Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG

LÊ VĂN QUÁN
Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
1. HÌNH THÀNH ÂM DƯƠNG
Mọi quan niệm, nguyên lý tư tưởng ở thời nào cũng không thể thoát ly điều kiện lịch sử cụ thể, không thể thoát ly cơ sở hiện thực của thời ấy. Tôn trọng tính lịch sử tư tưởng tức là thực sự cầu thị bình giá sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và tư tưởng. Học thuyết “một âm”, “một dương” thấy ở Dịch truyện, Hệ từ mà không thấy ở Dịch kinh. Ngay hai từ âm dương đối lập cũng không tìm thấy trong các lời hào, lời quẻ của Dịch kinh. Theo Trương Lập Văn, chỉ thấy chữ “âm” có nghĩa là bóng mát ở lời hào thứ 2, quẻ Trung Phu: Minh hạc tại âm. (Chim hạc kêu trong bóng râm)(1).
Như vậy, không thể khẳng định Dịch kinh đã có hai phạm trù cơ bản về ân dương càng không thể nói cái gọi là “một âm, một dương” là quan niệm cơ bản của cả sách Chu dịch. Nếu thừa nhận đó là quan điểm của sách Chu dịch thì từ nhiên Dịch kinh cũng có quan điểm đó.
Trong Dịch kinh, phù hiệu gạch ngan liền” “—“, gạch ngang đứt “- -“, về sau đều gọi là hào dương, hào âm, nhưng ý nghĩa lúc ban đầu của nó không đại biểu âm dương. Ông Quách Mạt Nhược nói: “Cội rễ của bát quái chúng ta có thể thấy rất rõ ràng, là dấu vết thời xưa sùng bái sinh thực khí, vẽ một nét là giống dương vật, chi làm đôi là giống âm hộ”(2). Luận đoán này tương đối phù hợp với ý nghĩa nguyên thủy, gạch ngang liền “ –“, gạch ngang đứt “- -“ tương ứng với sự phát triển xã hội và trình độ phát triển tư duy. Gần đây, ở một số di chỉ ở Độ Gia Lương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc người ta đã đào được cả “thạch tổ” (vật thờ tổ tiên bằng đá) phản ánh sùng bái nam tính, tức là nam tính sinh thực khí. Theo sự phát triển của xã hội, trình độ tư duy trừu tượng của con người cũng được nâng cao, từ sùng bái sinh thực khí mà suy diễn ra quan niệm trai gái, âm dương, cương nhu, trời đất v.v..(3).
Theo sách Quốc ngữ, Chu ngữ thượng khoảng cuối thời Tây Chu (năm 780, trước công nguyên, Chu Vương năm thứ 2), khái niệm âm dương đã xuất hiện.
Trong Tả truyện, Hy Công thập lục niên (đời vua Hy Công năm thứ 16), Thúc Hưng cho rằng hiện tượng đá rơi núi lở là do âm dương không hòa hợp.
Y Hòa dùng âm dương để giải thích bệnh tật. Ông nói: “Thiên hữu lục khí,… lục khí viết: âm, dương, phong, vũ, hối minh dã… âm dâm hàn tật, dương dâm nhiệt tật…” (Tả truyện, Chiêu Công nguyên niên) – (Trời có sáu khí)… sáu khí là: âm, dương, gió, mưa, tối, sáng… Quá âm thì bệnh hàn, quá dương thì bệnh nhiệt..)
Tân Thận dựa vào âm dương để giải thích nguyên nhân nhật thực và cảnh trời biến đổi. (xem Tả truyện, Chiêu Công nhị thập tứ niên). Ông còn dùng âm dương để giải thích hiện tượng tự nhiên:
Xuân vô băng… âm bất kham dương, xà thừa long; long, Tống Trịnh chi tinh dã, Tống Trịnh Tất cơ”.
(Tả truyện, Tương Công nhị thập bát niên).
Mùa xuân không có băng… âm không chịu nổi dương, rắn cưỡi rồng, rồng là sao nước Tống Trịnh, Tống Trịnh ắt đói).
Sách Tả truyện đã dựa vào âm dương để giải thích hiện tượng đá rơi núi lở, nhật thực, băng sương, bệnh tật v.v… mà không qui vào mệnh trời. Nhưng khi họ dùng đạo lý âm dương tương sinh tương khắc để giải thích tự nhiên, hiện tượng xã hội thì lại thần bí hóa âm dương.
Về thời kỳ xuất hiện sách Tả truyện, các học giả Trung Quốc đều cho rằng, nó ra đời khoảng cuối những năm thời Xuân Thu, đầu Chiến Quốc(4). Nó ra đời sau Dịch kinh. Như vậy, ta có thể thấy khái niệm âm dương xuất hiện sau Dịch Kinh.
Trong Dịch truyện (truyện Kinh dịch) cũng có ghi chép về âm dương:
“Tiềm long vận dụng”, “dương tại hạ dã” (Kiền, sơ cửu, tượng từ).
(Rồng còn ẩn náu, chớ dùng, là dương ở phía dưới).
“Tiềm long vật dụng, dương khí tiềm tàng” (Kiền, Văn ngôn).
(Rồng còn ẩn náu, chớ dùng, khí dương tiềm tàng).
“Lý sương kiên băng, âm thủy ngưng dã, tuần chí kỳ đạo, chí kiên băng dã” (Khôn, sơ lục, tượng từ).
(Đạp lên sương băng dày, là âm mới ngưng đọng, đạo dần dần đến, sẽ đến băng dày).
“Nhất âm nhất dương chi vị đạo. Kế chi giả thiện dã, thành chi giả tính dã,… sinh sinh chi vị dịch, thành tượng chi vị kiền, hiệu pháp chi vị khôn, cực số tri lai chi vị chiêm, thông biến chi vị sử, âm dương bất trắc chi vị thần.” (Hệ từ thượng, đệ ngũ chương).
Một âm một dương gọi là đạo (một âm một dương mâu thuẫn đối lập, chuyển hóa lẫn nhau, gọi là qui luật) (âm dương giao nhau) cái đến kế tiếp cái đi, cái đến là cái thiện (cái sau kế tiếp cái trước, cái sau là cái thiện) âm trở thành âm, dương trở thành dương, là tính cơ bản… sinh sinh hóa hóa gọi là dịch, tạo nên hình tượng (tờ mờ) gọi là Kiền (trời), kế thừa công việc của trời gọi là Khôn (đất), xem hết các số (hào quẻ) mà biết được sự vật mới hành động, gọi là (hiểu) việc. Trong âm có dương, trong dương có âm (sự biến hóa âm dương) không lường được gọi là thần.
“Dương quái đa âm, âm quái đa dương, kỳ cố hà dã? Dương quái cơ, âm quái ngẫu. Kỳ đức hạnh hà dã? Dương nhất quân nhi nhị dân, quân tử chi đạo dã; âm nhị quân nhi nhất dân, tiểu nhân chi đạo dã” (Hệ từ hạ, đệ tứ chương).
- Trong quẻ dương có nhiều âm, trong quẻ âm có dương, tại sao như vậy? Bởi vì quẻ dương lẻ, quẻ âm chẵn. Đức hạnh của các quẻ dương và âm ra sao? Ở quẻ dương có một vua và hai dân là đạo quân tử; Ở quẻ âm có hai vua và một dân, là đạo tiểu nhân.
Tử viết: “Kiền khôn, kỳ dịch chi môn da? Kiền dương vật dã, khôn âm vật dã. Âm dương hợp đức nhi cương nhu hữu thể, dĩ thể thiên địa chi soạn, dĩ thông thần minh chi đức”. (Hệ từ hạ, đệ lục chương) (Khổng Tử nói: “Kiền Khôn là của dịch chăng? Kiền là đại biểu những vật thuộc dương, Khôn là đại biểu những vật thuộc âm. Đức âm dương hợp với nhau và hào cương, hào nhu mới có thực thể, từ đó mà suy lường được công việc của trời đất và thông cảm được đức của thần minh).
Ở Dịch truyện có cả thảy 12 trường hợp bàn về âm dương, dùng âm dương để giải thích hiện tượng tự nhiên, quan hệ trên dưới, trong ngoài, vua và dân, vua và bầy tôi, quân tử và tiểu nhân, lẻ chẵn, một hai v.v… trong lĩnh vực xã hội.
2. TÍINH CHẤT ÂM DƯƠNG
Âm dương là một cặp phạm trù triết học. Tất cả các sự vật ở thế gian không thuộc âm thì thuộc dương, và trong bất cứ sự vật nào cũng có âm dương.
Từ phương diện to lớn, như trời thuộc dương, đất thuộc âm. Ở trên trời, mặt trời là dương, mặt trăng là âm. Trong mặt trời có chấm đen là trong dương có âm.
Trong năm hành tinh lớn, huỳnh hoặc là sao hỏa thuộc dương; thần tinh là sao thủy thuộc âm… Ở trên mặt đất, hỏa là dương, thủy là âm.
XÉT VỀ SINH VẬT, những động vật chạy, động thuộc dương; thực vật rễ mọc vào đất là âm. Cũng là động vật sống ở nước, nhưng loài cá bơi động là dương trong âm; loài có vỏ (trai, ốc) không bơi là âm trong âm. Cũng là động vật sinh ở trên đất, loài chim bay trên trời là dương trong dương; loài thú chạy trên mặt đất là âm trong dương. Động vật ở trên mặt đất, loài làm tổ trên đất là dương, loài đào lỗ dưới đất là âm. Giun, rắn, xuyên sơn giáp v.v.. đều thuộc vào âm; bò, ngựa, hổ, báo v.v… đều thuộc vào dương. Động vật chạy trên đất, còn phân biệt động vật ăn thịt, động vật ăn cỏ, trong thực tế cũng có thể phân âm dương.
Cùng một cây, bộ phần cành lá ở trên mặt đất là dương, phần rễ mọc ở dưới đất là âm. Phân chia theo ngoài, trong; phần vỏ cây là dương, phần gỗ là âm.
Nói về lá cây, mặt lá hướng lên mặt trời, mặt chính là dương; mặt phía dưới là âm. Cây sinh trưởng ở trên núi là dương, sinh trưởng ở hang núi, ở ven bờ, nước (sông, biển) là âm. Cây sinh trưởng ở trên núi, hướng nam là dương, hướng bắc là âm. Ở bờ sông, bờ nam là âm, bờ bắc là dương. Cây thích khô và thích ẩm thấp cũng có phân biệt âm dương. Tất cả sinh vật: con đực là dương, con cái là âm.
ÂM DƯƠNG VÀ THÂN THỂ CON NGƯỜI. Tác dụng của âm dương với thân thể con người, xuất phát từ phân biệt tính chất, nam là dương, nữ là âm. Xuất phát từ phân biệt trên thân thể: nửa thân trên là dương, nửa thân dưới là âm; bên ngoài là dương, nội tạng là âm; lưng là dương, bụng là âm; xương thịt cố định là âm, khí huyết lưu động là dương. Phần xương thịt đối ứng: xương là âm, thịt là dương. Khí huyết đối ứng: huyết là âm, khí là dương. Khí là thầy của huyết, thúc đẩy huyết dịch lưu hành. Da thịt đối ứng: da là dương, thịt là âm. Da lông đối ứng: da là âm, lông là dương. Da không tồn tại là thì lông cũng không mọc được.
Nói về da thịt, nội tại đều phân âm dương. Đông y phân chia nội tạng làm ngũ tạng là lục phủ. Ngũ tạng tàng chứa, ẩn giấu, chỉ các kho ẩn dấu vật phẩm thuộc âm. Phủ chỉ là công năng xoay chuyển ra vào. Do đó, lục phủ thuộc dương, trong thân thể con người có tác dụng chuyển xoay. Cùng trong một khí quan tạng, do công năng khác nhau cũng có sự phân biệt âm dương, tiến mạnh là dương, suy yếu là âm. Lại như tạng thận cũng có phân biệt thận dương, thận âm. Thận hư có dương hư, âm hư khác nhau. Ở đông dược (thuốc bắc) bổ thanạ cũng có phân hai loại lớn: bổ thận âm và bổ thận dương. Ở đông dược, bổ thận dương có: lộc nhung, hải cẩu, ba kích thiên, dương khởi thạch. Đông dược bổ thận âm có: thạch giải, nữ trinh tử, qui bản v.v…
Đông y cho rằng, một bộ phận cơ thể con người liên hệ với nhau, kinh lạc chính là đường thông suốt mối liên hệ này. Kinh là đường liên hệ chính đi dọc cơ thể, lạc là màng lưới phân nhánh nhỏ, phân bố ở toàn thân. Đó gọi là học thuyết kinh lạc. Kinh mạch, đường liên hệ chính cũng phân âm dương, như: thủ thái âm phế kinh, thủ dương minh đại trường kinh, túc dương minh vị kinh, túc thái âm tì kinh, thủ thiếu âm tâm kinh, thủ thái âm tiểu trường kinh, túc thái âm bàng quang kinh, túc thiếu âm thận kinh.
Âm dương còn xuyên suốt vào các mặt y học. Về mặt sinh lý, mạnh là dương, yếu là âm. Về mặt tâm lý, hưng phấn là dương, trầm lặng là âm. Về mặt bệnh trạng, phát nóng, tiến mạnh là dương; phát rét, chìm lặng là âm. Về mặt động tác, hiếu động, cấp tính, thắng nhanh đều thuộc dương; chậm trễ, thích tĩnh, mãn tính… đều thuộc âm.
Về mặt dùng thuốc cũng có phép tắc của âm dương, đông dược cũng phân chia âm dương, có thuốc nhuần âm, có thuốc tráng dương.
Truyền thống triết học Trung Quốc qui muôn sự vật ở trên trời dưới đất vào hai thuộc tính âm dương khác nhau. Đông y giải thích các bộ vị thân thể ở con người, công năng sinh lý, bệnh lý, tâm lý, tính dược, cách trị bệnh và hết thảy các vấn đề bằng học thuyết âm dương.
3. TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG
Chu dịch thể hiện sự biến hóa của quẻ tượng hào đều thông qua tượng quẻ bằng hào âm và hào dương biến đổi. Vì hào dương và hào âm bao hàm sự cương nhu, phúc họa, tốt xấu, cao thấp… ở từng ngôi vị của các quẻ. Nó dùng hai ký hiệu âm “- -“ và dương “—“để thể hiện sự đối lập, thống nhất, tiêu giảm, tăng trưởng và chuyển hóa. Sách Trang Tử, thiên Thiên hà nói: “Dịch lấy âm dương là đạo”. Có nghĩa thuyết âm dương là hạt nhân tư tưởng của Chu dịch. Trong Dịch kinh chưa có khái niệm âm dương, không có mệnh đề gọi là đạo “nhất âm, nhất dương” (một âm một dương), cũng chưa có khái niệm trừu tượng về “đạo”. Chữ “đạo” thấy bốn lần và có nghĩa là “con đường”. Ví dụ:
“Phục tự đọa, hà kỳ cữu, cát” (Tiểu súc, sơ cửu)
(Trở về con đường của mình, có lỗi gì đâu, tốt)
“Lý đạo thản thản, u nhân trinh cát” (Lý, cửu nhị)
(Đi trên đường bằng phẳng, người ta cứ kiên trinh thì tốt)
“Tùy hữu hoạch, trinh hung. Hữu phù tại đạo, dĩ minh hà cửu” (Tùy, cửu tứ)
(Theo thì có được lợi, kiên trinh mà có thể gặp xấu. Có tù binh đi trên đường, với đức sáng suốt có lỗi gì).
“Phục hanh, xuất nhập vô tật. Bằng lai vô cữu. Phản phúc kỳ đạo, thất nhật lai phục, lợi hữu du vãng” (Phục quái từ)
(Quẻ phục, hanh thông, ra vào không có tật bệnh. Bạn đến không có lỗi. Đi lại trên đường, bảy ngày lại trở lại, có chỗ đi thì có lợi).
Cách hiểu trên đây khác với các bản Chu dịch đã dịch ra tiếng Việt. Nhưng các học giả Trung Quốc nghiên cứu Dịch kinh đều đã chứng minh và giải thích: “Đạo là con đường 3 chữ phu @ đọc là @ phù tức là tù binh chữ “u nhân” có nghĩa là người tù”(5).
Theo cách lý giải đó, chữ đạo trong bốn lời hào trên đều với ý nghĩa “con đường” cụ thể, và không có khái niệm triết học trừu tượng, “Đạo” có khái niệm triết học trừu tượng, xuất hiện ở thời Xuân Thu. Lão Tử coi “đạo” là bản thể tối cao của triết học, là nguồn vận động biến hóa của muôn vật. Lão Tử vứt bỏ thuyết ngũ hành chất phác lúc ban đầu, tiếp thu tư tưởng trong Tả truyện, Quốc ngữ có liên quan đến mâu thuẫn âm dương, chuyển hóa, thống nhất, qui nạp nó vào phép tắc chung trong phạm trù của “đạo”. Ông nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bao dương, xung khí dĩ vi hòa” (Lão Tử, Đạo đức kinh, chương 12).
(Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh muôn vật. Muôn vật (cái nào cũng) đội âm và bồng dương, xung nhau để hòa nhau).
Ý Lão Tử nói “đạo” sau khi phát sinh ra muôn vật, muôn vật bao trùm hai mặt đối lập “âm dương”. Âm dương đã hợp với đạo và là một, đạo lại được nảy sinh.
ÂM DƯƠNG ĐỐI LẬP, đạo ở “Dịch truyện, Hề từ”, hiển nhiên khác với đạo là con đường trong Dịch kinh, và giống “đạo” của Lão Tử. Ở Dịch truyện, Hệ từ có câu: “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (Một âm một dương gọi là đạo); “âm dương bất trắc chi vị thần” (âm dương không đo được [trong âm có dương, trong dương có âm] gọi là thần). Ở đây, “đạo” là một khái niệm triết học trừu tượng. Nó chủ yếu nêu lên qui luật muôn vật vũ trụ và dùng để biểu thị tác dụng lẫn nhau giữa “nhất âm nhất dương” (một âm một dương). Âm dương đã được trừu tượng hóa. Nó không phải chỉ là hai mặt đối lập song âm dương của một sự vật mà thể hiện tất cả sự đối lập song phương. Tất cả sự vận động biến hóa của muôn vật đều dựa vào sự đối lập biến đổi âm dương. Ở Dịch truyện, Hệ từ đã ghi:
“Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương lai thôi nhi minh sinh yên. Hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên”.
(Mặt trời qua thì mặt trăng đến, mặt trăng qua thì mặt trời đến, mặt trời mặt trăng xô đẩy nhau (cảm ứng) nhau mà ánh sáng nảy sinh. Mùa lạnh qua, mùa nóng đến; mùa nóng qua, mùa lạnh đến; lạnh nóng xô đẩy (cảm ứng) nhau mà thành năm tháng).
Rõ ràng, quan điểm triết học của Chu dịch là: Sự đối lập thống nhất, vận động biến hóa của âm dương quyết định sự ra đời, phát triển và biến hóa của muôn vật. Phù hiệu cơ bản của bát quái là vạch ngan liền “—“ và vạch ngang đứt “ - -“ , tức là sự đối lập của âm dương, điều này là cách chia tách đôi cơ bản nhất, hết thảy sự vật đối lập sản sinh ra đều bắt nguồn từ hai vật đối lập cơ bản này. Hết thảy sự vật của giới tự nhiên và xã hội đều liên hệ với nhau, hết thảy sự vật đều đang tồn tại mâu thuẫn đối lập, sự vật phát triển, vận động, biến hóa ở trong đối lập thống nhất. Tất thảy sự việc đều phân chia làm hai phương diện đã đối lập lại thống nhất, trong đó có một mặt chiếm địa vị chủ yếu, quyết định tính chất sự vật. Trong điều kiện nhất định, hai mặt đó sẽ chuyển hóa cho nhau, và thay đổi tính chất sự vật. Học thuyết âm dương biểu hiện hai phương diện của sự vật đều lần lượt thuộc vào thuộc tính cố định của âm và dương, về mặt ý nghĩa tương đối sẽ không thay đổi. Ví dụ, động vật bò đực là dương, bò cái là âm. Quan hệ âm dương, bò đực, bò cái dưới bất cứ điều kiện nào đều không thay đổi, bất cứ lúc nào, bò đực vẫn là dương, bò cái vẫn là âm. Ngoài ra, trong học thuyết âm dương, nóng, động, nhanh, giống đực, bề ngoài, tích cực hướng lên, mạnh, sáng, v.v… đều thuộc vào dương; lạnh, tĩnh chậm, giống cái, bên trong, tiêu cực xuống thấp, yếu tối v.v… đều thuộc vào âm. Những điều âm dương này đã có tính vật chất thì có tính công năng.
ÂM DƯƠNG NƯƠNG TỰA NHAU, âm dương đối lập, trái ngược nhau, nhưng lại thông nhau, cùng nhau sinh thành. Âm dương tách rời nhau không thể phát triển tiến hóa. Như trên đã nói, thực vật là âm, động vật là dương. Động vật không thể tách rời thực vật, đó là điều rất rõ ràng và dễ thấy. Động vật ăn cỏ, như bò, dê, không có thực vật thì không sinh tồn. Động vật ăn thịt, như hổ, báo, không có thực vật, không có động vật ăn cỏ cũng không thể sinh tồn. Ngoài vấn đề thức ăn, thực phẩm, còn có không khí, động vật cần có khí ô-xy, và khí ô-xy chính là sản phẩm của tác dụng quang hợp, không có thực vật chết tạo khí ô-xy thì hết thảy động vật cũng sẽ tắc thở mà chết. Thực vật mọc ở trên đất tự sinh, tự diệt, tựa hồ như không liên quan đến động vật. Nhưng trong thực tế, thực vật cũng rất cần động vật, thể khí CO2 của động vật nhả ra chính là tác dụng quang hợp của thực vật cần đến…
Động vật giống đực, giống cái, loài người con trai, con gái đều là phải nương tựa nhau. Chu dịch quẻ Khuê, lời thoán nói: “Nhị nữ đồng cư, chất bất đồng hành” (Hai cô gái cùng ở với nhau, mà chí hướng không cùng một lối). Điều này phản ánh hai người con gái ở với nhau không thể phát triển sinh thành. Nhưng trai gái kết hợp thì chí hướng nguyện vọng sẽ tương đắc lại càng minh chứng rõ nét âm dương nương tựa nhau.
ÂM DƯƠNG CÂN BẰNG biểu hiện ở nhiều phương diện. Nói về cơ thể con người, bên trong là âm, bên ngoài là dương, trong ngoài đều vững bền tức là âm dương cân bằng. Nhưng thân thể con người là một thể sống, hoạt tính, trong đó có cơ năng phức tạp. Nó có thể chuyển hóa tinh bột thành chất béo, cũng có thể chuyển hóa mỡ thành lòng trắng trứng. Có người cho rằng ăn thịt mỡ sẽ béo phì, nhưng trong thực tế rất nhiều người không ăn thịt mỡ vẫn béo. Tất cả những điều đó chứng minh do cơ thể ở bên trong con người quyết định. Chuyển hóa cần phải tiêu hao năng lượng, hơn nữa, chuyển hóa có thể chuyển hóa bộ phận dinh dưỡng, khiến nó đạt đến mức cân bằng tương đối. Đó tức là nói, thức ăn vào trong con người, chỉ cần phối hợp đều đặn, cơ thể con người chuyển hóâ từng phần, sẽ thực hiện tương đối cân bằng. Nếu thức ăn vào cơ thể một cách máy móc, tức là hoàn toàn coi nhẹ công năng chuyển hóa của cơ thể. Đến đây chúng ta có thể rút ra được triết lý, muốn có âm dương cân bằng cần phải biến đổi theo qui luật nhất định. Triết lý này tồn tại vĩnh hằng ở mọi lĩnh vực trong xã hội vũ trụ và con người.
Ngay cả đến trạng thái động tĩnh của con người cũng cần đến cân bằng âm dương. Về mặt triết học, Đạo gia huấn mạnh tĩnh, Nho gia coi trọng động, y học nhấn mạnh kết hợp động tĩnh. Thời Tiên Tần Đạo gia nhấn mạnh tĩnh, đời Hán Đạo gia lại chủ trương lấy động dưỡng thân. Ở “Luận Hành, thiên Đạo hư”, Vương Sung đã trình bày cách nói của Đạo gia lúc bấy giờ. Vương Sung viết: “Huyết mạch tại hình thể chi trung, bất động dao khuất thân, tắc bế tắc bất thông, bất thông tích tụ, tắc vi bệnh nhi tử” (Mạch máu trong cơ thể không chuyển động co duỗi thì bế tắc. Bế tắc không thông, tích tụ, thì ốm và chết). Thực ra, Vương Sung dẫn câu nói này, không phải biểu thị tán thành, mà là phê bình. Vương Sung cho rằng thân thể con người giống như cây cỏ, Vương Sung nói: “Thảo mộc tại cao sơn chi điên, đương tật phong chi xung, trú dạ động dao giả, năng phục thắng bí ẩn tại sơn cốc gian, chương ư tật phong giả hồ?... nhân cần khổ vô liêu dã, an năng đắc cữu sinh hồ?” (Luận hành, Biệt thông thiên). Câu nói mang một ý nghĩa sâu xa, cây cỏ mọc ở trên đỉnh cao, bị gió thổi lay động suốt đêm không ngừng sẽ sinh trưởng rất chậm, không tốt tươi như cây cỏ mọc ở hang núi không có gió. Cũng đạo lý như thế, thân thể con người nếu như luôn luôn vận động, cần cù lao khổ không được nghỉ ngơi, thì làm sao có thể sống lâu được? Ở đây, Vương Sung phản đối luôn luôn vận động, phản đối vận động quá mức, phản đối mạch máu chuyển động quá độ ở trong cơ thể. Đông thời, Vương Sung cho rằng mạch máu không thông, con người không làm việc được. Ông nói: “huyết mạch bất thông, nhân dĩ thậm bệnh”. “Thị cố khí bất thông giả, cường tráng chi nhân tử, vinh hoa chi vật khô”. (Luận hành, Biệt thông thiên) (Mạch máu bế tắc, con người lắm bệnh. Cho nên khí không thông, người khỏe mạnh cũng chết, vật tốt tươi cũng khô héo). Hai phương diện liên hệ với nhau, như vậy có thể thấy, Vương Sung chủ trương vận động, nhưng phản đối vận động qua mức. Vương Sung chủ trương quan điểm động, tĩnh kết hợp.
Ở thời Tam Quốc, Hoa Đà là một thầy thuốc nổi tiếng đã nói với Ngô Phổ rằng: “Nhân thể dục đắc lao động, đán bất đương sử cực nhỉ. Đông dao… huyết mạch lưu thông, bệnh bất đắc sinh, thí do hộ khu bất hủ thị dã” (Thân thể con người cần phải lao động, nhưng không nên lao động quá mức. Vận động… mạch máu lưu thông, bệnh tật không thể nảy sinh. Ví như cái trục (đố) cửa luôn luôn chuyển động không bị hỏng). Nguyên tắc dưỡng thân của Hoa Đà, là cần phải vận động, nhưng không thể vận động quá độ, không làm thể làm việc quá mệt mỏi, cũng tức là động tĩnh kết hợp, âm dương cân bằng.
Câu chuyện Phật tổ Đạt Ma ngồi quay mặt vào tường 9 năm liền, cũng là điển hình của sự tĩnh tu. Người đời sau đã tiếp thu một số tư tưởng thiền định của Phật giáo thiền tôn, kết hợp với thuyết luyện đan của Đạo giáo sản sinh ra đạo dưỡng thân, tĩnh tu, lưu truyền đến hiện đại, gọi là khí công tĩnh. Đó là sản phẩm của Phật Lão kết hợp, cũng là một đặc điểm của văn hóa phương Đông. Nếu nói sinh mệnh tồn tại ở vận động, e rằng đó là khẩu hiệu phiến diện. Sinh mệnh là sự thống nhất ở vận động và nghỉ ngơi, chỉ có vận động cũng như chỉ có tĩnh tại, đều không có lợi cho sinh mệnh. Quan điểm động tĩnh ngang hàng, âm dương cân bằng, đó là nguyên tắc dưỡng sinh thích hợp nhất.
ÂM DƯƠNG CHUYỂN HÓA, âm dương là hai thuộc tính khác nhau, nhưng có thể chuyển hóa lẫn nhau trong cùng một sự vật. Dịch truyện, Hệ từ hạ nói: “Âm dương hợp đức nhi cương nhu hữu thể” (âm dương hợp đức thì cương nhu có hình); ở Hệ từ thượng lại nói: “Thiên tôn địa ti, kiền khôn định hĩ, ti cao dĩ trần, quí tiện vị hĩ. Động tĩnh hữu thường, cương nhu đoán hĩ, phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân, cát hung sinh hĩ; tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa hiện hĩ”. (Trời cao đất thấp, đạo kiền khôn (trời, đất) đã định, thấp cao bày ra định sang hèn chia thành ngôi. Động tĩnh có luật nhất định mà cứng mềm có phân biệt; các loài tụ lại từng phương, các vật chia ra từng bầy mà sinh ra sự tốt, xấu; ở trên trời, biến thành tượng; ở dưới đất, hóa thành hình, sự biến hóa đã hiện rõ).
Hai đoạn văn trên dùng khái niệm âm dương để phân biệt tỉ mỹ sự vật biến hóa. Như kiền khôn, nhật nguyệt, cương nhu, cát hung, quí tiện, động tĩnh, hàn thử v.v… đều là sự vật tự nhiên khách quan cụ thể, đều là biểu hiện cụ thể âm dương đối lập thống nhất mới có thể thúc đẩy sự vật biến hóa và phát triển, như vậy âm dương mới có thể cùng tồn tại lâu dài. “Dịch” tức là âm dương đều biến, âm đến cực điểm sinh dương đến cực điểm sinh âm. Cho nên âm dương chuyển hóa lẫn nhau là qui luật phát triển tất yếu của sự vật. Chỉ cần sự vật phát triển thuận theo qui luật âm dương biến hóa thì cuối cùng sẽ đạt được mục đích sự vật cùng chuyển hóa. Từng quẻ ở trong hệ thống 64 quẻ của Chu dịch, chỉ cần âm biến thành dương, dương biến thành âm sẽ trở thành một quẻ khác. Chẳng hạn, cách biến đổi 8 quẻ của cung kiền đã cho ta thấy rõ điều này:
Kiền Cấu Độn Bĩ Quan Bác Tấn Đại Hữu
Sáu hào của quẻ Kiền đều là hào dương. Nhưng hào thứ nhất của quẻ Kiền từ dương biến thành âm thì quẻ Kiền biến thành Quẻ Thiên phong Cấu. Hào thứ hai của quẻ Cấu từ dương biến thành âm thì quẻ cấu trở thành quẻ Thiên sơn độn. Hào thứ ba của quẻ Độn biến thành âm thì quẻ Độn trỏ thành quẻ Thiên địa bĩ. Hào thứ tư của quẻ Bĩ từ dương biến thành âm thì quẻ Bĩ trở thành quẻ Phong địa Quan. Hào thứ năm của quẻ Quan từ dương biến thành âm thì quẻ Quan trở thành quẻ Sơn địa Bác. Đến quẻ thứ bảy của cung Kiền không biến đổi hào theo thứ tư ấy nữa, mà biến quay trở lại tức là hào thứ tư của quẻ Bác từ âm biến thành dương thì quẻ Bác trở thành hỏa địa Tấn. Cuối cùng, ba hào (1, 2, 3) của quẻ Tấn từ âm biến thành dương, thì quẻ Tấn trở thành quẻ hỏa Thiên Đại hữu.
Cách biến đổi của các quẻ ở các cung khác cũng theo một quy luật chung, đầu tiên là biến đổi hào thứ nhất dương thành âm, âm thành dương. Mỗi lần hào biến đổi sẽ cho ta một quẻ mới khác. Tuần tự biến đổi như vậy đến hào thứ 5 của quẻ thứ 6; đến quẻ thứ 7, biến hào thứ 4; đến quẻ thứ 8, biến đổi ba hào còn lại của quẻ thứ 7.
Không có âm, dương không thể tồn tại; không có dương, âm cũng không thể tồn tại, giống như không có kiền thì không có khôn; không có trời cũng sẽ không có đất. Âm dương còn có sự tăng giảm, tiêu trưởng lẫn nhau, hai mặt đối lập của một hiện tượng và sự vật là sự vận động biến đổi. Sự vận động này là tiến hành hình thức cái này tăng thì cái kia giảm, cũng như ban ngày biến ra ban đêm; trời tối biến ra trời sáng; khí trời từ nóng hóa ra lạnh, từ lạnh hóa ra nóng v.v… Đó là quy luật sự vật phát triển biến hóa. Mâu thuẫn của hai mặt âm dương đối lập, trước sau đều ở trong động thái cân bằng, cái này tăng thì cái kia giảm, cái này tiến cái kia lùi mới có thể giữ vững được sự phát triển biến hóa bình thường của sự vật. Khi âm dương tăng giảm đạt đến trình độ nhất định, thì có thể dẫn đến biến đổi về chất, tức là thực hiện chuyển hóa.
Mặc dù âm dương có các đặc tính: đối lập nhau, nương tựa nhau, cái này tăng, cái kia giảm, chuyển hóa lẫn nhau, nhưng thuộc tính cơ bản của chúng vẫn cố định. Nghĩa là âm dương có hai thuộc tính khác nhau, trái ngược nhau, nhưng không thể tùy ý thay đổi hoặc đảo lộn. Nó đều theo một quy luật loại nhất định. Như dương là cứng, là vua, là chồng, là động, là bên trái, là phía trước, là mở v.v… còn âm là mềm, là bề tôi, là vợ, là tĩnh, là bên phải, là phía sau, là đóng v.v…
Chu dịch coi âm dương là cơ sở tạo thành luật vũ trụ động, gọi bản chất cuối cùng của thực tại là “đạo”, là coi nó là một quá trình lưu động và biến đổi không ngừng. Tất cả hiện tượng mà mọi người quan sát thấy đều là một phần của quá trình vũ trụ biến hóa, do đó, về mặt bản chất là động thái. Đặc trưng chủ yếu của “Đạo” là tính chất chu kỳ vận động không ngừng. Về mặt bản chất, tất thảy đều phát triển từ thế giới vật lý đến tâm lý và lĩnh vực xã hộ - đều thể hiện mô hình của tính chu kỳ, và âm duơng biến đổi, về cơ bản đã xác định tính chu kỳ biến đổi. Tất cả hiện tượng tự nhiên đều là biểu hiện sự rung động không ngừng giữa hai cực âm dương. Trật tự tự nhiên tức là trạng thái hoạt động cân bằng giữa âm và dương.
Trong văn hóa phương Đông, cái gọi là “tốt”, chẳng phải chỉ âm mà cũng không phải chỉ dương, mà là chỉ trạng thái hoạt động cân bằng hợp lý giữa hai điều đó. Điều gọi là “xấu” hay là hại, tức là nói đến mất sự cân bằng. Chúng ta có thể coi âm, dương có hàm nghĩa như sau: âm có thể giải thích là hoạt động hưởng ứng, củng cố và hợp tác; dương là chỉ sự công kích, mở rộng và cạnh tranh. Hoạt động của âm là ý thức đối với hoàn cảnh; hoạt động của dương là ý thức đối với bản thân mình. Âm là “hoạt động sinh thái”, dương có thể là “hoạt động bản thân”. Hai loại hoạt đọng này liên hệ mật thiết với hai loại tri thức, thường gọi là trực giác và lý tính. Lý tính và trực giác là phương thức bổ trợ nhau của công năng tư duy con người. Tư duy lý tính là tuyến tính, là tập trung và phân tích. Nó thuộc phạm trù lý trí, tác dụng của nó là phân biệt, dự đoán và phân loại. Tri thức trực giác, cơ sở là thể nghiệm, phi lý trí, trực tiếp với hiện tại. Thể nghiệm này xuất hiện ở trạng thái phát triển mở rộng ý thức.
Xã hội phương Tây hiện tại là dương vượt quá âm, tri thức lý tính vượt quá trí tuệ trực giác, cạnh tranh vượt quá hợp tác, lợi dụng nguồn tự nhiên vượt quá sự bảo hộ…
Ở thời cổ đại, xã hội phương Tây khuynh hướng tôn giáo nổi bật, chia tách linh hồn và thể xác. Nhưng quan niệm của nho giáo và Đạo giáo là “Thiên nhân hợp nhất”, trời thuộc vốn thuộc một thể. Học thuyết “thiên nhân hợp nhất” xây dựng trên cơ sở của tư tưởng Chu dịch: “Suy thiên đạo dĩ minh nhân sự” (suy đạo trời để rõ việc người). “Suy thiên đạo” tức là mở rộng vận dụng những quy luật tự nhiên đã phát hiện; “minh nhân sự” tức là vận dụng quy luật của tự nhiên vào trong các hoạt động của việc người để giải quyết vấn đề thực tế. Nói cụ thể, “Thiên nhân hợp nhất” có một quan điểm, hai quy luật. Một quan điểm: “Chính thể quan”; hai quy luật: “Thiên nhiên đối ứng” và “Thiên nhiên cộng thông” (trời người cùng quy luật chung).
Chỉnh thể quan cụ thể hóa thuyết thái cực, vũ trụ là một thái cực, hết thảy sự vật trong vũ trụ đều có một thái cực, hết thảy sự vật trong vũ trụ là một chỉnh thể, bản thân con người là hình ảnh thu nhỏ của chỉnh thể vũ trụ. Lý luận đông y đều là xây dựng trên cơ sở tư tưởng chỉ đạo chỉnh thể quan. Như bắt mạch cổ tay có thể đoán được bệnh ở toàn thân thể. Luật trời người đối ứng, là chỉ quy luật con người và tự nhiên cảm ứng nhau, luôn luôn thông nhau, sách “Tố vấn, bảo mệnh toàn hình lục” nói: “Nhân dĩ thiên địa chi khí sinh, tứ thời chi pháp thành” (Con người sinh ra bởi khí của trời đất, lớn lên theo phép (qui luật) của bốn mùa).
Điều đó nói, con người cần phải dựa vào khí biển đổi của trời đất để sinh tồn, thích ứng qui luật bốn mùa biến đổi mới có thể lớn lên được.
Khí hậu của giới tự nhiên khác thường, qui luật bốn mùa trời đất vận hành biến đổi khác thường đã phá vỡ trật tự muôn vật sinh trưởng, muôn vật khó thích ứng với hoàn cảnh, cho nên sinh mệnh bĩ gãy chết ở giữa đường. Con người cũng không thể là ngoại lệ nếu như không thích ứng với khí hậu biến đổi của giới tự nhiên, tất nhiên cũng sẽ dẫn đến bệnh tật và chết.
Trời và người cùng tính qui luật chung, là nói vũ trụ, trời đất rộng lớn, thân thể con người là trời đất thu nhỏ. Trời đất và người, tuy hiện tượng khác nhau nhưng đang tồn tại qui luật cộng thông. Khí bốn mùa của giới tự nhiên có lên, xuống, nổi, chìm và khí trong thân thể con người ngày đêm có lên xuống, nổi chìm. Sáng sớm giống như mùa xuân, khí dương bắt đầu thịnh vượng, bệnh khí tương đối suy yếu, cho nên người bệnh phần nhiều tương đối dễ chịu, khoan khoái. Ban ngày giống như mùa hè, khí dương thịnh vượng, bệnh khí lui dần, cho nên người bệnh ban ngày phần nhiều yên ấm; hoàng hôn giống như mùa thu, khí dương ẩn tàng, tà khí thịnh vượng… cho nên ban đêm bệnh nặng lên, người bệnh phần nhiều chết vào ban đêm. Sách Hoàng đế nội kinh đã có những đoạn viết về “luật thiên nhân cộng thông” (trời người cùng tính qui luật chung). Ở Linh Khu, thiên Tà Khách viết: “Thiên hữu âm dương, nhân hữu phu phụ thiên hữu tam bách lục thập ngũ nhật, nhân hữu tam bách lục thập ngũ tiết; địa hữu cao sơn, nhân hữu khiên tất; địa hữu thâm cốc, nhân hữu dịch quắc; địa hữu thập nhị kinh thủy, nhân hữu thập nhị kinh mạch; địa hữu truyền mạch, nhân hữu vệ khí; địa hữu thảo v.v…nhân hữu hào mao… nhân dữ thiên địa tương ứng giả dã. (Trời có âm dương, con người có vợ chồng; trời có 365 ngày, con người có 365 đốt, đất có núi cao, con người có vai, đầu gối; đất có hang sâu, con người có nách, kheo; đất có 12 kinh thủy, con người có 12 kinh mạch; đất có mạch suối, con người có vệ khí; đất có cỏ… con người có lông tơ… con người tương ứng với trời đất).
Linh Khu, Thọ yểu cương nhu nói:
“Dương trung hữu âm, âm trung hữu dương… thị cố nội hữu âm dương, ngoại diệc hữu âm dương… Tại ngoại giả, cân cốt vi âm, bì phu vi dương”. (Trong dương có âm, trong âm có dương… cho nên trong có âm dương, ngoài cũng có âm dương… Ở bên ngoài, gân cốt là âm, da là dương).
Chu dịch cho rằng kết quả hoạt động bình thường của con người là giữ vững hai mặt âm dương đối lập thống nhất. Như công năng hoạt động của thân thể con người thuộc dương, vật chất thuộc âm, vật chất có cơ sở của công năng, không có vật chất thì không thể là công năng sản sinh. Trái lại, công năng xuất hiện không ngừng thúc đẩy vật chất, cái mới thay cái cũ. Do đó, quan hệ giữa công năng và vật chất là quan hệ âm dương đối lập thống nhất, dựa vào nhau tồn tại, mất đi và lớn lên đều ngang hàng.
Chú thích:
1. Trương Lập Văn, Chu Dịch tư tưởng nghiên cứu, Hồ Bắc nhân dân xuất bản xã. 1980, tr.113.
2. Quách Mạt Nhược, Sinh hoạt xã hội thời đại, Chu dịch Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu, Nhân dân xuất bản xã, 1954, tr.26.
3. Trương Lập Văn, sđd, tr.112-113.
4. Trương Lập Văn, sđd, tr.117.
5. Cao Hanh, Chu Dịch cổ kinh kim chú, Trung Hoa thư cục xuất bản xã, 1957, tr.135, 142, 197, 240. Trương Văn Lập, sđd. tr. 119, 120.
Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.484-505)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét