Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TRÀ LUẬN III

0
TRÀ LUẬN phần III: Mối liên kết giữa Thiền với trà
III. Lão giáo và Thiền tông
Mối liên kết giữa Thiền với trà trở thành ngạn ngữ. Chúng tôi từ lâu ghi nhận rằng trà nghi là sự phát triển của Thiền nghi . Tên tuổi của người khai lập ra Lão giáo, Lão Tử, gắn bó mật thiết với lịch sử trà. Trong sách giáo khoa của Trung Hoa có viết về nguồn gốc phong tục và tập quán dâng trà mời khách bắt đầu từ Quan Duẫn, danh đồ của Đức Lão Tử, người đầu tiên dâng lên cho “Lão Triết Nhân” chén linh dược màu hoàng kim. Cố nhiên câu chuyện có giá trị và chúng ta sẽ còn bàn luận nhiều về tính xác của những câu chuyện như thế, nhưng dù sao nó khẳng định các đạo gia đã sớm biết dùng thứ thức uống này. Mối quan tâm của chúng tôi về Đạo học và Thiền học chủ yếu nằm ở chỗ liên quan đến cuộc sống và nghệ thuật, hai thứ hóa thân vào thứ mà chúng tôi gọi là Trà đạo.
Tiếc rằng vẫn chưa có cuốn sách ngoại ngữ nào trình bày thích đáng triết thuyết của Lão học và Thiền học, dù rằng chúng ta đã có nhiều cố công đáng ca ngợi.
Như một tác giả đời Minh nhận xét: Dịch thuật luôn là sự phản bội, dù dịch hay đến đâu nó cũng chỉ là mặt trái của một tấm gấm; vẫn thấy còn đầy đủ tơ sợi nhưng mất đi kiểu cách và màu sắc. Nhưng nói cho cùng, có triết thuyết vĩ đại nào dễ thuyết trình đâu? Thánh nhân thời xưa chẳng bao giờ đem lời dạy của mình viết thành sách có hệ thống. Các Ngài chỉ nói theo lối nghịch biện vì e rằng rằng sẽ thốt ra chân lý nửa vời. Thoạt nghe các Ngài nói tưởng đấy là mấy người điên, nhưng cuối cùng các Ngài làm những người nghe thành thánh hiền. Với tính khí cổ quài, Lão Tử nói: “Kẻ hạ trí nghe Đạo thì cười to. Không cười to sao gọi là Đạo được”.

Thiền trà

Dịch sát nghĩa chữ Đạo có nghĩa là ”Lối Đi” (Path). Đạo lại được dịch thành nhiều từ khác như “Con Đường” (Way), “Tuyệt Đối Tính” (Absolute), “Qui Luật” (Law), “Tự Nhiên” (Nature), “Lý Tính Tối Thượng” (Supreme Reason), “Phương Thức” (Mode). Không phải những từ này đều sai cả vì cách dùng từ của các đạo gia có khác biệt nhau tùy theo chủ đề-đối tượng đòi hỏi. Chính Lão Tử cũng từng dùng chữ Đạo như thế này: “Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng (vô thanh) trống không (vô hình), đứng một mình mà không thay đổi (vĩnh viễn bất biến), vạn hành khắp vũ trụ mà không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết nó tên là gì, tạm đặt tên nó là Đạo, miễn cưỡng gọi nó là lớn (vô cùng). Lớn (vô cùng) thì lưu hành (không ngừng), lưu hành (không ngừng) thì đi xa, đi xa thì trở về (qui căn).” . Đạo ở đây hàm nghĩa “con đường” hơn là “lối đi”. Đạo chính là Tinh Thần Thường Biến của vũ trụ, vĩnh hằng sinh trưởng để rồi quay về chính nó để sản sinh ra cái mới. Đạo cuộn mình lại như con rồng, một biểu tượng được ưa thích của các đạo gia. Đạo thu lại rồi trương ra như những đám mây. Có thể nói Đạo là sự Biến Chuyển Vĩ Đại. Chủ quan mà nói Đạo là Tính Khí của Vũ Trụ. Sự Tuyệt Đối của Đạo là Tương Đối.
Trước hết nên ghi nhớ rằng Lão giáo, cũng như dòng kế thừa chính thức của nó là Thiện tông, đại diện chu xu thế cá nhân chủ nghĩa của tinh thần miền Hoa Nam, đối chọi lại vớii chủ nghĩa cộng đồng của miền Hoa Bắc, lấy Nho giáo làm tiêu biểu. Trung Hoa rộng lớn như Châu Âu và có sự phân hóa về phong cách sống của từng miền, lấy hai con sông lớn làm mốc ranh. Dương Tử Giang và Hoàng Hà lần lượt được ví như Địa trung Hải và Biển Ban-tích. Thậm chí cho đến ngày nay, dù đã thống nhất hàng thế kỷ, tư tưởng và tín ngưỡng miền Hoa Nam vẫn khác biệt với miền Hoa Bắc, chẳng khác nào sự khác biệt giữa chủng tộc La-tinh với chủng tộc Teuton. Ngày xưa, khi việc giao thương còn khó khăn hơn so với ngày nay, và đặc biệt vào thời kỳ phong kiến, sự khác biệt về tư tưởng còn nổi bật hơn nhiều. Nghệ thuật và thi ca của mỗi miền thực sự có một hơi thở khác hẳn nhau. Với Lão Tử và các môn đồ và với Khuất Nguyên – người tiên phong cho trường phái Thi Nhân Tự Nhiên của vùng Dương Tử Giang, chúng ta thấy có một ý thức hệ khá trái ngược nhau với những khái niệm luân lý dung tục của những ngòi bút Hoa Bắc đương thời. Lão Tử sống vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên.
Mầm mống nảy sinh sự tư biện Lão giáo đã có trước khi Lão Tử (biệt danh Trường Nhĩ: Tai Dài) giáng thế từ lâu lắm rồi. Các thư tịch cổ của Trung Hoa, đặc biệt là Kinh Dịch, là điềm báo trước sự xuất hiện tư tưởng của Lão Tử. Nhưng lòng thượng tôn to lớn vào luật pháp và tập quán của nền văn minh Trung Hoa vào thời của kinh điển, cao điểm là sự hình thành nhà Chu vào thế kỷ thứ 16 trước Công Nguyên, đã kiềm chế sự phát triển chủ nghĩa cá nhân một thời gian dài; dài đến mức mãi đến khi nhà Chu bị phân rã và hình thành nhiều vương quốc độc lập khác nhau chủ nghĩa cá nhân mới có thể nở rộ trong lòng sum sê của tự do tư tưởng . Lão Tử và Trang tử đều là người Hoa Nam, hai đại biểu lớn nhất của Trường phái (Tư duy) Mới. Mặt khác, Khổng Tử với đông đảo môn đồ của Ngài nhắm vào bảo lưu các quy ước của tổ tiên. Không thể hiểu được Lão giáo nếu thiếu kiến thức về Nho giáo, và ngược lại.
Chúng ta đã nói Tuyệt Đối Tính của Lão giáo là Tương Đối Tính. Xét về mặt luân lý, các đạo gia khinh bỏ luật pháp và điển chế luân lý của xã hội, vì đối với họ ‘đúng’ hay ‘sai’ chỉ có tính tương đối. Định nghĩa luôn có giới hạn của nó – “Cố định” hay “Bất biến” chỉ là thuật ngữ biểu thị sự dừng lại của phát triển. Khuất Nguyên nói: “Thánh nhân qua lại trong cõi nhân gian”. Các chuẩn mực đạo đức của chúng ta được sinh ra do nhu cầu xưa kia của xã hội, nhưng xã hội có y nguyên như trước đâu? Tuân thủ truyền thống cộng đồng buộc thường hằng hy sinh cá nhân cho đất nước. Để gìn giữ ảo tưởng phi thường đó, nền giáo dục cổ vũ những hạng người ngu muội. Dân chúng không được dạy dỗ để thành người có đạo đức đúng nghĩa, mà trở thành người thích hợp (với định chế xã hội). Chúng ta hung ác vì chúng ta tự tri tự giác kinh khủng quá. Chúng ta nuôi mớm lương tâm vì chúng ta sợ phải nói sự thật cho kẻ khác; chúng ta trú mình vào tự tôn vì chúng ta sợ phải thú thật với chính mình. Làm sao có được người sống nghiêm túc với thế gian trong khi thế gian là lố bịch! Óc đổi chác có mặt khắp nơi. Danh dự và trinh tiết! Này người bán hàng tự mãn mình bán đồ Tốt và đồ Thật. Nhưng ai mua được cái gọi là Tôn giáo, mà thực ra đó chỉ là thứ đạo lý thường tục được thần thánh hóa bằng hoa và âm nhạc. Tước đi những thứ phụ thuộc của Giáo hội thì thử xem nó còn lại gì? Thế nhưng lòng tin vẫn nảy nở diệu kỳ, vì giá cả rẻ một cách phi lý, mỗi lời cầu nguyện là một vé lên thiên đàng, một chứng chỉ cho người công dân danh dự. Mau ẩn mình dưới cái đấu đi, vì nếu sự hữu dụng của bạn lộ ra trước bàn dân thiên hạ, bạn sẽ sớm bị hạ gục bởi sự ngã giá cao nhất của người tổ chức bán đấu giá. Tại sao con người, đàn ông lẫn đàn bà, thích quảng cáo mình nhiều đến thế? Phải chăng đó chỉ là bản năng nảy sinh từ thời còn nô lệ?
Khí lực của một ý tưởng ít nằm ở sức mạnh bẻ gãy tư tưởng đương thời hơn là chế ngự được các trào lưu hậu lai của nó. Lão giáo là một hoạt lực suốt triều đại nhà Tần, thời mà Trung Hoa được thống nhất mang lại tên gọi China. Chúng ta từng ghi chú Lão giáo có luồng ảnh hưởng được các tư tưởng gia đương thời quan tâm; đó là các nhà toán học, các cây bút viết về pháp gia và binh gia, các nhà thần bí học và các thuật sĩ luyện đan, và sau nữa là các thi nhân theo phái Tự nhiên của vùng Dương Tử Giang. Không phải chúng ta không biết đến những tay tư biện luận về Thực tại, những tay này ngờ vực hoặc giả con ngựa trắng là sự thực vì sắc lông nó trắng hoặc giả vì nó cứng đặc; hay những tay theo thuyết Thanh đàm của thời Lục triều, những tay này sôi nổi bàn về Thanh Khiết và Trừu Tượng như các triết nhân thiền học. Vượt lên trên hết, chúng ta nên tỏ lòng tôn kính Lão giáo vì điều nó đã làm khiến cho Thiên Quốc Trung Hoa hình thành nét riêng của mình, mang lại cho đất nước này một khả năng nhất định để dè dặt và tinh tế như “hơi ấm của ngọc bích” vậy. Lịch sử Trung hoa ngập đầy những trường hợp sùng tín Lão giáo, các vương tôn hay ẩn sĩ cũng như nhau, đều noi theo lời dạy của các tín điều và thu hái được nhiều kết quả bổ ích và đa dạng. Câu chuyện không là gì nếu không có phần răn dạy và dí dõm. Nó phong phú những giai thoại, lời phúng dụ, và châm ngôn. Chúng ta vui thú được đàm đạo với vị Hoàng Đế được bất tử vì chưa hề được sinh ra. Chúng ta có thể cỡi gió bay theo Liệt Tử và thấy rằng gió tuyệt đối bình lặng vì chính chúng ta là gió, hay trú mình giữa không trung cùng Hoàng Hà Lão Tổ, người nằm giữa Trời và Đất vì chẳng lệ thuộc vào Đất hay Trời. Ngay trong lời biện giải kệch cỡm cho Lão giáo ấy chúng ta cũng tìm thấy một đất nước Trung Hoa đương đại, chúng ta có thể say sưa trong sự trù phú của trí tượng tưởng mà chẳng tìm thấy trong đạo nào khác.
Hưng đóng góp chính của Lão giáo cho đời sống Á Châu lại nằm ở lãnh vực mỹ học. Sử gia Trung Hoa luôn nói Lão giáo như là “nghệ thuật sống ở cõi trần gian”, vì tôn giáo này giải quyết vần đề hiện tại-tự thân chúng ta. Thượng đế hội ngộ với Thiên nhiên ngay trong chúng ta, và ngày hôm qua tách lìa khỏi ngày mai. Hiện tại là Vô Tận đang chuyển động, phạm vi chính thức của Tương Đối. Tương Đối Tính truy tìm sự Điều Chỉnh, sự Điều Chỉnh là Nghệ Thuật. Nghệ thuật sống nằm ở chỗ thường xuyên tái điều chỉnh với ngoại cảnh chung quanh chúng ta. Lão giáo chấp nhận trần tục như thứ vốn có và chẳng như Nho giáo và Phật giáo, Lão giáo cố tìm được cái đẹp ngay trong thế giới nguyện ước và âu lo của chúng ta. Câu chuyện ngụ ngôn đời Tống về ba người nếm giấm giải thích tuyệt diệu xu hướng của ba học thuyết. Thích-ca Mâu-ni, Khổng Tử và Lão Tử cùng đứng trước một hũ giấm – biểu tượng của cuộc đời – và từng người nhúng ngón tay vào đó để nếm. Thực tế thấy Khổng Tử thấy chua, Phật bảo là đắng, và Lão Tử thốt lên khen ngọt


Các đạo gia quả quyết rằng tấn hài kịch nhân sinh có thể trở nên thú vị hơn nếu mọi người biết kết thành một mối. Muốn giữ cho muôn vật hài hòa và nhường chỗ cho kẻ khác mà chẳng lo mất địa vị của mình chính là bí quyết thành công trong tấn tuồng thế tục. Chúng ta cần thuộc hết vở kịch mới mong thủ diễn thích đáng vai tuồng của mình; khái niệm toàn cục phải chẳng bao giờ bị mất đi trong từng cá thể. Đó là ẩn dụ đắc ý của Lão Tử dùng minh họa cho hư vô. Ngài cho rằng chân bản chất chỉ tồn tại trong hư vô. Lấy ví dụ thực thể một căn phòng là một khoảng không gian trống rỗng có tường bao quanh và trên lợp mái, chứ không phải tường và mái là căn phòng. Công dụng của bầu nước nằm ở chỗ nó trống rỗng để rót nước vào, chứ không phải hình dáng chiếc bầu hay vật liệu làm ra nó. Hư không là toàn năng vì mọi thứ chứa trong nó. Ai có thể tự biến mình thành hư không để người khác tự do thâm nhập vào là người làm chủ được mọi tình thế. Cái toàn thể luôn có thể chi phối bộ phận.
Các ý tưởng này của đạo gia có ảnh hưởng to lớn đến các lý thuyết mang tính hành động, đến cả kiếm thuật và đấu vật của chúng tôi. Nhu thuật (Jiu-jitsu), môn võ tự vệ của Nhật Bản, được đặt tên như thế là dựa vào một đoạn trong Đạo Đức Kinh. Trong nhu thuật, người ta tìm cách kéo dài thời gian và vắt kiệt sức đối thủ bằng cách bất đối kháng (gọi là hư vô), trong khi đó cố giữ sức của mình chờ giành chiến thắng trong lượt đấu cuối cùng. Trong nghệ thuật, điều quan trọng của cùng nguyên lý trên được minh họa bằng giá trị gợi ý. Khi đưa ra điều gì thì không bộc lộ ra, cứ để người thưởng thức có cơ hội hoàn thiện ý tưởng và như vậy một kiệt tác lớn thu hút sự chú ý của bạn đến mức không thể kháng lại được mãi đến lúc bạn cảm thấy như mình là một phần của kiệt tác. Ở đó có một khoảng hư không để bạn đi vào và lấp cho đầy bằng mọi cảm xúc thẩm mỹ của bạn.
Ai biết làm cho mình trở thành bậc thầy trong nghệ thuật sống, người đó được các đạo gia coi là “chân nhân”. Khi mới chào đời, người đó bước chân vào mộng giới và đến khi chết mới tỉnh mộng. Người đó kiềm hãm sự xán lạn của riêng mình để hòa nhập vào nơi tối tăm của kẻ khác. Người đó tỏ ra “miễn cưỡng như kẻ phải vượt qua dòng nước vào mùa đông, do dự như người sợ kẻ láng giềng, trân trọng như một người khách, run rẫy như tuyết bắt đầu tan, khiêm tốn như miếng gỗ chưa tạc; trống vắng như thung lũng; vô dạng như làn nước bị khuấy động”. Với người ấy ba thứ báu vật trên đời là lòng thương xót, tính cần kiệm và hạnh khiêm tốn.
Bây giờ chúng ta chuyển sang Thiền học, chúng ta sẽ thấy lời dạy của Lão giáo được cường điệu trong nó. Thiền là từ có gốc từ tiếng Phạn Dyana (thiền na) có nghĩa là trầm tư. Thiền đòi hỏi phải dồn hết vào trầm tư mới hầu đạt được cái Tâm Vô thượng của mình. Trầm tư (tức Định) là một trong sáu hướng đi đến cảnh giới Phật, và các thiền phái khẳng định Đức thích-ca Mâu-ni dành ý nghĩa đặc biệt của thiền cho những lần thuyết pháp sau cuối, truyền thừa giáo pháp này cho đại đệ tử Ma-ha Ca-diếp. Theo truyền thuyết thiền tông, Ca-diếp là tổ thứ nhất truyền lại mật pháp cho A-nan-đà, và các tổ nối nhau truyền thừa đến đời của Bồ-đề Đạt-ma, tổ thứ 28. Bồ-đề Đạt-ma đi sang Hoa Bắc vào nửa đầu thế kỷ thứ 6 và trở thành tổ thứ nhất của Thiền Trung Hoa. Lai lịch và giáo pháp của các vị tổ này đều mơ hồ. Về mặt triết học, dường như thiền học một mặt gần gủi với thuyết phủ định Ấn Độ của Nagarjuna và mặt kia là là triết học Gnan của Sancharacharya. Giáo pháp đầu tiên của thiền mà nay được biết được gán cho Lục tổ Huệ Năng (637-713), người sáng lập ra Thiền Nam Tông; gọi như vậy vì dòng thiền này chiếm ưu thế vùng Hoa Nam. Truyền thừa của Huệ Năng là Mã Tổ (mất năm 788) người làm thiền có ảnh hưởng sinh động ở Trung Hoa. Bách Trượng (719-814) là đệ tử của Mã Tổ, người đầu tiên lập ra thiền viện và xây dựng Thanh Qui để quản lý thiền viện. Sau thời của Mã Tổ, trong tranh luận về thiền tông chúng ta thấy có vai trò của tinh thần Dương Tử Giang khiến cho nó có sự bổ sung cách tư duy bản địa và tương phản lại chủ nghĩa lý tưởng Ấn Độ lúc ban đầu. Dẫu cho có lòng tự tôn giáo phái thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận Thiền Nam Tông có nét tương đồng với giáo lý của Lão Tử và phái Thanh Đàm của Lão giáo. Trong Đạo Đức kinh chúng ta từng thấy ẩn ý nói đến tầm quan trọng của việc tập trung tinh thần và điều tiết hơi thở; đấy cũng là những điểm cốt lõi trong thực hành thiền định. Một số cuốn bình chú về Đạo Đức kinh hay nhất lại do các học giả thiền viết nên.
Cũng như Lão giáo, thiền học tôn thờ Tính Tương Đối. Một bậc tôn sư định nghĩa thiền như là thứ nghệ thuật cảm nhận thấy sao Bắc đẩu ở phía trời nam. Chân lý chỉ có thể đạt tới khi đã xuyên suốt qua lối hiểu trái ngược. Lại cũng như Lão giáo, thiền học là người biện hộ mạnh mẽ cho chủ nghĩa cá nhân. Chẳng có gì là thực cả ngoại trừ thứ đang hoạt động trong tâm của chúng ta. Một hôm, Lục Tổ Huệ Năng thấy hai tăng sĩ nhìn lá phướn của chùa tung bay trong gió. Một người nói: “Gió động”, và người kia bảo: “phướn động”, nhưng Huệ Năng giải thích cho họ chẳng phải gió động cũng chẳng phải phướn động, mà là cái gì đó trong tâm hai người động. Bách Trượng hành cước vào rừng cùng với một đệ tử, bất chợt một con thỏ rừng thấy hai người tiến lại vụt bỏ chạy. Bách Trượng hỏi: “Vì sao con thỏ vụt bỏ chạy trốn?”. Câu trả lời của người đệ tử là: “Vì nó sợ con”. Bách Trượng nói: “Không phải, vì chúng ta có bản năng sát sanh.”. Mẫu đối thoại này làm chúng ta nhớ đến Trang Tử, một đạo gia. Một hôm Trang tử đi bách bộ trên bờ sông với một người bạn. Trang Tử thốt lên: “Mấy con cá bơi lội trong nước có vẽ thích thú làm sao!”. Người bạn nói lại Trang tử như vầy: “Ông không phải là cá sao biết cá thích thú?”. Trang Tử bẽ lại: ‘Ông không phải là tôi sao biết tôi không biết cá thích thú?”
Thiền thường đối chọi lại các giáo luật của Phật giáo chính thống, chẳng khác nào Lão giáo đối chọi lại Nho giáo. Với trí huệ siêu việt của thiền, ngôn ngữ chỉ là sự phiền toái cho tư duy, toàn bộ Kinh Phật chỉ là lời bình chú cho suy cứu cá nhân thôi. Thiền gia trực tiếp nhắm hướng vào sự đồng cảm trực tánh bên trong sự vật, xem những thứ bám bên ngoài là trở ngại trong việc nhận thức sáng suốt chân lý. Chính tình yêu đối với trừu Tượng đó đã lèo lái thiền ưa chuộng tranh thủy mặc hơn là những bức họa nhiều màu sắc của các môn phái Phật giáo kinh điển. Đến mức một số thiền gia bài trừ thánh tương như là thứ quả hạnh kiến tánh ngay chính trong con người của mình, cho rằng thà vậy còn hơn là tôn thờ hình tượng hay biểu tượng. Chúng ta thấy có một Đan Hà Hòa Thượng (Tankawosho) đập vỡ bức tượng Phật bằng gỗ vào một ngày mùa đông để nhóm lửa. Một người trông thấy hoảng vía nói: “Mang tội chết!”. Thiền sư này vẫn bình thản, nói: “Tôi muốn lấy xá lợi từ tro của pho tượng này!”. Người kia đâm ra giận dữ nói: “Làm gì mà có xá lợi trong pho tượng đó!”. Thiền sư này đáp lại: “Nếu không có xá lợi thì đâu phải là Phật, vậy tôi có tội gì đâu.”. Rồi thiền sư quay trở lại việc sưởi ấm với ngọn lửa.
Đóng góp đặc biệt của thiền cho tư tưởng Phương Đông là thừa nhận thế tục và tâm đạo đều quan trọng như nhau. Thiền cho rằng mối quan hệ to lớn của các sự vật chính là sự không phân biệt to nhỏ, một nguyên tử cũng có khả năng ngang bằng với vũ trụ. Người đi tìm sự hoàn thiện phải khám phá ngay trong cuộc sống của riêng mình tia phản chiếu của nội tâm. Về quan điểm này, tổ chức của thiền viện mang rất nhiều ý nghĩa. Ngoại trừ vị chủ trì, mỗi người trong thiền viện được giao một công việc đặc biệt trông nom thiền viện, và khá kỳ thú là các sa di mới tu tập được giao việc nhẹ nhàng trong khi tăng sĩ càng cao thâm càng nhận những phận sự nặng nề và hèn hạ hơn. Làm việc là một phần môn quy của thiền và dù là một việc cỏn con cũng phải làm cho tuyệt đối hoàn hảo. Như thế nhiều nghi tình trọng yếu nảy ra trong khi làm cỏ vườn, gọt củ cải, hay phục vụ trà. Tất cả lý tưởng của Trà đạo là kết quả của nhận thức thiền về điều to lớn trong những sự cố nhỏ bé của cuộc sống. Lão giáo cung cấp nền tảng cho các lý tưởng mỹ học, còn thiền thì đưa chúng vào thực hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét