1 - Lễ Ban Sóc (ban lịch mới)
Lễ Ban Sóc được coi trọng vì lịch liên quan đến việc cầy cấy, sinh tồn của dân. Theo Ðào Trinh Nhất thì từ đầu thế kỷ 14 ta đã phái người sang Nguyên triều khảo cứu Thiên văn học và phép làm lịch, tức là lịch Hiệp kỷ (lịch xem ngày tốt xấu). Sau đây là luật lệ thời nhà Nguyễn :
- Năm 1820, bộ Lễ tâu về việc ban lịch Hiệp Kỷ: "Ban bảo Chính sóc là việc chính trị lớn của vương giả kính Trời chăm dân. Xin lấy ngày 1 tháng 12 đặt Ðại triều ở điện Thái-hòa để truyền chỉ ban lịch theo phép cũ".
- Năm Minh Mệnh 13 (1833) định lệ : Lễ Chính Sóclà một lễ lớn để tỏ trong nước dùng cùng một thứ chữ. Nguyên trước lịch do Kinh ban ra, in ở địa phương, chuyển cấp cho dân. Từ nay các tỉnh Quảng-bình, Quảng-trị, Thanh-hóa, Nghệ-an, Hà-tĩnh do Kinh cấp phát. Từ Ninh-bình ra Bắc cứ tháng 5 mỗi năm Khâm-thiên-giám đưa mẫu lịch cho Hà-nội in và cấp phát. Ðến tháng 9, Khâm-thiên-giám làm tờ bìa mặt quyển lịch, bìa vàng có chữ Hiệp kỷ lịch, đến ngày mồng một tháng chạp các tỉnh làm lễ Chính Sóc và phụng hành cấp phát.
- Năm Minh-Mệnh 20 (1840) lại đổi : Lệ cũ ngày 1 tháng 12 đặt nghi lễ Ðại triều ở điện Thái-hòa để ban lịch Hiệp Kỷ năm sau cho trăm quan. Nay đổi : Trước một ngày, ty chức trách đặt một cái án vàng trước Ngọ môn, chính giữa, một bàn vàng ở phía nam cái án, đều có lọng vàng che. Hai bên tả hữu sân đặt chỗ đứng lạy của các hoàng thân, các quan từ tam phẩm trở lên ở trước sân Ngọ môn, từ tứ phẩm trở xuống đặt vị đứng lạy ở phía nam cầu Kim thủy. Ở viện Tả đãi lậu đặt một long đình. Nghi trượng, nhã nhạc xếp hàng hai bên trước sân Ngọ môn.
Sớm hôm ấy các quan đều mặc triều phục đứng ngoài cửa Ngọ môn. Khâm-thiên-giám bưng hòm đựng lịch đặt lên long đình. Bộ Lễ xướng :"Hành tiến lịch lễ !" (làm lễ dâng lịch). Khâm-thiên-giám bưng hòm đựng lịch đến cạnh viên quản lý quỳ dâng hòm. Tất cả làm lễ 5 lạy. Vệ-loan-nghi khiêng án vàng do cửa Ngọ môn đi vào, nhã nhạc, nghi trượng đi trước, qua cầu Trung đạo đến cửa Ðại cung, án vàng đi vào cửa giữa đến sân điện Cần chính đặt ở dưới thềm giữa. Khâm-thiên-giám trao hòm lịch cho viên Nội các chuyển cho nội giám đệ vào cung.
Ngày hôm ấy trăm quan đến viện Tả-đãi-lậu lĩnh lịch. Phủ Thừa-thiên họp nhân viên 6 huyện lĩnh lịch cấp phát cho các làng xã để dân chúng xem chung, lịch do các thầy Chánh, thầy Lý giữ (16).
- Năm 1919, lễ Ban Sóc diễn ra ở trước cửa Ngọ môn vào ngày 1 tháng 12 âm lịch, tức là ngày 2/1/1919.
2 - Lễ Phất-thức và lễ Phong ấn
- Năm 1807, định lệ hàng năm đến ngày 25 tháng chạp âm lịch thì khóa ấn, mồng 7 tháng giêng thì khai ấn.
- Năm 1827, vua dụ : " Hết năm có lệ phong ấn để các nha dành ít ngày nghỉ ngơi, nhàn hạ trong khi cả năm phải siêng năng, chăm chỉ làm việc. Ðấng vương giả theo phép Trời làm việc mạnh mẽ, tự cường, không nghỉ ngơi còn sợ chưa hợp ý Trời, chưa thỏa mãn nguyện vọng của nhân dân nên trẫm không muốn một ngày nhàn rỗi. Từ nay ấn tín quốc gia, hành dụng vẫn theo thường lệ. Còn các nha môn trong ngoài, cuối năm phong ấn, đầu giêng, khai Xuân, khai ấn, cứ theo lệ cũ mà làm".
Trước khi khai ấn phải rửa ấn, gọi là lễ Phất-thức. Nguyễn Công Hoan viết : Rửa ấn chỉ được phép ngâm rượu cho các chất bẩn giắt trong kẽ rã ra, không được lấy tăm khều cho nhanh vì làm thế sẽ độc, trong năm có nhiều án mạng xẩy ra (17).
Nhưng đấy là ở các nha môn, trong triều lễ Phất-thức long trọng hơn nhiều :
Nội Các chọn một trong mười ngày cuối tháng chạp làm lễ, được vua chuẩn. Các Hoàng thân, các quan trong viện Cơ Mật, trong Nội Các dự lễ cũng do Nội Các đề cử. Sáng hôm Phất-thức, bộ Lễ sai bầy bàn ở điện Cần-chánh. Sáu cái tủ khảm lớn đặt ở hai bên cửa điện, trong đựng các hộp ấn được mở ra trước mặt Hoàng thượng. Các ấn triện bằng vàng, ngọc, pha lê vv. của các tiên đế, Hoàng thượng, phi tần, được rửa bằng nước hương thủy (nước có ngâm các thứ hoa) rồi chùi bằng nhiễu điều. Ban đầu, các quan dự lễ mặc thường triều, sau thấy bất tiện nên đổi ra mặc áo thụng xanh. Sau khi rửa xong, ấn triện được cất lại vào trong tủ, rồi vua ban yến (18).
- Năm 1830, định lệ sau ngày phong ấn, gập những việc cần, Lục bộ, các nha và Nội Các tâu lên dùng ấn vàng. Ðến ngày khai ấn triện quan phòng, chua rõ năm, tháng, ngày nào dùng để làm bằng chiếu.
- Lễ Phất-thứcđầu tiên của triều Nguyễn diễn ra vào năm 1837. Lễ Phất-thứcnăm 1919 được cử hành vào ngày 24 tháng chạp, tức là ngày 25/1/1919.
3 - Nghi tiết Lễ Trừ tịch và Tiết Nguyên Ðán
- Năm 1807, Lễ bộ dâng nghi tiết :
Lễ Trừ-tịch, vua đến nhà Thái miếu làm lễ, các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên làm bồi tế. Lễ Nguyên Ðán cũng thế.
Ở miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo, đêm Trừ tịch, sai quan làm lễ. Các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên túc trực hai bên công thự tả hữu, các lễ quan túc trực ở các miếu. Nhạc công hát thờ.
Ngày Nguyên Ðán, vua đến Thái miếu và miếu Hoàng khảo làm lễ. Miếu Triệu tổ thì sai quan làm lễ.
Lễ xong vua đem các quan đến cung Trường-thọ làm lễ chúc mừng, rồi vua ngự điện Thái-hòanhận lễ chầu mừng, sau đó các quan xin phép đến cung Khôn-đức lạy mừng.
Mồng 2, sai các quan làm lễ ở các miếu.
Mồng 3, vua đến nhà Thái miếu làm lễ. Miếu Triệu tổ và miếu Hoàng khảo thì sai các quan làm lễ.
Sai chép làm lệ (19).
- Năm 1848 vua Thiệu-Trị mất, có quốc tang nên nghi lễ hơi đổi : Ngày mồng 1, vua mặc áo cát phục đến cung Hoàng mẫu kính dâng 100 lạng vàng, 1000 lạng bạc, biểu tâu làm lễ người nhà. Lễ xong vua ngự điện Văn-minh, trăm quan mặc áo đẹp lần lượt lễ năm lạy. Mồng 2, vua mặc lễ phục đến điện Long-an (chỗ để quan tài vua Thiệu-Trị) làm lễ, các quan mặc lễ phục theo lạy. Mồng 3, vua mặc lễ phục đến Dao-cung làm lễ, các thân phiên, Hoàng thân, văn từ tứ phẩm, võ từ tam phẩm mặc lễ phục theo vào lạy. Những cuộc chầu mừng, ban yến, nhạc đều đình, duy có ban thưởng thân phiên, Hoàng thân, trăm quan, gia cấp cho các lính trạm, lính gián binh đều như lệ (20).
- Năm 1853 định lại lệ mở cửa cung thành ba đêm Tết Nguyên-Ðán. Lệ trước, các đêm 30 tháng chạp, mồng 1 và mồng 2 các cửa cung thành, hoàng thành, kinh thành đều mở rộng. Nay phải chiểu lệ thường canh giữ.
4 - Ban yến
Năm 1823, ngày mồng một tháng giêng, vua đến cung Từ-thọ làm lễ Khánh hạ, dâng mười lạng vàng. Xong, ngự điện Thái-hòa, bầy tôi chầu mừng. Lễ xong ban yến và thưởng theo thứ bực :
Các Hoàng tử tước công, mỗi người 20 lạng bạc ;
Quan văn võ chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng bạc ;
Tùng nhất phẩm, mỗi người 10 lạng bạc ;
Chánh nhị phẩm, mỗi người 8 lạng bạc ;
Chánh ngũ phẩm, mỗi người 2 lạng bạc ;
Hành tẩu, Thị nội, Chánh đội trưởng, Suất đội... mỗi người 1 lạng bạc (21).
5 - Lễ Nghênh Xuân
Năm 1829 bắt đầu làm lễ Nghênh Xuân. Sau Tiết Ðông-chí, ngày Thìn, Khâm-thiên-giám và Vũ Khố lấy đất và nước ở phường Tuế-đức (Tuế-đứclà vị sao tốt của năm ấy) chế tạo ba bộ Mang thần và Trâu đất, dùng gỗ dâu làm cốt. Tính theo ngũ hành và ngày Lập Xuân là can chi gì để rõ hình sắc. Thân trâu cao 4 thước, tượng trưng 4 mùa, đuôi dài 1 th 2, tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước 6 tấc 5 phân, tượng trưng 365 ngày (22).
a - Lễ Nghênh Xuân ở Kinh
Hàng năm sai Hữu ty chế ba bộ Mang thần và Trâu đất, cùng hai bộ Núi Xuân(Xuân Sơn Bảo Tọa). Trước lễ Lập Xuân một ngày, phủ Thừa-thiên để Mang thần và Trâu đất lên NúiXuânđặt trên án, bầy đàn tế ở Ðông giao, làm lễ Nghênh Xuân. Tế vào đúng nửa đêm, giờ Tý, mở đầu ngày Lập Xuân. Lễ xong, rước hai án về để ở Lễ bộ.
Ngày Lập Xuân, quan Bộ, viên Kinh dẫn, Khâm-thiên-giám đem đến cửa Tiên-thọ và cửa Hưng-khánh, có thái-giám tiếp nhận dâng vào cung, gọi là TiếnXuân. Còn một cặp Mang thầnvà Trâu đất bầy ở phủ thự. Viên Kinh dẫn đánh Trâu đấtba roi để tỏ ý khuyến khích việc nông [xem chú thích (22)].
Năm 1841, vua Minh-Mệnh vừa băng hà, Phủ Thừa-thiên chỉ đem tiến Trâu đất và Mang thần nhưng không làm Núi Xuân vì đang có quốc tang.
b - Lễ Nghênh Xuân ở các tỉnh Trực lệ
Theo Ðại-Nam Ðiển Lệ, năm Minh-Mệnh 13, định hàng năm sau ngày Ðông-chí, gập ngày Thìn, quan địa phương (quan tỉnh, quan đạo) đem thợ nặn đến phường Tuế-đứclấy nước và đất chế tạo (theo thể thức ở Kinh) một con Trâu đất và một thần Câumang, dùng gỗ cây dâu làm cốt trâu và thần, xem can chi trong ngày Lập Xuân rồi hô thần và vẽ hình sắc con trâu (Trâu phải theo năm mà tô sắc vàng, đen hay loang lổ). Ðến ngày Lập Xuân, quan địa phương đem các thuộc viên mặc Ðại triều và hành nghi (cờ, quạt, tàn, lọng) rước Trâu đất và Mang thần đi làm lễ đón Xuân ở Ðàn Xã-tắc. Lễ xong, đưa Trâu và Thần về công đường, quan địa phương lấy roi đánh Trâu đất ba cái. Xong rồi để Trâu đất và Mang thần một thời hạn sau mới đem chôn ở cạnh Ðàn Xã-tắc. Bia sửa chùa Bạch-Mã ở Thăng-long ghi là hàng năm lễ đánh Trâu, rước Xuân làm ở đền này rất long trọng (23).
6 - Vua Miên chúc Tết
Trong Ký ức lịch sử về Saigon Trương Vĩnh Ký cho biết hàng năm vào ngày Tết Nguyên-Ðán quốc vương Miên phải sang chúc thọ vua Việt nên đêm 30 đã phải có mặt để canh năm hôm sau cùng Tổng trấn Lê văn Duyệt hành lễ Chúc thọ ở Vọng cung. Một năm, vua Miên phá lệ, nghỉ đêm ở Chợ-lớn, sáng hôm sau không kịp đến dự lễ lúc canh năm, bị Lê văn Duyệt phạt phải nộp 3000 lạng bạc mới cho về nước.
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét