Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CHÙA, ĐỀN, ĐÌNH, PHỦ, ĐIỆN, MIẾU...PHẦN II

 

Đền chùa cổ Việt Nam có 3 kiểu kiến trúc chính : Chữ tam, Chữ công, và chữ Đinh


Hình chữ Tam gồm 3 tòa ngang, từ cửa vào lần lượt là chùa Hạ, Trung, Thượng. Mỗi tòa có những tượng riêng. Chùa chữ tam hiện nay còn không nhiều. Tiêu biểu là chùa Tây Phương ở Hà Tây, chùa Kim Liên ở Hà Nội.

Hình chữ Công, hình chữ H nằm ngang, gồm hai tòa ngang được nối với nhau bởi một tòa dọc (gọi là ống muống).
- Tòa ngang ở ngoài là Tiền đường, hay Bái đường, cũng còn gọi là chùa Hộ vì hay để tượng Hộ pháp.
- Tòa dọc gọi là Thiêu hương (rất nhiều chỗ do không biết nên viết là thiên hương, thiện hương

), hay cũng là Chính điện, nơi để bàn thờ chính.
- Tòa ngang cuối là Thượng điện, hay Hậu điện.

Hình chữ Đinh, hình chữ T lộn ngược, thực ra là giản lược của chùa chữ Công. Thường là do không đủ điều kiện làm chùa chữ Công.
- Tòa ngang vẫn là Bái đường, Tiền đường.
- Tòa dọc gọi là chuôi vồ, là Chính điện.

Những đền chùa đủ rộng, có các dãy hành lang bao quanh, trông giống chữ Quốc, nên gọi là "Nội công ngoại quốc"

Đền cổ cũng thường có dạng chữ Công hoặc chữ Đinh, hoặc trùng thiềm điệp ốc, nghĩa là các tòa nhà ngang liền vào nhau, như đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh.

Chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự), ngôi chùa chữ tam đẹp nhất, với những mái đầu đao cong vút duyên dáng.


Cũng có trường hợp kiến trúc nửa chữ Công, nửa chữ Tam, đó là khi hai chùa Hạ và Trung của chữ Tam lại được nối với nhau bởi một ống muống, còn chùa Thượng vẫn đứng tách ra.

Tiêu biểu là ngôi chùa Thầy (Thiên Phúc Tự) nổi tiếng đất Hà Tây.

Thủy đình
Kiến trúc Thủy đình là đặc trưng riêng có của đồng bằng Bắc bộ, và cũng là riêng có của Việt Nam, gắn với hình thức sân khấu Múa rối nước.

Thủy đình chùa Thầy, chùa Nành là những hình ảnh tuy không hoành tráng, nhưng rất sâu đậm với người Việt. Nếu có đi đâu, bỗng gặp một thủy đình, hãy hình dung đến rối nước...

Thủy đình cũng có thể trở thành một phần kiến trúc không gắn với rối nước, như thủy đình của đền Phù Đổng, được xây thành một miếu đối diện với đền, tôn lên vẻ đẹp không gian của ngôi đền.


Sân
Qua Tam quan là vào đến sân chùa. Sân chùa rộng hay hẹp còn tùy vào địa thế. Và cũng tùy vào địa thế mà giữa sân chùa có công trình nào không. Thông thường sân chùa để trống.

Cũng có trường hợp như chùa Láng, giữa sân có đình bát giác, là nơi để kiệu khi làm lễ thánh. Điều này rất đặc biệt, vì chùa Láng thuộc dòng Mật tông, thờ Từ Đạo Hạnh vừa là Sư, vừa là Thánh, nên khi cúng có cả rượu thịt, trong chùa lại làm cả hậu cung kín mít y như các ngôi đền, đình.

Đình bát giác này là một kiến trúc không chỉ độc đáo, mà còn là duy nhất ở một ngôi chùa cổ. Các chùa khác mà tớ đã biết không làm nhà kiệu ở ngay sân trước của chùa bao giờ.

À, có chùa Hương, có cả một cái lầu rất lớn trước chùa Thiên Trù, nhưng có vẻ đó là công trình độc lập, không phải cái nhà kiệu của chùa.

Sân và nhà bát giác chùa Láng


Hộ pháp
Bước vào tòa đầu tiên - Tòa tiền đường, hay bái đường - của chùa, bao giờ số gian cũng là lẻ, gian giữa thông với Thượng điện, các gian rộng ra hai bên.

Thường ở tòa này có hai pho tượng rất lớn, lớn nhất trong số các bức tượng trong chùa miền bắc, đó là hai tượng Hộ pháp. Do đó Tiền đường còn được gọi là chùa hộ.

Tượng Hộ pháp tượng trưng cho các lực lượng bảo hộ cho Phật pháp, gồm Khuyến thiện và Trừng ác, quen gọi là ông Thiện và ông Ác. Tuy vậy sự phân biệt này hoàn toàn mang tính dân gian, chứ trong Phật giáo không có sự phân chia như thế. Thiện và Ác chỉ có khi người ta còn phân biệt. Khi đã ở vào Trung đạo sẽ chỉ còn Phật tính, khi đó không có thiện và ác nữa.


Tượng Hộ pháp chùa Bút Tháp



Tượng Hộ Pháp có thể bày quay mặt ra phía ngoài cửa chùa, hoặc cũng có thể bày quay mặt vào giữa, tùy vào từng chùa. Đầu tượng cao gần mái chùa.

Hộ pháp thường ngồi trên lưng hai con nghê lớn, tuy vậy, con nghê thường trông vẫn nhỏ so với tượng, có vẻ bị đè đến sắp bẹp ruột. Hộ pháp tay cầm vũ khí trong tư thế phòng vệ; hoặc cầm một pháp khí như hòn đá thiêng, ngọc ước, hay lưỡi lửa, trong thế bảo hộ. Tượng thường có dải lụa bay lên đằng sau đầu, thể hiện thần thông.

Hộ pháp chùa Nành


Tượng Hộ pháp thường được đắp bằng đất sét, trộn với giấy bản giã nhỏ, mật mía, vôi. Khung cốt tượng được làm bằng tre, đan kĩ, sau
khi đắp xong được sơn kĩ ra bên ngoài bằng sơn ta.

Tượng làm bằng đất, nên nếu gặp mưa gió, bão lụt thì sẽ hỏng, do đó tượng Hộ pháp đắp đất bắt buộc phải để trong chùa, sát vách
tường để được che chắn. Nhờ vậy, có những pho tượng đã tồn tại hơn 400 năm mà vẫn đẹp. Cách xử lý đất, sơn... của các cụ cũng thật đáng nể.

Kỉ lục về độ lớn của tượng Hộ pháp là hai pho ở chùa Thầy, với chiều cao đến gần 4m, lượng đất cũng vài tấn. Pho này được đắp cách đây khoảng 400 năm. Tuy vậy hai pho này không đẹp lắm, có vẻ hơi không cân đối.


Cầu khấn đức Hộ pháp


Hai hộ pháp Thiện và Ác, có trường hợp gọi là Thiện Hữu và Ác Hữu, lại cũng có những câu chuyện khác.

Thiện Hữu là một vị hoàng tử, cũng là ứng thân trước của Phật, phát nguyện cứu giúp chúng sinh.

Ác Hữu là Đề Bà Đạt Đa, (hay Đạt Điêu) là em họ của Phật Thích Ca, cũng là bậc tu hành, học giáo pháp của Phật, thu thập Tăng đồ, tìm về chính đẳng chính giác. Nhưng Đạt Đa không chịu tuân theo một số điều của Phật, và muốn lãnh đạo Tăng đoàn theo cách riêng, muốn lập hệ phái riêng của mình ngay khi Phật còn tại thế. Để củng cố vị trí của mình, Đạt Đa nhiều lần tìm cách làm hại Phật, như sai người ám sát, thả thú dữ,..., nhưng Phật đều hóa giải.

Tăng đoàn mà Đạt Đa lãnh đạo - xét theo nghĩa nào đó - cũng vẫn là học theo Phật pháp, nhưng có những giáo luật khác, và không nhận mình là từ Phật. Do đó, Đạt Đa tuy làm ác với Phật, nhưng vẫn có công trong việc giáo hóa chúng sinh. Hơn nữa, từ hành động của Đạt Đa, Phật mới đặt thêm những quy định nhiều hơn để củng cố Tăng đoàn của mình, làm cho bộ Luật thêm chặt chẽ.

Cho nên xét về khía cạnh Giới Định, thì Đạt Đa cũng có công hộ pháp. Và theo truyền thuyết thì Đạt Đa cũng vẫn được thác sinh vào hàng các vị Thiên vương trên cõi trời. Giờ đây, Ác Hữu Đạt Đa trở thành người hộ vệ Phật pháp tại chùa. Cái Ác hay cái Thiện chung quy lại cũng không phải là thường trụ.

Tất nhiên là mọi người vào chùa thường cũng không cần hiểu sâu xa đến thế.


Bát bộ Kim Cương
Tiếp theo hai tượng Hộ pháp to lớn, trong chùa còn có một số tượng khác cũng mặc trang phục võ tướng, cầm binh khí, bao gồm:
- Bát bộ Kim Cương
- Tứ đại Thiên Vương
- Tam châu Thái tử
- Đức Ông

Các vị Kim Cương - tượng trưng cho sự cứng rắn bất hoại, kiên định vĩnh cửu. Có Kinh Kim Cương, Kim Cương Thừa là một tông phái, có Kim cương chử là một pháp khí thần thánh. Lại cũng có các vị Kim cương, mà ta thường gặp là 8 vị.

Các vị Kim Cương cũng là các Bồ tát, phát tâm trở thành các thần tướng bảo hộ Phật pháp, chống lại những điều sai trái. Các vị Kim Cương mặc võ phục, cầm binh khí trong các thế võ sống động.

Tên của các vị ấy thực ra cũng không quan trọng, và cũng chẳng cần nhớ, và lại cũng không giống nhau giữa các phiên bản.
Bốn vị Kim Cương bày dọc tường, cạnh một tượng Hộ pháp ở chùa Dâu. Bên kia cũng có một bộ như thế. Thế là gian Tiền đường có đến 10 vị tướng đứng trấn giữ cho chùa.
 

                                                                          Còn tiếp......

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét