Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN VIII

Phật Di Lặc
Đối lập với tượng Tuyết Sơn gầy gò da bọc xương, tượng Di Lặc béo tốt hả hê tạo thành một cặp đôi thú vị.

Dân gian, để miêu tả hai pho tượng này đã có câu : "Ông Tu Lo nhịn ăn để mặc, ông Di Lặc nhịn mặc để ăn". Người dân cho rằng tượng Tuyết Sơn là Phật tu nhưng vì lo lắng quá, nên gọi là Tu Lo.

Di Lặc là vị Phật tương lai, gọi là Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Phật. Hiện tại, ngài vẫn là một vị bồ tát, tên là Từ Thị bồ tát. Trong tương lai, vào thời mạt pháp, ngài sẽ thành Phật hiển thị để giáo hóa, cũng như Thích Ca Mâu Ni đã giáo hóa hơn hai nghìn năm trăm năm trước.

Người Trung Quốc, Việt Nam hình tượng hóa Di Lặc là một vị Phật béo tốt hả hê, an lạc sung sướng. Có trường hợp là quanh Di Lặc có 6 đứa trẻ níu kéo, tượng trưng cho 6 giặc, tức Lục căn (mắt mũi tai lưỡi thân ý), những thứ làm người ta không tĩnh.

Biến thể hơn nữa thì Di Lặc biến thành ông thần béo ị ngồi trên đống vàng bạc châu báu, mấy đứa trẻ như lũ con, biến thành vị thần ban của cải và con cái.

 
Tượng Di Lặc chùa Tây Phương, một pho tượng Di Lặc cổ. Các tượng Di Lặc thường được tạc gần đây, ít pho tượng cổ lắm. Như cái lưng trắng trắng ngồi trước tượng Tuyết Sơn chùa Trăm Gian trong ảnh trên cũng là tượng Di Lặc.


Sắp tới ngày Phật đản, đi qua thấy chùa nào, chỗ nào cũng treo cờ phật giáo rộn ràng sặc sỡ lòe loẹt, thôi thì đóng góp vào đây chút vậy, coi như cũng là góp một chút công sức.

Mấy tôn giáo lớn tớ đều tìm hiểu cả, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo, nhưng dù sao cũng có thiện cảm với Phật giáo nhất, vì trong lịch sử, di sản của các tôn giáo khác là quá nhiều cái chết của người ngoại đạo, chỉ có Phật giáo và Đạo giáo là không có chuyện đó. Phật giáo thực sự là tôn giáo của Hòa bình.



Di Lặc tam tôn
Nhiều chùa hiện nay hay bày tượng Tuyết Sơn và Di Lặc ở hai bên một pho tượng khác (tượng Quan Âm Chuẩn Đề), một bên béo một bên gầy.

Thực ra bày như thế là không phù hợp, vì hai vị Phật lại ngồi hai bên Bồ tát là không hợp lý. Phật Di Lặc phải ngồi ở giữa, hai bên có hai bồ tát thì mới đúng.

Khi Di Lặc ngồi giữa, thì có hai bồ tát là Pháp Hoa Lâm và Đại Diệu Tường đứng hai bên, tạo thành bộ Di Lặc tam tôn.

Pháp Hoa Lâm chính là bồ tát Phổ Hiền, bậc Đại trí, tượng trưng cho Trí - Tuệ - Chứng; Đại Diệu Tường chính là bồ tát Văn Thù, bậc Đại định, tượng trưng cho Lý - Định - Hành. (Nhiều tài liệu trên mạng copy lại nhau, Đại Diệu Tường sau một hồi thì thành Đại Diện Tướng, hic).



.

Tượng chùa Tây Phương:
Bên trái là bồ tát Đại Diệu Tường, tượng trưng cho Định, Hành nên hai tay nắm chặt, bắt ấn mật phùng.
Bên phải là bồ tát Pháp Hoa Lâm, hai tay chắp lại theo ấn Hiệp chưởng, tượng trưng cho Tuệ, Chứng.

(Trong chùa Tây Phương bị đảo vị trí một số tượng, nên hai pho này hiện giờ chỉ có Pháp Hoa Lâm đứng đúng chỗ, Đại Diệu Tường bị đảo chỗ gây nhầm lẫn).


Phổ Hiền - Văn Thù bồ tát
Phổ Hiền và Văn Thù là hai Đại bồ tát, được nói đến nhiều trong kinh Hoa Nghiêm. Nếu như Quán Thế Âm và Đại Thế Chí là hai bậc Đại Bi, Đại Dũng; thì Phổ Hiền là Đại Trí và Văn Thù là Đại Định.

Tượng Phổ Hiền và Văn Thù có hai dạng đứng và ngồi. Tượng hầu hai bên Phật Thích Ca thường là tượng đứng, đầu đội mũ Tỳ Lư, tay bắt ấn hoặc cầm các pháp khí, tương đối giống nhau, cũng như tượng Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên phật A Di Đà vậy.

Còn khi tượng ngồi, thì Bồ tát Phổ Hiền cưỡi trên voi trắng sáu ngà, tượng trưng cho việc chế ngự được chướng ngại của Trí tuệ để đến chỗ Đại Chứng, sáu ngà là thắng lục căn. Bồ tát Văn Thù cưỡi trên sư tử xanh, tượng trưng cho việc thắng trở ngại để hành đại định.

Vào các chùa miền bắc, hình tượng hai vị Bồ tát cưỡi trên lưng thú thì chắc chắn là Phổ Hiền và Văn Thù.





                                                          Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét