Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

CHẦU VĂN - PHẦN II




  Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình - Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Đó chính là một phần quan trọng biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng.
   Ngoài ra hát Chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như Ca trù, Quan họ, Hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau. Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn cùng các con nhang đệ tử như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu.



  Giá  Chầu Lục
  Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn Nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ.
  Tựu trung, Hát văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn.
  • Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, được dùng để hát trước khi chính thức vào một bản văn thờ hoặc văn thi. Có 2 cách hát: Bỉ 4 câu và Bỉ 8 câu. Bỉ được lấy theo dây lệch, nhịp theo lối dồn phách.
   • Miễu là lối hát rất nghiêm trang, đĩnh đạc, chỉ được dùng trong hát thi và hát thờ, tuyệt nhiên không bao giờ được dùng trong hát hầu. Miễu được lấy theo dây lệch, nhịp đôi.
   • Thổng chỉ giành riêng cho văn thờ và văn thi, được lấy theo dây bằng, nhịp ba.
  • Phú Bình dành riêng cho hát văn thờ, rất đĩnh đạc, và dùng để hát ca ngợi các nam thần. Phú Bình được lấy theo dây lệch, nhịp 3.
   • Phú Chênh là lối hát buồn, thường dùng để hát trong những cảnh chia ly. Được lấy theo dây bằng, nhịp 3.
  • Phú nói thường dùng để mô tả cảnh hai người gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Dùng trong hát văn thờ, văn thi và cả trong hát hầu. Lấy theo dây bằng, nhịp ba hoặc không có nhịp mà chỉ dồn phách.
  • Phú rầu là lối hát rất buồn, được lấy theo dây bằng nhưng hát theo nhịp đôi.
  • Đưa thơ được lấy theo dây bằng, nhịp 3 và dồn phách, nhưng chủ yếu là dồn phách.
  • Vãn lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất lục bát, hát theo lối vay trả - hát vay của câu trước rồi trả lại trong câu sau.
  • Dọc lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất - lục bát và hát theo nguyên tắc vay trả. Nếu hát từng câu thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câu song thất - lục bát thì gọi là "Dọc gối hạc" hay "Dọc nhị cú".
   • Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết là hát kiểu dây lệch cho phép biến hóa giai điệu.
  • Hãm lấy theo dây bằng, nhịp đôi, đây là lối hát rất khó vì phải hát liền song thất lục bát. Trong lối hát này có một tuyệt chiêu là Hạ Tứ Tự, có nghĩa là mượn bốn chữ của câu sau, khi sang một câu mới thì lại trả lại bốn chữ ấy.
  • Dồn được lấy theo dây bằng, nhịp 3. Trước hết, cần phải thấy rằng với hệ thống kỹ thuật biểu hiện phức tạp, nghệ thuật Hát văn đã đạt tới tầm cao của một thể loại chuyên nghiệp trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Nó chỉ có thể tồn tại và bảo lưu bởi phương thức truyền nghề tự giác với mối quan hệ mang tính chuyên nghiệp giữa thầy và trò. Kèm theo đó là một hệ thống "trường lớp" dân gian - những lò đào tạo in đậm tính gia truyền.Sự điêu luyện mang tính nhà nghề của một cung văn mẫu mực có vai trò đặc biệt quan trọng trong nghệ thuật hát văn.



   Giá Hoàng  Bẩy
  Trong lịch sử Hát văn, có thể dễ dàng tìm thấy ở những trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ những phả hệ nghệ nhân hát văn khá đồ sộ. Với sức hấp dẫn và lan tỏa khá mạnh, những lò đào tạo cung văn đó dần hình thành cả một tầng lớp nghệ nhân nhà nghề. Ngày nay, một số ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp trong các trường nghệ thuật dân tộc đã tiếp nối thực hành sự nghiệp hát văn của các bậc nghệ nhân xưa. Trên nẻo đường hành nghiệp, các nghệ nhân hát văn đã tạo ra một mối quan hệ giao lưu khăng khít và gắn bó mang tính chuyên nghiệp trên khắp các vùng miền của tín ngưỡng Tứ phủ. Từ bao đời nay, Hát văn vốn luôn được biết đến như một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc. Trải theo thời gian, dù đã được đưa lên sân khấu biểu diễn với nội dung lời ca mới nhưng nghệ thuật Hát văn vẫn tồn tại nguyên vẹn chức năng thực hành xã hội khởi thủy của nó.
   Có nhiều giả thiết về sự ra đời của hát văn. có ý kiến cho rằng hát văn bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử, thủ nhang đồng đền và đặc biệt là các thầy cúng chuyên khấn những bài khấn tứ phủ. Để cho dễ nhớ họ đã khấn bằng những bài văn lục bát và sau này thành những lời ca trong điệu chầu văn. Có giả thiết cho rằng hát văn ra đời từ việc thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Gắn liền với tín ngưỡng Tứ phủ, Hát văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa một thể loại âm nhạc và một hình thức tín ngưỡng. Nghệ thuật âm nhạc dường như là một thứ phương tiện không thể thiếu khi con người muốn giao tiếp với thánh thần. Muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu thì tìm hiểu về Hát văn là điều hết sức cần thiết. Ngược lại, khi tìm hiểu Hát văn chúng ta cũng nên tìm hiểu về thần tích, thần phả các vị thánh. Nghe những bản văn, ta rất dễ nhận biết sự tích của các vị thánh cũng như những phong cảnh nơi các ngài giá ngự và hiển thánh. Vì thế không thể không có hát văn trong nghi lễ hầu thánh. Nghe hát văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh; cảm nhận được rằng khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát văn.



   Giá Cô Bé
   Hiện thực sống động đó khiến cho âm nhạc Hát văn nhiều khi mang dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn hơn là âm nhạc của tín ngưỡng. Sức quyến rũ của Hát văn chính là một lực hấp dẫn đặc biệt quan trọng, thu hút công chúng đến với tín ngưỡng Tứ phủ. Sức hấp dẫn, quyến rũ của nó đã được minh chứng trong nhiều giai thoại lịch sử. Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu chung của con người khi tìm đến với cõi tâm linh thì sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, thụ cảm nghệ thuật âm nhạc được đẩy vọt lên tầm cao nhất khi thưởng thức hát văn trong khung cảnh hầu bóng. Nói cách khác, nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lý, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo để xoa dịu nỗi đau của con người thì tín ngưỡng Tứ phủ lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc hát văn làm công cụ đắc lực. Điều này lý giải tại sao âm nhạc Hát Văn lại đạt tới tầm cao về sự phát triển, tính thẩm mỹ của một thể loại nghệ thuật biểu diễn. Và, cũng thật dễ hiểu khi chúng ta tìm thấy trong Hát văn những thành tố âm nhạc tương đồng với các thể loại âm nhạc biểu diễn khác như Chèo, Tuồng, Ca trù, Quan họ, Hát Xẩm... Từ đó, có thể hiểu được tại sao Hát văn lại dễ dàng được chấp nhận khi nghệ thuật âm nhạc này được sân khấu hóa trong nửa cuối thế kỷ XX. Việc sưu tầm và nghiên cứu các thể loại âm nhạc cổ truyền của người Việt là một đóng góp khoa học quan trọng vào công việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung
   Còn nhiều vấn đề về mặt âm nhạc của loại hình Hát văn chưa được chú ý tới. Đặc biệt, hệ thống bài bản và nguyên tắc kỹ thuật nhạc hát, nhạc đàn kèm theo khối lượng tư liệu ghi chép (sánh ký âm, thiết bị lưu trữ tiếng, hình) của Hát văn vẫn chưa được khai thác triệt để. Sau một thời gian dài bị kiểm tỏa vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay, môi trường diễn xướng của loại hình này đã được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, theo thời gian, các bậc nghệ nhân (cung văn) mẫu mực còn lại rất ít. Phần lớn trong số họ đã qua thế giới bên kia mà chưa kịp truyền lại hết những vốn liếng vô giá cho thế hệ tiếp nối. Phần vì thiếu lòng tin bởi sự ám ảnh của quá khứ, phần vì muốn “dấu nghề” do áp lực của cơ chế thị trường, nên phần lớn các cung văn lớp kế cận đang hành nghề hiện nay đều chỉ nắm giữ được một phần những giá trị của truyền thống. Thậm chí, “hát sai, đàn dở” cũng vẫn hành nghề được bởi mặt bằng tri thức của người nghe về loại âm nhạc này là rất thấp. Sự thẩm định với những chuẩn mực nhà nghề dường như chỉ có ở một số nghệ nhân lão thành cuối cùng. Điều đó cũng có nghĩa là hiện nay, có rất ít người "biết nghe" Hát văn thực thụ. Thay cho lời kết, xin được bộc bạch rằng, sẽ không nói quá nếu Hát văn được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Hy vọng rằng, đây cũng là tâm nguyện của nhiều người là “con công, đệ tử của nghệ thuật HÁT CHẦU VĂN”.

 Sưu tầm từ: http://www.vanhoaphuongdong.com/forum/showthread.php?t=5007&page=4

 Ảnh: Quốc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét