Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

KIM TỰ THÁP AI CẬP V

Các Kim Tự Tháp ở Ai Cập (tiếp theo) Biên Khảo : Đức Chính
C.- Quần thể Kim Tự Tháp ở Abusir:
không hiện hữu Kim Tự Tháp lừng danh như Kim Tự Tháp Đỏ Khufu[1] nhưng ở đây còn nhiều Kim Tự Tháp tuy không còn tốt lắm nhưng có giá trị lịch sử vì niên đại cách chúng ta khá xa (một số cách nay khoảng 4.000 năm). Quần thể Kim Tự Tháp Abusir nằm bên tả ngạn sông Nil, giữa quần thể Giza và quần thể Saqqara. Nghĩa là đối diện chéo với thủ đô Cairo bên bờ bên kia sông Nil.
Tại quần thể này được nghiên cứu nhiều nhất là các Kim Tự Tháp Sahure, Neferirkare, Neferefre, Amenemhet I, và Khentkaues.
1.- Kim Tự Tháp Sahure: Kim Tự Tháp này cao 48 m, đáy vuông có cạnh 78,5 m, độ lài mặt Kim Tự Tháp 50°11’40″; có niên đại vào triều đại thứ 5 Ai Cập cổ đại và hiện được biết là Kim Tự Tháp có niên đại cổ nhất ở khu quần thể này.
Nhà Ai Cập học đầu tiên đến tìm hiểu Kim Tự Tháp này là Perring hồi thế kỷ 19, và ít lâu sau Lepsius tiếp nối việc nghiên cứu. Mãi đến thế kỷ 20 Ludwig Borchardt mới nghiên cứu đào sâu và viết một tác phẩm đồ sộ gồm 2 quyển về nó. Thế nhưng bí ẩn của Kim Tự Tháp hình như vô tận, bắt đầu từ năm 1994 chính phủ Ai Cập mở cửa cho du lịch văn hóa khu quần thể này thì Kim Tự Tháp Sahure lại đón nhận thêm nhiều phát hiện mới về nó từ những nhà nghiên cứu du lịch tham quan.
Như đã nói, Kim Tự Tháp này có từ triều đại thứ 5 nên sự hủy hoại của thời gian không nhỏ. Từ đó việc nghiên cứu trở nên khó khăn, nhất là dáng vẽ ban đầu của nó. Những khai quật chỉ cho biết Kim Tự Tháp được xây dựng trên một mặt nền có lót ít nhất hai lớp đá vôi trắng khai thác từ mỏ đá Maasara gần đó. Riêng phần lõi nằm trên 6 lớp đá vôi và đáng chú ‎ hơn nữa Kim Tự Tháp này không hoàn toàn có đáy vuông như những Kim Tự Tháp khác và hành lang dẫn vào trong làm thành những bậc thang.
Bỏ qua chi tiết đó, Kim Tự Tháp Sagur có cấu trúc giống những Kim Tự Tháp khác. Chung quanh cũng có những công trình liên quan đến tín ngưỡng như sân, đền thờ, đường đấp, … Riêng khoảng sân trước Kim Tự Tháp có 16 cột đá nguyên khối ganite đỏ có khắc vương hiệu pharaoh Sahure. Những mảnh di chỉ tìm thấy ở sân này cho biết ở đây từng chạm cảnh Pharoh Sahuree chiến thắng người Asians và Libya.
Phía bên trong sân có thêm nhà nguyện và các công trình phụ khác rồi mới là cổng vào Kim Tự Tháp. Các nhà Ai Cập học dựa vào đó cho rằng sân này xưa kia diễn ra những cuộc tế lễ cho Pharaoh Sahuree. Đây là nét khá đặc thù của Kim Tự Tháp Sagure.
2.- Kim Tự Tháp Neferirkare: cao 70 m, cạnh đáy vuông 105 m, góc lài 53°7’48″; xây vào triều đại thứ 5. Kim Tự Tháp Neferirkare được đánh giá là Kim Tự Tháp lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở khu quần thể Abusir dù hình ảnh bên ngoài hoang tàn như một gò mối.
Đây là Kim Tự Tháp an táng Pharaoh Kakai, Kalai là vương hiệu của Neferirkare. Dựa trên lý thuyết sự tràn rộng ra của phế tích, Lepsius cho rằng Kim Tự Tháp này là Kim Tự Tháp bậc thang với 6 tầng bậc. Kim Tự Tháp có một hành lang trổ ở mặt phía bắc và dẫn thẳng vào phòng quàn xác ướp Pharaoh. Trước phòng này là một tiền sảnh thấp hơn mặt nền Kim Tự Tháp khoảng vài mét.
Trong Kim Tự Tháp có hai phòng quan xác ướp thiết kế theo trục Đông Tây, phần lớn đã hư hại và nhiều khối đá ở đây được lấy đi xây dựng công trình nơi khác. Khai quật khu ngoài Kim Tự Tháp cho thấy có nhiều chiếc thuyền bằng gỗ được chôn phía Bắc và phía Nam Kim Tự Tháp.
Theo nghiên cứu, lúc nguyên thủy Kim Tự Tháp không có miếu đường thờ Pharaoh, nó được xây sau này bởi vị Pharaoh nối ngôi. Miếu đường này có những hàng cột hình hoa sen. Bao quanh phức hợp Kim Tự Tháp này là vòng tường bằng gạch bùn mà ngày nay dấu vết của nó vẫn có thể nhận ra được.
3.- Kim Tự Tháp Neferefre: cao 65 m, độ lài không rõ; niên đại vào triều đại thứ 5. Kim Tự Tháp này được khảo sát tiên phong bởi Perring, Lepsius, de Morgan, Borchardt và một số nhà nghiên cứu khác. Nhưng các nhà nghiên cứu này không thống nhất với nhau vị Pharaoh từng nằm ngủ yên bên trong: có người cho là Kim Tự Tháp của Neferefre, số khác nói của Shepseskare. Cuối cùng đến thập niên 1970, đoàn nghiện cứu của Đại Học Prague (Tiệp Khắc) làm một nghiên cứu có hệ thống mới xác định là Kim Tự Tháp Neferefre.
Kết luận đó được dựa vào các manh mối:
Manh mối 1: Trong miếu đường cạnh Kim Tự Tháp tìm thấy một mẫu giấy cói papyrus ghi rõ là nơi thờ Pharaoh Neferefre;
Manh mối 2: một khối đá vôi tìm thấy ở một ngôi làng vùng Abuzir được xác định khả dĩ có nguồn gốc từ Kim Tự Tháp Neferirkare (mục số 2). Dữ kiện trên khối đá này suy đoán ra là Kim Tự Tháp của Pharaoh Neferefre.
Khảo cứu cơ thể học trên xác ướp cho thấy vị Pharaoh nằm nơi này  trạc 20-23 tuổi và đây cũng là chứng cứ tin rằng đó là Neferefre.
Kim Tự Tháp này có lẽ cũng là Kim Tự Tháp bậc thang. Trên nóc có mái bằng làm từ thứ đá mịn, đáng tiếc phần này đã bị lấy đi gung vào việc khác từ thời xưa.
Lối vào bằng đá granit hồng nằm ngay giữa mặt Bắc Kim Tự Tháp, hơi uốn cong theo hướng Đông-Nam trước khi đến tiền phòng của nơi quàn xác ướp. Tiền phòng và phòng quàn Pharaoh bố trí theo trục Đông-Tây, làm bằng đá vôi trắng mịn thớ.
Bên ngoài có phức hợp này có tường bao bằng gạch bùn. Phía Đông có một sân, chếch về phía bắc có khu để đồ thờ và bên hông có miếu đường.
4.- Kim Tự Tháp Amenemhet I: Pharaoh Amenemhet I là người khai sáng triều đại thứ 12 và trọ vì khoảng 30 năm, thuộc thời vương quốc thứ hai (năm 1975-1640 trước Công nguyên). Triều đại này Ai Cập cổ đại rất hùng cường, bao gồm cả vùng Hạ Nubia.
Năm 1882 nhà Ai Cập học Maspero lần đầu tiên đi sâu vào bên trong Kim Tự Tháp Tiếp theo vào những năm 1894-1895, hai nhà khảo cổ người Pháp Gautier và Jequier nối tiếp công việc thám hiểm này. Quy mô nhất là chuyến thám hiểm của Viện Bảo Tàng Metropolitan Museum (Newyork) kéo dài từ năm 1902 đến năm 1934.
Vào trong Kim Tự Tháp cũng bắt đầu từ mặt phía Bắc, theo con đường dẫn xuống sâu dưới mặt đất. Con đường này lát gạch granit hồng, cũng tận cùng ở phòng quàn xác ướp Pharaoh. Những khối đá này có dấu vết cho thấy sử dụng lại vật liệu thu hồi từ các Kim Tự Tháp khác như Kim Tự Tháp Khufu, Khafre, Unas, …
Những hành lang có nhiều hình ảnh chạm khắc liên quan đến Pharaoh Amenemhet I. Lõi làm bằng khối đá vôi nhỏ lấy tại địa phương; có độn thêm cát, đá vụn và gạch bùn để lấp các khe hở. Phần xây bên trên làm bằng gạch bùn nên theo thời gian hư hại rất nhiều, hiện nay chỉ còn cao 20m.
5.- Kim Tự Tháp Khentkaues: nằm phía Nam Kim Tự Tháp Neferirkare, được Ludwig Borchardt thám hiểm lần đầu tiên. Ban đầu Borchardt chỉ đánh giá đây là cặp mộ cổ song táng, mãi đến thập niên 1970 đoàn khảo cổ học Tiệp Khắc mới xác định rõ là Kim Tự Tháp của Pharaoh Khentkaues.
Những hình ảnh và k‎ý tự chạm trong Kim Tự Tháp này cho biết nó được xây làm hai thời kỳ. Giai đoạn đầu khởi công trong thời gian Khentkaues dang trị vì (khoảng 10 năm) và tạm ngưng khi vua băng hà. Một thời gian sau mới được vị Pharaoh mới, là người con trai Niuserre của ông, tiếp nối công trình.
Cũng như nhiều Kim Tự Tháp khác ở Abusir, Kim Tự Tháp này cũng bị hư hại nặng: chỉ còn cao 4m. Nhờ sự khảo sát và khai quật của đoàn Tiệp Khắc người ta mới biết đây là một Kim Tự Tháp có lõi làm bằng đá vôi chất lượng cao.
Hành lang dẫn vào bên trong cũng bắt đầu ở vách phía Bắc bằng đá vôi trắng, và cũng dẫn đến phòng quàn Pharaoh. Phòng quàn cũng bằng đá vôi trắng và trên trần là một khối lớn phẳng. Trong Kim Tự Tháp cũng có một phòng quàn nhỏ dành cho hoàng hậu.
Di chỉ khai quật cũng cho thấy bên ngoài có một Kim Tự Tháp nhỏ dùng cúng tế, một sảnh rộng có cột đỡ trần. Tất cả đều nằm phía đông như những Kim Tự Tháp khác.
(còn tiếp)


[1] Kim Tự Tháp Khufu còn gọi là Kim Tự Tháp Đỏ vì nguyên thủy nó có lớp ốp lát bằng đá graphite đỏ bên ngoài; cũng gọi là Kim Tự Tháp Lớn vì là Kim Tự Tháp lớn nhất. Nó là một trong 7 kỳ quan cổ đại còn sót lại đến ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét