Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

CÙNG HOÀI NIỆM VỀ DÒNG TRANH HÀNG TRỐNG



Trong không khí của những ngày giáp Tết, chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm mời quý vị về lại Hà Nội để tìm hiểu một loại hình nghệ thuật dân gian nay đang được báo động vì chỉ còn một nghệ nhân duy nhất theo đuổi nghề đó là dòng tranh Hàng Trống.

Trong các thể loại nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam, hai dòng tranh dân gian được các nhà văn hóa chú ý nhất là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống.
Người ta chú ý nhiều đến tranh Đông Hồ vì dòng tranh này phổ biến trong dân gian sâu rộng hơn tranh Hàng Trống. Nhiều năm về trước mỗi độ Tết đến, tranh Đông Hồ và Hàng Trống bày bán tràn ngập các chợ quê miền Bắc và Hà Nội cũng có không ít cửa hàng bán loại tranh này.

Trên đà suy tàn

Người làng Đông Hồ trong vài năm gần đây bỗng dưng quay mặt lại với tranh làng mình để sản xuất vàng mã. Giá trị kinh tế là lý do chính khiến tranh Đông Hồ tê liệt trước sự tấn công của vàng mã không những trong ba ngày Tết mà hình như thị trường đòi hỏi sản phẩm này suốt cả năm. Chưa có một cơ quan hay tổ chức nào chú ý đến tình trạng này hầu có phương cách gìn giữ và bảo tồn một dòng tranh đang trên đà mất tích.
Nhiều gia đình đập bỏ cả bản khắc gỗ mà chỉ vài chục năm trước cả dòng họ xem như gia sản.
Tranh Hàng Trống còn bi đát hơn, không những thị trường quay mặt với nó mà người làm tranh Hàng Trống cũng bỏ hẳn cái nghề mà cha ông họ theo đuổi hàng trăm năm về trước. Bỏ hẳn không tiếc nuối hay phân vân. Nhiều gia đình đập bỏ cả bản khắc gỗ mà chỉ vài chục năm trước cả dòng họ xem như gia sản.
Nhiều tài liệu còn lưu lại tới ngày nay cho thấy dòng tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước. Khác với tranh Đông Hồ, chuyên chú trọng đến những đề tài dân dã, tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng rõ rệt các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, của nhiều vùng miền, dân tộc khác nhau, kể cả Trung Hoa.
Tranh Hàng Trống kết tinh và giao thoa giữa Nho giáo và Phật giáo. Nét chủ đạo trong tranh Hàng Trống ghi lại các hình tượng được người dân nhiều thời đại tôn thờ trên các điêu khắc còn sót lại tới nay. Những nét phù điêu của đình, chùa cộng với sự việc sống động trong sinh hoạt văn hóa kéo dài từ nhiều thế kỷ trong dân gian đã hình thành những phác thảo trong tranh Hàng Trống.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là thời hoàng kim của tranh Hàng Trống. Những tài liệu còn sót lại từ các nghiên cứu của nhà văn hóa học người Pháp Durand ghi nhận hàng trăm bản điêu khắc gỗ còn sót lại trong thời gian này cho thấy sự phát triển của nó đã lên tới đỉnh cao của nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, đáng tiếc là tới giữa thế kỷ 20 dòng tranh này bắt đầu suy tàn. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc nhiều làng nghề sản xuất tranh Hàng Trống đã bỏ nghề quay sang làm các nghề khác. Lý do nào mà hàng loạt nghệ nhân cũng như các chuyên viên kinh nghiệm phải từ bỏ con đường này là một câu hỏi không khó giải đáp.
Ngoài thu nhập là lý do chính, nếu tìm hiểu sâu xa hơn chúng ta sẽ thấy tranh Hàng Trống còn có những trở ngại không thể vượt qua đó là chủ đề tranh đã trở nên lạc hậu so với dòng chảy của xã hội hiện đại.

Đề tài nội dung

Ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng của nghề tranh Hàng Trống, nổi tiếng vì còn giữ được hơn 50 bản khắc gỗ của gia đình cùng với một gia tài đồ sộ hàng trăm bức tranh Thờ Hàng Trống. Ông được bảo tàng Việt Nam mời phục chế và bảo quản dòng tranh này. Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi ông cho biết đôi nét về lịch sử làm tranh Hàng Trống trong gia đình ông:
“Ông cụ tôi cũng theo nghề do tổ nghiệp để lại. Riêng gia đình tôi thì lại nắm bắt đề tài, nội dung, số lượng của mẫu tranh Hàng Trống thì nhiều hơn mọi gia đình nhà khác. Trong hoạt động nghề nghiệp thì khi nào còn người chơi tranh thì tôi còn làm thôi. Bản thân tôi vẫn còn lưu trữ một số các bản khắc gỗ, rất nhiều những tài liệu. Rất nhiều phác thảo tôi còn lưu trữ được.”
Tranh Hàng trống thực hiện trên hai chủ đề chính là tranh Tết và tranh Thờ.
Tranh Hàng trống thực hiện trên hai chủ đề chính là tranh Tết và tranh Thờ. Tranh Tết chú trọng đến những phong tục tập quán của người Việt trên các hình ảnh mà dân gian ưa chuộng đó là sự phát đạt trong gia đình, hình ảnh tươi vui qua các loại hoa ngày Tết lồng vào màu sắc lộng lẫy, tươi tắn khiến mùa Xuân được diễn tả trọn vẹn trong toàn xã hội.
Tuy thế tranh Hàng Trống trong cộng đồng hôm nay thiếu cái góc thật của con người hiện đại. Người ta không thể thưởng thức điều gì không dính líu tới con người thật và hoàn cảnh sống của họ. Những hình ảnh trong tranh Hàng Trống ghi lại một mảng quá khứ của miền Bắc nhưng thiếu tinh thần lễ hội của cộng đồng hay những nụ cười ý nhị như tranh Đông Hồ.
Tranh Hàng Trống miêu tả con người cá nhân hơn là sinh hoạt thường nhật của một nhóm thị dân hay nông dân đặc trưng nào đó. Những thiếu sót này trong quá khứ được người thưởng thức tranh đồng thuận xem như là một xu hướng có thể chấp nhận, nhưng từ cuối thế kỷ 20 trở về sau, con người có khuynh hương hòa mình với cộng đồng mình sống hơn lúc trước và khuynh hướng này ảnh hưởng trực tiếp tới tư duy thẩm mỹ của người xem tranh là một điều tất yếu.

Tranh Thờ Hàng Trống

Nói tới tranh Hàng Trống những người biết rõ nó đều đồng ý rằng các loại tranh Thờ đa dạng hơn tranh Tết nhiều lần. Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc mà người dân thờ kính, tranh Hàng Trống còn miêu tả các hình tượng khác mà một tầng lớp dân gian xem như biểu tượng của sức mạnh thần thánh, có thể che chở cho gia đình họ trước những sức mạnh tà thần, đó là tranh Ngũ Hổ.
Ông Lê Đình Nghiên nói về tranh Thờ Hàng Trống mà gia đình ông đã làm như sau:
“Cái mảng tranh Thờ rất phong phú và nhiều, ngoài việc phục vụ thờ Đạo Mẫu ra, các loại tranh Phật giáo cũng phục vụ các đồng bào ở các tỉnh biên giới phía Bắc có nhiều tranh Thờ rất hoành tráng, hiện nay tôi vẫn làm phục vụ những việc đấy.”
Năm con cọp trong chủ đề tranh Thờ được miêu tả như những biểu tượng của sức mạnh ẩn chứa nhiều chi tiết mạnh mẽ của thần linh. Năm màu chính xanh, đỏ, trắng, vàng, đen trên năm con hổ tượng trưng cho cho năm yếu tố chính vận hành trời đất là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Ngũ Hổ được sắp ngồi theo năm vị trí. Hoàng Hổ ngồi chính giữa và bốn con còn lại tượng trưng cho bốn hướng, ẩn chứa tính cách bảo vệ chủ nhân trước các thế lực tà giáo. Tranh Ngũ Hổ đã đi vào từng gia đình như một vật thờ mà không ai nghĩ rằng mua nó về để trang trí nhà của họ cả.
Còn về tranh Thờ thì mang tính huyền bí và uy linh.
Ông Lê Đình Nghiên
Từ tư tưởng này, qua nhiều giai đoạn thời gian, thể loại tranh Thờ của dòng tranh Hàng Trống ngày càng mất đi vẻ linh thiêng mà nó vốn có, bởi lòng tin của người mua không còn nữa. Người thưởng thức tranh giờ đây chú trọng vào màu sắc, nét vẽ và kỹ thuật sản xuất của loại tranh này thay cho mua nó như một vật linh yểm trong nhà cầu sự may mắn.
Các vị thần trong dòng tranh Hàng Trống là những yếu tố quan trọng mà thể loại tranh này đem tới cho công chúng. Hình tượng của tranh Phật, Tam Tòa Thánh mẫu, Tứ Phủ, Bà Chúa Thượng Ngàn, Mẫu Thoại, Ngũ Hổ, Ông Hoàng Cưỡi Cá, Cỡi Ngựa, Cỡi Rắn. Rồi Bà Chúa Ba, Đức Thánh Trần...cũng như hàng trăm hình ảnh khác của Cô Ba, Phật Bà Quan Âm, Tam Phú, Tứ Phú, Bạch Hổ, Xích Hổ.. đã làm cho tranh thờ Hàng Trống phong phú vô cùng. Tuy nhiên như đã trình bày, sự đa dạng này không lôi kéo được người thưởng ngoạn tranh ngày nay bởi yếu tố thần thánh ngày càng phai nhạt trong tâm linh của xã hội hiện đại( võ đoán quá tác giả ơi)

Tranh Tết Hàng Trống

Về tranh Tết, nét độc đáo của tranh Hàng Trống biểu cảm qua các loại phẩm màu mà người xưa bao lần chọn lọc để vẽ lên cái không khí trầm lắng mà sinh động của ba ngày Tết. Ông Lê Đình Nghiên nói rõ hơn về màu sắc trong chủ đề tranh Tết của tranh Hàng Trống như sau:
“Tất cả màu sắc đều mang tính chúc tụng nhất là các tranh treo trong ngày Tết thì mang tính chúc tụng rất rõ tức là các màu rất rực rỡ, nó thay cho một lời chúc cho những người chơi tranh có ước nguyện trong năm mới. Còn về tranh Thờ thì mang tính huyền bí và uy linh.”
Tuy nhiên trong hoàn cảnh ngày nay, đối với tranh Tết như các bức Chúc Phúc, Tứ Quí ...thật khó thuyết phục người mua vì cũng giống như tranh Thờ, những ý nghĩa thật sự của tranh cho thấy sự lập lại đến nhàm chán một chủ đề mà không ít người dân ngày nay không bị thuyết phục như trước, do đó tranh Tết Hàng Trống khó cạnh tranh với tranh Đông Hồ mặc dù dòng tranh này có kích cỡ nhỏ hơn tranh Hàng Trống nhiều lần.
Để thế vào những thiếu sót đó, chủ đề về Tứ Quý Hoa Quả, Tranh Thiếu Nữ, hay xa hơn là lấy từ các điển tích của Trung Hoa như Vợ Chồng Ngâu Ngưu Lang Chức Nữ, Ngư Tiều Canh Độc, Lý Ngư Vọng Nguyệt, Lưỡng Nghi Sinh Tứ Tượng….cách nào đó tuy làm cho dòng tranh dân gian đa dạng hơn nhưng vẫn chưa đủ để thuyết phục người mua tranh hôm nay.
Tất cả màu sắc đều mang tính chúc tụng nhất là các tranh treo trong ngày Tết thì mang tính chúc tụng rất rõ tức là các màu rất rực rỡ, nó thay cho một lời chúc cho những người chơi tranh có ước nguyện trong năm mới.
Ông Lê Đình Nghiên
Những đề tài về đời sống dân dã như Giảng Học Đồ, Chợ Quê, Bịt Mắt Bắt Dê, Công Việc Nhà Nông, Múa Sư Tử…góp một phần nào vào hình ảnh của tranh Hàng Trống nhưng chưa đủ để cạnh tranh với dòng tranh Đông Hồ với các danh tác như Đánh Ghen, Đám Cưới Chuột, Hái Dừa…
Tuy nhiên, tranh Hàng Trống đặc sắc hơn dòng tranh Đông Hồ qua cách khắc vẽ tỉ mỉ trên bảng gỗ nên các tác phẩm "Hổ", "Tố Nữ", "Lý Ngư Vọng Nguyệt" hay "Thất Đồng" vượt xa kỹ thuật của tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó kỹ thuật tô màu của Hàng Trống cũng công phu và sáng tạo hơn tranh Đông Hồ.

Kỹ thuật và cách tô màu

Ông Lê Đình Nghiên cho biết quá trình chọn gỗ để khắc có khác với dòng tranh Đông Hồ. ông nói:
“Các cụ hay chọn loại gỗ cây thị sau này thì họ khai thác thêm gỗ lồng mực nữa. Các chất liệu này giúp các nét khắc tinh vi hơn và chất liệu nó cũng bền.”
Người thợ tô màu trên tranh Hàng Trống cần kỹ thuật nhấn màu chung quanh đường viền làm cho tranh có thêm chiều thứ ba. Cũng một tone màu nhưng đường viền mỗi khu vực được tô từ đậm sang nhạt dần khiến chủ đề nổi bật trên nền giấy như không gian ba chiều của hội họa.
Các cụ hay chọn loại gỗ cây thị sau này thì họ khai thác thêm gỗ lồng mực nữa. Các chất liệu này giúp các nét khắc tinh vi hơn và chất liệu nó cũng bền.
Ông Lê Đình Nghiên
Cách tô màu này cũng tạo các hình khối khiến tranh nổi bật trên giấy hơn tranh Đông Hồ. Tuy nhiên do tranh Đông Hồ dùng giấy Điệp để in khiến nó nổi bật hơn hẳn tranh Hàng Trống chỉ sử dụng giấy Dó làm nền, mặc dù nghệ nhân Hàng Trống đã cố công bồi giấy công phu hơn nghệ nhân Đông Hồ.
Ông Lê Đình Nghiên có lẽ là người duy nhất hiện nay còn đeo đuổi loại hình nghệ thuật dân gian này. Khi cho chúng tôi biết những kỹ thuật mà tranh Hàng Trống sử dụng khi sản xuất tranh, ông cho rằng người nghệ nhân nắm vững kỹ thuật là người đặt hết tâm hồn mình khi sáng tác. Ông Nghiên nhấn mạnh vào sự cần cù nhẫn nại không thể thiếu trong khi chế tác, vì suy cho cùng thì tranh Hàng Trống dù sao cũng đã có lịch sử hàng trăm năm vui buồn theo vận nước.

Trước khi quá muộn

Thời gian gần đây, nhiều loại tranh từ Thái Lan đưa sang được copy lại rồi bán hàng loạt cho người dân vùng thôn dã Việt Nam. Người xem trọng văn hóa nước nhà không thể không lắc đầu khi đề tài của dạng tranh in này quanh đi quẩn lại chỉ là những con chó bẹc giê đánh bi da hay đánh bài, trên miệng thì phì phèo những thanh sì gà kệch cỡm. Tranh phong cảnh của Thái Lan cũng cứ quanh quẩn cảnh thác đổ, mây bay một cách thô thiển nhưng vẫn được mua về treo nghiêm chỉnh giữa nhà khiến cho người nào đã từng qua xứ Thái cứ tưởng mình rằng đang có mặt tại Pattaya!
Trong khi đó tranh Đông Hồ và Hàng Trống dù có chuẩn bị công phu đến mấy vẫn bị người mua tránh mặt. Có thể giờ đây loại tranh này không còn thích hợp với cách sống đua chen của lớp trẻ nhưng đối với người già thì lúc nào cái tinh túy dân tộc lại không nằm trong dòng máu của họ? Thế mà lạ lùng thay, tranh Hàng Trống cứ bâng khuâng trong buổi chợ chiều còn tranh Đông Hồ thì cật lực vật lộn với vàng mã âm ti. Ông Lê Đình Nghiên chia sẻ suy nghĩ của ông về tranh Hàng Trống như sau:
Bản thân tôi bây giờ đang cố gắng rèn giũa và đào tạo cho cậu con trai tôi hiện nay để nó tiếp tục việc này.
Ông Lê Đình Nghiên
"Bản thân tôi là người làm tranh tôi chỉ suy nghĩ thế này: Trong thời buổi rất hiện đại, cho tới ngày hôm nay tôi thấy dòng tranh này còn tồn tại thì là điều đáng mừng. Nhưng rất nhiều nhà làm tranh lại bỏ nghề, tại sao vậy? Có thể lúc đó vị trí điều kiện người ta sinh sống có nhiều việc khác kiếm tiền dễ hơn thì họ sẵn sàng họ bỏ.
Ngược lại thì rất kén người làm tranh, phải tâm đắc với nó, phải say sưa. Bản thân tôi bây giờ đang cố gắng rèn giũa và đào tạo cho cậu con trai tôi hiện nay để nó tiếp tục việc này.”

Những chia sẻ chân tình của nghệ nhân Lê Đình Nghiên có thể xem là tiếng than kêu gọi những nhà làm văn hóa hãy nhanh chóng tìm giải pháp để cứu dòng tranh này trước khi quá muộn…

Nguồn: RFA
Sưu tầm từ:http://nguyenxuandien.blogspot.com/2011/01/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét