Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

TỤC THỜ THẦN ĐÁ Ở VIỆT NAM - PHẦN III



2.Tín ngưỡng thờ đá trong mối quan hệ với các tôn giáo ngoại lai
2.1. Tín ngưỡng thờ Đá trong mối quan hệ với Phật giáo
Con đường lưu truyền của Phật giáo sang Việt Nam rất hoà bình và nó chung sống với tín ngưỡng dân gian bản địa trong sự hoà hợp hiếm thấy. Người Việt đón nhận triết lí về nhân quả - luân hồi, về con đường giải thoát khổ đau… với một tinh thần cởi mở và gần gũi. Họ như được sống trong bầu không khí của những triết lí dân gian mà giờ đây đã được nâng lên thành nhân sinh quan, thành giáo lí. Bởi thế, hầu hết các hiện tượng tín ngưỡng dân gian đều mang mầu sắc Phật giáo, được bao phủ bởi những huyền thoại của nhà Phật.
+ Hiện tượng thờ đá Thạch Quang mà chúng tôi đã có lần nhắc đến là một minh chứng cho sự hoà hợp giữa nguồn gốc bản địa và tính chất ngoại lai. Thạch Quang Phật vốn là thần Đá dân gian, kết hợp với các thần tự nhiên khác trong hệ thống Tứ Pháp (thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp), tạo thành một hiện tượng tín ngưỡng hỗn hợp ở vùng Dâu. Nhưng vùng Dâu lại là một trung tâm Phật giáo, nên ảnh hưởng của Phật giáo rất sâu đậm. Nó chi phối nếp nghĩ, nếp sống và đời sống tâm linh của nhân dân vùng Dâu. Các hình thức tín ngưỡng dân gian dễ bị Phật hoá, mang mầu sắc Phật giáo. Những huyền thoại như thế thể hiện quá trình thiêng hoá các lực lượng thiên nhiên, để trở thành đối tượng được thờ. Quá trình đó đã thể hiện sự đụng độ của tín ngưỡng dân gian với Tôn giáo ngoại lai để đi đến một sự dung hoà mang tính biện chứng.
+ Những hòn đá cầu tự ở chùa Hương, chùa Thầy cũng có nhiều lớp văn hoá, tín ngưỡng đan xen, chồng chéo lên nhau như thế. Sở dĩ, ở những nơi cầu tự có sự kết hợp như thế, là vì, những người đến cầu tự cần có niềm tin vào sự linh thiêng. Chức năng ban phát sự sống, tạo ra sự sinh sôi này nở, vốn là của các lực lượng tự nhiên. Cầu tự cũng là hành động con người cầu viện đến các vị thần đó. Phật giáo lại là Tôn giáo diệt dục, nhưng vẫn có sự kết hợp độc đáo này. Bởi vì, tín ngưỡng dân gian với các vị thần tự nhiên ngày càng trở nên xa lạ với cuộc sống con người. Khi con người đã lí giải được các hiện tượng tự nhiên thì ý nghĩa tôn kính các thần tự nhiên đó cũng mờ dần. Ngược lại, Phật giáo lại rất gần gũi với đời sống nhân dân, hiện hữu trong cuộc sống đời thường cũng như trong tinh thần con người. Một tín ngưỡng đã lùi xa và một tôn giáo gần gũi được kết hợp với nhau thể hiện nhu cầu của con người muốn lôi kéo các vị thần (tự nhiên) lại gần mình, để có lợi cho cuộc sống của mình. Trong sự kết hợp đó, Phật Giáo là “phương tiện”, để kết nối con người với các thần linh tự nhiên, truyền đạt nguyện vọng của con người đến các lực lượng siêu nhiên đó. Niềm tin sâu sắc của con người vào Phật giáo sẽ củng cố niềm tin đã mờ dần của họ về các thần tự nhiên, để họ có những hành động tín ngưỡng, thờ cúng như vậy.
Bởi thế, các nơi cầu tự của nhân dân dần dần được chuyển vào các ngôi chùa nổi tiếng. “Nam Hương Tích động, Bắc Bổ Đà sơn” là hai nơi cầu tự linh thiêng của nhân dân miền Bắc, bên cạnh đó, chùa Thầy cũng là một điểm cầu tự. “Đi chùa cầu tự” là một hình thức độc đáo trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
+ Sự tích chùa Bà Đá (số 3, phố Nhà Thờ, Hà Nội), kể lại việc dân làng đào móng xây chùa, phát hiện ra một bức tượng Phật Bà bằng đá. Dân làng đem vào chùa thờ, từ đó chùa có tên là chùa Bà Đá (trước đây, chùa có tên là Linh Quang tự). Tên của ngôi chùa đã thể hiện sự kết hợp giữa các hình thức tín ngưỡng: Thờ Đá - thờ Mẫu - thờ Phật. Đây là ngôi chùa ra đời vào thời Trần, khi đó Phật giáo đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của nhân dân. Cho nên, hình thức thờ cúng của người dân nơi đây đã chuyển hoá từ việc thờ Đá - thờ Mẫu sang thờ Phật. Đó là sự kết hợp thường thấy trong tín ngưỡng người Việt, tạo thành mô hình “tiền Phật, hậu Mẫu” trong các điện thờ. Lớp thờ Đá bị mờ dần dưới ảnh hưởng của đạo Phật. Nguyên nhân không chỉ do Phật giáo là lớp sau mà còn thể hiện sự lan truyền và bành trướng của các tôn giáo lớn.
2.2. Tín ngưỡng thờ đá trong mối quan hệ Việt – Chăm
Quá trình Nam tiến của người Việt không chỉ chứng kiến sự mở mang bờ cõi, mà còn cho thấy sự thay đổi lớn về đời sống chính trị - xã hội, đặc biệt là đời sống văn hoá. Cuộc giao lưu văn hoá Việt – Chăm đã diễn ra một cách tương đối hoà bình, bởi hai nền văn hoá này có những nét tương đồng, dễ dàng tiếp thu, tiếp nhận những giá trị của nhau, để làm giàu cho vốn văn hoá của mình. Một trong những biểu hiện của sự giao lưu, tiếp biến văn hoá đó sự chuyển hoá diễn ra trong tục thờ Đá.
Người Chăm chịu ảnh hưởng của Bà la môn giáo. Họ thờ thần Đá trong dạng biểu tượng về thần Shiva - những sinh thực khí. Nhiều nơi thờ tự của người Chăm có những linh tượng, linh phù dạng sinh thực khí bằng đá. Bản chất của đá là “sự sống và có khả năng tái sinh” (12/271), nên nó dễ kết hợp với tín ngưỡng thờ thần Shiva, vị thần tối cao, đem lại sự sống. Những hiện tượng thờ cúng ở Tháp Bà - Nha Trang mà chúng tôi đã nói đến, rất tiêu biểu cho tục thờ này.
Dân tộc Chăm vốn là những cư dân biển tiến. Dấu ấn văn hoá biển vẫn còn đậm nét trong đời sống của họ. Trên biển, họ thường thờ những tảng đá ngầm, để cầu mong sự bình yên cho những lần ra khơi. Hiện tượng thờ cúng này đã được tác giả Hồ Quốc Hùng miêu tả, phân tích khá kĩ lưỡng (xem 7/590). Tác giả cho thấy, tục thờ Đá đã xuyên thấm vào truyện cổ dân gian, tạo thành một nhóm truyện độc dáo của vùng Thuận Hoá. Hình thức thờ cúng ở đây là sự kết hợp giữa tục thờ Đá và thờ nữ thần Biển mà chúng tôi đã đề cập.
+ Tín ngưỡng thờ Đá của các cư dân ven biển miền Trung đã được Cardière miêu tả trong những bài báo của ông về tín ngưỡng thực hành của người Việt. Đó là việc sử dụng các “phản ngữ” của ngư dân ở Đồng Hới, Quảng Bình.
Cadière đã lí giải hiện tượng thờ cúng đó xuất phát từ tâm lí e sợ nguy hiểm mà những tảng đá ngầm đó có thể gây ra. Sự thờ cúng đó chính là sự sợ hãi đối với chính bản thân các sự vật. Các nơi có địa hình hiểm trở thường được người ta thờ. “Những vị thần ấy, vị thần cư ngụ ở đó,chẳng qua là đặc thù hiểm trở thiên nhiên của địa điểm, ảnh hưởng tai hoạ của nơi được nhân cách hoá. Giữa thần và địa điểm có một sự gắn bó mật thiết, thần là chính thần của địa điểm” (3/277).
Người Việt Nam thờ những ghềnh đá đáng sợ vốn là những chướng ngại vật cho việc đi lại trên sông, có nghĩa là họ cầu xin những thần có thái độ thù địch, coi như trú tại những khối đá này đừng làm hại họ. Họ tin rằng một số tảng đá nào đó là nơi ngự trị của một vị thần. Thường đó là một tảng đá khác biệt rõ ràng do tính chất kì dị hiếm có hoặc do một sự cấu tạo, do hình thù hay nguồn gốc nhưng thông thường là những tảng đá có tính chất thô thiển, hoàn toàn tự nhiên.
2.3. Các hình thức thờ đá khác
Sự phân chia hiện tượng thờ Đá của chúng tôi như ở phần trên chỉ mang tính chất tương đối, để thuận tiện hơn cho việc mô tả các hiện tượng. Bởi vì, hiện tượng thờ Đá trong mối quan hệ với các tín ngưỡng dân gian bản địa và các tôn giáo ngoại lai không loại trừ lẫn nhau. Giữa chúng có những sự giao thoa, hoà nhập lẫn nhau, tạo thành những hiện tượng tín ngưỡng mang tính chất tổng hợp, bao gồm rất nhiều lớp tín ngưỡng chồng chéo lên nhau. Do đó mà tục thờ Đá có biểu hiện vô cùng phong phú, nó hiện diện trong rất nhiều nghi lễ thờ cúng. Đá là một trong những biểu tượng được nhiều bộ phận dân cư dùng để thờ phụng với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Trên đất nước ta, có nhiều biểu tượng có ý niệm phồn thực. Đó là hòn Trống Mái ở Sầm Sơn – Thanh Hoá, ở Hạ Long; hòn Vợ - hòn Chồng ở Khánh Hoà… Những nơi đó, hiện nay vẫn còn hình hai tảng đá xếp chồng lên nhau. Mỗi khi gió biển thổi, chúng lại phát ra những âm thanh rất lạ, như muốn kể lại cho mọi người về cây chuyện tình thắm thiết. Những tảng đá đó không có biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực nhưng lại có biểu hiện của “ý niệm phồn thực”. Hai tảng đá cặp đôi chồng lên nhau biểu hiện cho sự hoà hợp, sự gắn kết không thể chia lìa của đôi trai gái. Địa hình tự nhiên của các vùng ven biển thường tạo ra những hình thù độc đáo và ở mỗi nơi đều lưu truyền những câu chuyện dân gian đầy xúc động.
+ Hình thức Đá - cột mốc đã được Cadìere miêu tả khá kĩ. Để cho những cột mốc mà mình dựng lên có sự huyền bí, tăng thêm lòng kính sợ của nhân dân các làng khác, người ta đã gắn cho những tảng đá - cột mốc đó những huyền thoại. Những câu chuyện dân gian về sự linh thiêng của thần Đá tạo một lớp sương mù bao phủ lên một phạm vi rộng lớn, khiến cho các tảng đá vốn đã vững chãi, ngày càng trở nên bất khả xâm phạm. Qúa trình “thiêng hoá” diễn ra khiến cho không những hiện tượng thờ Đá được bảo lưu mà ý định lập cột mốc giữ đất đai cũng được tôn trọng. Đó là ý nghĩa của “đá - cột mốc” đối với nhân dân miền xuôi. Nhưng sớm hơn “cột mốc đá” phân định ranh giới làng, người miền núi đã có tục lệ dùng đá đánh dấu ranh giới đám nương do mình đã đến khai phá trước.
+ Ở Làng Giáp Ba, thôn Bà, xã Nam Giang, Nam Ninh, Nam Định có một lăng thờ thần “cốt đá”. Tương truyền, ông Đoàn Hữu Hậu (được phong là Thị quận công), là người làng, cho xây dựng lăng bằng đá. Bốn cột đá được phong là lực sĩ Trung Dũng bá và lực sĩ Tín Nghĩa , Hữu Hiệu bá và Soạn Pháp bá.
Huyền thoại kể về bốn lực sĩ đá rất thiêng, kẻ nào đánh bắt trộm cá ban đêm thường quanh quẩn dưới ao đến sáng vẫn không lên được. Kẻ nào vào lăng mộ nghịch đều có ứng tức thì. Những câu chuyện hiển linh và trừng phạt đó nhằm tăng thêm sự huyền bí của những “cốt đá”, là quá trình Thiêng hoá những cái phàm trần. Mục đích của công việc đó là tạo ra lớp bảo vệ thần kì cho lăng mộ, để chống lại sự phá hoại của người khác. Bốn cột đá đó ngày nay vẫn còn nguyên vị trí. Xóm có cột đá mang tên là xóm Đá, hai cột đá này đêm đêm thường có người thắp hương dâng lễ ở chân cột đá xin phù (14/ 1008).
+ Đối với người Khơ Mú, họ tin rằng đá là vật có khả năng trừ tà, ngăn ngừa không cho ma quỷ làm ốm đau. Họ thường dùng các vật kị ma hay bùa phép bằng đá. Chiếc “taleo”cắm ở đầu bản hay ở cầu thang là vật ngăn chặn không cho các loại ma vào bản vào nhà. Đó là các vật kị ma có tác dụng làm tất cả các loại ma đều phải sợ… Các công cụ sản xuất bằng đá, bằng đồng cổ xưa, đồng tiền bằng con ốc, các vật lạ, hiếm nhặt được trong một trường hợp tình cờ do sự run rủi của lực lượng siêu nhiên… đều có công dụng kị từng loại ma nhất định. Ai có nhiều vật đó đều có thể làm thày cúng. Trẻ con đeo các thứ đó (vòng vía..) bớt ốm đau; người lớn đeo vật kị ma đỡ gặp nguy hiểm đến tính mệnh khi chiến đấu hoặc đi xa (13/140).
+ Nhóm người Mãng ở Tây Bắc Việt Nam lại có quan niệm đặc biệt về đá. Đá có khả năng ngăn chặn các linh hồn trở về cõi trần. Thần thoại của họ kể lại: Khi người đàn bà chết, chồng bà đưa cho bà cầm một khúc cây, khúc cây mục, bà lại trở về, hôi thối không chịu được. Ai Hễng (con trai của trời) bảo: Khi người chết ra đi, hãy đưa cho họ một hòn đá. Hòn đá không mục, người chết không về nữa. Vì thế ngày nay, khi chôn người chết, người Mãng cắm hai hòn đá, một ở chân mộ, một ở đầu mộ, để ma khỏi về (15/356). Quan niệm này bắt nguồn từ thuộc tính rắn chắc của đá. Sức mạnh của đá có thể điều khiển linh hồn con người, ngăn không cho hồn ma về làm hại con người. Một số dân tộc khác trên thế giới cũng có những hành động ma thuật, bộc lộ niềm tin về đá như thế. Trong các đám ma, khi đưa tiễn người chết, người ta thường ném lại phía sau những hòn đá, để ngăn không cho linh hồn người chết quay trở về được nữa.
Trường hợp trên có thể cũng là một dạng “cột mốc - đá”. Hai cột đá ở đầu và cuối mộ là ranh giới để ngăn cõi Sống và cõi Chết, không cho linh hồn người chết vượt qua đi đến thế giới người sống. “Cột mốc - đá” mở rộng ý nghĩa trong cả thế giới hiện tại và thế giới tâm linh, chứng tỏ những phẩm chất đặc biệt của Đá.
Tục thờ Đá vẫn hiện diện trong đời sống hàng ngày của con người, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số. Trong các mường, dân chúng vẫn thường tưởng tượng từ những hòn đá, mầm đá, nhũ đá có hình dị lạ kì thành các vật thần có khả năng diệt trừ cái ác, củng cố điều thiện, mang điều tốt lành đến cho con người.
Trong sinh hoạt tinh thần ở một số vùng miền quê của người Việt hiện nay vẫn phổ biến hiện tượng thờ cúng những tảng đá có hình thù đặc biệt (giống hình người, hình con vật, hay đồ vật sinh hoạt…) nằm ở những chỗ đặc biệt (như trên ngọn núi,trong hang động,hay dưới gốc cây cổ thụ…). Dân gian thường gọi hiện tượng này là thờ “đá bụt mọc”. Trong tâm thức của người Việt, sở dĩ những tảng đá có hình thù đặc biệt như vậy là bởi chúng được các vị thần linh tạo ra để trú ngụ. Vì thế, thờ cúng những tảng đá ấy chính là thờ cúng các vị thần ẩn náu trong đó, để nhận sự bảo trợ từ họ. Thường thần Đá đều là các “thần lành”, tức những vị thần dùng sức mạnh và uy lực của mình để đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người, nên dân gian mới gọi những vị ấy là “bụt mọc”.
Nhìn chung, tục thờ Đá có biểu hiện vô cùng phong phú. Chúng ta không thể khôi phục được diện mạo ban đầu của tục thờ Đá, do đặc trưng của tín ngưỡng dân gian luôn biến đổi và chứa đựng nhiều lớp văn hoá. Nhưng có thể thấy, tục thờ Đá luôn hiện diện trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.
Nguyễn Việt Hùng



1. Ngọc Anh, Các hình thức thờ cúng của bộ lạc, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002
2. Tôn Thất Bình, Huế - Lễ hội dân gian, Nxb Thuận Hoá, 2003
3. Cadìere, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, (Đỗ Trinh Huệ dịch), Nxb Văn hoa thông tin, 1997
4. Cadìere, Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người An Nam, Phạm Thái dịch, Tư liệu chép tay Viện Nghiên cứu văn hoá Dân gian, Kí hiệu D 22)
5. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996
6. Lê Như Hoa chủ biên, Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, .2001.
7. Hồ Quốc Hùng, Thử nhận diện dấu vết tín ngưỡng Chăm qua nhóm truyện cổ người Việt ở Thuận Hoá, Tuyển tập 40 năm Viện Văn học T1, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)
8. Đinh Gia Khánh, Tìm hiểu văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993
9. Huỳnh Đình Kết, Tục thờ thần ở Huế, Nxb Thuận Hoá,1998
10. Lê Văn Kỳ, Lễ hội nông nghiệp Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002.
11. Đặng Văn Lung, Trận chiến thành Cổ Loa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2002
12. Nhiều tác giả, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997
13. Sở Văn hoá thông tin Hà Sơn Bình, Người Mường với văn hoá cổ truyền Mường Bi, 1988
14. Vũ Thanh Sơn, Thần linh đất Việt, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002
15. Viện Dân tộc học, Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1972.                                    
                                                                                                        Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét