Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CÓ THẦN VÀ THẦN - I

Thu Tứ
Cùng một bắt đầu...
Linga-yoni: cái ấy là chính
Nõ-nường: ấy mới là cái chính
Điêu khắc đình làng: ấy dọc ấy ngang!
Bánh chưng: hình dáng e không gói ghém
Đôi "người", đôi ngả: chẳng qua cái hướng đầu tư Cùng một bắt đầu...
Chẳng nhớ nghe câu "Hạt gạo là hạt ngọc" ở đâu. Có thể chính lời mẹ mình, có thể lời mẹ người khác. Lời nhắc nhở riêng, cũng có thể là lời chung của tất cả các bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Miên, bà mẹ Thái, bà mẹ Nam Dương, bà mẹ Ấn-độ v.v. Trên khắp một vùng Nam Á rộng lớn từ bán đảo Ấn phía Tây đến mảnh đất hình chữ S của chúng ta phía Đông, cây lúa nước chắc chắn là thứ "cây" quan trọng nhất trong đời sống vật chất của nhân loại.
Qua việc đồng áng, cư dân những vùng trồng lúa nước dần dần thấm thía ý nghĩa sinh tử của hiện tượng đơm bông kết quả. Nông nghiệp nước lại rất nặng công lao động, gia đình càng đông con càng lợi thế. Phồn thực -- "nẩy nở ra nhiều", nhiều con nhiều lúa -- dần dần trở thành ước muốn "không rời". Cái muốn mãnh liệt dẫn đến cái nghĩ lung, về một hướng nào đấy, chẳng hạn tìm sự phù trợ siêu nhiên để khắc phục khó khăn và giảm thiểu may rủi trong nghề. Lặng lẽ, tín ngưỡng phồn thực ra đời. Cây lúa sau khi giúp chúng ta khỏi chết đói, lại giúp chúng ta phát triển thêm đời sống tinh thần.
Thực ra, ở Việt Nam, những hình thức xưa nhất của tín ngưỡng phồn thực có lẽ đã xuất hiện trước thời đại kinh tế nông nghiệp. Lễ mở cửa rừng ở xã Phú Lộc, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú, chẳng hạn, hiển nhiên có liên hệ với nghề săn nguyên thủy. Tuy nhiên, hoàn thiện nông nghiệp nước dường như là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của loại tín ngưỡng này.
Sau nhiều nghìn năm mạnh ai nấy trồng nấy tin thoải mái, kẻ tò mò thử so sánh tình hình đây đó, không khỏi ngạc nhiên.
Linga-yoni : cái ấy là chính
Tiếng Phạn nổi tiếng cực kỳ phong phú từ trừu tượng. Nhưng có đôi từ Phạn ngữ tuy chẳng trừu tượng tí nào mà hầu cả thế giới đều biết: lingayoni. Sinh thực khí thì dân tộc nào cũng có tiếng gọi. Linga - yoni sở dĩ lừng danh quốc tế là nhờ một cách thờ phụng đặc biệt của người Ấn-độ.
Will Durant [1] cho biết ở Ấn-độ nhìn đâu cũng thấy cái giống, nhất là của phái nam. Linga được dựng sừng sững trong đền, ngất nghễu hai bên đường đi, được rước long trọng vào ngày lễ. Để dâng lễ vật cho linga, như Phật tử cúng Phật, người Ấn có thể đập mạnh một trái dừa đã lột vỏ vào tượng mà tưới. Ở một số đền ven sông Hằng, người ta lấy nước sông chùi rửa linga rồi bán nước đó cho tín đồ muốn cầu tự.
Quan sát các nghi lễ trên, ai cũng đoán được những trụ đá vĩ đại kia hẳn không còn mang ý nghĩa phàm tục. Will Durant xác nhận: "Shiva là thần, mà dương vật là hình ảnh (...) (người Ấn) đã từ lâu rồi (...) chỉ thấy đó là một cách (...) để hình dung quyền năng của thần Shiva". Shiva là thần lớn, có quyền năng sinh hóa, dĩ nhiên cần thờ. "Trong mọi sự thờ phụng, sự thờ phụng thần Shiva có tính cách nghiêm trang nhất..." Đã là hình ảnh của thần, được thờ cúng trang nghiêm, được đeo ở cổ như con chiên đeo Thánh giá, linga từ lâu không còn liên hệ trực tiếp với sinh thực khí của người, không gợi nhắc cái dâm. Thánh Gandhi bảo: "Chính các du khách phương Tây tới thăm nước chúng tôi đã phát giác cho chúng tôi tính cách tục tĩu của nhiều tập quán từ trước chúng tôi vẫn theo mà chẳng thấy tục chỗ nào cả. Riêng tôi, nhờ đọc một cuốn (sách) của một nhà truyền giáo mà biết rằng cái linga của thần Shiva có ý nghĩa tục tĩu."
Ai cũng biết người Chàm chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Ấn-độ. Sinh hoạt tinh thần của dân tộc này khi xâm nhập vào dân tộc khác luôn luôn bị địa phương hóa mà biến dạng ít nhiều. Về trường hợp tín ngưỡng phồn thực, dưới hình thức thờ cúng linga-yoni, độ biến dạng khi từ Ấn qua Chàm dường như không lớn. Theo Lương Ninh[2], "Chưa ở đâu trong các quốc gia Đông Nam Á có ngẫu tượng linga nhiều, kích thước lớn và đẹp như những linga ở Cham Pa (...) Ngẫu tượng (...) tạc bằng đá cứng (...) nét gọn, chính xác (...) vẻ trang nghiêm 'thánh hóa' (...) không thô kệch." Trang nghiêm, thánh hóa, rõ ràng là tinh thần của ý niệm thờ cúng dương vật xuất phát từ đất Ấn.
Linga đông du từ Ấn qua Chàm, rồi Bắc tiến từ Chàm lên Việt. Trong lịch sử xung đột kéo dài nhiều thế kỷ giữa Chiêm Thành và Việt Nam, phía chúng ta mỗi khi thắng trận, ca khúc khải hoàn, ngoài đất đai, châu báu, mỹ nữ, thỉnh thoảng lại đem về những mảnh văn hóa Chàm độc đáo. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm đại thắng, xa giá về Thăng Long dường như có rước theo một cách diễn dịch Phật giáo mới lạ. Triều Lý nổi tiếng về kiến trúc chùa đồ sộ, nguy nga. Chùa Một Cột thời Lý không phải bé nhỏ như bây giờ. Theo Chu Quang Trư ù [3], chùa kiến trúc trên cột đá cao hàng chục mét, dựng giữa hai lớp hồ, "quanh đỉnh cột chạm bông hoa sen nghìn cánh, trên hoa sen (xây) tòa điện màu xanh, trong điện có pho tượng Phật mình vàng". Theo Nguyễn Đăng Thục[4], cái kiến trúc cột đá khổng lồ ấy không phải ngẫu nhiên: "... Linga-yoni của Chiêm Thành xưa. Người Việt Nam thời Lý đã thay bằng 'Đài Sen Một Cột' ở giữa cái hố vuông như ngôi Chùa Một Cột hay Diên Hựu, dáng chừng ảnh hưởng Nho học trọng hình thức lễ nghi trừu tượng hơn là hình thức cụ thể cho nên đã hóa trang đi như thế." Chùa thờ Phật xây trên đỉnh tượng thần Shiva!
Văn hóa Chàm có khi do ta cố ý rước về như trường hợp kiến trúc kỳ lạ của chùa Một Cột. Nó có khi lặng lẽ phát huy sau khi được ta vô tình đem theo về Bắc. Theo Tạ Chí Đại Trường [5], chùa Bà Đanh ở Thăng Long có thể là kiến trúc tôn giáo Chàm do một số tù binh Chàm dựng lên. Gọi chùa thực ra là ngoài quy ước, vì "Bà Đanh tự" (tên trên bia) không thờ Phật. Chùa thờ một nữ thần Chàm ngồi trong tư thế đặc biệt hớ hênh. "Thần ban phúc cho người cầu cúng khi người này cầm gậy thọc vào hạ bộ của thần." Vì thế chùa còn có tên bình dân là chùa Bà Banh. (Vẫn theo Tạ Chí Đại Trường, "Đanh" là nói về cây gậy bằng đá.)
Chữ nghĩa nôm na phản ánh thẳng thật cách nhìn. Dù Banh hay Đanh, cũng đều là phong thái mô tả cụ thể đặc thù của người Việt chúng ta và đều gây cảm tưởng... không đứng đắn. Tức thị hoàn toàn mâu thuẫn với tín ngưỡng của kẻ xây chùa. Dù Bà có "phô phang" rộng rãi thế nào đi nữa, dù gậy có Đanh, ta có thể tin chắc rằng những cư dân Chàm ở Thăng Long thời ấy khi vào cúng bà mấy gậy là cúng với thái độ trang nghiêm, thành khẩn nhất, chẳng mảy may kém lòng thành của người Phật tử lúc dâng hương lễ Phật. Đặc điểm nổi bật trong tín ngưỡng phồn thực Ấn - Chàm chính là ở thái độ trang nghiêm khi đối diện "thần".
                                                                        Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét