Translate

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ - LÝ THẦN TÔNG

Tìm con trai họ tông thất để nuôi ở trong cung. Xuống chiếu rằng:"Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? [18b] ậy nên tẫm nuôi con trai của các hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm thái tử. Bấy giờ con Sùng Hiền hầu là Dương Hoan mới lên 2 tuổi mà thông minh lanh lợi, vua rất yêu và bèn lập làm hoàng thái tử.
Chiêm Thành dâng 3 đóa hoa bằng vàng.
Mậu Tuất ,/Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 9 [1118] , (Tống Trùng Hòa năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu chọn hoàng nam trong dân chúng và binh lính.
Tháng 2, sử nước Chân lạp sang chầu. Đặt lễ yến tiệc mùa xuân và mở hội khánh thành bảy bảo tháp. Bấy giờ xuống chiếu cho Hữu ty bày nghi trượng ở điện Linh Quang, dẫn sứ giả đến xem.
Tháng 3, lấy các đại hoàng nam khỏe mạnh sung vào làm binh các đội Ngọc Giai, Hưng Thánh, [Vũ] Đô567 và Ngự Long, tất cả 350 người.
Tả thị lang bộ Hộ là Lý Tú Quyền chết.
Mùa hạ, tháng 5, biếm Hữu thị lang bộ Lễ là Lê Bá ngọc làm Nội nhân thư gia.
Đại hạn, cầu đảo được mưa.
Mùa thu, tháng 7, [19a] ãi ỗ àn tết Trung Nguyên568 vì gặp ngay Lễ Vu lan bồn569 [cầu siêu cho] Linh Nhân hoàng thái hậu.
Chiêm Thành sang cống.
Tháng 9, ngày Tân Tỵ, mở hội Thiên phật [Nghìn Phật] để khánh thành chùa Thắng Nghiêm Thánh Thọ, cho sứ Chiêm Thành đến xem.
Ngày Bính Tuất, vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền, đặt lễ yến tiệc mùa thu.
Muà đông, tháng 11, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Bá Độ570 và Lý Bảo Thần đem biếu nhà Tống hai con tê giác trắng, đen và 3 con voi nhà.
Năm ấy, có mọc ngọt xuống, vua tự tay viết tám chữ, "Thiên hạ thái bình, thánh cung vạn tuế" vào bia, sai thợ khắc.
Cấm nô bọc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.
Kỷ Hợi, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 10 [1119] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, vua ngự đến Khoái Trường bắt voi trắng.
Mùa hạ, [19b] tháng 4, Đô tào là Phan Điền dâng hươu trắng.
Tháng 5, mở hội khánh thành chùa Tịnh Lự. Rồng hiện ở hàng bán nước chè ở Kinh sư.
Mùa thu, tháng 7, đóng hai chiếc thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan. Xuống chiếu cho các quân đóng thuyền chiến, sửa đồ binh giáp, vua muốn thân đi đánh động Ma Sa571 .
Tháng 8, ngày Giáp Thân, vua ngự điệnLinh Quang xem đua thuyền. Đặt lễ yến tiệc mùa thu. Từ đó về sau, hàng năm tháng 8 đua thuyền thì đặt yến làm lệ thường.
Mùa đông, tháng 10, duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm v.v..., người nào mạnh khỏe cho làm hỏa đầu ở các đội quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, còn bậc dưới thì cho làm binh ở các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, Ngự Long.
Họp các quân nhân cả nước thề ở Long Trì. Xuống chiếu rằng:"Trẫm nhận lấy cơ nghiệp của một tổ hai tông, đứng trên dân đen, coi triệu họ trong bốn biển đều như con đỏ, cả đến cõi xa cũng mến [20a] lòng nhân mà quy phụ, phương khác cũng mộ nghĩa mà lại chầu. Vả xét dân động Ma Sa sống ở trong cõi của ta, động trưởng Ma Sa thì đời đời làm phiên thần của ta, thế mà nay kẻ tù trưởng ngu hèn ấy bỗng phụ ước của ông cha, quên việc tuế cống khiếm khuyết lệ thường phép cũ. Trẫm vẫn nghĩ mãi, việc không đừng được, nay trẫm tự làm tướng đi đánh dẹp. Nay các tướng súy sáu quân, các ngươi đều phải hết lòng, tuân theo mệnh lệnh của trẫm". Bèn ban khí giới cho tướng sĩ, vua ngự thuyền Cảnh Hưng, xuất phát từ bến Thiên Thu, cờ xí rợp trời, gươm giáo rẽ sương, quân sĩ đánh trống reo hò, khí
thế trăm phần hăng hái. Ngày hôm ấy, rồng vàng hiện bay theo thuyền. Đến bờ thác Long Thủy572 , Thành Khánh hầu dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có chữ "Vương". Sóng lại nổi lên. Vua tự làm tướng đánh động Ma Sa, phá tan được, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lụa trâu dê không [20b] kể xiết. Sai tỷ tướng vào các động dọc biên giới chiêu dụ những người trốn tránh bảo về yên nghiệp.
Tháng 12, ngày mồng 1, vua từ động Ma Sa về, dâng tù Ngụy Bàng ở Thái Miếu. Khao thưởng tướng sĩ, ban tiền lụa theo thứ bậc khác nhau.
Canh Tý, /Thiên Phù Dụê Vũ/ năm thứ 1 [1120] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 2).
Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, bề tôi đang biểu khuyên gia thêm tôn hiệu và xin đổi niên hiệu. Vua y theo.
Tháng 2, mở hội đèn Quảng Chiếu.
Tháng 3, nước Chân Lạp sang cống.
Mùa hạ, tháng 6,chủ đô giáp Tất tác573 là Đặng An dâng chim sẻ trắng.
Mùa thu, tháng 9, có rồng vàng hiện.
Nước Chiêm Thành sang cống.
Được mùa to.
Mùa đông, tháng 10, đắp đài Chúng Tiên.
Tháng 12, cho Nội nhân thư gia là Phan Cảnh và Mâu Du Đô làm Nội thường thị.
[21a] Tân Sửu, /Thiên Dụê Vũ/ năm thứ 2 [1121] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 3, nhà sư Vương Ái dâng cây cau một gốc 7 thân. Thái sư Trần Độ nói: "Vật này không lấy gì làm điềm lành". Vua không nhận.
Mở hội khánh thành chùa Bảo Thiên và điện Trùng Minh.
Mùa hạ, tháng 5, nước to, tràn vào đến bên ngoài cửa Đại Hưng.
Mùa thu, tháng 7, người phiên Tử Thảo là Hà Ngọ dâng con hoẵng trắng.
Làm chùa Quảng Giáo.
Có nhiều sâu cắn lúa.
Mùa đông, tháng 10, lại lấy Lê Bá Ngọc làm Nội thường thị.
Nhâm Dần, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 3 [1122] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 2, nhà sư Dương Tu dâng một đôi ngọc bích trắng.
Tháng 3, ngày Mậu Dần, mở hội khánh thành bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh ở Đội Sơn574 .
Cấm mọi người không được dùng gậy tre gỗ và đồ sắc nhọn đánh nhau.
Mùa hạ, tháng 4 cho bọn Lý Phụng 20 người làm ngục lại, xét việc kiện tụng của dân gian.
Tháng 5, người quảng Giao [21b] giáp là Phạm Ba Tư dâng hươu trắng.
Mùa thu, tháng 8, ngày Kỷ Hợi, vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền.
Lấn đầu chế dải mũ bằng bạc sung vào đồ nghi vệ.
Ngày Đinh Mùi, Viên ngoại lang là Lý Nguyên dâng một viên ngọc châu tân lang575 . Xuống chiếu không nhận.
Muà đông, tháng 12, sai Viên ngoại lang là Đinh Khánh An và Viên Sĩ Minh đem voi nhà biếu nhà Tống. Bấy giờ Viên Sĩ Minh vào có tang không được thăng quan, cho con trai là Sủng làm Phụng tin lang.
Năm ấy, xuống chiếu rằng: Những tên trộm cướp trốn tránh đã bắt được mà lại bị nhà thế gia chiếm đoạt thì nhà thế gia ấy cùng tội với người trốn.
Kẻ lại đi bắt trộm cướp, bắt được rồi mà giữ lại ở nhà mình, không dẩn đến quan, thì phạt đánh 80 trượng.
Quý Mão, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 4 [1123] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 5).
Mùa xuân, tháng giêng, ngày 25, là tiết Đản thánh576 , lần đầu làm nhà múa có bánh xe đẩy, sai cung nữ múa ở trên để dâng rượu.
Tháng 2, mở lễ [22a] yến tiệc mùa xuân ở điện Sùng Uyên.
Lần đầu làm chiếc lọng che mưa cán cong.
Ngày Nhâm Dần, vua ngự đến Long Thủy577 để bắt voi.
Ngày Đinh Mùi, mở hội khánh thành chùa Phụng Từ. Ngày Bính Thìn, vua về đến Kinh sư.
Tháng 3, ngày Tân Tỵ, mở hội khánh thành chùa Quảng Hiếu ở Tiên Du. Truy dâng lễ cúng Thánh Tông và Thượng Dương hoàng thái hậu.
Mùa hạ, tháng 4, ngày Giáp Thân, 5 người nước Chân Lạp quy phụ.
Cấm giết trâu. xuống chiếu rằng: "Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật".
Mùa thu, tháng 7, nước Chân Lạp sang cống.
Tháng 8, ngày mồng 1, vua ngự điện Thiên An, ban áo mùa thu cho các quan.
Vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền. Đêm ấy vua ngự điện Sùng Uyên, đặt lễ yến mừng chiếc lọng vàng.
Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt lúa. Chuyến đi này bắc [22b] cầu vồng qua sông Ba Lạt578 .
Tháng 11, vua đến kinh sư. Các nhà nho, đạo, thích đều dâng thơ mừng.
Xây đài Tử Tiêu579 .
Năm ấy được mùa to.
Giáp Thìn, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 5 [1124] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, Diêu Sách dâng chim sẻ trắng.
Tháng giêng nhuận, đóng thuyền Tường Quang, kiểu thuyền hai lòng.
Vua ngự đến hành cung ở Ứng Phong xem cày ruộng. Khi vua ngự ở hành cung, người nước Chiêm Thành là Cụ Ông và ba người em họ đến chầu.
Tháng 2, vua về Kinh sư.
Mùa hạ, tháng 4, người nước Chân Lạp là Kim Đinh A Truyền cùng 4 người gia đồng sang quy phụ.
Thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Dương Tự Hưng dâng hươu trắng.
Dựng chùa Hộ Thánh.
Tháng 5, người nước Chiêm Thành là bọn Ba Tư Bồ Đà La 30 người sang quy phụ.
Mùa thu, tháng 7, hạn, làm lễ cầu mưa.
Chủ đô giáp Nội tác giám là Tô Ông dâng con rùa mắt có 6 con ngươi, trên ức [23a] có hai chữ "Thiện đế".
Tháng 9, Thành Khánh hầu (không rõ tên) chết.
Mùa đông, tháng 10, đắp đài Uất la.
Tháng 11, đô Ngọc Giai là Lý Hiệu dâng cá chiên vàng.
Tháng 12, phu nhân của Thành Khánh hầu là Hà Thị uống thuốc độc chết theo chồng.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Đàn bà chỉ theo một chồng mà chết thì không gọi là "tuẫn" [chết theo]. Hà thị theo tình mà đi thẳng, đến nỗi uống thuốc độc chết theo, tuy là quá, nhưng khó với người khác mà Hà thị lấy làm dễ, việc ấy cũng là khó làm. Hoặc giả Thành Khánh hầu đến lúc ấy mới chôn mà Hà thị chết để chôn theo chăng?
Lại cho Nội thường thị là Lê Bá Ngọc làm thị lang bộ Lễ. Tiểu thủ lĩnh châu Quảng Nguyên là Mạc Hiền và phe đảng bộ thuộc trốn sang động Cống ở địa giời Ung Châu nước Tống.
[23b] Ất Tỵ, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 6 [1125] , (Tống Tuyên Hòa năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, cho Nội thường thị là Mâu Du Đô580 làm Trung thư thừa581 .
Ung Châu bắt bọn Mạc Hiền, xin sai người đến Giang Nam để giao trả. Vua sai người giữ phủ Phú Lương582 là trung thư Lý Hiến đến Giang Nam nhận đem về kinh sư. Đày Mạc Hiền vào châu Nghệ An, vợ con đều sung làm quan nô.
Phiên làm giấy583 dâng ngọc châu tân lang, vua truyền không nhận.
Khánh thành điện Sùng Dương, mở yến tiệc ba ngày đêm. Mùa hạ, tháng 4, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng.
Tháng 6, vua từ hành cung Ứng Phong đến hành cung Lý Nhân, Nhập nội thường thị trung thừa là Mâu Du Đô vâng chỉ tuyên bảo các quan trong ngoài rằng có rồng vàng hiện ở điện kín của hành cung, chỉ có các cung nữ và hoạn quan trông thấy.
Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.
Tháng 11, sai Nhập nội Lễ bộ thị lang [24a] Lê Bá Ngọc đi đánh bọn Nùng Quỳnh và Mạc Thất Nhân ở châu Quảng Nguyên. Khi sắp đi, Bá Ngọc họp quân thề ở ngoài cửa Đại Hưng, tuyên bố quân lệnh.
Rồng vàng lượn ở bảo đài kỳ thọ ở Động Vân.
Xuống chiếu rằng phàm đánh chết người thì xử 100 trượng, thích mặt 50 chữ, đồ làm khao giáp.
Bính Ngọ, /Thiên Phù Duệ Vũ/ năm thứ 7 [1126] , (Tống Khâm Tông Hằng, Tĩnh Khang năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, mở hội đèn Quảng Chiều bảy ngày đêm. Tha người có tội [giam] ở phủ Đô Hộ.
Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây.
Tháng 2, ngày mồng 1, vua ngự điện Thiên An, xem các vương hầu đá cầu.
Tháng 3, làm lễ khánh hạ năm bộ kinh ở chùa Thọ Thánh.
Mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm tuất, mở hội Nhân Vương ở Long Trì. Ngày hôm ấy rồng vàng hiện ở điện Vĩnh Quang.
Mùa thu, tháng 7, hạn, từ tháng 6, đến đây càng dữ.
Con rùa mắt có sáu con ngươixuất hiện.
Mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.
Tháng 9, nước Chiêm Thành sang cống.
Mở [24b] hội đèn Quảng Chiếu ở Long Trì, xuống chiếu cho sứ thần Chiêm Thành vào xem.
Mùa đông, tháng 11, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.
Tháng [11] nhuận, sai lệnh thư gia là Nghiêm Thường, Ngự khố thư gia là Từ Diên đem 10 con voi thuần và vàng bạc, sừng tê sừng bin sang biếu nhà Tống để tạ ơn việc bắt Mạc Hiền. Thường và Diên đến Quế phủ584 vào ra mắt quan kinh lược ty. [Họ] bảo với Thường và Diên rằng: "Năm nay ở Đông Kinh và các xứ Hồ Nam, Đĩnh Châu, Lễ Châu đều đã đem binh mã đi đánh người Kim, chưa biết lúc nào về. Trong lúc này thì ngựa trạm, phu trạm dọc đường chổ nào cũng ít, xin sứ giả đem lễ vật về". Thường và Diên phải trở lại. Năm ấy người nước Kim là Niêm Hãn, Cán Lý Bất585 đem quân vây Biện Kinh nước Tống, bắt vua Tống là Huy Tông và Khâm Tông đem về phương Bắc. Nước Tống loạn to. (Lúc ấy vua Kim là Oa Khoát Đài dựng nước ở Mạc Bắc586 , đặt niên hiệu là Thiên Hội)587
[25a] Đinh Mùi, /Thiên Phù Khánh Thọ/ năm thứ 1 [1127] , (Tống Tĩnh Khang năm thứ 2, từ tháng 5 về sau là Cao Tông Cấu, Kiến Viên năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, cho Ngự khổ thư gia là Phạm Tín làm Phán sự phủ Thanh Hóa.
Tháng 2, các quan dâng tôn hiệu gia thêm bốn chữ: Khoan Từ Thánh Thọ.
Từ tháng giêng đến tháng 2 mưa dầm, sai quan làm lễ cầu tạnh.
Viên ngoại lang là Nguyễn Nghĩa Trường dâng con rùa ba chân, mắt sáu con ngươi.
Tháng 3, thủ lĩnh châu Nông588 là Dương Tuệ dâng hai khối vàng sống (gọi là vàng) Trường thọ.
Mùa hạ, tháng 4, vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem gặt.
Mưa thóc.
Tháng 5, nhà sư Cao Đình dâng chim sẻ trắng.
Mùa thu, tháng 7, ngày Đinh Tỵ, khánh thành chùa Trung Hưng Diên Thọ.
Mùa đông, tháng 11, Khâm Châu nước Tống đưa trả nghịch đảng ở châu Quảng Nguyên là bọn Mạc Thất Nhân.
Tháng 12, sao Thiên Cẩu sa xuống, có tiếng kêu như sấm.
Gả công chúa Diên Bình cho thủ Lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh.
[25b]Vua không khỏe, gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm vào nhận di chiếu rằng: "Trẫm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào! Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì? Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng bị ốm, bệnh kéo dài, [26a] sợ không kịp nói đến việc nối ngôi. Mà thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ589 , có nhiều đại đội, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta truyền nhgiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được. Này Bá Ngọc, ngươi thật có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ aó trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng; từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thật lòng kính nghe lời trẫm, báo rõ cho các vương công, bày tỏ trong ngoài".
Ngày Đinh Mão, vua băng ở điện Vĩnh Quang.
[26b]Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Về thời đại thuận ngày xưa, người làm vua biết giữ tín đạt thuận, tới được mức trung hòa, cho nên bấy giờ trời không tiếc đạo, đất không tiếc của báu, móc ngọt tuân sa, rượu thơm suối chảy, cỏ chỉ nảy mọc, mà các vật điềm lành như rồng, phượng, rùa, lân, không giống gì không đến. Thời Nhân Tông, sao các vật điềm lành nhiều đến thế? Là vì nhà vua thích, cho nên bề tôi dâng xằng mà thôi.
Hoàng thái tử lên ngôi trước linh cữu. Hạ lệnh cho Vũ vệ Lệ Bá Ngọc truyền bảo quân hầu và các quan văn võ lui ra ngoài cửa Đại Hưng, sai các người giữ thành đóng cửa canh phòng cẩn mật, không cho ai ra vào. Lại sai cấm quân cầm binh khí đứng ở dưới điện Thiên An, rồi cho lệnh mở cửa nách bên hữu, gọi các quan vào long trì sai Bá Ngọc truyền bảo các vương hầu và các quan văn võ rằng: "Không may tiên đế lìa bỏ bầy tôi, ngôi trời không thể bỏ không lâu ngày. Ta còn ít tuổi, cố gượng nối ngôi, các khanh nên bền mãi một lòng590 , giúp đỡ nhà vua, không những để không phụ lòng tiên đế chú ý trông mong mà còn để con cháu các khanh đời đời hưởng lộc vị". Các quan đều lạy mừng và thương khóc. Sai nội nhân là Đỗ Thiện, xá nhân là Bồ Sùng đem việc ấy báo với Sùng Hiền hầu. xuống chiếu cho các hương ấp trong nước đều yên nghiệp như cũ, không được chứa giấu giặc cướp trốn tránh và những kẻ đánh nhau giết người.
Ngày Nhâm Ngọ, các quan dâng biểu xin quàn linh cữu ở điện Hồ Thiên. Ngày Quý Mùi, các quan mặc áo trở ở ngoài gác Vĩnh Bình. Ngày Giáp Thân, các quan dâng biểu xin vua ngự chính diện.
Ngày Ất Dậu, vua bắt đầu ngự điên Thiên An coi chầu. xuống chiếu cho các quan bỏ áo trở. Ngày hôm ấy vua ngự giá đi Na Ngạn591 xem các cung nữ lên [27b] dàn thêu để chết theo Đại Hành Hoàng Đế.
Lê Văn Hưu nói: Trẻ nhỏ lên 3 tuổi thôi bế ẵm mới rời khỏi cha mẹ, cho nên từ thiên tử cho đến dân thường, tuy sang hèn khác nhau, mà tình thương nhớ 3 năm thì là một. Thế là để báo đền công khó nhọc của cha mẹ vậy. Huống chi Thần Tông được Nhân Tông nuôi nấng trong cung, không ơn gì hậu bằng, đáng lẽ phải tang hết mức buồn, tế hết mức kính, để báo đáp mới phải. Nay chưa được một tháng mà đã bảo các quan bỏ áo trở, chưa đến lễ tốt khốc mà đã đón hai phi hậu vào cung, không hiểu bấy giờ lấy gì để làm khuôn mẫu cho thiên hạ và biểu đạt với các quan? Thần Tông còn nhỏ tuổi, bầy tôi trong triều cũng lấy việc để tang ngắn làm may, không ai có một lời nói đến. Có thể bảo là trong triều không có người vậy
[28a].Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông thánh học cao minh, hiểu sâu cớ sống chết, như lẽ tất nhiên có ngày thì có đêm. Lời di chiếu nói rất thấu lẽ, đủ biết cái ý "không gõ chậu hát ca, đến lúc tuổi già than tiếc"592 . Dạy người như thế thật sâu xa vậy, tuy nhiên, ở Nhân Tông thì đó là lời nói sáng đạo, mà ở Thần Tông thì lại là việc làm thất hiếu. Văn Hưu bàn thế là phải.
THẦN TÔNG HOÀNG ĐẾ
Húy Dương Hoán, cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu, do phu nhân họ Đỗ sinh ra. Khi mới lên 2 tuổi, được nuôi trong cung, lập làm hoàng thái tử. Nhân Tông băng, bèn lên ngôi báu. Ở ngôi 11 năm [1128 - 1138], thọ 23 tuổi [1116 - 1138] băng ở điện Vĩnh Quang. Vua khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nặt khúc nôi, không gì sai lệch. Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả. Song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng [28b] quý gì.
Mậu thân, Thiên Thuận593 năm thứ 1 [1128], (Tống Kiến Viêm năm thứ 2). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, Bính Tuất, đổi niên hiệu, đại xá. Tôn mẹ nuôi là Trần Anh phu nhân làm Hoàng Thái hậu.
Xuống chiếu rằng: Phàm dân có ruộng đất bị sung công cùng là bị tội phải làm điền nhi thì đều được tha cả. Các tăng đạo và dân phải làm lộ ông594 cũng được miễn.
Cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng, theo chế độ xưa.
Ngày Mậu Tý, tôn thụy hiệu cho Đại Hành Hoàng Đế là Hiếu Từ Thánh Thần Văn vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Nhân Tông.
Ngày Kỷ Sửu, biếm Đại liêu ban Lý sùng Phúc vì khi đi qua cửa thành Tây Dương, người tuần lại hỏi mà không trả lời.
Ngày Tân Mão, xuống chiếu rằng nước đang có tang, dân chúng không được cưỡi ngựa và đi võng màu lam, xe che màn.
Ngày Canh Tý, vua bắt đầu ngự kinh diên [nghe giảng học].
Ngày Tân Sửu, lấy Nội [29a] vũ vệ Lê Bá Ngọc làm Thái úy, thăng tước hầu; Nội nhân hỏa đầu Lưu Ba, Dương Anh Nhĩ làm Thái Phó, tước Đại liêu ban; Trung thừa Mâu Du Đô làm Gián nghị đại phu, thăng trật chư vệ; Nội nhân hỏa đầu Lý Khánh, Nguyễn Phúc, Cao y làm Thái Bảo, tước Nội thượng chế; Nội chi hậu quản giáp Lý Sơn làm Điện tiền chỉ huy sứ, tước Đại liêu ban; Linh nhân595 Ngô Toái làm Thượng chế; Ngự khố thư gia Từ Diên làm Viên ngoại lang. Lại ban tiền lụa cho Bá Ngọc, [Lưu] Ba và [Mâu] Du Đô đến tận nhà đem lễ vật của Nhân Tông ban cho Sùng Hiền hầu.
Ngày Quý Mão, sai người ở Hoà Trại cáo phó với nhà Tống và báo việc lên ngôi. (Khi ấy Tống Cao Tông lánh người Kim qua sông [Trường Giang] đóng đô ở phủ Lâm An596 . Ngày Giáp Thìn, xuống chiếu cho Đô phi kỵ mang di [29b] chiếu của Nhân Tông và việc vua lên ngôi sang báo cho Chiêm Thành. Phát vàng và lụa trong kho ban cho các quan theo thứ bậc khác nhau.
Ngày Mậu Thân, trường Quang lang dâng 9 chiếc thuyền của người buôn nước Tống trôi giạt.
Đỗ Vũ Thắng là Quách Ti dâng cây đào cao 4 tấc có hoa.
Ngày Kỷ Dậu, cho Đào Thuấn làm Trung thư sảnh viên ngoại lang hành tây thượng cáp môn sứ, Thượng thư sảnh viện ngoại lang Lý Bảo thần hành đông thượng cáp môn sứ, Phạm Thưởng, Đỗ Lục,
Khổng Nguyên, Phạm Bảo, Kim Cát, Lý Khái, Đào Lão, Nguyễn Hoàn làm Viên ngoại lang thượng thư sảnh; Lương Cửu, Đào Sâm, Quách Thục, Nguyễn Nhân, Nguyễn Khánh, Đào Tương, Quách Cự Tầm, Nguyễn Thối làm Trung thư hoả; Lý Ngũ, Kiểu Nghĩa, Lý Cá, Nguyễn Biếm, Nguyễn Bộc, Nguyễn Khoan, Đào Lục, Đỗ Ký, Kiểu Thiệu làm Chi hậu thư gia.
Ngày Quý Sửu, xuống chiếu cho Gián nghị đại phu Mâu Du Đô chọn quân Long Dực cũ làm các quân tả hữu Ngọc Giai, Hưng Thánh, Quảng Thành, vũ [30a] Đô.
Ngày Giáp Dần, hơn 2 vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh.
Tháng 2, ngày Ất Mão, xuống chiếu tha cho cá tội nhân ở phủ Đô hộ. Ngày Nhâm Tuất, xuống chiếu tha cho 130 người bị biếm truất.
Ngày Quý Hợi, Lý Công Bình đánh bại người Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính.
Ngày Ất Sửu, các quan dâng tôn hiệu là Thuận Thiên Quảng Vận Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng Đế. Vua bảo các quan rằng: "Trẫm còn trẻ thơ, nối nghiệp lớn của tiên thánh, mà thiên hạ yên tĩnh, trong cõi sợ uy, đều là nhờ sức của các khanh. Các khanh nên cẩn thận giữ chức, chớ có lười biếng qua quít để giúp cho trẫm những chỗ còn thiếu sót".
Lập Lý thị làm Hoàng hậu. Trước đó vua sai Viên ngoại lang Lý Khánh Thần và [30b] vợ đi đón con gái của Điện tiền chỉ huy sứ Lý Sơn, Viên ngoại lang Trần Ngọc Độ và vợ đi đón con gái của Lê Xương là cháu chú bác của Thái úy Lê Bá Ngọc, sách lập con gái của Sơn làm Lệ Thiên Hoàng hậu, con gái của Xương làm Minh Bảo phu nhân. Thăng trật ký hầu cho Lý Sơn coi việc quân sự ở lạng Châu, ban cho [Lê] Xương tước Đại liêu ban.
Mưa dầm.
Ngày Đinh Mão, các quan dân biểu mừng vua lên ngôi.
Lá phướn của hai chùa Thiên Long và Thiên Sùng không gió mà tự lay động như múa. Vua ngự xa giá đến hai chùa ấy để lễ tạ.
Thư báo thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư.
Ngày Mậu Thìn, vua ngự đến hai cung Thái thanh, Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn Phật và Đạo đã giúp ngầm cho Công bình đánh được người Chân Lạp.
Lê Văn Hưu nói: Phàm việc trù tính ở trong màn trướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là [31a] công của người tướng giỏi cầm quan làm nên thắng lợi. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ.
Ngày Canh Ngọ, vua ngự điện thiên an xem quốc nhân hội thề ở Long Trì597 . Nhân đó xuống chiếu phát quần áo, tiền lụa trong Nội phủ để ban cho.
Ngày Giáp Tuất, xuống chiếu cấmgia nô và tạo lệ của các quan không được lấy con gái lương dân.
Hoàng hậu Lệ Thiên và phu nhân Minh Bảo về thăm nhà.
Sai Gián nghị đại phu Mâu Du Đô đến phủ Thiên Đức chọn đất tốt để xây sơn lăng của Nhân Tông.
Tháng 3 [ 31b] Lý Công Bình đem quân về kinh sư, dâng tù 169 người.
Cho nội lệnh thư gia Phí Công Tín làm Phụng nghị lang, Nội thư gia Ngụy Quốc Bảo làm Tả ty. Vua xem đại hội Linh quang, cho Công Tín và Quốc Bảo làm Nội thường thị.
Mùa hạ, tháng 4, hạn. Vua trai giới ăn chay cầu đảo, được mưa.
Tháng 5, độ cho lão binh đô tào là bọn Vũ Đại bốn người làm tăng.
Xuống chiếu miễn thuế dịch cho 100 người họ của Thần Anh thái hậu có biên tên ở sổ.
Xuống chiếu rằng những việc kiện tụng đã phán xử dưới các triều Tổ, Tông598 rồi thì không được đem bàn tâu lên nữa, làm trái thì bị tội.
Tháng 6, xuống chiếu cho đại thần và các quan chức đô hội thề ở ngoài cửa Đại Hưng. Dự định làm lễ đưa táng Nhân Tông.
An táng Nhân Tông ở lăng Thiên Đức.
Lấy ngày sinh nhật của vua là tiết Thiên thụy.
Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì [hôm ấy] là ngày lễ Vu Lan [32a] bồn cầu siêu cho Nhân Tông nên không đặt lễ yến.
Tháng 8, xuống chiếu cho Lưu Khánh Đàm và Mâu Du Đô chọn các quan chức đô.
Ngày Giáp Tuất, đưa di chiếu của Nhân Tông cho các quan xem (chiếu này đã chép ở trên).
Người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia599 ở châu Nghệ An, có đến hơn 700 chiếc thuyền. Xuống chiếu sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hoá và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được.
Mùa đông, tháng 11, lấy Thái uý Lê Bá Ngọc làm Thái sư, đổi làm họ Trương.
Đày nguời [phạm tội] ở châu Quảng Nguyên đến phủ Thanh Hoá.
Châu Nghệ An đệ tâu một phong quốc thư của nước Chân Lạp, xin sai người sang sứ nước ấy. Vua không trả lời.
Kỷ Dậu, [Thiên Thuận] năm thứ 2 [1129], (Tống Kến Viêm năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, nhập nội điện trung là Lý An Dậu dâng hươu trắng. Cho An Dậu tước Đại liêu ban.
Thái úy Dương Anh Nhĩ dâng hươu trắng.
Mở [32b] hội khánh thành 8 vạn 4 nghìn bảo tháp ở gác Thiên Phù600 .
Ngày Giáp Ngọ, tôn thân phụ là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, ở tại cung Động Nhân.
Lê Văn Hưu nói: Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ để là Đô thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy Vương và phu nhân Trương thị, để tõ ra một gốc mới phải. nay lại phong Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng, Đỗ thị làm hoàng thái hậu,chả hoá ra hai gốc ư? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mâu Du [33a] Đô lại không biết lễ nên mới như thế.
Tháng 2, vua trai giới để cầu mưa.
Thân vương ban Lý Lộc tâu ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được. Cho Lộc tước Đại liêu ban.
Xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông thường nhân việc mở hội [Phật] mà tha cho người có tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mượn tiếng hội Phật. Còn như vua [Thần Tông] thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ, năm bậc hình phạt, có trên có dưới, sao lại có thể tha bổng được, nếu nhất loạt tha cả thì kẻ tiểu nhân may mà được khỏi tội, đó không phải là phúc cho người quân tử. Cho nên thời xưa nói về đạo trị nước, tuy nói rằng không thể không xá tội, nhưng cũng cho rằng xá tội là có hại. Tha lỗi [33b] thì được, tha tội thì không được. Kinh dịch nói: "tha lỗi,giảm tội" Kinh thư nói: "Lầm lỗi thì tha cho, cố phạm thì trị tội". Thế là phải.
Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng tâu rằng, rừng ở Giang Để601 có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt được. Thăng Tử Khắc làm Khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu.
Lê Văn Hưu nói: Phàm người xưa gọi là điềm lành, là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Huống chi chim quý thú lạ không nuôi ở quốc đô cũng là lời khuyên răng của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc (Lộc và Tử Khắc nguyên là họ Lý, Văn Hưu kiêng huý nhà Trần nên gọi là họ Nguyễn) dâng hươu trắng, cho là vật điềm lành, cho Lộc tước đại liêu ban, cho Tử Khắc tước [34a] minh tự, thì cả người thưởng và người nhận thưởng đều sai cả. Tải sao vậy? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là lạm thưởng. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, thế là dối vua.
Đại thủ lĩnh châu Tây Nông là Hà Văn Quảng dâng hai khối vàng sống cộng nặng 33 lạng 5 đồng cân.
Mùa Hạ, tháng 6, Nhập nội Long đồ là Mâu Du Đô dâng ngựa trắng bờm đen, bốn chân có cựa.
Cho Nội thường thị Phí Công Tín làm Tả ty lang trung, Ngụy Quốc Bảo làm Viên ngoại lang.
Mùa Thu, tháng 8, làm thần chủ của Nhân Tông Hoàng Đế ở Linh Điện. Rắn thanh trúc quấn ở ngai báu.
Tháng [8] nhuận, ngày Nhâm Ngọ, rước thần vị của Nhân Tông Hoàng Đế vào thờ ở Thái Thất.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiên vương đặt lễ thờ người chết cũng như hầu hạ khi còn sống, cho nên làm [mộc] chủ để tượng trưng cho thần, thế thì [mộc] chủ là chổ dựa của thần. Tế ngu rồi mới làm thần chủ, tế luyện rồi mới đổi thần chủ, [34b] đổi thần chủ xong rồi mới thờ chung vào Thái Miếu, lễ tiết là như thế. Nhân Tông đã chôn từ tháng 6 năm trước, đến đấy đã mười bốn tháng, kỳ tế luyện cũng quá lâu rồi mà bây giờ mới làm thần chủ để thờ chung vào Thái Miếu, thế là để chậm và bất kính quá lắm.
Ngày Giáp Thân, người nung ngói ở cung Động Nhân là Nguyễn Nhân dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có hai chữ " Phổ nhạc".
Xuống chiếu rằng nô tỳ của vương hầu và các quan không được cậy thế đánh đập quan quân và bách tính, kẻ nào phạm thì gia chủ phải tội đồ, nô sung làm quan nô.
Mùa Đông, tháng 10, thăng cho Tả ty Phí Công Tín làm Chư vệ, ban cho họ Lý.
Tháng 12, người giữ voi là Chu Hội dâng rùa trắng.
Lấy Nội thường Đỗ Nguyên Thiện làm Tham tri chính sự, giữ phủ Thanh Hoá; Ngự khố thư gia Phạm Tín làm Viên ngoại lang.
[35a] Canh Tuất, [Thiên Thuận] năm thứ 3 [1130], (Tống Kiến Viêm năm thứ 4).
Mùa Xuân, tháng giêng, xuống chiếu cho con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng.
Lê Văn Hưu nói: Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn dắt, không phải để cung phụng riêng cho vua. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có gia thất, thánh nhân thể lòng ấy còn sợ kẻ sất phu sất phụ không được có nơi có chốn.
Cho nên Kinh Thi tả sự ấy trong thơ "Đào yêu" và thơ "Siếu hữu mai" để khen việc lấy chồng kịp thì và chê việc để lỡ thì vậy. Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi xong việc tuyển người vào cung rồi mới được lấy chồng, thế là để cung phụng cho riêng mình, đâu phải lòng làm cha mẹ của dân?
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua bấy giờ chưa đến tuổi hai mươi, ra lệnh ấy là muốn tuyển con gái các quan sung vào hậu cung thôi. Việc ấy chưa lấy gì làm quá. Còn như đánh được giặc mà [35b] quy công cho Phật, dâng hươu mà làm đem tước trật cho người đều là do tính trẻ thơ mà không ai giúp can ngăn. Nếu có người lấy chí thành mà cảm, dùng lời nói khéo mà khuyên, thì vua vốn tư chất thông minh, tất thế nào cũng nghe theo.
Quản giáp nội tác là Chu Thủy dâng cá diếc vàng. Lấy ngự khố thư gia Lương Cải giữ phủ Thanh Hoá.
Tháng 3, người nước Chiêm Thành là Ung Ma, Ung Câu sang quy phụ.
Tháng 5, quản giáp Phù Thu Liễu là Phí Nguyên dâng chim sẻ trắng.
Thái thượng hoàng băng, thụy là Cung Hoàng.
Tháng 6, hạn, làm lễ cầu mưa.
Mùa Thu, tháng 9, mưa dầm, làm lễ cầu tạnh.
Vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền.
Xuống chiếu tha tù giam ở phủ Đô hộ.
Mùa Đông, tháng 10, vua ngự điện Thiên Linh duyệt sáu quân, định các cấp bậc.
Nhà Tống sai sứ mang ấn báu và sắc vàng sang phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương602 .
Tháng 11, Chiêm Thành sang cống.
Tháng 12, vua đánh cầu ở Long Trì, cho sứ nước Chiêm Thành vào hầu xem. Mở hội khánh thành chùa Quảng Nghiêm Tư Thánh. Tha cho những người có tội. Sai Viên ngoại lang là Lý Phụng Ân và Lệnh thư gia là Doãn Anh Khái sang nước Tống đáp lễ.
Tân Hợi, [Thiên Thuận] năm thứ 4 [1131] , (Tống Thiệu Hưng năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, dựng hai gác ở trong điện Diên Hòa.
Tháng 2, Hoàng đệ là Tinh chết (con của Sùng Hiền hầu).
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cấm gia nô cuả các vương hầu, công chúa và các quan không được lấy con gái của các quan chức đô và bách tính.
Cấm con gái dân gian không được bắt chước kiểu búi đầu tóc như cung nhân.
Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to.
Chủ đô Nhiễm hoành là Hà Nhi dâng chim sẻ trắng.
Dựng nhà cho đại sư Minh Không.
Mùa thu, tháng 7, các quan dâng biểu mừng [36b] được mùa.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:Các triều thần bấy giờ xiểm nịnh quá lắm! Tháng 5, đại hạn, cầu đảo may mà được mưa, đến tháng 7, thì lúa hè đã quá vụ, mà lúa thu chưa chín, đã vội cho là được mùa, dâng biểu chúc mừng. Nếu đến tháng 9, tháng 10, mà gặp lụt hạn hay bị sâu cắn thì đối với tờ biểu mừng ấy thế nào?
Tháng 9, mở vườn bảo hoa.
Xuống chiếu cho Mâu Du Đô coi châu Nghệ An.
Tháng ấy mưa lâu ngày, làm lễ cầu tạnh.
Muà đông tháng 10, Ngự tiền chỉ huy sứ là Vương Cát tâu là có dấu vết thần giáng ở Long Trì trước lầu chuông bên tả, dấu dài 9 tấc 5 phân, rộng 5 tấc.
Hoàng đệ là Chu Cá chết.
Tháng 12, người ở hương Thái Bình là Nguyễn Mãi dâng hươu trắng. Người lính ở Tả Vũ Tiệp là [37a] Đỗ Khánh dâng cá xương công (tức là cá hầu)603 sắc vàng. Vua cho là điềm lành, xuống chiếu cho các quan chúc mừng. Cáp môn sứ Lý Phụng Ân tâu rằng:"con cá ấy là vật nhỏ mọn mà bệ hạ lấy làm điềm lành. Nếu có lân phượng đến thì bệ hạ cho là vật gì?". Vua khen lời nói phải.
Nhâm Tý, [Thiên Thuận] năm thứ 5 [1132] , (Tống Thiệu Hưng năm thứ 2). Mùa hạ, tháng 4, đêm có rồng vàng từ điện Vĩnh Quang hiện ra ở cung Lệ Quang604 .
Tháng 5, ngày mồng 1, hoàng thứ trưởng tửlà Thiên Lộc sinh, sau phong làm Minh Đạo Vương.
Tháng [5], nhuận, hoàng trưởng nữ sinh, rồi chết.
Tháng ấy, gió bão làm đắm thuyền Diên Chương.
Mùa thu, tháng 7, người nước Chiêm Thành là bọn Cụ Bàn trốn về nước, đến trại Nhật Lệ605 bị người trại ấy bắt được, giải về Kinh sư.
Tháng 8, Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An.
Hỏa đầu quân Tã Vũ Lâm và Đỗ Quảng dâng cá xương công.
Xuống chiếu cho Thái uý Dương Anh Nhĩ đem người ở phủ Thanh Hóa [37b] và châu Nghệ An đi đánh quân Chân Lạp và Chiêm Thành, phá tan.
Châu mục châu Chân Đăng là Lê Pháp Quốc dâng hươu đen.
Tháng 9, Lệnh hỏa đầu ở đô Phụng vệ là Đinh Ngưu dâng hươu trắng.
Lệnh thư gia châu Nghệ An là Trần Lưu dâng ba người Chiêm Thành. Trước đây bọn người này thường ẩn nấp ở chổ hiểm yếu, bắt người châu Nghệ an đem bán cho người nước Chân Lạp, Lưu đặt phục binh ở chổ ấy, bắt được đem dâng.
Mùa đông, tháng 10, sai Viên ngọai lang Lý Phụng Ân và Phụng nghị lang Doãn Anh Khái sang nước Tống đáp lễ.
Dựng điện Cảm Linh và gác Phụng Thiên.
Tháng 12, vua đón xuân ở đình Quảng Văn. Khánh thành điện Cảm Linh, ban yến cho các quan.
Thượng thư Lý Nguyên bị tội, chết ở trong ngục, vì con gái của Nguyên là thứ phi Chương Anh có lỗi.
Nhà Tống phong vua làm Giao Chỉ Quận Vương.
[38a] Giáp Dần, Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 2 [1134] , (Tống Thiệu Hưng năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, cho Viên ngoại lang Ngụy Quốc Bảo tước Đại liêu ban.
Dựng hai chùa Thiên Ninh, Thiên Thành và tô tượng Đế Thích. Vua ngự đến xem.
Lệnh thư gia Nguyễn Mỹ dâng con ngựa màu hoa đào, đầu xanh, bốn chân mọc sáu cựa (hai chân trước đều một cựa, hai chân sau đều hai cựa).
Tháng ấy mưa lâu, làm lễ cầu tạnh.
Tháng 3, vua ngự đến quán Ngũ Nhạc.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cấm các viên chi hậu và nội nhân hỏa đầu không được tự tiện ra ngoài, ai trái thì khép tội nặng, nếu có việc công phải tâu trước rồi mới được ra.
Tháng 5, khánh thành điện Vĩnh Quang mới sửa chữa.
Phạm Tín ở châu Nghệ An và Lệnh tư gia là Trần Lưu dâng hươu trắng.
Hỏa đầu quân Hữu Ngự Long là Quách Tư dâng ngọc thiềm thừ606 hình dạng như [38b] mắt cá. Vua nói: "Đó là vật nhỏ mọn, không đáng quý". Không nhận.
Người lính ở quân Hữu Hưng Vũ607 là Vương Cửu dâng con rùa mắt có sáu con ngươi, trên ức có nét chũ Trựu608 , xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo biện nhận, đọc thành tám chữ: "Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế".
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Rùa là vật linh thiêng vì nó có thể báo điềm trước, nhưng đời nào cũng thường có, không như rồng phượng và kỳ lân ít thấy. Thế mà đương thời cho rùa là điềm lành mà đem dâng cho nhiều thế là làm sao? Còn như trên ức có nét chữ chỉ là những vết trắng, nét đen xen nhau mà thôi, bầy tôi nhận là văn tự, đó là chiều ý vua mà nói nịnh thôi, có phải thực có chữ đâu. Cho nên người làm vua phải cẩn thận sự ưa chuộng.
Táng 6, Hoàng bà là Vương Bà Lịch chết.
Mùa thu, tháng 7, rồng vàng ban đêm hiện ở điện Vĩnh [39a] Quang.
Mùa đông, tháng 11, sửa lại điện Diên Sinh và quán Ngũ Nhạc.
Tháng 12, Thành Đạo hầu (không rõ tên) chết.
Bầy tôi dâng thêm tôn hiệu là Thuận Thiên Duệ Vũ Tường Linh Cảm Ứng Khoan Nhân Quảng Hiếu Hoàng Đế. Đại xá cho thiên hạ.
Ất Mão, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 3 [1135] , (Tống Thiệu Hưng năm thứ 5). Mùa xuân, tháng giêng, lấy Ngự khố thư gia là Dương Chưởng giữ phủ Thanh Hóa.
Tháng 2, hai nước Chân Lạp và Chiêm Thành sang cống.
Tháng 3, Khánh Thiện hầu (không rõ tên)609 chết.
Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho Tả ty lang trung Lý Công Tín ra vào cung cấm để tâu việc, không được ngăn cấm.
Vua ngự đến quán Ngũ Nhạc để khánh thành tượng Tam tôn610 bằng vàng bạc.
Cho Viên ngoại lang Ngụy Quốc Bảo làm Tả y lang trung.
Từ mùa xuân đến mùa hè không mưa.
Tháng 5, ngày mồng 1, có mưa.
Tháng 6, Chi hậu thư gia là Lý Xương và nhà sư ở chùa Quán Đính611 là Nguyễn Minh đều [39b] dâng chim sẻ trắng.
Xuống chiếu rằng những người đã bán ruộng ao không được trả tăng tiền lên mà chuộc lại, làm trái thì phải tội.
Mùa thu, tháng 7, Thái sư Trương Bá Ngọc612 chết.
Mùa đông, tháng 12, mở hội độ tăng613 ở Nghênh Tiên đường.
Mở đàn chay khánh thành ở điện Diên Sinh.
Đóng 3 chiếc thuyền Nhật Đỉnh, Thanh Lan, Diên Minh.
Bính Thìn, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 4 [1136] , (Tống Thiệu Hưng năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, mở vườn Diên Quang tại hương Lãnh Kinh614 .
Thấy chuông lớn thời xưa.
Tháng 2, Thành Hưng hầu (không rõ tên) chết.
Tháng 3, Thái uý Lưu Khánh Đàm chết.
Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này).
Mùa hạ, tháng 4, Hoàng bà là Lã A Mãi ốm chết.
[40a]Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách chép các đế vương chưa có chỗ nào chép việc hoàng bà chết, mà trong đời Thần Tông thấy chép hai lần, có lẽ là vua đặt cách gia phong ân tứ trọng hậu cho các bảo mẫu, cho nên sử thần theo đó mà chép chăng ?
Hoàng trưởng tử Thiên Tộ sinh. Các quan dâng vàng bạc tiền lụa và biểu mừng.
Tháng 6, cho Tả ty lang trung Lý Công Tín615 làm Thiếu sư, tước Minh tự.
Mùa thu, tháng 9, Gián nghị đại phu Mâu Du Đô bị bãi chức.
Mùa đông, tháng 10, Thái uý Dương Anh Nhĩ chết.
Tháng 12, ngày lập xuân, vua ngự điện Sùng Uyên, các quan dâng biểu mừng. Ngày ấy gặp ngày quốc kỵ, cho nên lại đặt biểu này.
Hỏa đầu đo Tả Hưng Thánh là Tô Vũ dâng rùa thần, ở ức có nét chữ Trựu. các quan nhận ra bốn chữ "Nhất Thiên Vĩnh Thánh".
Vua ngự đến [40b] phủ Thanh Hóa xem bắt voi.
Đinh Tỵ, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 5 [1137] , (Tống Thiệu Hưng năm thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng616 cướp châu ấy. Xuống chiếu cho thái uý Lý Công Bình đem quân đi đánh.
Tháng 2, châu Nghệ An động đất, nước sông đỏ như máu. Công Bình sai Nội nhân hỏa đầu Đặng Khánh Hương về Kinh sư đem việc ấy tâu lên.
Công Bình đánh bại người Chân Lạp.
Tháng 3, Đại liêu ban Nguyễn Công Đào dâng rùa trắng.
Vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to.
Mùa hạ, tháng 4, hoàng tử thứ ba (không rõ tên) sinh.
Tháng 5, Thiếu sư Lý Công Tín dâng một khối vàng sống, nặng 47 lạng.
Tháng 6, hạn xuống chiếu cho Nguyễn Công Đào đến Vu đàn617 ở phía nam làm lễ cầu mưa.
Mùa thu, tháng 9 , mở hội khánh thành chùa Linh Cảm, tha [41a] người có tội trong nước.
Xuống chiếu rằng: Trong ngoài kinh thành cứ ba nhà làm một bảo, để giám sát các quan chức đô coi triều ban không được đem con mình cho người khác nuôi làm con để nhờ cậy nhà quyền thế. Kẻ nào không có quan ấm618 mà can phạm thì bắt giữ tâu lên. Người một bảo mà không giám sát nhau thì cùng một tội với can phạm.
Mùa đông, tháng 10, ngày Nhâm Ngọ, vua ngự đến hành cung Ly Nhân xem gặt.
Ngày Ất Sửu, hoàng nữ thứ hai sinh, sau phong làm Thuỵ Thiên công chúa.
Tháng 12, vua về đến Kinh sư.
Cho Ngự khố thư gia coi phủ Thanh Hóa là Dương Chưởng làm Viên ngoại lang.
Mậu Ngọ, [Thiên Chương Bảo Tự] năm thứ 6 [1138] , (từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Anh Tông, Thiệu Minh năm thứ 1; Tống Thiệu Hưng năm thứ 8). Muà hạ, tháng 5, Nội nhân hỏa đầu là Hứa Viêm dâng một khối vàng sống nặng 66 lạng.
Tháng 6, hạn, sai Nhập nôi tả ty lang trung là Nguỵ Quốc Bảo triệu các quan hội bàn. Chư vệ là Phạm Tín [41b] xin đến Vu đàn làm lễ cầu mưa. Vua y theo.
Mùa thu, tháng 7, không mưa. Vua sai Hửu ty làm lễ cầu ở Vu đàn và chùa Báo Thiên.
Ban cho các quan aó mùa đông.
Tháng 9, vua không khỏe.
Lập Hoàng trưởng tử Tiên Tộ làm Hoàng thái tử. Trước vua đã lập Thiên Lộc làm con nối. Đến đây ốm, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đam của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi vua ốm nặng, sai soạn thảo di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh vua, nhưng nhớ lời dặn của ba phu nhân, cứ cầm bút mà không viết. một lát ba phu nhân đến, khóc lóc nghẹn ngào nói rằng: "Bọn thiếp nghe rằng đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng nghen ghét làm hại, [42a] như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao khỏi nạn? ". Vua vì thế xuống chiếu rằng:"Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương".
Ngày 26, vua đăng ở điện Vĩnh Quang, quàn ở thềm phía tây điện ấy. Các quan dâng tôn hiệu là Quảng Nhân Sùng Hiếu Văn Vũ Hoàng Đế, miếu hiệu là Thần Tông.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên ba tuổi. đổi niên hiệu là Thiệu Minh năm thứ 1. Đại xá cho thiên hạ. Tôn mẹ là Cảm Thánh phu nhân họ Lê làm Hoàng thái hậu.
Hội thề quốc nhân ở Long Trì.
Sai sứ sang cáo phó với nhà Tống.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thần Tông nối nghiệp lớn của tiên vương, làm thiên tử đời thái bình [42b], bỏ con đích trưởng còn bú mớm, muốn lập con thứ đã trưởng thành, là lấy việc lầm lỗi khi trước mình còn non dạ làm răn, nhưng rốt cuộc chí ấy không thành. Việc Từ Văn Thông ăn hối lộ thì đã rõ ràng. Lời nói của ba phu nhân thế là thẳng thắn, nhưng tiếc rằng khi ấy không gọi ngay kẻ đại thần biết khuông phò xã tắc mà uỷ thác con côi. Than ôi! Bề tôi gian tà giao kết với người ở trong cung đình để đến nỗi làm hỏng việc của người, từ xưa vẫn có. Song việc Từ Văn Thông và ba phu nhân này chẳng còn hơn việc dạy Vệ Vương619 phải vâng mệnh ư? Tuy thế truyền ngôi cho con đích là lẽ thường xưa nay, nếu được người giúp là bậc hiền như Y Doản, Chu Công giúp Thái Giáp và Thành ương thì để tiếng khen đời sau mãi mãi.

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

BA QUE XỎ LÁ

Ba que xỏ lá
___________
Nguyễn Dư
Bạn có biết thằng ba que xỏ lá là ai không ? Không biết... thằng phải gió, thằng mắc dịch này à ? Nếu vậy thì mời bạn cùng đi... đào mả, bới gia phả nhà nó, xem nó là con cái nhà ai mà đốn mạt thế ! Ngược dòng thời gian, chúng ta tìm được dấu vết xa xưa của ba que trong bài Phú tổ tôm  của Trần Văn Nghĩa, một người sống dưới thời Minh Mạng (1820-1840). Tác giả kể tên nhiều trò cờ bạc, trong đó có ba que :
 
" Lạt nước ốc trò chơi vô vị : tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao ;
" Ngang càng cua lối ở bất bình : xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thô suất.
(Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Phú Việt Nam cổ và kim, Văn Hóa, 1960, tr. 215).
Thời Tự Đức, Trần Tấn (tức Cố Bang) nổi lên chống Pháp. Ông bị ốm và chết năm 1874. Có người làm bài Vè Cố Bang đánh Tây :
 
(...)
Lính Tây, triều mang súng,
Kèn thổi " toét tò loe ",
Dưới cơn (cây) cờ ba que,
Quan Hồ Oai cưỡi ngựa (...)
(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ 19, Văn Học, 1970, tr. 406).
Ít lâu sau xỏ lá mới xuất hiện. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) đưa ra một trò chơi :
- Xỏ lá là cuộc chơi gian lận, cuộc gạt gẫm. Một người lấy giấy, lá dài xấp lại cùng vấn tròn, đố người khác lấy chiếc đũa cắm vào giữa khoanh tròn, như chiếc đũa không mắc trong cuốn giấy thì phải thua tiền (nếu mắc thì ăn tiền). Quân xỏ lá là quân điếm đàng, lận mạt.
Xỏ lá gian lận, gạt gẫm ở chỗ nào ? Trò chơi như vậy mà đã bị xem là điếm đàng, lận mạt rồi à ? Chết ! Chết ! Nếu vậy thì Đầu hồ của vua quan là... điếm đàng hạng sang hay sao ?
Tự điển Génibrel (1898) gọi thằng xỏ lá là thằng mưu mẹo, lừa dối.
Tương truyền năm 1906, Nguyễn Khuyến bị loà mắt, bị Chu Mạnh Trinh chơi xỏ, tặng cho một chậu hoa trà, thứ hoa có sắc nhưng không có hương. Nguyễn Khuyến " Tạ lại người cho hoa trà " bằng bài thơ " Sơn trà " trong đó có câu :
 
Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp
Tiêu sắt thần phong oán lạc dà
(Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi dà)
Hai câu thơ ý nói : Những trận gió to làm cho đài hoa rụng, ai cũng có thể biết được ; còn những hạt mưa nhỏ làm cho lá thủng, ít ai có thể trông thấy được, nên lại nguy hiểm hơn. (Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 138 và 408).
Sở Khanh, Bạc Hạnh bị Tản Đà vạch mặt:
 
Bộ xỏ lá trông đà lộn ruột,
Sức thơ đào nghĩ lại non gan.
Năm 1914, Phan Kế Bính biên soạn Việt Nam phong tục. Trong chương bàn về tính tình người Việt, ông chia đàn bà và đàn ông nước ta thành các hạng người: hiền phụ, lệnh phụ, xuẩn phụ và quân tử, thường nhân, tiểu nhân. Tiểu nhân là bọn tính tình gian giảo, phản trắc, (...), ăn trộm ăn cướp, xỏ lá ba que, đàng điếm, hoang toàng v.v.
Phan Kế Bính khai sinh thành ngữ Xỏ lá ba que, mở đường cho văn học sau này.
" Trời đất ôi ! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que !... (Phạm Duy Tốn, Con người Sở Khanh, Nam Phong, 1919).
***
Ngày nay, thành ngữ " Xỏ lá ba que " hay " Ba que xỏ lá " thường được dùng để chỉ chung bọn vô lại chuyên đi lừa người khác để kiếm lời (Nguyễn Lân), bọn xảo trá, đểu giả (Hoàng Phê), tụi gian lận (tricheurs), bất lương (malhonnêtes) (Gustave Hue), v.v....
Nguyễn Lân đi xa hơn, giải thích chi tiết :
- Ba que xỏ lá là một trò chơi ăn tiền trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Nhưng kẻ chủ trò vẫn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng ba que xỏ lá, hoặc thằng ba que, hoặc thằng xỏ lá. (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989).
Tuy nhiên, trò chơi của Nguyễn Lân không đơn giản, không phải ai cũng hiểu được cách chơi. Nhà cái nắm trong tay một cái que xỏ vào lá, và hai cái que không. Nhà cái chìa 3 đầu que ra cho người chơi rút. Nếu chỉ có vậy thì mưu mẹo bằng cách nào ? Nhà cái có tài thánh cũng không thể vừa nắm tay vừa tráo được cái que xỏ lá trước mặt người chơi. Thế mà người chơi bao giờ cũng thua thì... ma quái thật !
Không biết Phan Kế Bính, tác giả của Xỏ lá ba que, có biết trò chơi này không ?
Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa:
- Ba que là một cuộc đánh tiền bằng ba cái que của bọn keo hèn bày ra đánh ở đường ở chợ. Nghĩa bóng chỉ những người dối dá điên đảo.
- Xỏ lá là trò làm ra để lừa người ta mà kiếm tiền. Thường nói tắt là " xỏ " để trỏ người gian giảo lừa gạt, bợm bãi.
Ba queXỏ lá  dối dá, lừa gạt bằng cách nào ? Không biết.
Gốc gác hai thằng ba quexỏ lá sao mà mù mờ thế. Hôm nay được ngày trời tạnh mây quang, mời bạn đi tìm cho ra hai thằng này.
Ba que
Génibrel(1898), Gustave Hue (1937) nói trống không đánh ba que hay ba ngoe jeu de baguettes (trò chơi bằng que).
Trò chơi bằng que của ta thì có đánh khăng và đánh chuyền của trẻ con. Cả hai trò chơi đều không phải là" ba que ".
Người lớn có trò chơi dùng ba cái que. Đó là trò Chạy que của hội làng. Người ta dùng ba chiếc que xếp thành hình chữ H. Người tham dự trò chơi cầm hai chiếc que đặt song song của chữ H, cùng chạy đến đích. Ai đến trước mà chiếc que nằm ngang không rơi là thắng cuộc. Chạy que vui nhộn. Người chơi phải nhanh chân, khéo tay. Người giật giải hoàn toàn không gạt gẫm, lừa dối gì ai. Giở trò " ba que " ở sân đình thì trời đánh thánh vật cho chết không kịp ngáp. Chạy que chắc chắn không dính dáng gì với Ba que.
Pierre Huard, Maurice Durand (Connaissance du Vietnam, EFEO, 1954, tr. 248) cho biết Ba que giống Courte paille (que ngắn) của Pháp.
Courte paille là trò chơi rút thăm. Lấy một bó que có số que bằng số người chơi. Bẻ một que cho ngắn hơn các que khác. Người chủ trò trộn lẫn các que, nắm một đầu bó que, chìa đầu kia ra cho mọi người rút thăm. Ai rút trúng cái que ngắn là thắng cuộc.
Số que của Courte paille tuỳ thuộc vào số người chơi, không bắt buộc phải là " ba que ". Dù sao thì Courte paille cũng không gian lận, không mang nghĩa xấu.
Ba quan
Năm 1884, bác sĩ Hocquard than phiền về đám bồi người Việt :
Ces boys au service des Européens sont, pour la plupart, de petits vauriens sur qui il faut avoir en tout temps l'oeil ouvert. Ils ne couchent pas à la maison, mais en ville, et leur plus grande occupation, une fois leur service fini, est de jouer aux cartes ou au bacouën.
(Hầu hết đám bồi của người Âu là bọn chẳng ra gì, cần phải cảnh giác, đề phòng chúng. Bọn chúng không ngủ ở nhà, chỉ ngủ ngoài đường. Mối bận tâm lớn nhất của chúng là chờ hết công việc để rủ nhau chơi bài, hay chơi ba quen).
Philippe Papin ghi chú rằng bacouënba quan (trois ligatures, ba quan tiền). (Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 55)
Ba quan (Ba quan tiền) chơi như sau :
- Ce jeu populaire consiste à renverser sur une natte, où sont tracées trois cases numérotées sur lesquelles les joueurs ont misé, un bol plein de haricots que l'on compte ensuite quatre par quatre à l'aide d'une baguette ; si, à la fin du décompte, il n'en reste plus un seul, le croupier gagne ; s'il en reste un, deux ou trois, c'est le nombre de haricots restant qui indique la case gagnante (qui rapporte trois fois la mise) (Pierre Huard, Maurice Durand, sđd).
(Ba quan là trò cờ bạc bình dân. Chiếu bạc có ba ô để các con bạc đặt tiền. Nhà cái đổ một bát đầy đậu xuống chiếu, rồi dùng một chiếc đũa đếm từng bốn hạt đậu một. Cuối cùng, nếu không còn hạt nào, thì nhà cái được. Nếu còn lại một, hai hay ba hạt thì ô số một, số hai hay số ba được. Tiền được gấp ba lần tiền đặt).
Giải thích như vậy chưa thoả đáng. Bởi vì :
1) Trò chơi không bắt buộc phải đặt một quan tiền để được ăn thành ba quan.
2) Một quan tiền ngày xưa to lắm (Một quan là sáu trăm đồng, Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi...). Mấy đứa nhỏ làm bồi cho Tây (năm 1884-1886) chắc chắn trong túi không có sẵn một (hay nhiều) quan tiền để đi đánh bạc.
3) Nhà cái đổ bát đậu xuống chiếu, rồi đếm. Như vậy thì kết quả các lần chơi sẽ giống nhau sao? Vô lí. Đúng ra thì nhà cái có một bát đậu để bên cạnh, mỗi lần chơi thì bốc ra một nắm để đếm.
Báo L'Illustration (1884) có một bài phóng sự ngắn về một sòng bạc bakouan (ba quan) tại Bắc kì. Emile Nolly gọi trò cờ bạc của đám lính tập là bacouan (ba quan) (Hiên le maboul, Calmann-Lévy, 1925).
Bộ bưu ảnh của Dieulefils (khoảng đầu thế kỉ 20) có tấm " Trẻ con chơi bakouan " (Do-Lam Chi Lan, Chants et jeux traditionnels de l'enfance au Viêt Nam, L'Harmattan, 2002, tr. 305). Tấm ảnh cho thấy ba quan chơi bằng mấy đồng tiền, gần giống như xóc đĩa. Trò chơi không có đậu, không dùng que để đếm. Ba quan của Dieulefils khác ba quan của Huard, Durand và Papin.
Ba quan  không phải là ba quan tiền (trois ligatures). Nếu trò chơi có 3 cửa để đặt tiền thì Ba quan nên được hiểu là 3 cửa (quan nghĩa là cửa) chăng ?
Ba quan là trò cờ bạc may rủi. Nhà cái không cần gian lận, cuối cùng vẫn được vì cách chơi có lợi cho nhà cái. Ba quan không phải là ba que. Tuy nhiên :
" Chưa bao giờ ở nước ta, chế độ học tập và khảo thí lại đẻ ra nhiều bọn người vô tài vô hạnh đến thế. Đã dốt nát, chúng lại hay khoe chữ, đề thơ bừa bãi trên tường các đền chùa và Phạm Thái rất khinh ghét chúng ". Lại Ngọc Cang gọi bọn này là bọn  sinh đồ ba quan (Lại Ngọc Cang, Sơ kính tân trang, Văn Hoá, 1960, tr. 37).
Ba quan là vô tài vô hạnh, dốt nát, khoe khoang. Ba quan có nghĩa xấu. Tiếc rằng các từ điển của ta không có từ này.
Bakouan của Dieulefils, hay ba quan của Huard, Durand khá cồng kềnh, lích kích (bát, đĩa, đũa, đậu). Mấy bác lính tập của Nolly không thể mang theo trong mình được. Trò cờ bạc bacouan của các bác có thể là trò ba quân.
Ba quân
Người Pháp đưa bộ bài tây (bài ít xì) vào nước ta. Một số trò cờ bạc mới bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt là trò Ba quân, có nơi gọi là Ba lá.
Ba lá là một cuộc đánh tiền, lấy ba quân bài tây đảo đi đảo lại, ai đặt tiền vào trúng quân ông lão thì được. Nghĩa bóng chỉ những đứa hèn hạ ( Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Ba quân hay Ba láBonneteau của Pháp.
Ba quân hoàn toàn nhờ vào tài tráo bài của nhà cái và tài lừa phỉnh của cò mồi. Ai đã sống tại Sài gòn vào những năm 60 của thế kỉ trước chắc còn nhớ lề đường Lê Lợi, thứ bảy, chủ nhật nhan nhản tụi tráo bài. Ngô Tất Tố cho biết vào khoảng 1930 tại phố Hàng Ngang ngoài Hà Nội có cả đàn bà ngồi tráo bài. Ba quân là cờ gian bạc lận của bọn đầu đường xó chợ. Ba quân hội đủ những tính xấu như gian lận, xảo trá, bất lương, đi lừa người khác để kiếm lời. Nghĩa là... ba quânba que.
Người xưa tránh không chửi thằng ba quânba quân là quân đội của triều đình (Tam quân : Trung quân, Tả quân và Hữu quân). Ba quân được nói trại thành ba que. Tương tự như tụ tam nói trại thành tổ tôm, tam kết thành tam cúc...
Nói tóm lại, thằng Ba que có gốc gác là trò cờ bạc Ba quân (bonneteau) của Pháp.
Lá cờ tam tài (ba màu xanh, trắng, đỏ) của Pháp bị gọi là cờ ba que. Cờ của bọn gian lận, tráo trở. Dùng trò cờ bạc của Pháp để chửi Pháp. Chơi chữ khá tế nhị.
(Bacouën của Hocquard có phải là Ba quân không?).
Xỏ lá
Nguyễn Khuyến muốn " Tạ lại người cho hoa trà " bằng câu chửi phường xỏ lá. Có lẽ vì vậy mà trong bài " Sơn trà " ông phải gò ép cho những hạt mưa nhỏ xuyên diệp. Mưa nhỏ làm sao đâm thủng (xuyên) được lá cây (diệp) ? Xét về nghĩa thì xuyên diệp không xấu xa, đểu cáng như phường xỏ lá của tiếng Việt. Hai bài thơ của Nguyễn Khuyến không giúp chúng ta tìm hiểu được thằng xỏ lá.
Vào khoảng năm 1945, Huỳnh Thúc Kháng viết về Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916), có đoạn :
- Thế mà trừ một số ít - rất ít - đã hấp thụ học thuyết mới, xem cái ngôi " bù nhìn " đó không có giá trị gì (...).
Thường xuyên xưa nay mối lợi khiến cho người ta mờ trí khôn (lợi linh trí hôn), bọn thực dân Pháp mà các tay chính trị " xỏ lá " tự phụ là cao xảo cũng không khỏi vấp phải chỗ lầm to, ấy là tấn kịch " Đày vua cha Thành Thái mà lập con là vua Duy Tân lên thay "(...). (Vương Đình Quang, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, Văn Học, 1965, tr. 173).
Huỳnh Thúc Kháng dùng kí hiệu " nháy nháy " để nhấn mạnh hai từ bù nhìnxỏ lá. Bù nhìn là tiếng Pháp épouvantail được Việt hoá. Do đó, có thể suy đoán rằng xỏ lá có nhiều khả năng là tiếng Pháp được Việt hoá.
Từ điển RobertLarousse của Pháp gọi tụi đáng khinh (méprisable), đáng ghê tởm (répugnant) ; bất chính (déloyal), bọn bất lương, gian dối (malhonnête) là salaud (xa lô). Thằng xỏ lá của ta có đủ mọi tính xấu của thằng salaud của Pháp.
Xỏ lá vừa có nghĩa vừa có âm của salaud. Rốt cuộc, thằng salaud sang thuộc địa kiếm chác, bị Việt hoá thành thằng xỏ lá.
Thời trước, mấy ông lính tẩy, mấy bà me tây, nói tiếng tây... như gió. Thỉnh thoảng lại đem ra khoe " mẹc (merde), xà lù (salaud), cô xoong (cochon) ". Xà lù là em ruột xỏ lá.
Hoá ra Ba que xỏ lá là hai thằng..." người Việt, gốc Pháp ".
 
Nguyễn Dư
(Lyon, 2/2008)

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

ĐÈN HOA KỲ

1909-2009, bộ tranh Oger được 100 tuổi Đèn Hoa Kỳ của Việt Nam!
___________
Nguyễn Dư
Ngày nay, hầu như khắp nước Việt Nam chỗ nào cũng dùng đèn điện. Nhớ lại, mới ngày nào... - Chờ độ năm phút, Dung cũng ngồi dậy. Nàng sang phòng khách. Một tên người nhà ủ rũ ngồi ngủ gật trên một cái ghế tràng kỷ, dưới một ngọn đèn măng sông đã tối một nửa búp đa, vì cạn dầu. Qua phòng khách, Dung đẩy cửa vào buồng mẹ thì thấy mẹ đã ngủ kỹ. Nàng khêu nhỏ ngọn đèn dầu ở bàn rồi rón rén quay ra.
Dung tìm bao diêm ở ô kéo, đốt một cây đèn hoa kỳ lên, tắt phụt ngọn lửa ở đèn dầu xăng. Nhìn ra sân, thấy trời tối om, Dung bèn bỏ bao diêm vào túi (...). (Vỡ đê (1936), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập 2, Văn Học, 1987, tr. 198).
Vũ Trọng Phụng kể tên nhiều kiểu đèn của những năm 1930. Đèn măng sông (manchon) thì rõ ràng là đèn của Pháp. Nhờ cái tên gọi. Còn đèn hoa kỳ? Hoa Kỳ... là Mỹ, vậy đèn Hoa Kỳ là đèn của Mỹ sao?
- Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa Đèn hoa kì là đèn dầu hoả nhỏ, có bấc tròn. Không cho biết lí lịch đèn hoa kỳ. Nó là con cái nhà ai, ở đâu chui ra mà lại mang cái tên như vậy? - Đèn Hoa Kỳ là đèn của bọn Mỹ sang ta buôn dầu hoả. Muốn bán được dầu hoả, nó phải làm đèn cho người mua dầu dùng (...). Dầu của Mỹ, viết tắt là Socony (Standard oil Company of New York), cạnh tranh với dầu của Anh viết tắt là Shell.
Bất cứ ở thành thị hay nông thôn, hễ có đại lý dầu Mỹ, là ở gần đó, có ngay đại lý dầu Anh. Và trái lại. Nhà bán dầu Mỹ có biển sơn màu vàng, nhà bán dầu Anh có biển sơn màu đỏ.
Những nơi bán dầu xăng ô tô, Anh Mỹ cũng cạnh tranh như vậy. Ở Hà Nội, còn có xe dầu đi bán ở phố, cũng sơn màu của hãng... Trụ sở của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật ở phố Trần Hưng Đạo, số 39, là trụ sở cũ của hãng dầu Shell của Anh, nên quét vôi màu đỏ. Ngày trước ta gọi là nhà dầu Shell (...).
(Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi về Hà Nội, Trẻ, 2004, tr.149).
Nguyễn Công Hoan khẳng định đèn Hoa Kỳ là đèn của Mỹ ! Lạ nhỉ ! Cho đến năm 1954, mấy ông trưởng giả của Hà Nội hết mời nhau thuốc lá Mỹ, rượu Mỹ, lại quay ra khoe nhau bút máy Mỹ, đồng hồ Mỹ. Một vài đại gia vung tay " tiêu tiền như Mỹ ", dám tậu cả ô tô Mỹ uống xăng như uống nước lã. Cái gì cũng Mỹ, nhưng đến cái đèn thì lại là Hoa Kỳ ! Kị huý hay là có hiểu lầm ?    Ý kiến của Nguyễn Công Hoan cần được xét lại.
- Cuối thế kỷ XIX người Tây đem dầu lửa, cũng gọi dầu hôi, vào dùng và bán (...). Hãng bán dầu đã chế ra thứ đèn nhỏ, ngọn lửa vừa bằng ngọn đèn dầu chay, đèn được cho không kèm theo mỗi thùng dầu bán ra, để làm quảng cáo ; không rõ lúc ấy dầu lửa từ xứ nào nhập cảng, mà cái đèn kia được gọi là đèn Hoa-kỳ ; ngày nay tại nhiều nhà nó vẫn là bạn cố tri bên cạnh cái điếu thuốc lào.
(Nhất Thanh, Đất lề quê thói, 1968, Đại Nam tái bản, tr.258).
Nhất Thanh cho biết thêm là đèn Hoa Kỳ có từ cuối thế kỉ 19. Người Tây tặng đèn cho khách mua dầu lửa. Nhất Thanh thắc mắc về cái tên Hoa Kỳ. Thắc mắc là phải. Thông thường thì các mặt hàng của Mỹ đều được khoe là made in USA nhưng tại sao cái đèn Hoa Kỳ lại không thấy khoe quê quán của mình ?
Thế mới có chuyện để tán gẫu. Xin phép các cụ... Trẻ con đi chỗ khác chơi, để người lớn bàn chuyện đất đai, khủng hoảng kinh tế. Dạ, xin phép các cụ cho... bênh vực phe ta! Thế à, bênh vực phe ta thì cứ việc nói, khỏi cần phải bày vẽ xin phép. Xin bắt đầu bằng... từ đầu câu chuyện.
- Tên Hoa Kỳ ta dùng để gọi nước Mỹ (USA) có từ bao giờ, do ai xướng lên ?
Lục tìm trong đống sách cũ thì được biết năm 1920, Phan Châu Trinh sáng tác Giai nhân kỳ ngộ, lúc cụ sống tại Pháp (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, Đông Nam Á, 1983, tr.254). Năm 1926, Giai nhân kỳ ngộ được in lần thứ nhất tại Hà Nội, nhưng bị tịch thu và thiêu huỷ. Năm 1959, mới được xuất bản tại Sài Gòn.
Trong truyện có câu (252) :
Xem trong thế-giới xưa nay,
Cộng-hoà chỉ có một tay Hoa-kỳ
(Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ, Lê Văn Siêu bình giải và chú thích, Hướng Dương, 1959, tr.25).
Tên Hoa Kỳ chỉ được Phan Châu Trinh dùng một lần. Những lần khác, cụ gọi là nước Mỹ, người Mỹ, châu Mỹ.
Tại Việt Nam, tên Hoa Kỳ được Tản Đà dùng trong bài Thú ăn chơi :
Mán sừng cái bánh chưng xanh
Hoa Kỳ tiệc bánh Tin lành nhớ ai
Tản Đà chú : Ngày tôi làm việc báo Hữu Thanh có đến thăm một ông mục sư người Hoa Kỳ ở nhà Tin lành. Chủ nhân thết ăn bánh, toàn là thứ bánh Hoa Kỳ cũng long trọng.
Báo Hữu Thanh chỉ sống được vài tháng, năm 1920 (Xuân Diệu), hoặc 1921 (Nguyễn Công Hoan) hay 1924 ( Dương Quảng Hàm).
Đào Duy Anh (1931) gọi nước Mỹ là Hoa Kỳ quốc vì quốc kỳ nước Mỹ có 48 ngôi sao như 48 cái hoa. Gustave Hue (1937) cũng giải thích Hoa kỳ là drapeau à fleurs (cờ hoa), là États-Unis. Thiều Chửu (1942) gọi nước Mỹ là Mỹ lợi kiên.
Nói tóm lại, tên Hoa Kỳ được dùng tại nước ta từ khoảng năm 1920.
Nhà dầu Shell tại Hà Nội, nằm tại góc phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền ngày nay, được xây cất vào khoảng năm 1930. (René Parenteau, Luc Champagne, Conservation des quartiers historiques en Indochine, 1997, tr. 79).
Như vậy thì chuyện của Nguyễn Công Hoan kể về sự cạnh tranh bán dầu, bán xăng của Shell và Socony là chuyện xảy ra sau năm 1920.
Dân ta được dùng dầu Mỹ có sớm lắm thì cũng chỉ từ sau năm 1920. Còn trước đó thì sao ? Khi chưa có nhà dầu Shell của Anh, chưa có cạnh tranh của dầu Mỹ, thậm chí chưa có cả tên Hoa Kỳ, thì nước ta đã có... đèn Hoa Kỳ chưa ?
Có vài tài liệu giúp ta tìm câu trả lời. 1) Dumoutier (1850-1904) cho biết (dịch) :
- Nghề làm đồ bằng sắt tây (Ferblanterie) ở An Nam phát triển mạnh từ khi bị người Pháp chiếm đóng. Tại Hà Nội có cả một phố chuyên làm nghề này. Trước kia thợ sắt tây chỉ làm chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện và vài món đồ lặt vặt khác cho dân bản xứ dùng. Bây giờ họ làm tất cả những sản phẩm của kĩ nghệ phương tây như bình nước, đèn xe, đèn xách tay, đèn nhỏ (lanterne de poche), đủ loại hộp có hình dáng, kích thước khác nhau, giá cắm nến, thùng tưới, bình đựng dầu, ống hình trụ, bồn tắm, hoa sen (...). Họ lấy sắt tây từ những vỏ bọc các thùng hàng nhập cảng của Pháp, từ những thùng dầu hoả, hộp đồ ăn (...).
(G. Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, Imprimerie d'Etrême - Orient, 1908, tr. 74-75).
Dầu tây (còn gọi là dầu hoả, dầu lửa, dầu hôi) ta dùng hồi đầu thế kỉ 20 là dầu của Pháp. Dầu đựng trong thùng sắt tây, được bán trong hiệu hoặc được gánh đi bán rong ngoài phố như tấm tranh Oger (1909) Bán dầu tây minh hoạ. Cái thùng sắt tây được đóng thêm một thanh gỗ làm thùng gánh nước, hay được cắt ra làm đồ dùng, đồ chơi.
(Năm 1915, Léon Busy chụp ảnh một cửa hiệu bán đồ chơi Tết trung thu tại Hà Nội (Villages et villageois au Tonkin, Conseil Général des Hauts de Seine,1986, planche 24). Đồ chơi làm bằng gỗ và sắt tây, sơn màu sặc sỡ. Nhiều và đẹp không thua gì đồ chơi ngày nay).
2) Bộ tranh Oger (1909) giới thiệu kĩ thuật của người An Nam. Tranh vẽ nhiều kiểu đèn dầu, trong đó có Đèn sắt tây. Người vẽ tranh ghi rõ là đèn được làm bằng sắt tây và được đốt (thắp) bằng dầu tây. Đèn sắt tây của năm 1909 giống đèn Hoa Kỳ của Hà Nội dùng năm 1954.
Đoạn viết của Dumoutier và mấy tấm tranh Oger cho thấy thông tin của Nhất Thanh chính xác hơn thông tin của Nguyễn Công Hoan. Mặt khác, nói rằng đèn Hoa-Kỳ là đèn do Mỹ làm là vô tình gây hiểu lầm, đặt ngang hàng kĩ nghệ của Mỹ năm 1930 với thủ công của ta năm 1909! Thế mà thiên hạ cứ ca tụng nhặng xị nước Mỹ nào là làm được tàu hoả, tàu thuỷ, ô tô, máy bay, tàu ngầm, nào là xây nhà chọc trời v.v.
Tuy nhiên, nếu đèn Hoa Kỳ không phải là của Mỹ thì phải giải thích tại sao cái đèn sắt tây (Dumoutier gọi là lanterne de poche, đèn nhỏ để bàn) tự dưng lại " đổi quốc tịch " như vậy ? Thấy người sang bắt quàng làm họ à ? Dạ, không dám ạ. Chẳng cần phải bắt quàng làm họ làm quái gì. Hoa Kỳ chẳng phải... là Mỹ ! Ấy, ấy... lại loạn ngôn rồi !
3) Trong phần giới thiệu nghề khảm sà cừ ( Les Incrusteurs), Oger kết luận (dịch) :
- Hai trung tâm chính của nghề khảm sà cừ là Hanoi và Nam-Dinh. Các ông chủ của nghề này đều giàu sụ. Người làm ăn giỏi và khéo nhất là Hoa-Ky, ở phố Jules Ferry. Ông là người thông minh, đã biết tìm cách cải tiến một nghề truyền thống của dân tộc An Nam. (Henri Oger, Introduction générale à l'étude de la technique du peuple Annamite, Geuthner, tr. 28).
Ba cái tên Việt Nam không được đánh dấu. Hanoi là Hà Nội, Nam-Dinh là Nam Định. Hoa-Ky có nhiều khả năng là Hoa-Kỳ. Nếu đúng như vậy thì Hoa Kỳ là tên người hoặc tên một cửa hiệu nổi tiếng của Hà Nội chứ không phải là nước Mỹ.
Kết hợp các đoạn viết của Dumoutier và Oger, kèm thêm tranh minh hoạ, chúng ta rút ra được vài kết luận :
- Đầu thế kỉ 20 thợ Việt Nam đã làm được đèn sắt tây, thắp bằng dầu tây. Sắt và dầu là của Pháp.
- Hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) làm đồ khảm sà cừ và bán đèn sắt tây. Dân Hà Nội gọi đèn của hiệu Hoa Kỳ là đèn Hoa Kỳ.
- Hãng dầu của Pháp (đầu thế kỉ 20) và của Mỹ (khoảng 1930) mua đèn Hoa Kỳ tặng khách hàng mua dầu. Thương hiệu Hoa Kỳ bị hiểu lầm thành tên gọi nước Mỹ.
Rốt cuộc, đèn Hoa Kỳ là đèn Việt Nam, làm bằng sắt Pháp, được hãng dầu Mỹ mua tặng khách hàng Hà Nội. Lí lịch rất... trong sáng !
Từ nay trẻ con trong Nam ngoài Bắc có thể rủ cả người lớn cùng rước đèn, ca hát líu lo :
Cái gì be bé xinh xinh
Nhờ tay thợ khéo xe tình chúng ta?
Điếu reo, khói toả... Thế mà
Mơ màng chàng ngỡ em là... Cờ hoa !
Nguyễn Dư
(Lyon, 2/2009)

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

NHIỀU CON GIÒN MẸ




 Nhiều con giòn mẹ
Nguyễn Dư
 
Xưa kia, nhiều người Việt Nam mong muốn có con cháu đầy đàn. Tết đến, từ thôn quê đến thành thị...
Nó lại chúc nhau sự lắm con
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn... (Tú Xương) ,
Chúc anh chị Đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái !
Đó đây, bầu đoàn thê tử, tay bồng, tay bế...
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng (Ca dao)
Đẻ con là chức năng thiên bẩm của mọi sinh vật.
Nghèo đói, nheo nhóc như Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) nhưng vẫn chịu đựng, tiếp tục đẻ. Đẻ nhiều được hàng xóm trầm trồ, xã hội vỗ tay khen... Nhiều con giòn mẹ.
Nói như vậy là hơi bạo mồm đấy nhé ! Có ý kiến cho rằng Nhiều con giòn mẹlà một lời chê đây này !
Câu tục ngữ chỉ có 4 chữ thôi mà đã hiểu khác nhau rồi à ?
Chung quy chỉ tại chữ giòn!
Vậy giòn nghĩa là gì ?
Từ điển tiếng Việt của Văn Tân (1977) định nghĩa giònxinh đẹp và có duyên.
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) đưa ra 3 nghĩa của chữgiòn :
1 ) Dễ gẫy, dễ vỡ vụn ra, khi gẫy vỡ thường phát ra thành tiếng.
2 ) (Âm thanh) vang và gọn, nghe vui tai.
3) Có vẻ đẹp khoẻ mạnh (thường nói về phụ nữ). Thí dụ : Một người vừa xinh vừa giòn. (Nước da) đen giòn.
Cả 5 nghĩa của chữ giòn (xinh đẹp, có duyên, đẹp khoẻ mạnh, dễ vỡ, âm thanh vui tai) đều không giải thích thoả đáng được ý nghĩa của câu tục ngữ Nhiều con giòn mẹ. Nhiều con thì khó mà xinh đẹp, khoẻ mạnh. Nếu có thì chỉ là trường hợp cá biệt, không phổ biến để có thể trở thành tục ngữ được.
Hiển nhiên là định nghĩa của hai cuốn Từ điển tiếng Việt còn thiếu.
Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa giònbộ ráo rể, xốp thịt, không dai, không cứng.
Génibrel (1898) dịch chữ giòn là fragile, cassant, croquant (dễ gẫy, dễ vỡ), agile, prompt (nhanh nhẹn, linh động). Người giòn là Bel homme ; beau garçon (đẹp trai).
Ngày xưa, tính từ giòn dùng cho đồ vật thì nghĩa là dễ gẫy, dễ vỡ. Khi được dùng cho người thì để chỉ đàn ông đẹp trai. Giòn còn có nghĩa là ráo rể, nhanh nhẹn, linh động.
Nhiều con giòn mẹ. Đàn bà càng có nhiều con thì càng nhanh nhẹn chăng ? Thực tế cũng ít khi được như vậy.
Chữ giòncó khá nhiều nghĩa nhưng vẫn chưa thích hợp với câu tục ngữ. Đành phải chấp nhận rằngchữ giòn còn có thêm nghĩa khác nữa.
Nguyễn Lân (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá,1989) định nghĩa giòn là xinh đẹp và giải thích câu  Nhiều con, giòn mẹ lời nói đùa một người phụ nữ có nhiều con (Thực ra phụ nữ có nhiều con thì vất vả và sồ sề).
Tục ngữ cũng biết nói đùa à?
Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn hoặc chỉ bảo điều gì (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).
Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán (Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Khoa Học Xã Hội, 1978).
Chưa thấy học giả nào nêu lên vấn đề nói đùa của tục ngữ.
Những câu như Phép vua thua lệ làng, Tuần hà là cha kẻ cướp, Một người làm quan cả họ được nhờ, phải chăng cũng chỉ là lời bông đùa của dân quê để chế giễu vua quan phong kiến ?
Làm thế nào để phân biệt tục ngữ nói thật với tục ngữ nói đùa ?
Đùa từ đời này sang đời kia e rằng sẽ bị các cụ mắng là đùa dai, đùa không đúng chỗ, đùa vô duyên !
Tục ngữ nêu lên một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán thì không thể nói đùa được.
Nhiều con giòn mẹ được Phan Thị Đào (Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam, Thuận Hoá, 1999) tìm hiểu sâu xa hơn :
Có ý kiến cho rằng giòn trong câu tục ngữ này nên hiểu là đẹp thì mới phù hợp với những lời cầu mong chúc tụng con đàn cháu đống của dân gian. Cách hiểu này đã tách từ giòn ra khỏi văn bản.
Theo ý riêng của chúng tôi, khi xác định nghĩa của từ này nên xét nó trong quan hệ với các từ ngữ khác trong ngữ cảnh (ngữ cảnh hẹp và ngữ cảnh rộng) mà nó xuất hiện. Cụ thể, trước hết ta xét nó trong quan hệ với từ nhiều.
Nhiều là bao nhiêu ?
Ngày xưa chưa có khái niệm sinh đẻ có kế hoạch nên nhiều ở đây chí ít cũng phải dăm bảy đứa, do đó, nếu hiểu giòn với nghĩa chỉ cái vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ như giòn trong câu ca dao sau, e sẽ trái với cả thực tế cuộc sống lẫn thực tế văn học :
 Người xinh cái bóng cũng xinh,
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.
Trong tục ngữ, ca dao cũng có nhiều câu rất hay, ca ngợi cái vẻ đẹp " sáng giá " của những người con gái đã có con.
Gái một con, trông mòn con mắt.
Gái hai con, con mắt liếc ngang...
Nhưng khi ca ngợi vẻ đẹp của những cô con gái đó, tác giả dân gian không có ý động viên, khuyến khích chị em phụ nữ sinh đẻ thật nhiều con. Bởi vì cái đẹp, cái giòn của những người con gái được khen ở đây cũng chỉ trong giới hạn một, hai con thôi. Cái giá của người con gái không tỷ lệ thuận với sự " tăng trưởng " về số lượng con cái. Nghĩa là, nếu việc sinh đẻ của người phụ nữ vượt quá giới hạn trên (tức có hơn hai con) thì nhiều khi cái đẹp, cái giòn ấy sẽ chuyển hoá dần thành cái... bê tha (...).
Vậy phải chăng câu Nhiều con giòn mẹ thể hiện một phán đoán sai ? Nếu là một khái quát sai tại sao trên mảnh đất văn học dân gian Việt Nam nó có một sức sống trường tồn ?
Chúng tôi chưa có đủ căn cứ để trả lời câu hỏi trên một cách dứt khoát, song qua lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Bình-Trị-Thiên được biết, một số nơi hiện nay từ giòn vẫn được dùng với nghĩa phủ định, tương tự như thôi, miễn, khỏi phải... Ví dụ :
- Nó ăn thì giòn tôi (nghĩa là : Nó ăn thì thôi tôi).
Hoặc :
- Có phải nạp lệ phí không ?
 - Giòn nạp  (nghĩa là : Khỏi phải nạp).
Như thế, Nhiều con giòn mẹ có nghĩa là được con (về số lượng) thì mất mẹ, hao mòn mẹ (về thể chất).
Theo cách hiểu này, cùng với câu Lắm con nhiều nợ (lắm vợ nhiều cái oan gia) câu Nhiều con giòn mẹ phản ánh quan niệm tiến bộ của nhân dân ta về việc sinh con đẻ cái, đối lập với quan niệm Rậm người hơn rậm của.
Trở lên chứng tỏ, đối với dân gian, vấn đề quan trọng không chỉ ở chỗ nói cái gì mà còn ở chỗ nói như thế nào. Nghiên cứu thi pháp tục ngữ không thể không làm nổi bật tính chất độc đáo của những cách nói đó (tr. 128-131).
Tóm lại, cách nói của câu Nhiều con giòn mẹ có " tính chất độc đáo " là nói vòng vo, dùng " nghĩa phủ định " và phản ánh quan niệm tiến bộ " sinh đẻ có kế hoạch " (một chính sách mới có ở nước ta từ khoảng ba mươi năm nay).
Theo Phan Thị Đào thì Nhiều con giòn mẹ có nghĩa là Được nhiều con thì hao mòn mẹ.
Nếu đúng là như vậy thì tại sao dân gian không nói toạc móng heoNhiều con mòn mẹ ? Chữ mòn vừa giản dị, vừa dễ hiểu, mà vẫn đúng thi pháp. Không ai tự dưng vô cớ lại Đường quang chẳng đi, đâm quàng bụi rậm. Vừa mất thì giờ, vừa bị hiểu lầm.
Mục đích của tục ngữ chẳng lẽ lại là nói đùa hay ra câu đố cho người nghe?
Chữ giòn của vùng Bình-Trị-Thiên và chữ giòn của câu tục ngữ đồng âm nhưng chưa chắc đã đồng nghĩa.
Tra tìm trong kho tàng phương ngôn, tục ngữ, ca dao, dân ca, chúng ta bắt gặp chữ giòn trong nhiều văn cảnh, tình huống khác nhau.
Bây giờ nhạt phấn phai son
Gương soi kém tỏ người giòn kém tươi
Giòn, dùng để chỉ nhan sắc, nghĩa là xinh đẹp.
Ai cho em mặc nâu non
Để cho em đẹp em giòn em xinh
Ai cho em đứng một mình
Dang tay dứt mối tơ tình làm đôi
Chữ giòn ở đây được dùng cho một người con gái vừa đẹp vừa xinh. Như vậy thì giòn phải có nghĩa khác với xinh đẹp.
Gái làng dù có mấy con
Dù đẹp dù giòn vẫn muốn lấy ba anh (Ca dao vùng Hà Nam Ninh).
(Bùi Văn Cường, Phương ngôn, tục ngữ, ca dao, Khoa Học Xã Hội, 1987, tr. 69).
Chữ giòn trong câu này được dùng cho gái làng đã có mấy con. Chữ mấy chỉ số nhiều, thường là nhiều hơn hai. Người đàn bà nhiều con nhưng vẫn còn lẳng lơ. Chữ giòn ở đây cũng không phải là xinh đẹp.
Ở nhà nhất mẹ nhì con
Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta (Ca dao).
Câu ca dao so sánh hai mẹ con. Mẹ hơn con. Khó có thể nghĩ rằng bà mẹ ngày xưa muốn khoe mình đẹp hơn con gái. Bà hơn con về đường " công dung ngôn hạnh " thì hợp lí hơn. Chữ giòn vẫn không phải là đẹp. Giòn có thể là giỏi, đảm đang.
Bài dân ca cải biên Trấn thủ lưu đồn có câu :
Mi đẹp, mi giòn
So (cái) bề nhan sắc mi (hãy) còn kém xa (...).
Giòn vẫn không phải là đẹp.
Chữ giòn hay được ca dao dùng để khen đàn bà con gái. Có lẽ vì vậy mà Từ điển tiếng Việt chỉ đưa ra những thí dụ ám chỉ phụ nữ xinh đẹp.
Người tò mò có thể thắc mắc tự hỏi chữ giòn có dùng cho con trai, đàn ông không ? Và nếu có thì được dùng với nghĩa gì ?
Ngày xưa, Génibrel cho biết từ người giòn dùng để chỉ đàn ông con trai đẹp trai.
Ca dao thỉnh thoảng cũng nói đến con trai, đàn ông giòn.
Sáng ngày ra đứng cửa đông,
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng.
Ông thầy gieo quẻ nói rằng :
" Lộn thì lộn được, nhưng năng phải đòn ".
- Mồ cha đứa có sợ đòn,
Miễn rằng lấy được chồng giòn thì thôi.
(Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, tập 2, Mặc Lâm, 1967, tr.183).
Chồng giòn có thể là anh chồng đẹp trai (Génibrel). Cũng có thể là một đức tính nào khác. Chữ giòn ở đây chưa rõ nghĩa, chưa dứt khoát.
May thay, bài Ba bốn chiếc nhà tranh nói rõ hơn :
(...) Tôi lấy người về mong chóng có con,
Gái đẹp giống mẹ, trai dòn (giòn) giống cha.
Gái thì canh cửi trong nhà,
Trai thì đi học đỗ ba khoa liền. (...)
(Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Văn Hoá, 1962, tr. 214).
Gái đẹp nết như mẹ, canh cửi thêu thùa, nội trợ đảm đang. Trai thì đèn sách, học hành thi đỗ như cha. Học giỏi. Chữ giòn của bài ca này chỉ có một nghĩa là giỏi.
Thử lấy chữ giỏi thay cho chữ giòn thì thấy nội dung của mấy bài ca dao kể trên vẫn đúng. Cô gái muốn lấy được anh chồng giỏi làm ăn. Thiết thực hơn là lấy anh chồng đẹp trai nhưng vô tích sự, ăn bám vợ. Ở nhà thì nhất mẹ nhì con, nhưng ra khỏi nhà thì không thiếu gì người còn giỏi hơn mẹ con mình...
Giòn còn có nghĩa là giỏi.
Theo Génibrel thì người giòn là người đẹp trai. Theo Hoàng Phê thì giỏi trai cũng là đẹp trai. Thêm một bằng chứng gián tiếp là giòn còn có nghĩa là giỏi.
Xét về mặt thi pháp, giòn và giỏi có âm vận khác nhau.
Nhiều con giòn mẹ đúng vần, đúng thanh điệu hơn Nhiều con giỏi mẹ. Chữ giòn " độc đáo " hơn chữ giỏi. Dân gian nắm rất vững " thi pháp của tục ngữ, ca dao " !
Tóm lại, chữ giòn có nhiều nghĩa :
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen giòn, với nụ cười son (Phạm Duy, Vợ chồng quê)
Giòn nghĩa là có vẻ đẹp khoẻ mạnh, xinh đẹp.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời (Kiều)
Giòn nghĩa là xinh đẹp tươi tắn (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, Khoa Học Xã Hội, 1989).
Ngựa câu giòn cũng có thể là con ngựa câu (còn non) nhanh nhẹn. Giòn nghĩa là bộ ráo rể (Huỳnh Tịnh Của), nhanh nhẹn, linh động (Génibrel) .
Chữ giòn dùng cho âm thanh (cười giòn, pháo nổ giòn...) thì có nghĩa là vang và gọn, nghe vui tai.
Chữ giòn, dùng cho cả đàn ông và đàn bà, còn có nghĩa là giỏi.
Ngày xưa, bà mẹ nào nuôi được đàn con đông thì được khen là đảm đang, tháo vát. Nghĩa là người giỏi.
Nhiều con giòn mẹ là lời khen các bà mẹ giỏi này. Cũng có thể hiểu giòn nghĩa là ráo rể, nhanh nhẹn. Nhưng nhanh nhẹn phải hiểu theo nghĩa lành mạnh là lanh lợi, tháo vát, là giỏi, chứ không phải là lực sĩ chạy đua mánh mung, chạy như ăn cướp.
Xét xem ngôn ngữ nước ta tuy có khác nhau ít nhiều, nhưng đại yếu thì thật là đồng một thanh âm, đồng một văn tự, tiện cho bề thông đồng (...). (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, 1915)
Tuy nhiên, thỉnh thoảng từ địa phương cũng gây ra ngộ nhận.
Xúi (giục) của người miền Nam không phải là xúi (quẩy) của người miền Bắc và xui (xẻo) trong Nam không đồng nghĩa với xui (giục) ngoài Bắc.
Xúi (Nam) nghĩa là xui (Bắc) và xui (Nam) nghĩa là xúi (Bắc)!
Cả ba miền nước ta đều có quả đào, nhưng đào miền này lại khác đào của miền kia.
Dùng tiếng địa phương của miền này để giải thích câu nói của miền khác có thể bị sai lầm. Dùng chữ giòn của vùng Bình-Trị-Thiên để giải thích câu tục ngữ Nhiều con giòn mẹ là một trường hợp điển hình.
Nguyễn Dư
(Lyon, 7/2004)
Nguồn:
http://chimviet.free.fr/