Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

ĂN BỚT TRONG QUÁ TRÌNH DỊCH THUẬT - HỆ LỤY MUÔN ĐỜI

HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN CÓ TÁC PHẨM NÀO GỌI LÀ HỊCH TƯ­ỚNG SĨ KHÔNG ?
NGUYỄN ĐĂNG NA
PGS.TS. Đại học Sư phạm Hà Nội
Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập hai, xuất bản năm 2004, trang 55 có in một tác phẩm văn học của Trần Quốc Tuấn với nhan đề Hịch t­ướng sĩ(1). Nhưng thử đặt câu hỏi: liệu Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn có tác phẩm nào gọi là Hịch tư­ớng sĩ không ? Có lẽ, ít ai nghĩ tới điều ấy. Để trả lời câu hỏi đó, theo tôi cần giải quyết 3 vấn đề:
- Một là, quy luật đặt nhan đề tác phẩm văn học của người trung đại;
- Hai là, tìm về gốc văn bản;
- Ba là, xét tổ chức đơn vị hành chính thời Trần.
Bây giờ xin lần lượt trình bày từng vấn đề.
1. Quy luật đặt nhan đề tác phẩm văn học của người trung đại
Văn học trung đại được chia làm hai loại: Văn học chức năng (bao gồm chức năng hành chính, chức năng lễ nghi) và văn học nghệ thuật. Bài mà soạn giả Ngữ văn 8 gọi là Hịch tướng sĩ kia thuộc văn học chức năng hành chính. Muốn biết tên tác phẩm văn học chức năng hành chính được đặt theo quy luật nào, hãy xét nhan đề các tác phẩm cụ thể của văn học Việt Nam thời trung đại sẽ rõ. Chẳng hạn, nhan đề các văn bản Thiên đô chiếu, Thất trảm sớ, Quân trung từ mệnh tập, Dụ thiên hạ hào kiệt chiếu, Bình Ngô đại cáo, Tạ ơn biểu, Hiệu định quan chế dụTừ tên những tác phẩm cụ thể kể trên, ta nhận thấy nhan đề tác phẩm văn học chức năng hành chính bao giờ cũng gồm 2 bộ phận: bộ phận đứng trước chỉ ra chủ đề của văn bản; bộ phận đứng sau (những chữ gạch dưới) chỉ ra thể văn của chúng. Thể văn các tác phẩm kể trên là: chiếu, sớ, tập, đại cáo, biểu, dụ, còn chủ đề của chúng là thiên đô (dời đô), thất trảm (chém 7 tên), quân trung từ mệnh (các từ mệnh trong quân đội), dụ thiên hạ hào kiệt (dụ hào kiệt trong thiên hạ), bình Ngô (dẹp yên giặc Ngô), tạ ơn (tạ ơn vua), hiệu định quan chế (hiệu định chế độ quan chức)… Quy luật này đã được Tiến sĩ khoa học B.L. Riptin nêu ra cách đây hơn ba mươi năm: “Thể loại trong văn học trung cổ là một phạm trù chủ đạo được thể hiện trong cách thường xuyên nêu bật nó lên ngay ở tên gọi tác phẩm… Phần cuối của tên sách cũng báo trước (thể loại của chúng)”(2).
Với quy luật ấy, ta hãy xem tác phẩm của Trần Quốc Tuấn thuộc thể loại nào.
Nếu tách Hịch tướng sĩ làm 2 bộ phận và bộ phận đứng cuối cho biết thể loại tác phẩm thì, “tướng sĩ” sẽ là thể loại tác phẩm của Trần Quốc Tuấn. Nhưng rõ ràng rằng, không có thể loại văn học nào gọi là “tướng sĩ” cả! Hoặc giả, nhan đề này do người biên soạn dịch chăng? Càng không phải! Nếu dịch, soạn giả sách giáo khoa bao giờ cũng mở ngoặc chua thêm phiên âm tên chữ Hán của tác phẩm. Chẳng hạn: Ngắm trăng (Vọng nguyệt) tr.37, Đi đường (Tẩu lộ) tr.39, Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) tr.48…; còn, nếu soạn giả tự đặt thì bao giờ cũng được chỉ ra xuất xứ một cách rõ ràng. Chẳng hạn bài Nước Đại Việt ta, soạn giả chỉ rõ: “trích Bình Ngô đại cáo” (tr.66). Với cách viết tên tác phẩm của Trần Quốc Tuấn như trong Ngữ văn 8, người đọc sẽ nghĩ rằng, nhan đề Hịch tướng sĩ do chính Trần Quốc Tuấn tự đặt và đặt theo quy luật ngữ pháp tiếng Việt vì người Việt vẫn nói Hịch tướng sĩ, Hịch kháng Nhật cứu nước… Đặt nhan đề tác phẩm như sách Ngữ văn 8 không những đi ngược quy luật chung của phạm trù văn học trung đại, mà người đọc cũng chẳng thể hiểu nổi tác phẩm ấy được viết bằng chữ Hán hay chữ Việt mặc dù cuối văn bản có ghi rõ: “theo bản dịch trong…”, tr.58.
2. Tìm về gốc văn bản
Tác phẩm của Trần Quốc Tuấn đư­ợc khắc in sớm nhất trong Đại Việt sử kí toàn thư­. Nguyên văn đoạn giới thiệu văn bản đó như­ sau: “Quốc Tuấn th­ường soạn Binh gia diệu lí yếu l­ược thư­, dĩ thụ chư­ tì tướng, dụ chi dĩ hịch vân…”(3) nghĩa là, Quốc Tuấn từng soạn sách Binh gia diệu lí yếu l­ược để truyền cho các tì tư­ớngdụ họ bằng bài hịch rằng… Sách Binh gia diệu lí yếu l­ược còn có tên nữa là Binh thư yếu lược. Điều này chính Trần Quốc Tuấn khẳng định trong bài hịch văn dụ các tì tướng của mình. Đến năm 1825, khi đư­a vào bộ Hoàng Việt văn tuyển, Bùi Huy Bích giới thiệu: “Trần Hư­ng Đạo Đại vương Dụ ch­ư tì tư­ớng hịch văn(4) nghĩa là, bài Hịch văn dụ chư­ tì t­ướng của Trần Hư­ng Đạo Đại vương. Thế thì, ngay từ đầu, nhan đề tác phẩm của Trần Quốc Tuấn đâu phải là Hịch tướng sĩ?
Vậy cái tên Hịch tướng sĩ bắt đầu xuất hiện từ đâu?
Trong các sách in bằng chữ Quốc ngữ, ngư­ời đầu tiên đề cập tới văn bản của Trần Quốc Tuấn là Trần Trọng Kim. Ông viết: “Bấy giờ Hư­ng Đạo vư­ơng có soạn ra một quyển Binh thư­ yếu lư­ợc rồi truyền hịch khuyên răn các tư­ớng sĩ…”(5). Ông Trần đã gọi bài hịch văn Dụ ch­ư tì tư­ớng Hịch khuyên răn các tư­ớng sĩ. Dịch như vậy, ông Trần đã bỏ mất chữ “tì” (cấp dư­ới) trong cụm từ “tì tướng”. Trần Quốc Tuấn chỉ “khuyên răn” (dụ) các tướng dưới quyền mình. Hơn 20 năm sau - năm 1943, D­ương Quảng Hàm lại tiếp tục bớt đi chữ “dụ”. Ông viết: “Hịch tướng sĩ văn (bài hịch truyền cho tướng sĩ) của Trần Quốc Tuấn”(6). Rồi đến năm 1962, nhan đề tác phẩm chỉ còn vẻn vẹn 4 chữ Hịch tướng sĩ(7) và nghiễm nhiên bước vào sách giáo khoa !
Tóm lại, tìm về gốc văn bản, ta cũng chẳng thấy tác phẩm nào của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mang nhãn hiệu chỏn lỏn 4 chữ Hịch tướng sĩ cả! Cái nhan đề ấy chỉ xuất hiện từ 1962 trở lại đây và do người ngày nay tự đặt ra và cái chính là, không phản ánh được tâm nguyện của Trần Quốc Tuấn.
3. Tổ chức đơn vị hành chính thời Trần
Cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính thời Trần sẽ quyết định tới cơ cấu tổ chức quân đội và cơ cấu tổ chức quân đội sẽ giúp ta nhận chân nhan đề tác phẩm của Trần Quốc Tuấn.
Nhà Trần hình thành cuối năm 1225 và tổ chức đơn vị hành chính theo mô hình thái ấp. Ngô Sĩ Liên từng nhận xét: “Chế độ nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ ở hương(7) mình, khi chầu hầu thì mới đến Kinh sư, xong việc lại về. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh, đều thế cả… Vả lại, như năm Đinh Tị đời Nguyên Phong (1257), giặc Nguyên vào cướp, các vương hầu cũng đem người nhà và hương binh thổ hào làm quân giúp vua; trong cuộc biến loạn đời Đại Định (1370) lại đem người thôn trang đi đón vua, cũng là làm cho thế nước vững mạnh” (tr.34). Với cách tổ chức hành chính như vậy, mỗi vương hầu đều có quân đội riêng và quân đội của ai, người ấy chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị vũ khí… Khi quốc gia hữu sự, các vương hầu có nghĩa vụ đem quân tới giúp triều đình. Việc xong, quân lính lại trở về chịu sự cai quản của các vương hầu. Còn chế độ điền trang, Ngô Sĩ Liên cho biết, bắt đầu có từ tháng 10 năm 1266 (tr.83).
Đọc Đại Việt sử kí toàn thư ta thấy tác giả đề cập rất nhiều tới quân đội riêng của các vương hầu. Chẳng hạn: tháng 10 năm 1282 vì còn bé, không được dự hội nghị bàn việc đánh giặc, Trần Quốc Toản tức giận trở về “huy động gia nô và thân thuộc được hơn nghìn người, làm binh khí, đóng chiến thuyền, đề 6 chữ Phá cường địch, báo hoàng ân vào lá cờ” (tr.53-54). Cho dù tháng 10 năm 1283 Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong làm Quốc công tiết chế, “thống lĩnh thiên hạ chư quân sự” (tr.54), nhưng thực chất quân đội vẫn nằm trong tay các vương hầu ở thái ấp và điền trang. Chứng cứ là, tháng 8 năm sau - năm 1284, “Hưng Đạo vương đòi điều động các quân của vương hầu để đại duyệt ở bến Đông” (tr. 55). Rồi đến, ngày 26 tháng 12 năm đó, ông lại “vâng lệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn người mạnh khỏe làm quân tiền phong, vượt biển vào Nam…; các quân nghe thế, không quân nào là không đến tụ họp… Hưng Vũ vương Nghiễn, Minh Hiếu vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện đốc suất quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn, cộng 20 vạn quân đến họp ở Vạn Kiếp, theo sự điều khiển của Hưng Đạo vương để chống quân Nguyên” (tr.55-56). Tháng 6 năm 1286 nhà vua lại “sai các vương hầu tôn thất đều mộ binh và thống lãnh quân thuộc hạ của mình” (tr.63) để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba. Và chính Trần Quốc Tuấn trong tác phẩm nói trên cũng khẳng định: “Chẳng những thái ấp của ta không còn…”. Chế độ thái ấp, điền trang và quân đội nằm trong tay các vương hầu tồn tại cho đến khi nhà Trần sụp đổ.
Nếu tự đặt nhan đề bài văn của Trần Quốc Tuấn là Hịch tướng sĩ, vô tình ta đã phạm ít nhất 3 sai lầm:
- Thứ nhất, phủ định hiện thực lịch sử chế độ thái ấp, điền trang tồn tại hơn 150 năm của nhà Trần (1225 - 1400). Vào thời điểm ấy, nhờ chính sách lập thái ấp, điền trang với quân đội riêng của từng vương hầu mà triều Trần vững mạnh và đủ sức 3 lần chặn đứng không cho quân Mông Nguyên tràn xuống phía Nam và Đông Nam Á. Trần Quốc Tuấn tuy là Quốc công tiết chế, thống lãnh chư quân, nhưng chỉ là để điều động quân của các vương hầu chứ không huấn luyện quân thay cho họ.
- Thứ hai, phủ định sự khiêm tốn của Hưng Đạo vương. Ông chỉ “hịch” các tì tướng và chỉ tì tướng dưới quyền, chứ đâu dám “hịch” chư vị vương hầu ngang quyền với mình như Hưng Vũ vương Nghiễn, Minh Hiếu vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện…
- Thứ ba, rời bỏ chủ đề tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc của bài văn bởi bỏ mất chữ “dụ”. Nhờ tinh thần thương yêu các tướng lĩnh và binh lính dưới quyền như những người thân thiết ruột rà, như con em trong nhà mà quân đội nhà Trần có được sức mạnh bất khả thắng. Mặc dù viết hịch, nhưng “hịch” trên tinh thần “dụ”. Nếu đứng một mình, “dụ” có thể là một thể văn, nhưng trong nhan đề Dụ chư tì tướng hịch văn thì nó làm định ngữ cho “hịch văn”. Ở đây “dụ” hàm 2 nghĩa: khuyên răn, dạy dỗ, làm cho hiểu rõ… và nghĩa thứ hai là, lấy những dẫn chứng, những ví dụ làm luận cứ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong văn bản này có lắm ví dụ làm vậy! Nào là, Kỉ Tín cứu Cao đế, Do Vu bảo vệ Chiêu vương, Dự Nhượng báo thù cho chủ, Thân Khoái cứu nạn cho nước, Kính Đức phò Thái Tông, Cảo Khanh mắng An Lộc Sơn… Rồi Vương Công Kiên cùng tì tướng của ông là Nguyễn Văn Lập thời Tống, Cốt Đãi Ngột Lang cùng tì tướng Xích Tu Tư thời Nguyên… Và điều quan trọng hơn là, giọng văn trong bài hịch chứa chan tình cảm chân thành, thực bụng (Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…); mang tình thương yêu ruột thịt (không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm ; quan nhỏ thì…, lương ít thì…, đi thủy thì…, đi bộ thì…, lúc trận mạc xông pha thì…, lúc ở nhà nhàn hạ thì…) và khuyên răn chí tình (Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ, chẳng những gia quyến của ta…, mà vợ con các ngươi…) đúng như câu kết của bài văn: “Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết rõ(8) bụng ta”.
Tóm lại, từ quy luật đặt nhan đề tác phẩm văn học thời trung đại, đến tìm về bản gốc và đối chiếu với cơ cấu tổ chức quân đội thời Trần, ta có thể rút ra mấy nhận xét sau:
- Trần Quốc Tuấn không có tác phẩm nào gọi là Hịch tướng sĩ cả.
- Nhan đề Dụ chư tì tướng hịch văn vừa phù hợp với tổ chức nhà nước thời Trần, phù hợp với quy luật văn học trung đại, phù hợp với tư tưởng tình cảm và ý đồ sáng tác của Trần Quốc Tuấn, vừa giúp người dạy, người học định hướng thể loại tác phẩm, định hướng giá trị nội dung cũng như nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.
Thế mới hay, hiểu cho ra nhẽ nhan đề một tác phẩm văn học trung đại quả rất khó, đòi hỏi người soạn sách phải đầu tư nhiều công sức để tránh những nhầm lẫn không đáng có.
 
Chú thích:
(1) Ngữ văn 8 tập hai, Nxb. Giáo dục, 2004. Từ đây, khi trích dẫn, chúng tôi chỉ ghi số trang.
(2) B.L. Rip-tin: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học Trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình, Tạp chí Văn học, số 2/1974, tr.114-115.
(3) Đại Việt sử kí toàn th­ư, tập IV, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.205, bản chữ Hán. Nguyên văn nh­ư sau: .Từ đây viết tắt là Toàn th­ư.
(4) Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, Hi Văn đ­ường khắc in năm 1825, Tồn Am gia tàng bản, Q7. Nguyên văn như­ sau: 檄文.
(5) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử l­ược, Nxb Vĩnh & Thành, Hà Nội, in lần thứ hai, 1928, tr.117; Q1, Bộ Giáo dục Quốc gia, in lần thứ nhất 1917, tr.139.
(6) D­ương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Nha Học chính Đông Pháp, H. 1943, tr.222 và tr.232.
(7) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, Nxb. Văn hóa, 1962, tr.91. Tuy nhiên, trong Thơ văn Lí - Trần (tập II, Q thượng, KHXH, H. 1989, tr.387); Tinh tuyển VHVN, tập 3 (KHXH, H. 2004, tr.44), các soạn giả vẫn ghi là Dụ chư tì tướng hịch văn.
(8) Hương: Theo Đào Duy Anh, “hương là một đơn vị hành chính, lớn hơn xã và gần như huyện ở đời sau”. Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1971, in lần thứ hai, tr.280. Từ đây, trích trong tài liệu này, chúng tôi chỉ ghi số trang.
(9) Trong nguyên bản là “minh tri dư tâm”: biết rõ lòng ta. Nên thêm chữ “rõ” vào văn bản./.
                                      SƯU TẦM TỪ     (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80), 2007; Tr.65-69)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét