Translate

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

KIM TỰ THÁP AI CẬP III

 CÁC KIM TỰ THÁP Ở AI CẬP
Biên khảo: Đức Chính
Kim Tự Tháp ở Ai Cập quả là kiến trúc quá kỳ bí trước mắt mọi người, kể cả các nhà khoa học. Chúng đồ sộ đến mức người ta luôn đặt câu hỏi với phương tiện thô sơ thời xưa làm sao người Ai Cập có thể xây dựng được. Nhiều giả thuyết được đặt ra về cách xây dựng chúng sẽ đề cập ở bài sau, song song đó có những huyền thoại được dựng lên nhằm giải thích Kim Tự Tháp. Tựu trung có hai huyền thoại được nhắc đến nhiều:
- Cư dân lục địa huyền thoại Atlamtis của Platon di dân đến Ai Cập sau khi lục địa này chìm. Họ dựng Kim Tự Tháp theo mẫu hình ở quê cũ;
- Do người ngoài Trái đất ghé lại và dựng lên.
Cả hai huyền thoại này ngoài việc thiếu cơ sở chứng cứ, vả lại còn có một mâu thuẫn mang tính lịch sử để bác bỏ: sự hình thành Kim Tự Tháp có một diễn trình nhất định qua các khảo cứu khai quật. Các Kim Tự Tháp hình chóp đúng nghĩa không đột nhiên xuất hiện trên đất Ai Cập mà là sự biến đổi dần từ hình thái thấp đến cao.
Vào thời tiền sử, các di chỉ khảo cổ cho thấy các thủ lãnh bộ lạc được chôn trong các hố ở sa mạc. Do điều kiện khí hậu nóng và khô ráo các thi hài thường khô đét lại thành xác ướp tự nhiên. Có lẽ vì hiện tượng này mà tín ngưỡng ướp xác ra đời.
Dưới con mắt thần quyền của người Ai Cập cổ đại, các thủ lãnh là hiện thân cho thần linh nên không thể vùi xác trong hố cát mãi. Họ đã dựng lên một gò mộ vuông vức cho các vị này vào Sơ kỳ thời Triều đại (năm 3000-2500 trước Công nguyên) bằng đất bùn phơi khô. Với loại vật liệu này các ngôi mộ không thể trụ đứng được với thời gian cho chúng ta ngày nay chiêm ngắm, nhưng các khai quật khảo cổ ở  Nagada và Hierakonpolis đã chứng  minh sự tồn tại của chúng vào thời kỳ này. Các khai quật cũng cho thấy người Ai Cập thời ấy bắt đầu có tục thờ thần Âm phủ Orisis (như Diêm Vương theo tín ngưỡng người Việt và người Hoa). Điều này chứng tỏ tín ngưỡng vãng sinh Ai Cập đã manh nha, nghĩa là họ đã có ý niệm tâm linh khá rõ về cái chết cách nay gần 5.000 năm.








Đến cuối thời Sơ kỳ Triều đại bước sang Thời vương quốc cổ (năm 2500-2100 trước Công nguyên) mới có những lăng mộ vững chắc mang hình thái của ngôi đền. Tại Meidum vẫn còn một lăng mộ được các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ của Pharaoh Snofru (triều đại thứ 4 thời Vương quốc cổ).










Lăng mộ này có những đàn tế nhỏ hình vuông ở trên nóc nên có thể coi là tiền thân của loại Kim Tự Tháp bậc thang thời Vương quốc cổ. Trước di tích này còn có nhiều lăng mộ của các pharaohs khác (triều đại 1,2 và 3) đơn giản hơn và ít kiên cố hơn, nay chưa phát hiện ra. Cho thấy Kim Tự Tháp là loại hình lăng mộ được phát triển từ đơn giản đến phức tạp, diễn trình của chúng tuân theo sự tiến hóa tâm linh thời Ai Cập cổ đại.
Qua thời Vương quốc cổ các pharaohs có quyền lực của một quân vương đúng nghĩa. Các vị này nắm giữ trong tay toàn bộ tài lực và nhân lực của Ai Cập với cơ chế quân chủ thần quyền. Quy mô tổ chức xã hội nhờ đó khá hoàn thiện và Kim Tự Tháp bậc thang với đòi hỏi tập trung tài nguyên và sức người cao đã ra đời. Trong cuốn The Penguin Historical Atlas Of Ancient Egypt – 1996, tác giả Bill Manley viết: “Thực sự nhiều dinh thự to lớn nhất trên đất nước do hoàng tộc triều đại thứ 3 và thứ 4 chiếm giữ, trong số đó có các tể tướng (vizirs) của triều đình. Nếu đây là mốc phù hợp để ấn định bước khởi đầu Thời Vương quốc cổ, vậy chắc hẳn Kim Tự Tháp bậc thang Negerykhet (hay còn có tên là Djoser) là Kim Tự Tháp bậc thang lớn và cổ nhất ở các phức hợp Kim Tự Tháp Sakkara được dựng lên dành cho các vị thánh vương[1]. Thế là từ gò mộ, sau khi chuyển tiếp lên thành đền thờ, đã bước đầu biến thành Kim Tự Tháp bậc thang.







Sau Kim Tự Tháp bậc thang là Kim Tự Tháp mặt cong (bent pyramid), một hình thái trung gian của Kim Tự Tháp hình chóp đúng nghĩa. Sự chuyển tiếp này không rõ vì yếu tố tâm linh gì, nhưng rõ ràng cho thấy trình độ kiến trúc thời đó đã có một bước tiến đáng kể. Với hình thái vuông vức rõ ràng dễ xây dựng hơn mặt cong.








Cuối cùng là Kim Tự Tháp hình chóp như chúng ta thường nghĩ. Loại Kim Tự Tháp này có mặt nhẵn bao gồm 4 mặt tam giác hội tụ ở đỉnh trên một đáy hình vuông. Từ mặt cong qua mặt nhẵn đòi hỏi một quá trình tích lũy kiến thức xây dựng lớn và lâu dài. Tiêu biểu Kim Tự Tháp hình chóp là Kim Tự Tháp Lớn Kheops (xem ở phần dưới).
Nhà Phật thường nói: “Có sinh ắt có diệt”, quy luật này đúng với Kim Tự Tháp. Đến thời Vương quốc mới (triều đại 18, 19 và 20) Kim Tự Tháp không được huy động xây dựng nữa, các pharaohs được mai táng trong cách hầm khoét sâu vào vách đá, như ở Thung Lũng Các Vì Vua ở Thebes (vùng Thượng Ai Cập) và Thung lũng Các Bà Hoàng. Khu di tích Thung Lũng Các Vì Vua có 62 ngôi mộ táng trong vách đá và được UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hóa của nhân loại.







Hình như sự thay đổi này không do yếu tố tín ngưỡng, mà do yếu tố chính trị xã hội. Triều đại lúc bấy giờ suy yếu, quyền lực bị phân tán và xã hội bất ổn. Việc xây dựng Kim Tự Tháp tốn hao nhiều tài nguyên không thể thực hiện được.
*****
Cho đến nay, giới nghiên cứu cho biết có nhiều quần thể Kim Tự Tháp dọc bên bờ sông Nil. Ở bài này đề cập đến các khu:
- Quần thể Kim Tự Tháp ở Abu Rawash
- Quần thể Kim Tự Tháp ở Abusir
- Quần thể Kim Tự Tháp ở Dahshur
- Quần thể Kim Tự Tháp ở Fayoum
- Quần thể Kim Tự Tháp ở Giza
- Quần thể Kim Tự Tháp ở Saqqara















A.- Quần thể Kim Tự Tháp ở Abu Rawash: Khu Kim Tự Tháp này tuy nằm cách khu Kim Tự Tháp Giza vài cây số về phía Bắc nhưng ít người lai viếng vì còn quá ít điều để tham quan. Khu này hiện chỉ có Kim Tự Tháp Djedefre đáng chú ý , nhưng lại là phế tích. Còn cái gọi là và Kim Tự Tháp Lepsius chỉ là gò xây bằng gạch bùn.
1.- Kim Tự Tháp Djedefre: nguyên thủy cao 67m hiện hư hại nhiều, hiện chỉ còn là một đống đá di chỉ. Pharaoh Djedefre là triều vua thứ 3 của triều đại thứ 4, con trai của Pharaoh Khufu.







Dẫn vào Kim Tự Tháp có một con đường đắp cao từ hướng Đông-Bắc dẫn đến, cuối đường là lớp tường bao nay đã sụp lỡ nhiều đoạn. Bên trong khuôn viên có miếu thờ ở phía Đông và Kim Tự Tháp vệ tinh ở phía Nam. Kế miếu thờ có hố thuyền. Cũng như phần lớn các Kim Tự Tháp khác, phần lõi được xây dựng bằng loại đá từ nơi khác chuyển đến, còn phần ngoài làm bằng đá địa phương.











Bên trong khuôn viên tường bao người ta tìm thấy các mảnh vỡ của độ chừng 120 bức tượng, chủ yếu tạc hình pharaoh Kjedefre ngồi trên ngai vàng. Độ ba đầu tượng này được tìm thấy, một đang cất giữ ở Viện Bảo Tàng Louvre ở Paris và một ở Viện Bảo Tàng Ai Cập Cổ Đại ở Cairo.
Các nhà nghiên cứu từng cho rằng các pho tượng này bị người anh em cùng cha khác mẹ đồng thời cũng là người nối ngôi vị pharaoh Khafre phá hủy để báo thù cho người anh cùng cha khác mẹ khác là Kauab bị Kjedefre giết giành ngôi. Tuy nhiên giả thuyết này bị nhiều người phản bác, cho rằng các ngôi tượng bị các cư dân trong dùng phá hủy dần dà theo thời gian vì được bảo vệ kém (Kim Tự Tháp này nằm khác biệt lập)
2.- “Kim Tự Tháp” Lepsius: thực ra đây chỉ là kiến trúc bằng đá bùn nằm ở cực đông mũi đất nhiều gò núi, được đoàn khảo sát Lepsius phát hiện và họ tin rằng đó là Kim Tự Tháp. Nói đúng ra kiến trúc này đã được J. Perring phát hiện từ thập niên 1830, sau đó được Bisson de la Roque khảo sát chi tiết thêm và gần đây được nhà khảo cổ học Ai Cập NabilSwelim hoàn tất công trình nghiên cứu hồi giữa thập niên 1980.




Đây có phải là Kim Tự Tháp hay không vẫn còn là đề tài gây tranh cãi. Nhóm của nhà nghiên cứu Verner cho là không phải, còn nhóm của Lehner cho là Kim Tự Tháp bậc thang cấp tỉnh lẻ [2].
Có nhà nghiên cứu cho rằng kiến trúc này được dựng lên vào cuối triều đại thứ 3 (như trình bày ở trên là giai đoạn chưa có dấu hiệu rõ nét có sự xuất hiện Kim Tự Tháp), nhưng Verner cho rằng ít nhất phải vào triều đại thứ 5 hay thứ 6 (tức trễ hơn) và luận chứng rằng lõi của nó có khối đá mang từ nơi khác đến theo truyền thống Kim Tự Tháp.  Hiện nay một số nhà nghiên cứu tin nó là Kim Tự Tháp của Pharaoh Huni, hoặc giả là Pharaoh Neferka vì một số điểm sau:
Trong Kim Tự Tháp này có một khối đá mang từ nơi khác đến và gạch làm bằng đất bùn xây lên trên với độ nghiêng 75-76 độ. Với độ nghiêng này theo l‎ý thuyết lúc ban đầu nó phải cao 107 đến 150 m. Một hành lang dốc 25 độ theo trục Bắc-Nam dẫn xuống phòng mộ hình vuông và phòng mộ được bố trí theo trục đứng so với Kim Tự Tháp như thường thấy ở những cái khác.
(còn tiếp)

[1] In fact, many of the highest offices of the land were occupied by members of the royal family itself-including most of the vizirs of the 3rd-4th Dynasties. If there is a convenient marker for the beginning of  the Old Kingdom, then it is surely the Step Pyramid of Negerykhet (Djoser) at Sakkara, the earliest of the vast pyramid complexes of the god-kings.
[2] Kim Tự Tháp tỉnh lẻ, theo các nhà Ai Cập học, là những Kim Tự Tháp nhỏ, hình bậc thang và không làm lăng mộ.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét