Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

KIM TỰ THÁP AI CẬP I

0
Bài 1: TÍN NGƯỠNG VÃNG SINH Ở NGƯỜI AI CẬP CỔ ĐẠI
Biên khảo: Đức Chính
Sống và chết là một vấn đề trọng đại của kiếp người. Hầu như tất cả các tôn giáo ra đời cũng vì do đó. Tín ngưỡng của Ai Cập cổ đại không thoát ra khỏi quy luật tâm thức tất yếu của loài người, tức trả lời câu hỏi: “Sau khi chết con người đi về đâu và sẽ ra sao?”, và hẳn nhiên nó gắn liền với nơi gửi thân xác của các Pharaohs sau khi băng hà: Kim Tự Tháp. Cho nên không thể không hiểu về nền văn hóa tín ngưỡng này khi đi lần mò vào những bí ẩn cửa Kim Tự Tháp.
Tín ngưỡng, hay cao hơn là một tôn giáo, là sản phẩm tâm thức suy tưởng của con người về cuộc sống trong trạng thái hướng về siêu nhiên. Nhưng sự trầm tư suy tưởng đó không thoát rời khỏi thực tế cuộc sống đang diễn ra trước mắt. Khi con người đứng trước một ngọn núi hung vĩ, trong tâm thức thấy mình nhỏ bé và yếu ớt trước sự vĩ đại của thiên nhiên, đã suy tưởng đến vị sơn thần đầy quyền phép. Không có ngọn núi đó không có vị sơn thần, tương tự người dân sống vùng hải đảo không núi non chẳng hề có sơn thần trong tâm thức mà thay vào đó là hải thần.
Người Ai Cập cũng vậy. Họ sống trong một bối cảnh tự nhiên hàng năm con sông Nil cứ dâng lên tràn ngập các cánh đồng. Tự nhiên có những trùng hợp của nó: thời điểm con nước sông Nil tràn bờ chính là lúc sao Sirius bắt đầu xuất hiện trên bầu trời Ai Cập. Kinh nghiệm tồn tích cho người Ai Cập cổ đại biết cứ đến lúc sao Sirius mọc ngay trước Mặt trời ló dạng là vào mùa lũ lụt. Nên họ sao này là Sao sông Nil hoặc gán cho vị thần Isis (gọi là Sao Isis). Việc thờ cúng sao Sirius được hình thành vào một thời điểm nhất định trong năm, tương tự như vùng Á Đông tế Nam giao vậy. Từ thời cổ đại người Ai Cập đã xây dựng ngôi đền Isis-Hathor ở Denderah. Tại ngôi đền này có ngôi tượng thần Isis, hướng về phía sao Sirius sẽ mọc lần đầu tiên trong năm, ngôi sao sẽ xuất hiện ngay điểm ngắm hòn ngọc đính trên tượng thần. Hàng năm các tu sĩ Ai Cập sẽ ngắm vào hòn ngọc đó chờ sự ló lên của sao Sirius ngay vị trí này và loan báo cho mọi thần dân biết.
Thần Isis, hay thần sao Sirius, là nữ thần sáng tạo chủ về sự phồn vinh và tình mẫu tử. Trong Tử Thư Ai Cập, thần Isis được ghi chép “Là nữ thần đã sinh ra Trời và Đất; Thần thấu hiểu cho cô nhi quả phụ, ban công lí cho người nghèo, và che chở kẻ yếu”. Cuộc sống sau khi chết sẽ trải qua nhiều giai đoạn cam go chép trong các kinh thư về cái chết và họ cầu mong nữ thần Osis che chở cho họ.
Kinh thư về cái chết có thể kể đến là:
- Tử Thư Ai Cập: phiên bản cổ nhất cuốn sách này có niên đại vào khoảng những năm 1580-1350 trước Công nguyên, tập hợp lại từ hai bộ Quan Quách Thư, là sách chép lạo các bản văn khắc chạm trên quan quách các Pharaohs (năm 2000 trước Công nguyên) và Kim Tự Tháp Thư, các văn bia chạm trên vách Kim Tự Tháp (khoảng năm 2600-2300 trước Công nguyên).
Trong sách ghi lại các kinh, thần chú và những chỉ dẫn cho người quá cố đến cuộc sống khác sau khi chết. Trông sách cũng nói về các thử thách đối với người chết trước sự phán xét của thần Phán xét Thoth. Một trong những thử thách là cân trái tim người chết với một cọng lông hồng. Nếu người chết càng nhiều tội lỗi thì sẽ càng nặng hơn cọng lông. Nếu tội lỗi quá nhiều quỷ Ammit sẽ ăn mất quả tim bất chính đó. Trái tim là nơi chứa đựng tâm linh nên khi đó linh hồn sẽ bị lạc lỏng trầm luân. Còn nếu là tâm hồn chân chính sẽ được thần Anubis phết tẩm hương thơm để sống cuộc sống vĩnh hằng. Tục ướp xác (tẩm hương thơm bảo quản xác chết) từ tín ngưỡng này mà ra đời.
Để tránh điều đó, Tử Thư chỉ dẫn những cách tổ chức lễ nghi cúng tế và an táng người chết, cùng các thần chú bảo vệ vong linh. Các chỉ dẫn này được minh họa rất nhiều hình ảnh, đó chính là nét đặc sắc chung của cổ thư Ai Cập.
- Quan Quách Thư (coffin texts): hay còn gọi là Sách Hai Con Đường (The Book of Two Ways): hồi sinh và lên trời. Quan Quách Thư là những bản khắc trên quan quách có từ thời các Thời vương quốc cổ (năm 2500-2100 trước Công nguyên), phát triển mạnh vào thời vương quốc thứ hai (năm 1975-1640 trước Công nguyên) cùng với việc xây dựng rầm rộ các Kim Tự Tháp vào thời đó. Chủ yếu là những câu thần chú bảo vệ các vong linh.
Bộ các bản khắc trên quan quách cổ nhất được tìm thấy ở ốc đảo Dakhla, có niên đại vào thời vương quốc cổ; bản ở Saqqara thuộc triều đại thứ 8; còn bản tìm thấy ở vùng châu thổ Aswan thuộc triều đại thứ 12.
- Kim Tự Tháp thư (Pyramid Texts): là những bức chạm chữ cổ Ai Cập và hình ảnh minh họa trên vách nội thất các Kim Tự Tháp. Dĩ nhiên niên đại của nó cũng là niên đại của Kim Tự Tháp, bộ cổ nhất có từ thời vương quốc cổ (năm 2500-2100 trước Công nguyên). Những bản khắc trên vách này miêu tả cuộc sống sau cái chết của con người dưới góc nhìn của người Ai Cập thời đó.
Nội dung đáng chú ‎í là chủ đề “Mở cánh cửa kép của Thiên đường” Người qua đời phải biết nương theo những vì tinh tú, như những nấc thang, để lên đó. Cùng với cách thức để mở cánh cửa Thiên đường, nơi họ sẽ sống mãi mãi.
Cách bố cục của những kinh sách này có nét hao hao ở các bộ kinh Vệ Đà của Ấn Độ. Kinh Vệ Đà cũng có nhiều bộ, có bộ nặng về các thần chú (Sâma Véda tức Sa-ma Vệ-đà 沙摩吠陀; Hán dịch “Ca Vịnh Minh Luận”), có bộ nặng về các nghi lễ cúng tế (Yajur Véda tức Dạ-nhu Vệ-đà 夜柔吠陀; Hán dịch “Tế Tự Minh Luận”), … Tuy nhiên bộ kinh Vệ Đà có niên đại trễ hơn nhiều (vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét