thấy xuất hiện trở lại nhiều loại chim ăn ngũ cốc, các loài gậm nhấm và thú rừng (lợn rừng, chồn, sóc, trăn, rắn...) vốn trước kia có rất nhiều.
Tương đối phong phú là động vật dưới nước như cá, tôm, cua, ốc, kể cả cá trong đồng và ngoài sông. Hà Nội là vùng đất trù phú, có truyền thống sản xuất nông nghiệp từ lâu đời, cung cấp nhiều giống cây trồng, vật nuôi quí, có giá trị kinh tế và nổi tiếng trong cả nước.

Đáng chú ý là các huyện ngoại thành đã hình thành các vành đai rau xanh, thực phẩm tươi sống (thịt, cá, sữa, trứng) phục vụ nhu cầu đô thị hoá ngày một cao của thủ đô Hà Nội và dành một phần để xuất khẩu.
Cây xanh Hà Nội
Một trong nhiều lý do để du khách yêu mến Hà Nội là những tán lá xanh mướt, những con đường rợp bóng cây. Còn vào mùa hè, cây cối ở đây khoác lên mình một tấm áo rực rỡ sắc màu.
Từ thế kỷ XIX, các giống cây này được đưa về từ khắp nơi trên thế giới, trồng dọc theo những con phố làm dịu đi ánh nắng chói chang của mặt trời nhiệt đới. Nhiều cây còn tồn tại cho đến ngày nay có kích thước khá lớn.
Phía bờ đông hồ Hoàn Kiếm, cây lộc vừng ngả bóng bên hồ Hoàn Kiếm, đầu mùa đông có những dây hoa đỏ mảnh mai buông xõa đung đưa trong gió. Cạnh đó là cây vông hoa vàng rực rỡ trước cổng đền Ngọc Sơn.




Phố Điện Biên Phủ đoạn gần Bộ Ngoại Giao
Phía bờ tây hồ Hoàn Kiếm, những cây me cũng nở ra những đoá hoa nhỏ li ti màu vàng nhạt. Lá cây nhỏ, có màu xanh mát. Quả me có vỏ màu nâu bao quanh lớp thịt vừa ngọt vừa chua với những hạt nhỏ, đen nhánh. Một trong những loài cây trồng nhiều nhất là phượng vĩ đơm hoa rực đỏ mỗi khi hè về. Trước cửa toà báo "Hà Nội mới" có một cây phượng lớn, cành cây vươn về phía hồ như những ngón tay thon đang chơi đùa với đàn cá tung tăng dưới nước. Dọc theo phố Hàng Trống, bạn sẽ gặp cây gụ có hoa màu vàng xanh, nở thành từng chùm. Những bông hoa nhỏ hình sao ấy khi rơi xuống tạo cho người ta cái cảm giác như đang đứng dưới một trời hoa.
Dọc theo phố Đội Cấn và Thợ Nhuộm là hàng bằng lăng, cuối mùa xuân đến đầu mùa hè khoác lên mình những đoá hoa tím biếc nổi bật trên nền xanh của lá. Mùa đông, những cây bằng lăng cũng tự trang điểm cho mình từng chùm quả lủng lẳng nơi đầu cành.
Trong khu phố cổ Hà Nội có rất nhiều dâu da xoan với chùm hoa màu sữa. Những hàng cây nhỏ phù hợp với khung cảnh nơi này đến nỗi các hoạ sỹ luôn luôn đưa chúng vào trong tranh vẽ phố cổ.
Những cây bàng có hoa nhỏ li ti màu xanh nhạt, bám dọc thành một cụm nhỏ. Lá bàng lớn, thuôn dài, có màu xanh đậm, toả bóng mát dịu giữa trưa hè. Đến tháng chín, lá cây chuyển sang màu vàng và đỏ để cuối cùng rực đỏ vào mùa thu. Đây là một trong số ít các loài cây ở Hà Nội đổi màu lá theo mùa vào dịp cuối năm.
Xà cừ là một trong những cây cao nhất ở Hà Nội, được lấy giống về từ châu Phi nên rất hợp với khí hậu nóng khô.


  Hồ Tròn trong Bách Thảo
Người Hà Nội khi đi xa luôn gắn liền với những kỷ niệm về hoa sữa. Tháng mười, những đoá hoa màu trắng xanh toả hương nồng nàn trên các dãy phố như Quang Trung, Nguyễn Du.
Mỗi mùa có một niềm vui riêng. Mùa hè ở Hà Nội có thể khá oi ả nhưng vẻ đẹp của những hàng cây xanh mát cũng đủ làm dịu đi cái nắng gắt gao.
 Chụp ảnh cưới ngoại cảnh trong Bách Thảo
Trên đây chỉ là một vài loại cây đặc trưng cho Hà Nội. Ngoài ra còn có hàng trăm loại cây và hoa khác nhau góp phần tạo nên một Hà Nội xanh nên thơ trong con mắt khách thăm.
Nguồn gốc dân cư
Hà Nội nếu tính từ thế kỷ thứ V tới nay là hơn ngàn rưỡi năm. Nhưng hỏi liệu bao nhiêu gia đình có từ ngày đó và tồn tại đến nay ở Hà Nội thì khó trả lời được.
Những làng ngoại thành và ven đô cũ (nay phần lớn đã nằm trong nội thành) thuộc những phường nông nghiệp thì dân cư ít xáo trộn có nhiều gia đình còn giữ được gia phả ngược lên đến tận các thế kỷ XV, XVI. Chẳng hạn như ở làng Trung Tự, vốn thuộc phường Đông Tác xưa, nay là phường Trung Tự, quận Đống Đa có họ Nguyễn (của những học giả Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Kha...) còn giữ gia phả cho biết là gốc từ Gia Miêu, Thanh Hóa ra cư trú từ thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và đến nay, trẻ nhất là thế hệ họ Phạm ở Đông Ngạc (Vẽ) huyện Từ Liêm, một gia tộc lớn với những chi Phạm Gia, Phạm Quang có nhiều danh nhân, bác học, gia phả cũng ghi gốc là làng Đông Biện, Thanh Hóa ra cư trú tại đây từ cuối thế ký XIV, đầu thế kỷ XV. Hoặc ở làng Vân Điềm (Đông Anh) có họ Nguyễn đã sản sinh ra các bậc đại nho Nguyễn Án, Nguyễn Tư Giản và nhà viết tiểu thuyết lịch sử tài danh Nguyễn Triệu Luật thì coi cụ Nguyễn Thực (1555 - 1637) là tổ thứ nhất và nay trẻ nhất là đời thứ 16. (Gia phả còn cho biết đây chính là dòng dõi nhà Lý bị nhà Trần đổi ra họ Nguyễn, có điều là thời gian quá xa nên không rõ tên họ các cụ tổ họ Lý). Đó là trường hợp ít biến động dân cư.
Còn các khu vực vốn là những phường thương nghiệp và thủ công ở ven cửa sông Hồng và ven sông Tô (nay là khu các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thì dân cư xáo trộn nhiều. Người buôn bán và người làm hàng thường ít khi trụ nhiều đời ở một địa điểm. Ngạn ngữ có câu: "Ai giàu ba họ ai khó ba đời!". Việc hưng thịnh hay sa sút trong kinh doanh không phải là hiếm. Không kể nhiều trường hợp con em các gia đình ở khu vực này thi đõ, đi làm quan tỉnh xa rồi cư ngụ luôn ở đấy, đôi khi kéo theo cả họ hàng. Ngoài ra, luồng nhập cư vào Thăng Long làm ăn diễn ra thường xuyên. Ngay từ thế kỷ XV, dân các trấn về Thăng Long đông quá khiến vua Lê Thánh Tông có ý định buộc tất cả về nguyên quán. Nhưng khi biết rằng chính họ là nguồn cung nạp thuế quan trọng và làm ra nhiều sản phẩm cần thiết, cuối cùng vua chỉ đuổi bọn du thủ du thực vô nghề nghiệp khỏi kinh thành. Trong sách Thượng Kinh phong vật phú thế kỷ XVIII đã ghi: "Khách bốn phương, những người thực nơi thượng kinh đua nhau đến ở quanh cả kinh đô, không lúc nào ngớt, đều cố nhanh chân rảo bước mà đến như tranh đến kinh đô nước Yên xưa".
Có thể nêu một ví dụ: ở ngõ Phất Lộc thuộc quận Hoàn Kiếm có nhà thờ họ Bùi Huy là một họ lớn nổi lên ở Thăng Long từ thế kỷ XVll và tới nay vẫn có nhiều thành viên thành đạt cả trong và ngoài nước. Họ này vốn không phải gốc ở đây. Và tên Phất Lộc cũng không phải là tên gốc của ngõ đó. Đây vốn là ngõ Phúc Lộc, thuộc huyện Thọ Xương. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVll, có một ông họ Bùi, quê làng Phất Lộc thuộc huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình lên Thăng Long ngụ ở ngõ Phúc Lộc. Con cháu ông phát đạt, người làm quan, người buôn bán giàu có mua phần lớn đất thổ cư trong ngõ. Sau đó, người làng Phất Lộc, Thái Bình cũng theo gương ấy kéo ra cư ngụ, do vậy hầu hết đất ngõ thuộc về người Phất Lộc, nên đến một lúc nào đó được gọi là ngõ Phất Lộc. Nếu tính từ ông cụ họ Bùi lên Thăng Long đến nay thì trẻ nhất là đời thứ mười (Gia phả còn ghi được tám đời trước đó ở Phất Lộc, Thái Bình). Hay như họ Đỗ Đức vốn ở phường Thịnh Quang (nay vẫn mang tên này, thuộc quận Đống Đa, sau có một chi đi vào làng Hạ Đình, thuộc xã Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân), thì gia phả ghi cụ tổ thứ nhất có thể là ở Lạc Đạo (Hưng Yên) chuyển sang Thịnh Quang từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVll.

Trong thực tế lịch sử, lại còn một số nguồn cư dân khác gia nhập vào cộng đồng Thăng Long - Hà Nội. Đó là những người nước ngoài đến lập nghiệp ở nơi đây. Phần lớn là người Hoa. Không kể những người Hoa ở lại từ thời Bắc thuộc. Chỉ kể những người Hoa được phép sinh sống ở Thăng Long trải qua các triều Lý - Trần - Lê thì sử cũ còn ghi, năm 1274 có 30 thuyền người Hoa xin nhập tịch nước ta, được phép cư ngụ ở Thăng Long. Trong “Dư Địa Chí” của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) có chép là trong số 36 phường họp thành kinh đô Thăng Long có hẳn một phường người Hoa. Đó là phường Đường Nhân. Thời cổ có lúc cả thế giới gọi người Hoa là người nhà Đường. Phường đó tương ứng khu vực phố Hàng Ngang và lân cận. Khoảng thế kỷ XVII người Hoa chỉ được phép ở phố Hiến (Hưng Yên). Sang thế kỷ XVll họ được lên Thăng Long. Hẳn là đông đúc nên có lúc họ xin chính quyền thành Thăng Long cho đứng ra tu bổ xây kè dọc bờ sông Hồng từ bến Hàng Mắm đến tận bến Tây Long (Nhà Hát Lớn ngày nay). Thuở đó sông Hồng chảy sát chân đê, tức chân đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ. Suốt quá trình nhập cư đó có rất nhiều gia đình người Hoa đã Việt hóa (nhập tịch, trang phục như người Việt, đàn bà cũng vấn khăn, nhuộm răng, ăn trầu...).
Ngoài người Hoa, còn có người Chăm từ phương nam ra trong nhiều trường hợp khác nhau. Những người tự nguyện không ít, như sử đã ghi : Năm 1039, một hoàng tử con vua Chăm đã cùng năm gia tộc vượt biển ra Thăng Long quy phục nhà Lý; năm 1390, lại có hai hoàng tử làm như vậy đối với nhà Trần, và năm 1448 có một quý tộc Chăm là Phan Mỗ đem bà con họ hàng làng xóm tất cả 340 người sang quy phục nhà Lê. Các làng ở Hà Nội trong tên gọi có chữ Sở phần lớn là các sở đồn điền dành cho người Chăm như Vĩnh Tuy Sở, Thịnh Quang Sở, Xuân Tảo Sở, Quán La Sở... Đặc biệt có làng Phú Gia (quận Tây Hồ) có hai họ Bố và Ông là gốc Chăm (mãi tới đời Tự Đức khoảng 1848 - 1850, một viên quan huyện hách dịch không muốn dân xưng “bố” và “ông” với quan nên bắt đổi Bố ra Hi và Ông ra Công). Nay hai họ này vẫn là cư dân chính làng Phú Gia. Sách “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” có nêu ông Phương Đinh Pháp, một vị quan can đảm thời vua Lê Cảnh Hưng, đã ngăn không cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đeo gươm đi lên chính điện gặp vua, ông Pháp là người Quán La Sở và gốc Chăm. Hay bà Phan Ngọc Đô, một phi tần được Lê Thánh Tông đưa ra Thăng Long, cho ở tại trang Thiên Niên (nay là Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ). Bà đã dạy cho dân vùng này dệt lĩnh, là một mặt hàng lụa rất mỏng, mịn, mặc mát, nhuộm thâm.
Luồng nhập cư liên tục và mạnh mẽ vậy nên cư dân tất phải xáo trộn. Có điều là đã có bao nhiêu thế hệ "tử chiếng" ấy kéo về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, lập ra các phố phường trải qua chiều dài của hàng chục thế kỷ. Tất nhiên, bấy nhiêu thế hệ đã đem đến Thăng Long - Hà Nội những lề thói của địa phương mình, song chung đúc lại, chắt lọc ra, hòa với người Thăng Long bản địa tạo nên cái chất "kinh kỳ" mà thực chất là lối sống có văn hóa (nhiều người gọi đó là tính cách thanh lịch Tràng An). Nói cách khác, các thế hệ nhập cư Thăng Long đã tự điều chỉnh, tự hoàn chỉnh nhân cách, nâng cao lên cho hợp với điều kiện và môi trường kinh đô. Họ tồn tại được còn do là kết quả của quá trình hòa hợp, dung hội lâu dài. Tuy không thuần khiết như làng quê vì là tứ trấn quần cư nhưng cũng đã hình thành khá nhiều những cộng đồng mới: hàng phố, bạn phường...
Hà Nội thủ đô hôm nay
Hà Nội - mảnh đất có truyền thống nghìn năm văn hiến và lừng lẫy chiến công đánh giặc, nơi định đô của các vương triều phong kiến tự chủ Việt Nam - tự hào là trung tâm đầu não chính trị của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Ngay từ buổi đầu cách mạng, Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 2-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình.
Hà Nội ngày nay gồm chín quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, và năm huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm. Cộng lại có 122 phường nội thành, 99 xã và 5 thị trấn ngoại thành.
Số dân của thành phố tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2003 có 3.055.300 người trong đó dân số nội thành chiếm 53%, dân số ngoại thành chiếm 47%. Tổng diện tích là 920,97km2 (nội thành chiếm 19,97% và ngoại thành chiếm 80,03%, bằng 0,28% diện tích của cả nước).
Dân cư Hà Nội phân bố không đều giữa các lãnh thổ hành chính và giữa các vùng sinh thái. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 2.881 người/km2 (mật độ trung bình ở nội thành 19.163 người/km2, riêng quận Hoàn Kiếm là 37.265 người/km2, ở ngoại thành 1.721 người/km2). Mật độ này cao gấp gần 12 lần so với mức trung bình của cả nước, gần gấp đôi mật độ dân số của vùng đồng bằng sông Hồng và là thành phố có mật độ cao nhất cả nước.
Sưu tầm từ:http://www.lyhocdongphuong.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét