Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

ĐỀN HÒA MÃ

 

  Đây là cổng chung của cả chùa và đền Hòa Mã.
  Đền Hòa Mã, còn có tên là Lưu Ly điện, và Tiên Thiên từ (đền Tiên Thiên) ở số 3 phố Phùng Khắc Khoan, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.

  Thời Lê đền thuộc thôn Đổi Mã, phủ Phụng Thiên; đến đời Minh Mệnh triều Nguyễn đổi là thôn Hòa Mã, tổng Kim Liên, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Đình và đền Hòa Mã được xây dựng cùng lúc thành lập làng, theo truyền thuyết, tên Đổi Mã của làng trước kia là chỉ việc vua Lê trên đường đi tế đàn Nam Giao tới đây thay áo đổi ngựa trước khi vào tế ở điện Chiêu Sự.

Theo tấm bia ở sau chùa Hòa Mã thì đình và đền do ông Năm họ Đào xây dựng lên. Ông Năm họ Đào chính là Đào Duy Từ, một danh nhân của Hà Nội và cũng là danh nhân đất nước. Đào Duy Từ là con thứ năm của vị chủ giáo phường (Phường hát) của Thăng Long. Cha con ông đã có công chiêu dân ca xướng lập làng Hòa Mã. Là con nhà phường hát, theo quy chế triều Lê -Trịnh, không được đi thi, dù ông học giỏi nổi tiếng thời bấy giờ, nên ông đã bỏ vào Nam theo chúa Nguyễn. Như vậy, theo sự tích thì đình, đền Hòa Mã có thể được xây dựng vào đời Lê Cảnh Hưng (1740-1788). Sắc phong sớm nhất hiện còn ở đình là sắc phong của đời Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) xác minh rõ hơn về sự ra đời của đình đền Hòa Mã.

Đền Hòa Mã được trùng tu lớn, niên đại được ghi trên thương lượng nhà Tiền tế “Đại Nam Bảo Đại Ất Mùi niên (1935)”.

Đền thờ bà chúa Liễu Hạnh cùng các Mẫu trong tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Bà Liễu Hạnh đã được các triều Lê, Nguyễn thường truy phong là “Đệ nhất Thượng đẳng thần”.
Đền Hòa Mã được xây dựng trong một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh của mỗi làng quê Việt Nam cổ truyền. Quần thể di tích này nằm trên gò Kim Quy khá lớn. Chùa ở chính giữa, đình ở bên hữu và đền ở bên tả.

Đến nay ngôi đền đã được qui hoạch tách biệt; tường quây bốn mặt, cổng xây gạch trên đề Hòa Mã từ (đền Hòa Mã).

Khu đền chính xây theo kiểu chữ Công gồm hai dãy nhà ngang và một ống muống. Đền lợp ngói ta, nóc đền có lưỡng long chầu nguyệt, rồng có thân gầy nhỏ, vẩy đao to, lộ vẻ dữ tợn, kiến trúc của rồng thời Nguyễn. Những mảng chạm sâu, hình hoa lá, tứ linh, tứ quí là những đề tài phổ biến của thời kỳ này. Trước sân đền là động Sơn Trang.



  Ban  Công Đồng
 Tượng Đức Thánh Trần đặt chính giữa ban Công Đồng.
  Hoành phi đặt phía trước đề Linh Thông Hiển Hóa, phía sau là Diệu Hóa Trang Vi ( theo TS.Chu Xuân Giao)





  Ban thờ Chầu bản Đền


  Ban thờ Chầu đệ Tam
  Pho tượng bà Chúa Thượng Ngàn ngồi chính giữa xung quanh tượng có 12 tiên cô, tay cầm những nhạc cụ cổ truyền. Và 6 pho tượng “Cậu” cưỡi ngựa, đi bộ tay cầm những đồ lễ phục vụ sinh hoạt của bà chúa Thượng Ngàn.
Mẫu Thượng Ngàn là người cai quản rừng, nên toàn bộ y phục của nhóm tượng này đều là mầu xanh trầm, một trong bốn gam mầu chính của đạo Lão.
Cạnh động Sơn Trung có 2 tháp gạch hình trụ thờ Trời Đất. Tháp xây 3 tầng, 8 mặt, tầng dưới cùng mở cửa tò vò chỉ bốn hướng nam - bắc - đông - tây. Trong đền, nơi sâu nhất và trang trọng nhất là Tam tòa Thánh Mẫu.

Trong khám kính lớn, chạm khắc tỉ mỉ là tượng Liễu Hạnh và 2 Tiên nữ theo hầu là Thị Nương và Quế Nương.
Đền Hòa Mã tồn tại khá nguyên vẹn, tất cả các di vật sắc phong đều được bảo quản chu đáo. Một chuông đúc năm Thiệu Trị thứ 5 (1844), trên thân chuông có 4 chữ: “Thiên Tiên điện chung” (chuông điện Thiên Tiên).

Sập thờ 1 chân quì chạm trổ tứ linh (long ly qui phượng), choé sứ, độc bình... Các sắc phong từ đời Cảnh Thịnh 1 (1793) tới Đồng Khánh 2 (1887), tới Khắc Định 9 (1924).

Quần thể di tích đình - đền chùa Hòa Mã thường mở hội vào ngày 15 tháng giêng và mồng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm.
Quần thể di tích đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1986.
Theo Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr252-253.
                                                      Bài sưu tầm từ:http://www.hanoi.ws/
                                                       Ảnh : The Bird

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét