Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

EM ƠI HÀ NỘI NGÕ



Hà Nội rối rắm chằng chịt những phố luồn, ngõ luồn, ngách hẻm phức tạp nhưng đầy hình thái. Cái “Hà Nội ngõ” đó vừa ưu tư trầm lắng lại vừa sôi động đời thường. Hà Nội có bao nhiêu ngõ? Khó có thể kể hết tên những con ngõ nhưng trong ký ức của người Hà Nội, vẫn còn đó những con ngõ đời người.

Ngõ thi sĩ
Phố Khâm Thiên có một con ngõ đi vào thơ Trần Huyền Trân:
Có người về khép song thưa
Để rêu ngõ trúc tương tư lá vàng
Nhà bạn tôi ở giữa ngõ Cống Trắng từ bao đời nay, cái ngõ lưu truyền câu chuyện về chàng thi sĩ sống trong cơ cực lầm lũi nhưng có tấm lòng nhân hậu, yêu thương cả lỡ lầm của cô kỹ nữ lầu xanh. Chàng nhận đỡ đầu cho cái thai hoang trong bụng cô kỹ nữ, đặt tên cho đứa bé là Trần Huyền Trân và lấy luôn tên ấy làm bút danh của mình.
Tôi cũng từng nghe câu chuyện về tình bạn xúc động giữa Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính cùng Thâm Tâm lập thành hội “Tam anh”. Một thời gian dài, Trần Huyền Trân lay lắt sống đằng sau phố Khâm Thiên, giữa bè rau muống của mẹ mà đàm đạo thi ca với bạn thơ. Rồi ông kéo cả Nguyễn Bính với Thâm Tâm về ở cùng. Rất nhiều tác phẩm của các ông đề viết ở “gác Sơn Nam” và “đầm Liên Hoa”.
Tôi tìm đến phố Khâm Thiên, nơi có ngõ Cống Trắng cùng ngõ Sơn Nam từng là nơi ở, góc sáng tác của hội “Tam anh” ngày nào. Khi tôi hỏi về “đầm Liên Hoa” thì chỉ nhận được cái lắc đầu, lớp người đến, lớp người đi không còn ai nhớ. Chỉ khi gặp ông Thanh Bảo, 82 tuổi, ông từ của đền Lê Trung Hưng, tôi mới biết “đầm Liên Hoa” thơ mộng ấy là cái hồ toàn rau muống. Ngày xưa, mẹ của Trần Huyền Trân mưu sinh bằng nghề hái rau muống đem bán, bà dựng lều tranh gần hồ và Trần Huyền Trân theo mẹ về sống ở đây. Hồ rau muống ấy bây giờ không còn, trên diện tích đất hồ xưa (rộng hơn 500m2 từ Cống Trắng đến Kim Liên) là nhà cao cửa rộng san sát nhau.
Ngõ Cống Trắng bây giờ khác xa thời Trần Huyền Trân ở đó. Không còn nữa cái cống to lớn giống như một chiếc cầu được sơn màu trắng với hàng lan can dài bảo vệ lũ trẻ đùa nghịch, câu cá không bị ngã xuống nước.
Vài năm gần đây ngõ Cống Trắng đã được mở rộng. Đầu ngõ Cống Trắng giao với phố Khâm Thiên là nơi bày bán hàng ăn sáng, bún phở, cháo miến. Mặt tiền Cống Trắng giống với hầu hết những con phố ở Hà Nội được tận dụng làm chỗ bán hàng, tiệm may nhỏ, tiệm gội đầu...
Thân phận ngõ
Nếu nói về hình thái góc khuất đô thị, vừa mang chiều sâu tâm linh lại vừa ồn ã đời thường thì ngõ Phất Lộc là đặc trưng nhất. Ngõ Phất Lộc từng đi vào tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái với những ngôi nhà cổ phủ rêu phong, kiến trúc cao thấp, thò thụt. Và còn là Phất Lộc ba gác, Phất Lộc bún đậu.
Mấy năm gần đây người ta thi nhau đến ngõ Phất Lộc để ăn bún đậu. Bún đậu cô Hương nổi tiếng Hà thành đã 20 năm nay. Quán đông, chủ quán tận dụng diện tích mặt ngõ chưa đầy 2m để dựng bàn ghế, xe cộ, chỉ chừa lối nhỏ dành cho một người. Hàng bún đậu chỉ bán từ trưa đến xế chiều là nghỉ, nhường phần sinh động cho những quán trà đá - “trung tâm phát thanh ngõ”. Những “đài phát thanh” này thường là nơi tụ tập của người lao động, dân anh chị hoặc dân lô đề ngồi tào lao, ngóng kết quả.
Ngày xưa Phất Lộc là con ngõ chở người. Người đàn bà tên Hiền bán trà đá kể: “Từ thời Pháp, ngõ này tập trung toàn dân kéo xe tay (phu xe), sau này là dân ba gác, xích lô, xe ôm...”. Chẳng biết lời người đàn bà đúng đến đâu nhưng bây giờ những người theo nghề xe ôm ở Phất Lộc rất đông. Ở góc đường Nguyễn Hữu Huân, người xe ôm nào cũng là dân Phất Lộc.
Từ lâu tôi đã nghe chuyện về những đời sống trong diện tích nhỏ cỡ... mét vuông. Vào Phất Lộc, tôi đến thăm nhà số 34. Căn nhà cỡ 200 tuổi, cái vẻ cổ của nó khiến nhiều người phải chạnh lòng. Khoảng sân chật hẹp, phía trên giăng quần áo, phía dưới người phụ nữ đang lúi húi nấu cơm. Ở một góc sân khác, bà cụ thản nhiên đi vệ sinh (vì chỗ vệ sinh chung rất xa và tối...). Ngôi nhà này trước kia thuộc về một ông chủ người Tàu nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, người từ khắp nơi đổ về kiếm một chỗ làm người Hà Nội. Ngôi nhà giống như miếng bánh, hơn 200m2 chia cho 12 hộ, có những hộ tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường...
“Con ngõ nhiều thân phận như thế nhưng cũng có những khoảnh khắc yên bình. Là lúc đứng từ “chuồng cọp” hay từ căn gác nhỏ nào đó nhìn xuống thấy mấy bà nội trợ đang lúi húi nấu cơm, mùi xào nấu, khói bếp bay. Cũng có khi là lúc nằm ngửa mặt trên ghế da đê mê vì bọt thuốc cạo” - bác Hùng sống ở ngõ chia sẻ.
Riêng ở phố Lãn Ông có những con ngõ rất khác với phố khác của Hà Nội: hầu hết các ngõ đều là ngõ “sinh đôi”
Ngõ cộng sinh
Hàng Hương là một con ngõ nhỏ và ngắn. Một đầu chạy sang phố Lý Nam Đế, một đầu nối vào phố Phùng Hưng những đêm thu thơm nồng hoa sữa. Vào ngõ phải đi qua cổng tò vò bằng đá. Cổng tò vò ấy là một trong 129 khoang đá kiểu hình vòm làm đường dẫn từ ga Hàng Cỏ lên đến cầu Long Biên. Theo thời gian, những khoang đá này bị xuống cấp, người ta bịt kín chỉ còn lại ngõ Hàng Hương và lối vào phố Nguyễn Thiệp.
Dân nhậu Hà Nội hay gọi ngõ Hàng Hương là “ngõ khói”, ám chỉ làn khói từ việc nướng xiên chả chó. Thi thoảng tụ tập cùng đám bạn ở Hàng Hương tôi vui miệng hỏi chủ quán tại sao gọi là “ngõ khói”? Chủ quán đưa tay chỉ vào làn khói từ bếp than hồng xèo xèo mỡ chảy... Thì đúng là khói! Nhưng mãi lâu sau tôi cũng tìm được câu trả lời. Ngõ Hàng Hương ngày xưa tập trung rất nhiều người làng Đông Lỗ, Kim Động, Hưng Yên làm hương thẻ và hương sạ (khác với phố Hàng Hương, nay là Hàng Cháo có nghề làm hương đen). Gọi “ngõ khói” xuất phát từ khói hương. Chẳng biết nghề làm hương đã rơi vào dĩ vãng từ bao giờ, khi tôi hỏi không ai còn nhớ tới.
Không giống như ngõ Hàng Hành, Cấm Chỉ thành phố ẩm thực với đặc sản ba miền. Hàng Hương cũng ẩm thực nhưng dân dã hơn với đặc sản... thịt chó. Và khác với trào lưu cạnh tranh “thấy hay thì theo”, ngõ Hàng Hương có kiểu buôn bán khác, kiểu cộng sinh rất đặc biệt mà không ngõ, phố buôn bán nào có được. Trung tâm ngõ là quán thịt chó và cũng là hạt nhân của đời sống mưu sinh trong ngõ này. Bố mẹ mở hàng thịt chó, gia đình chục người con phân công mỗi người một vị trí trong “tập đoàn” ấy.
Con trai chuyên đồ nhậu, con gái chuyên bia hơi... Và người trong ngõ cũng có kiểu phân công một cách tự nhiên tựa như vệ tinh xung quanh “tập đoàn” thịt chó kia. Cùng là đồ nhậu nhưng mỗi nhà lại có những món riêng, không đụng hàng từ mực nướng, nem chua đến rượu, trà đá... Mỗi nhà có một mặt hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thực khách. Bạn tôi nhà ở trong ngõ luôn tự hào về đời sống cộng sinh đầy tình cảm này.
                                        
                                               Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét