Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

TƯƠNG LAI TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT

Thu Tứ
Cái sai của Phạm Quỳnh
Nhìn kỹ cái đúng của P.Q.
Cảm lắm, cô đơn nhiều
Tiếng cảm không có tương lai
Đây cái quá trình mất tiếng
"Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ"
Cái sai của Phạm Quỳnh Phạm Quỳnh chia từ tiếng Việt thành hai loại: loại cụ tượng và loại trừu tượng.(1)
Loại từ thứ nhất có nội dung liên quan đến "thế giới hữu hình do giác quan có thể cảm được". Loại từ thứ hai có nội dung liên quan đến "những nghĩa lý thuộc về tâm trí phải suy xét".(2)
Chia xong, ông Phạm bảo tiếng ta giàu từ cụ tượng mà nghèo từ trừu tượng.
Đã gần tám thập kỷ qua mà không thấy ai bày tỏ bất đồng với ý kiến trên.
Thiết nghĩ nó có chỗ sai.
Vấn đề ở chỗ, Phạm Quỳnh chỉ thấy một nhóm từ trừu tượng, tức những từ mà nội dung là "nghĩa lý (...) phải suy xét". Ví dụ: xã hội, cộng đồng, quốc gia, chủ nghĩa, dân tộc. Những từ này người Việt chủ yếu vay mượn của người Tàu, vì tiếng ta không sẵn có.
Nhóm từ trừu tượng vừa nói xuất phát từ hoạt động của trí óc. Nhưng con người ta, ngoài trí óc còn có tâm hồn!
Không phải chỉ sản phẩm của trí óc mới trừu tượng. Sản phẩm của tâm hồn cũng đâu có "hình", giác quan nào mà cảm được nó! Nó trừu tượng kém gì "nghĩa lý"!
Từ trừu tượng xuất phát từ hoạt động của tâm hồn chẳng hạn: áy náy, băn khoăn, bần thần, bâng khuâng, bẽ bàng, bịn rịn, bồi hồi, bồn chồn, bủn rủn, bứt rứt, canh cánh, chống chếnh, dằn vặt, đau đáu, e ấp, hằn học, hụt hẫng, hững hờ, khao khát, lâng lâng, mê mẩn, ngại ngùng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, phơi phới, rạo rực, se sắt, thẫn thờ, thổn thức, xao xuyến, xốn xang. Đây người Việt gần như không vay mượn của ai cả, vì cái tâm hồn đặc biệt đa cảm của ta nó làm tiếng Việt đã sẵn giàu có những từ ấy lắm rồi.
Vậy có hai nhóm từ trừu tượng. Nhóm "Phạm Quỳnh" gồm những từ chỉ khái niệm. Nhóm nữa gồm những từ chỉ cảm xúc hay tâm trạng.
Tiếng Việt quả rất nghèo từ trừu tượng khái niệm. Nhưng nó có lẽ giàu từ trừu tượng cảm xúc hơn bất cứ thứ ngôn ngữ nào trên thế giới...
Nhìn kỹ cái đúng của Phạm Quỳnh
Phạm Quỳnh đúng khi bảo tiếng Việt đặc biệt giàu từ cụ tượng.
Nhưng từ cụ tượng có hai nhóm. Tiếng Việt chỉ đặc biệt giàu về một nhóm mà thôi.
Hai nhóm từ cụ tượng là:
Nhóm "vô cảm": gồm những từ không chứa cảm giác, cảm xúc. Ví dụ: trời, đất, núi, rừng, sông, biển, ao, chuôm, cây, cỏ, chim, cá, nai, gà, lợn, rìu, củi, nồi, niêu, lúa, khoai, tay, chân, râu, tóc v.v.(3)
Nhóm "hữu cảm": gồm những từ có chứa cảm giác hoặc cảm xúc. Ví dụ: nhấp nhô (thị giác), lả lay (thị giác), tí tách (thính giác), bì bõm (thính giác), ngào ngạt (khứu giác),thoang thoảng (khứu giác), trơn tru (xúc giác), ram ráp (xúc giác), chát xít (vị giác), chua lè (vị giác), nao nao (cảm xúc), nho nhỏ (cảm xúc), sè sè (cảm xúc), rầu rầu (cảm xúc).(4) Không phải chỉ từ kép mới hữu cảm. Những từ đơn như co, cúi, cuộn, cựa, day, gập, khom, khum, lách, lòn, luồn, nép, oằn, rướn, thót, uẩy, vẹo v.v., chúng cũng đều có chứa thứ cảm giác nhất định gì đấy chứ không phải "rỗng" như nồi, niêu, nón!
Tiếng Việt không giàu từ cụ tượng vô cảm, nhưng hết sức phong phú từ cụ tượng hữu cảm.
Tại sao?
Từ cụ tượng vô cảm chẳng qua là tiếng đặt ra để gọi tên vật. Phải đi nhiều, thấy nhiều vật nọ vật kia, phải chế tạo ra nhiều vật nọ vật kia, thì mới giàu tên gọi. Người Việt chúng ta đi được bao nhiêu, chế được bao nhiêu, mà đòi tiếng mình giàu tên gọi bằng, chẳng hạn, tiếng Anh!
Mặt khác, tuy thế giới Việt không phong phú vật bằng thế giới Tây, do người Việt có lối tiếp xúc với thực tại bằng tất cả giác quan và tất cả tâm hồn, vật nào trong cái thế giới tương đối nghèo nàn của ta cũng có vô số phong cách.(5) Mỗi phong cách làm nảy sinh một từ cụ tượng hữu cảm, nhờ đó về loại từ này tiếng Việt không chỉ giàu hơn hẳn tiếng Anh mà rất có thể giàu hơn hẳn bất cứ thứ tiếng nói nào trên thế giới!
Cảm lắm, cô đơn nhiều
Tiếng Việt hết sức giàu từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc.
Thế thì hẳn các thứ tiếng khác đua nhau mượn những từ ấy về để làm giàu cho mình? Không đâu. Chẳng có tiếng nào bổ sấp bổ ngửa chạy đi vay từ của tiếng Việt cả, bất kể loại từ gì.
Thời xưa, người Tàu đô hộ nước ta hơn nghìn năm, bắt dân ta lên rừng săn tê giác xuống biển mò trai ngọc. Hằng hà sa số sản vật quý của phương nam đã "xuôi" về phương bắc, nhưng rốt cuộc khi "ông đội" bị "gió Ngô Quyền đưa về Tàu"(6) vẫn chưa có được bao nhiêu chữ Việt chảy vào kho từ vựng của tiếng Tàu.
Thời gần đây, người Pháp chiếm nước ta gần trăm năm, cũng bắt dân ta khai thác đủ thứ tài nguyên để họ chở về "mẫu quốc". Khi quân Pháp bại trận phải a-đi-ơ (7) "tử quốc", chữ Việt cũng chưa đi vào tiếng Pháp.
Thời rất gần đây, người Mỹ đổ bộ hàng nửa triệu lính lên một nửa nước ta hàng non chục năm trời. Khi họ "giã từ vũ khí"(8), chữ Việt coi như vẫn còn hoàn toàn đứng ngoài tiếng Anh. Nhờ chiến tranh Việt Nam, một thời ở nơi cửa miệng một số người Mỹ có thấy những "congai", "chagio", "aodai" v.v. Nhưng ngay những từ ấy rồi hình như cũng không hề đi được vào bất cứ từ điển nào của tiếng Anh.
Tại sao tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Anh không chịu vay từ của tiếng Việt?
Trước hết, đó là do cái luật của tự nhiên là bên giàu mạnh không bao giờ tích cực đi vay văn hóa của bên nghèo yếu.
Vay, là khi thấy cần. Họ hơn ta về vật chất thì họ đâu cần phải học tiếng ta làm gì, vì khi đôi bên giao thiệp ta sẽ phải nói thứ tiếng nói của họ. Vay, cũng là khi thấy quý. Tàu, Pháp, Mỹ không thấy tiếng Việt là quý, bởi cái hơn về vật chất làm họ thấy họ cũng hơn ta luôn về tinh thần!
Chỉ nội như trên cũng đã đủ để ngừa tình trạng tiếng Việt "bị" tiếng Tàu tiếng Tây tích cực vay mượn. Nhưng còn nữa. "Mai sau, dù có bao giờ"(9) nước Việt Nam trở nên giàu mạnh, e cái tinh túy của tiếng Việt cũng vẫn không "xuất khẩu" đi đâu được!
Nguyên cớ ở đây là đặc tính hữu cảm độc đáo của cái tiếng ta nói.
Cảm, bất kể do ngũ quan hay do tâm hồn, không thể giải thích.
Ví dụ: "Lạnh" là từ cụ tượng vô cảm, tức từ đặt ra để gọi tên cảm giác lạnh. Nó tương đương với "cold" trong tiếng Anh. Nếu ngày nào đó người Mỹ thấy quý tiếng Việt, họ có thể nói "I am lanh"! (theo cái lối nhiều người Việt bây giờ nói "chuyện ấy sua"). Lạnh chỉ là cái tên gọi có nghĩa do qui ước, cho nên có thể mượn tuyệt đối dễ dàng. Trong khi, chẳng hạn, "gây gấy" là một âm thanh có gói ghém trong nó một cảm giác nhất định về tác dụng của nhiệt độ bên ngoài đối với cơ thể. Nó là từ cụ tượng hữu cảm: nó có chứa cảm và nếu người nghe nó là người Việt thì nó có gợi cảm. Nhưng nếu người nghe nó là người nước ngoài thì gây gấy không gợi gì hết và dù ta có hết sức dài dòng cắt nghĩa thì người nước ngoài cũng không thể nào thực hiểu được gây gấy!
Ví dụ: "Nao nao" trong "nao nao dòng nước uốn quanh" là từ cụ tượng hữu cảm chứa cảm xúc của Kiều khi nhìn dòng nước chảy gần mả Đạm Tiên. Cảm xúc ấy thế nào, làm sao cắt nghĩa được cho Tây!
Ví dụ: Kiều ở lầu xanh tiếp Thúc Sinh, lòng Kiều "đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh". Buồn tênh là từ trừu tượng cảm xúc chứa tâm trạng Kiều khi nghĩ đến hoàn cảnh "hoa đã lìa cành" của mình. Buồn là sad, nhưng buồn tênh thì dịch ra tiếng Anh thế nào đây hở Trời?!
Nghe từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc, Tây với Tàu dù có quý tiếng Việt đến đâu cũng đành... ngẩn tò te. Thì còn vay mượn làm sao!
Khắp mặt đất bao la không một giống người khác nào tri kỷ, cô đơn lắm có phải không, hỡi những nhấp nhô, róc rách, ngạt ngào, gây gấy, chua lè, nao nao, nho nhỏ, đìu hiu, man mác, se sắt, bẽ bàng, chống chếnh, xao xuyến, xốn xang, ngỡ ngàng, ngẩn ngơ, buồn tênh, bịn rịn v.v. của ta ơi!
Tiếng cảm không có tương lai
Như nói trên, thì tiếng Việt - ít nhất là cái phần độc đáo của tiếng Việt - sẽ mãi mãi cô đơn chứ gì?
E không phải thế. E không được thế!
Mãi mãi cô đơn tức mãi mãi còn, tức còn khá! Đằng này, căn cứ vào diễn biến văn hóa, e đến lúc nào đó thì những từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc sẽ vắng hẳn trên môi người Việt. Chúng sẽ đi xuống mồ, đi vào nghĩa trang Tử Ngữ.
Thật không, vì đâu nông nỗi?
Thật chứ. Vì trời sinh con người ta có hai cái tính không bỏ được là muốn sống và muốn giàu.
Không biết vì sao, trước khi đôi bên gặp nhau, văn hóa Việt Nam và văn hóa Tây phương đã phát triển theo hai hướng trái ngược.(10)
Văn hóa ở ta phát triển theo hướng gần như thuần cảm. Đối với tự nhiên, tổ tiên ta tập trung cảm thụ chứ không thắc mắc, nghĩ ngợi, tìm cách chinh phục. Hướng phát triển này dĩ nhiên không đưa đến thành công vật chất lớn lao.
Trong khi ở Tây phương văn hóa lại phát triển theo hướng gần như thuần nghĩ. Nghĩ ngợi suốt bao nhiêu thế hệ, rốt cuộc người Tây phương phát minh ra một cách nghĩ đặc biệt thích hợp cho việc chinh phục tự nhiên, là khoa học. Nhờ khoa học, các nước Tây phương trở nên mạnh nhất hoàn cầu và có phương tiện để xâm lăng cả những nước ở rất xa họ.
Bây giờ, để "sống" - tức để tiếp tục tồn tại độc lập -, dân tộc Việt Nam không có chọn lựa nào khác ngoài cách trở nên mạnh như Tây. Ta phải theo khoa học.
Tiếp xúc với Tây còn làm ta bỏ cảm theo nghĩ vì một lý do khác. Đó là chênh lệch giàu nghèo. Khoa học không chỉ giúp người Tây phương cách mạng vũ khí mà còn giúp họ chế ra được những sản phẩm dân dụng hết sức tinh xảo, nhờ đó trở nên giàu có phi thường. Vì muốn giàu như họ, người Việt chọn theo khoa học.
Xưa thiên nặng về cảm, nên ta mới nói thứ tiếng cảm.
Còn nay ta đã bắt đầu cố nghĩ nhiều như Tây, chẳng bao lâu nữa sẽ nghĩ nhiều y như Tây, thì rồi tiếng Việt sẽ phải hóa thành một thứ tiếng nghĩ như các thứ tiếng Tây, chứ làm sao khỏi được?!
Đây cái quá trình mất tiếng
Chỉ lấy luật tự nhiên mà xét, đã biết bản sắc từ vựng tiếng Việt rồi sẽ mất.
Biết thế, rồi lại muốn biết thêm cụ thể nó mất thế nào.
Thì đây.
Sở dĩ ta có vô số những từ như nhấp nhô, tí tách, ngạt ngào, ram ráp, chua lè, nao nao, đìu hiu, man mác, băn khoăn, chống chếnh, đau đáu, thấp thỏm, xốn xang, xao xuyến v.v. là do ta đã có vô lượng thời gian để cảm và cảm. Ta đã có đủ thời gian để tận cảm cả cái bên ngoài mình lẫn cái bên trong mình.
Từ khi ta bắt đầu chạy đua vật chất với Tây, thời gian cứ càng ngày càng hiếm. Ta phải bỏ thì giờ nghiên cứu đủ thứ hiện tượng, bỏ thì giờ lên và thực hiện đủ thứ kế hoạch, bỏ thì giờ giải quyết đủ thứ vấn đề phát sinh do kế hoạch của ta. Và hễ tạm thôi làm việc thì ta lại, cũng hết sức bận rộn, lo giải trí! Còn thì giờ đâu nữa để ngồi vận dụng giác quan, tâm hồn, mà cảm cho sâu bên ngoài bên trong!
Chưa hết.
Con người Việt Nam hiện đại quá lu bù hoặc làm việc hoặc giải trí: đó chỉ mới là một trở ngại cho cái cảm tinh tế. Còn một trở ngại nữa, cũng rắc rối không kém chút nào.
Ấy là, do hoạt động tích cực của người Việt, môi trường Việt đang thay đổi rất nhanh chóng. Ngược hẳn với tình hình trì trệ xưa kia. Nếu tất cả mọi vật chung quanh ta cứ biến hóa vù vù, thì làm sao ta kịp thấy rõ hoặc nẩy sinh cảm xúc rõ về chúng được?! Một phần vì môi trường Việt trước Tây hầu như bất biến mà tổ tiên ta cảm được nó đến nơi đến chốn. Một phần vì môi trường Việt sau Tây đổi thoăn thoắt mà ta đang trở nên gần như vô cảm!
Rồi dĩ nhiên môi trường không bền thì cảm xúc con người cũng không bền. Cảm xúc có đó không đó thì làm sao trở nên tinh tế được. Một phần nhờ sống trong môi trường bền mà tổ tiên ta mới bật ra được những từ như bẽ bàng, bỡ ngỡ, canh cánh, đau đáu, hụt hẩng, hững hờ, ngại ngùng, ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, rạo rực, se sắt, thẫn thờ, xao xuyến v.v.
Hai cái trở ngại to đùng. Trách nào xem lại, hình như hầu hết những từ cụ tượng hữu cảm và từ trừu tượng cảm xúc đều đã có mặt trong tiếng Việt từ đời... tám hoánh, chứ không phải mới được đặt ra gần đây. Nhất là nhóm trừu tượng cảm xúc, hình như lâu lắm rồi tiếng Việt không thêm từ mới.
Tuy coi như đã ngưng sáng tạo những từ ấy, nhưng có lẽ trong một thời gian khá dài, đa số người Việt sẽ vẫn tiếp tục dùng chúng trong lời nói và lời viết. Dùng cách hững hờ, mỗi ngày mỗi thêm hững hờ, chứ không với sự rung động sâu xa của tổ tiên xưa kia...
Cứ thế đến, chẳng hạn, đầu thế kỷ 22. "Có người (...) xa nghe (...) nức tiếng (...) tìm chơi"(11), mới hay những đìu hiu, lãng đãng, chống chếnh, khắc khoải, phơi phới, xốn xang v.v. đã rơi khỏi cửa miệng người Việt tự bao giờ!
"Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ"
Một mai tiếng Việt thôi "cảm", thì có sao đâu?
Nó sẽ rụng mất hết những gập ghềnh, phất phơ, đìu hiu, man mác, lâng lâng, xao xuyến v.v. Bù lại, nó sẽ mọc thêm vô số từ gọi tên vật nọ vật kia, khái niệm nọ khái niệm kia. Cứ tình hình khoa học kỹ thuật phát triển nhanh hơn chớp, nó sẽ được bù dư, chứ có chịu lỗ lã gì đâu mà rên rẩm?
Bù làm sao được mà đòi bù!
Khi người Việt còn nói thứ tiếng cảm độc đáo của mình, họ là những con người cảm thụ thực tại đến nơi đến chốn. Họ không trông được tận mắt bao nhiêu thứ, nhưng trông những thứ quanh mình họ thấy được thật nhiều và cảm thấy được thật nhiều. Họ nghèo, nhưng đời sống tinh thần của họ lại thật giàu.
Trong lịch sử lâu dài, người Việt Nam điển hình là một nông phu suốt đời quanh quẩn bên lũy tre. Rất dễ tưởng cứ sống mãi trong "ngục" (tuy là "ngục xanh") như thế tâm hồn con người ta sẽ cùn mòn đi, khiến lời ăn tiếng nói dần trở nên lạnh lùng, vô cảm. Bé cái nhầm! Người nông phu Việt Nam có tâm hồn cực kỳ tinh nhậy, bằng chứng là họ nói thứ tiếng nói gợi cảm nhất thế giới! Hóa ra, cái thời gian bỏ ra để nhìn mãi những cảnh vật quen thuộc không phải thời gian bỏ phí, mà chính là vốn đầu tư cần thiết để gặt hái những độ nhìn sâu sắc. Và như đã trình bày, có sống ở trong một môi trường bền thì cảm xúc của con người ta nó mới bền, mới có cơ hội để trở nên đúng mực tinh tế.
Không lâu lắm nữa, người Việt Nam điển hình sẽ là một thị dân hoàn toàn hiện đại. Người ấy sẽ "đầu tắt mặt tối" hoặc làm việc hoặc giải trí, chứ không như người nông phu lạc hậu trước kia có vô số lúc không làm cũng không chơi. Tâm hồn con người ta phát triển chính trong những lúc "rảnh", không làm không chơi! Do đó, do bận rộn liên tục, tâm hồn của thị dân sẽ dần teo tóp. Đã thế, môi trường đô thị lại thay đổi vùn vụt. Vận dụng một cái tâm hồn yếu ớt để cảm một cái thực tại biến hóa mạnh mẽ, mà có kết quả đáng nói được sao! Trông ra ngoại cảnh không cảm được mấy; trông vào bên trong mình, kẻ thị dân cũng không cảm được mấy. Chính y, chứ không phải người nông phu tổ tiên y, mới nói thứ tiếng nói lạnh lùng, vô cảm. Tiếng Việt tương lai sẽ hết sức dễ dịch ra tiếng Tây, vì nó chính sẽ là một bản dịch của tiếng Tây!(12)
Trở lại chuyện đền bù.
Thực ra, đến khi tiếng Việt bắt đầu trở thành một thứ tiếng nghĩ như các thứ tiếng Tây thì dĩ nhiên người Việt đã teo tóp tâm hồn. Không còn bao nhiêu tâm hồn thì đâu có biết trân trọng những gập ghềnh, phất phơ, đìu hiu, man mác, lâng lâng, xao xuyến v.v. nữa mà đòi bắt đền!
Người nằng nặc đòi đền của chính là người chưa mất của, như kẻ viết bài này. Vẫn ôm lâng lâng, xao xuyến chặt trong tay mà tưởng tượng ngày mất lâng lâng, xao xuyến. Miên man tưởng tượng, rồi nhớ khôn nguôi!
6 - 2010
(Khai triển từ ý trình bày trong sách Tìm tòi và suy nghĩ (2005))
_____________________ (1) Cũng như tất cả các thứ tiếng nói khác, tiếng Việt gồm những từ có nội dung và những từ không có nội dung. Từ có nội dung là từ chỉ một cái gì đó. Từ không có nội dung là từ giúp ta đặt câu, chẳng hạn, và, với, vậy, thì, là, rằng, mặc dầu, cho nên. Ở đây chỉ nói về những từ có nội dung.
(2) "Quốc học với quốc văn", tạp chí Nam Phong, số 164, tháng 7 năm 1931, in lại trong Luận về quốc học, nxb. Đà Nẵng, VN, 1999, tr. 527.
(3) Dĩ nhiên trong số những từ vô cảm đối với ta bây giờ, có thể có một số vốn xưa kia là hữu cảm. Tổ tiên ta có thể đã cảm giác thế nào đó khi gọi chim là "chim", cá là "cá".
(4) Truyện Kiều, chỗ Kiều qua mả Đạm Tiên: "Nao nao dòng nước uốn quanh / Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc sang / Sè sè nấm đất bên đàng / Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh".
(5) Xem bài Có Màu Và Màu và bài Nhìn Sao Nói Vậy của TT.
(6) Ca dao: "Gió đưa ông đội về Tàu / Bà đội ở lại xuống bàu bắt cua...".
(7) Tức adieu, nghĩa là vĩnh biệt.
(8) Tên một tác phẩm của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway.
(9) Truyện Kiều, chỗ Thúy Kiều tâm sự với Thúy Vân về tình yêu giữa mình và Kim Trọng.
(10) Ở đây chúng tôi cũng có chút ý kiến, nhưng xin được trình bày vào dịp khác.
(11) Truyện Kiều, chỗ kể đời Ðạm Tiên: "Có người khách ở viễn phương / Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi / Thuyền tình vừa ghé tới nơi / Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ".
(12) Rất có thể không lâu nữa Tàu sẽ trở nên giàu mạnh hơn Tây. Nhưng tuy các dân tộc Tây phương rồi có thể tụt hậu về vật chất, cái tinh thần duy lý của văn hóa Tây phương vẫn đại thắng. Tàu đang hóa Tây, cho nên ở đây chỉ nói Tây mà không nói Tàu.
     Sưu tầm từ:http://chimviet.free.fr

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét