Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

ĐÌNH YÊN HÒA



Từ rất lâu đời, Yên Hoà nổi tiếng là một làng văn hiến, khoa bảng với nhiều người đỗ đạt cao và giữ trọng trách ở trong triều đình. Làng còn nổi danh về vẻ đẹp, về sự tài hoa của nghề thủ công truyền thống, một trong tứ danh hương được truyền tụng trong lịch sử. Đó là điều kiện thuận lợi cho những di tích văn hoá truyền thống của làng sớm ra đời và phát triển. Dấu ấn lịch sử của làng Yên Hoà xưa được in đậm trong các di tích lịch sử văn hoá của làng đó là những công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như: đình, đền, chùa, nhà thờ họ và hệ thống truyền thuyết dân gian cũng như những địa danh lịch sử được lưu lại bằng tên gọi của làng, xóm, thôn.
chùa Báo Ân tọa lạc liền kề với đình
Tam quan Báo Ân Tự

Hoa Sữa bên bờ hồ nước trước Đình
Cổng vào nhà Bia của làng


Bia Tiến Sĩ của làng Yên Hòa
Mặt trong của cổng vào nhà bia ghi danh các vị tiên hiền đỗ đạt của làng và bia tổ quốc ghi công.
 Đình Yên Hoà, thuộc thôn Yên Hoà, xã Yên Hoà trước đây nay là phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội. Yên Hoà thời Nguyễn thuộc xã Yên Hoà, tổng Dịch Vọng, phủ Quốc Oai là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hoá. Thời Lý thế kỷ 11 khu vực này nằm trong trung tâm Phật giáo lớn ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Nhiều quý tộc của triều Lý đã xây dựng dinh thự ở đây như: Diên Thành Hầu, Sùng Hiền Hầu (bố của vua Lý Thần Tông). Những thế kỷ sau, Yên Hoà giữ vị trí quan trọng - nơi địa đầu cửa ngõ phía Tây của thủ đô - nơi tiếp giáp nội thành và ngoại thành từ rất lâu đời. Dấu ấn lịch sử còn lưu lại tới ngày nay trên mảnh đất Yên Hoà hiện còn bảo lưu ngôi Miếu  thờ Bạch Hạc Tam Giang( Miếu Dưới) và đình  Yên Hòa thờ vua Lý Thần Tông người đã có công tổ chức chống giặc ngoại xâm từ phương Nam. Các tư liệu thành văn hiện còn lưu lại trong di tích như: thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối cho biết rõ điều đó. 
Thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta chiếm thành Hà Nội dân làng Yên Hoà đã cùng quân sĩ kháng chiến tham gia hai trận chiến lớn ở Cầu Giấy dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm tiêu diệt hai cánh quân chủ lực của giặc Pháp và giết chết hai tên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc kỳ là Fơ -răng - Xi Gác - niê (21/12/1873) và Hen -ri Ri -vi e-rơ (19/5/1883). Yên Hoà là vùng đất địa linh nhân kiệt, người dân nơi đây có truyền thống yêu nước, cần cù lao động sáng tạo. Từ xa xưa miền quê Yên Hoà đã nổi danh kinh thành Thăng Long với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Vì thế mà khắp mọi làng quê ở kinh thành Thăng Long người dân đều nhớ câu ca:
 Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương. 
Chỉ trong một làng có 2 công trình: đình, chùa Yên Hoà đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1996. Trong những công trình này, đình Yên Hoà là một di tích còn lưu giữ khá nguyên vẹn các công trình kiến trúc, di vật cổ. Đã từ lâu đình Yên Hoà đã thu hút không chỉ người dân kinh thành Thăng Long mà cả khách thập phương xa gần đến thăm, chiêm bái. Như đã nêu ở trên, đình Yên Hoà phụng thờ các vị phúc thần có công với đất nước và với người dân làng Yên Hoà đó là  vua Lý Thần Tông, vua Lê Hiển Tông và chủ tịch Hố Chí Minh.

Ngai thờ Chủ Tịch Hồ Chí Minh ở đình Yên Hòa


Ngai thờ vua Lý Thần Tông

Ngai thờ vua Lê Hiển Tông
Vua Lý Thần Tông có tên huý là Dương Hoán cháu gọi Thánh Tông bằng ông,  cháu gọi Nhân Tông bằng bác, là con Sùng Hiền Hầu và phu nhân Đỗ Thị vốn chào đời ở đất Yên Hoà này. Do có nhiều công đức với nước, với dân Lý Thần Tông được dân làng Yên Hoà phụng thờ làm thành hoàng làng, các vương triều quân chủ ban tặng sắc phong làm “Bảo hộ phương độ hiển tôn thành hoàng chi thần”. Đắc biệt đạo sắc phong niên hiệu Khải Định còn lưu tại đình đã ghi rõ niên hiệu của thần “Dực bảo Trung hưng Lý Thần Tông hoàng đế”. Các vị này đã trở thành Thành hoàng làng và sống mãi trong lòng người dân Yên Hoà.
 Giống như mọi ngôi đình làng của các địa phương trong vùng, đình Yên Hoà có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm, với nhiều chức năng chính như: nơi phụng thờ các vị phúc thần có công với dân, với nước và nơi tổ chức lễ hội. Đình Yên Hoà hiện nay toạ lạc trên một khu đất cao, rộng thoáng trong khu cư trú của làng. Các nếp nhà cổ ẩn mình dưới những cây cổ thụ bốn mùa toả bóng mát tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm.


Các công trình kiến trúc gồm: Cổng nghi môn, sân, toà kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ công. Toà đại đình 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nội thất 6 hàng chân, các bộ vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Nối đại đình với hậu cung là ba gian nhỏ của nhà cầu có kết cấu gồm bốn bộ vì kèo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Toà hậu cung ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, vì kèo đỡ mái làm kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”, nhà xây trên nền cao hơn nền nhà đại đình 30cm.  Hội làng Yên Hoà mang sắc thái của hội cư dân lúa nước được tổ chức từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý  nhất là lễ rước kiệu thánh, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.







Hoành Phi trên cổng phụ hai bên được rút ra từ Kinh Thi, giống như ở đền Ngọc Sơn vậy.


lễ hội này mang sắc thái của hội cư dân lúa nước được tổ chức từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động khác nhau đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý  nhất là lễ rước kiệu thánh, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.  Giá trị của đình Yên Hoà còn được thể hiện ở những di vật. Trước hết phải kể đến cuốn thần tích chữ Hán, 14 đạo sắc phong thần trong đó sắc sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng 29 (1767), muộn nhất niên hiệu Khải Định 9 (1924); một cỗ kiệu long đình sơn son thiếp vàng nghệ thuật thế kỷ XIX; hai cỗ kiệu bát cống thời Nguyễn; hai cỗ long ngai bài vị chạm rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX.



Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang trí bằng nghệ thuật chạm thủng rất công phu, tinh xảo. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể ẩn tàng trong nội dung các sắc phong, đại tự, hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình toạ lạc, công trạng, đức độ của các vị thần được thờ.

Tượng Chủ Tịch Hồ Chí Minh



Các bức đại tự khẳng định giá trị của đình như: “thánh cung vạn tuế” (đức thánh muôn năm).




Còn các câu đối lại mang ý nghĩa ca ngợi cảnh đẹp của di tích và công tích của thần.



Các cụ vẫn giữ gìn vốn cổ thông qua hình thức bình thơ chữ Hán ở đình vào buổi tối, trên bảng là bài thơ Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng.

 Qua những nội dung giá trị của di tích có thể nói, đình Yên Hoà là nơi hội tụ anh linh tú khí, thật là linh thiêng. Tính thiêng của đình còn bởi dư âm của vùng đất cổ Yên Hoà. Về đây cũng là để học tập những truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục của một làng khoa bảng nổi danh kinh thành Thăng Long, về thăm đình Yên Hoà để cầu cho quốc thái, dân an, gia đình an lạc một năm làm ăn phát đạt. Có lẽ các vị Phúc thần ở đình Yên Hoà đã cho những người về đây được sở cầu như  ý nên các du khách mỗi ngày về một đông có nhiều đóng góp công đức để tu tạo di tích ngày một  khang trang.


 Để có được một công trình kiến trúc văn hoá tâm linh gắn liền với lịch sử Thăng Long như đình Yên Hoà cũng phải kể đến công sức của nhân dân làng Yên Hoà và khách thập phương xa gần.  Đình Yên Hoà đã được tu bổ tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Có được điều đó là do có sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương cũng như việc quản lý di tích này được giao cho người có tâm đức,
có trình độ quản lý trông nom nên đã tạo điều kiện để di tích được bảo tồn và phát huy giá trị có hiệu quả như hiện nay
 Ông từ trông đình Yên Hòa

Toàn cảnh Đình nhìn từ phía bên kia hồ


 Sự tồn tại của đình Yên Hoà luôn là những dấu hiệu quan trọng khẳng định sự tồn tại của một làng cổ của thủ đô Hà Nội và làm đẹp thêm cảnh quan của kiến trúc phố phường phía Tây Thủ đô.

                                                                     Nguồn sưu tầm từ:http://www.tinmoi.vn/
                                                                     Ảnh : The Bird of wounds( Nguyễn Quốc Việt)

1 nhận xét:

  1. Đây là quần thể kiến trúc đẹp, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa rất đáng quý. Riêng các bản sắc phong qua nhiều triều đại còn giữ được nguyên vẹn ở Đình đã là một tài sản tinh thần hiếm có, rất đáng trân trọng.

    Trả lờiXóa