Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BẤT BIẾN Ô QUAN CHƯỞNG

Trong số 16 cửa ô Hà Nội xưa, người ta chỉ còn nhớ 5 cửa ô: Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Ô Cầu Giấy. Nhưng trong 5 cửa ô ấy, cũng chỉ còn Ô Quan Chưởng tồn tại với thời gian.
“Bất biến giữa dòng đời vạn biến”
Một người bạn tôi kể rằng lúc còn nhỏ anh thường cùng ông bạn nối khố đi lang thang khắp khu phố cổ. Từ Hàng Đường nhà anh, ngang qua chợ Đồng Xuân, vòng qua vườn hoa Hàng Đậu, rẽ về Ô Quan Chưởng
Ngày ấy đường phố Hà Nội rộng rãi, mát mẻ, chỉ có lơ thơ vài chiếc xe đạp. Nhiều năm đã trôi đi, anh bạn tôi giờ đã lang bạt nơi xứ người, Hà Nội bây giờ cũng không thể đi bộ nghênh ngang dưới lòng đường được nữa.
Thế nhưng, mỗi khi có dịp về cố hương, anh vẫn phóng xe qua Ô Quan Chưởng chỉ để lẳng lặng ngắm nhìn. Với anh, vạn vật ở mảnh đất Hà Nội đều có thể đổi thay, chỉ trừ nơi này vẫn bất biến…
Ô Quan Chưởng là một trong 16 cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa 
Ô Quan Chưởng, hay còn gọi là ô Đông Hà, tên chữ Đông Hà Môn, là một trong 16 cửa ô còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa.
Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông của La Thành (tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long thời đó). Được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) triều vua Lê Hiến Tông, đến năm Gia Long thứ ba (1817), ô Quan Chưởng được xây dựng lại và giữ nguyên kiến trúc cho đến ngày nay.
Điều làm cho Ô Quan Chưởng nổi tiếng hơn hết thảy các cửa ô còn lại vì đây là cửa ô duy nhất còn giữ được khá nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Nếu không có nó, chúng ta chỉ có thể vận dụng trí tưởng tượng để vẽ nên một cửa ô dựa trên những tư liệu lịch sử, văn học ít ỏi.
Kiến trúc của Ô Quan Chưởng được giữ nguyên từ đời vua Gia Long nhà Nguyễn đến nay
Tra cứu lại lịch sử thì hầu như chỉ có một đoạn văn duy nhất mô tả một cửa ô của kinh thành Thăng Long, nằm trong cuốn “Thượng Kinh Ký Sự” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ngày 12 tháng Giêng năm Cảnh Hưng 43 (1782), Lê Hữu Trác nhận được lệnh của chúa Trịnh Sâm triệu về kinh chữa bệnh cho thái tử Trịnh Cán.
Ngang qua một cửa ô (phỏng đoán là ô Thịnh Quang, tức là Ô Chợ Dừa ngày nay), ông ghi lại: “Đi qua cửa Vũ Quan vào thành. Chỉ thấy một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một cái tường nhỏ, trên mặt tường là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài là hàng rào tre kín mít. Dưới chân tường là hào sâu. Trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc”.
Nét kiến trúc độc đáo của riêng Hà thành
Trước đây, cửa Ô Quan Chưởng có hai cổng lớn làm bằng gỗ dày, ban đêm lính canh đóng cửa thành và mở ra buổi sớm cho người dân qua lại, buôn bán.
Cổng được xây vòm tò vò rộng, phía trên nóc cửa chính có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong.
Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên; ngang lối đi giữa cổng có một tấm bia đá gắn vào tường mé trong, khắc tờ sức của Hà Ninh Tổng đốc Hoàng Diệu và Tuần phủ Hà Nội Hoàng Hữu Xứng đề năm Mậu Dần 1878 cấm lính canh gác sách nhiễu nhân dân; trên cửa lớn có ba chữ Hán có nghĩa là Đông Hà Môn.
Trong tâm trí người Hà Nội, ô Quan Chưởng thâm trầm, thô mộc in đậm nét thời gian
Vậy tại sao cái tên Ô Quan Chưởng dân dã lại phổ biến hơn tên gốc Ô Đông Hà? Tương truyền tên gọi Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội vào ngày 20/11/1873, có một viên quan chưởng cơ người Bắc Ninh cùng nghĩa quân đã chống trả quyết liệt.
Song do lực lượng quá chênh lệch, ông thất thủ ở Gia Lâm, bị quân Pháp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu đầu bên bờ sông Cái phía trước cửa ô Đông Hà.
Vì tiếc thương người chưởng cơ anh hùng, nhân dân quanh vùng đã đặt tên mới là ô Quan Chưởng, tên cũ ô Đông Hà dần dần bị lãng quên.
Dường như Ô Quan Chưởng bất biến giữa dòng đời
Sau khi chiếm đóng Hà Nội, người Pháp đã cho phá bỏ các công trình cũ quanh thành thị để mở rộng khu phố mới.
Tới ô Quan Chưởng, thì vấp phải sự phản đối dữ dội của nhân dân ở đây và ông cai tổng Đồng Xuân lúc đó là Đào Đăng Chiểu (1845-1916), người làng Khúc Thủy (Hà Đông) nên cửa ô này được giữ lại, nhờ vậy mà lưu giữ được một nét kiến trúc độc đáo mà chỉ riêng Hà Nội mới có.
Trong tâm trí người Hà Nội vẫn in sâu một Ô Quan Chưởng trong tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái: một cửa ô được xếp thành từ những viên gạch nâu thô mộc phủ đầy rêu xanh in hằn trong ánh hoàng hôn sẫm màu…


(Theo NLĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét