Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CÓ THẦN VÀ THẦN - V

Đôi "người", đôi ngả: chẳng qua cái hướng đầu tư
Để tìm hiểu bản sắc của một dân tộc, văn hóa dân gian thường được chú ý khai thác. Nhưng lọc được thông tin rõ ràng chắc chắn từ nguồn quặng to lớn ấy lại ít khi là chuyện đơn giản. Hoặc sự thực đã bị thời gian chồng chất làm mờ nhòe, mất hẳn hình dáng, như trường hợp đa số huyền thoại, huyền tích v.v.; hoặc sự việc tuy xảy ra chưa lâu lắm nhưng quá nhiều yếu tố lai tạp đã ngẫu nhiên trùng hợp làm cho gốc ngọn rất khó phân biệt. Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam dường như là một ngoại lệ khá thuận lợi cho công việc nghiên cứu.
Trước khi tiếp xúc với người da trắng, văn hóa Việt trên đất gốc ở Bắc bộ chịu ba ảnh hưởng ngoại lai: Một, từ Trung Quốc phương Bắc; hai, từ Ấn-độ phương Tây; ba, từ Chiêm Thành phương Nam. Tàu không nổi tiếng về tín ngưỡng phồn thực. Ấn-độ dường như không truyền qua ta thứ gì khác ngoài Phật giáo. Chỉ Chiêm Thành, qua trung gian xung đột triền miên với nước Việt, đã để lại chút ít vết tích của tục thờ sinh thực khí lối Ấn-Chàm trên vùng lưu vực sông Hồng.
Tín ngưỡng phồn thực riêng của ta, "ghi" lại trong các lễ hội và trên các bức chạm đình làng, rõ ràng có bản sắc độc đáo, khác hẳn khuynh hướng Ấn-Chàm ấy. Hơn nữa, các lễ hội và các đình làng liên hệ lại chủ yếu tập trung hoặc ở Phong Châu hoặc ở Kinh Bắc, đều là vùng dân tộc Việt Nam đã quần tụ rất lâu đời. Không thấy được cơ sở lịch sử nào để nghĩ rằng linga-yoni đã thâm nhập vào đến tận những làng quê xưa nhất của ta mà ảnh hưởng đến nõ-nường.
Cốt lõi của tín ngưỡng phồn thực là nhận thức rằng đàn bà sinh con, cầm thú đẻ trứng đẻ con, cây cỏ ra quả là cùng một hiện tượng - sự tái hiện mầu nhiệm của đời sống. Suy nghĩ miên man về cái chỗ cùng kỳ diệu ấy có lẽ đã dẫn đến sáng kiến cho trai gái giao hoan để thú cầm, cỏ cây bắt chước mà sinh sôi nẩy nở thật nhiều.
Nhưng nghĩ đến đấy thì dường như người Việt đã chủ động dừng ngay lại. Vì nhìn kỹ, trọng tâm trong các nghi lễ phồn thực của ta là hành vi giao phối, chứ không phải bản thân các sinh thực khí. [10] Nõ và nường chẳng qua là đồ dùng cần thiết để diễn màn kịch ăn nằm tượng trưng. Trường hợp những lễ hội mà trai gái làng "bị" yêu cầu hay được khuyến khích thực hiện luôn hành vi then chốt, thì thường không ai còn buồn nhặt mo cau, kiếm mu rùa, đẽo dùi gỗ làm chi nữa cả!
Trái ngược hẳn với chúng ta, người Ấn-độ tập trung chú ý vào "khí cụ". Tuồng như họ đã vượt qua chỗ "hành vi" mà tiếp tục trầm tư mặc tưởng đến lúc giác ngộ ý nghĩa thiêng liêng tối hậu, nhìn ra được thần kia thánh nọ trong sinh thực khí. Cái phàm tục nhất bỗng hóa thần.
Cùng xuất phát từ ý thức về tầm quan trọng của một hiện tượng thiên nhiên, mà chẳng bao lâu đôi "người" đôi ngả, liệu sự việc ấy có nói lên gì chăng?
Xét chung, trong mọi quá trình chiêm nghiệm tâm linh, người Việt trước sau chưa hề chịu đi xa. Chúng ta cũng tin vào cõi khác, vì cho chết là về với tổ tiên. Nhưng cái cõi khác ấy mơ hồ, không định hình rõ rệt như trong các tôn giáo lớn trên mặt địa cầu.
Dĩ nhiên, thế giới siêu hình của người Việt xưa không hiếm "dân cư": nào Ông Trăng, Bà Trời, Bà Sấm, Bà Sét, Bà Mây, Bà Mưa, Thần Núi, Thần Rừng, Thần Sông, Thần Cây, Thần Đá v.v. Tuy nhiên, so với tình trạng "thần mãn" ở Ấn-độ, nơi thần thánh ngự trị đầy đất chật trời [11], Bắc bộ có tương đối thưa thớt các đấng thiêng liêng. Đã thua về "thần số", toàn bộ cõi khác của ta lại kém về "thần chất". Phan Ngọc từng nhận xét: "Người Việt Nam nhìn thế giới bên kia (...) theo cái khuôn mẫu làng xã (...) mờ mờ những vị thần không phân biệt với nhau: như các hào mục trong làng." [12]
Chốn thiên đình kém đồ sộ, nguy nga, Ông kia Bà nọ không chói lọi bằng thần thánh trong các tôn giáo khác, nguyên do hẳn ở sự thiếu vắng những ý niệm trừu tượng khái quát làm nền làm khung làm hào quang.
Về tình trạng "sơ khai" ấy, có nhiều cách giải thích. Phổ biến một thời là chủ trương cho rằng ý niệm về thế giới siêu hình của một dân tộc mà phong phú hơn, tỉ mỉ hơn thì văn hóa của dân tộc ấy cũng cao hơn.
Ngẫm nghĩ, thấy chỗ hơn kém ở đây không có liên hệ gì với chiều cao văn hóa, mà cơ bản chỉ là kết quả của hai khuynh hướng đầu tư trí tuệ khác nhau.
Dân tộc Việt Nam luôn hướng mạnh về cuộc sống. Thái độ điển hình của người Việt đối với cư dân cõi bên kia là cúng vái khi cảm thấy cần, như trường hợp thần linh, hoặc vì quan hệ, như trường hợp ông bà tiên tổ, chứ ta không chịu bỏ thì giờ ra nghĩ ngợi viển vông.
Không nghĩ nhiều, nghĩ lung, thì cái "biết" khó đi đến chỗ hoàn chỉnh, hay chỗ cực đoan.
Trong tín ngưỡng phồn thực, người Việt nhất định dừng lại ở ý nghĩa thiêng liêng của "dí", chứ không chịu nhìn nhận lẽ huyền vi nằm ngay trong nõ, trong nường.
Kể, ta cũng có gọi cái ấy là "thần", nhưng bằng một giọng khác hẳn giọng kính cẩn của người Ấn-độ.
Ai chẳng biết câu ca dao:
"Văn chương chữ nghĩa bề bề...".
So với yoni nghiêm trang xa cách, thần của ta hóm hỉnh thân mật hơn bao nhiêu, nhưng chửa chắc đã kém thiêng!
7 - 2003
 
[1] - Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn-độ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, nxb. T&T tái bản ở Mỹ, 1989, tr. 285-286. [2] - Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Việt Nam, 1983, tr. 326.
[3] - Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật, nxb. Mỹ Thuật, Việt Nam, 2002, tr. 28-31, 109, 275-277, 560.
[4] - Nguyễn Đăng Thục, Phật giáo Việt Nam, nxb. Mặt Đất in lần thứ nhất, Sài Gòn, 1974, nxb. An Tiêm tái bản, Pháp và Mỹ, 2002, tr. 95-96.
[5] - Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, nxb. Văn Học, California, Mỹ, 2000, tr. 174-176.
[6] - Nhiều tác giả, Lễ hội cổ truyền, nxb. Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, 1992, tr. 111-112, 322-355.
[7] - Hoàng Cầm - tác phẩm, quyển một, Thơ, nxb. Hội Nhà Văn, Việt Nam, 2003.
[8] - Trần Quốc Vượng, Trong cõi, nxb. Trăm Hoa, California, Mỹ, 1993, tr. 145-146.
[9] - Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2000, tr. 69.
[10] - Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, VN, 2001, Trần Ngọc Thêm cho rằng "trong khi các dân tộc khác chỉ thờ sinh thực khí thì người Việt Nam (...) thờ cả sinh thực khí lẫn hành vi giao phối" (tr. 241).
[11] - Theo Từ điển bách khoa Britannica (2002), q. 26, tr. 549, thì có cả thảy 33,000,000 Hindu gods!
[12] - Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, Việt Nam, 1998, tr. 292-293.
                                                Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét