Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

TẾT NGUYÊN ĐÁN - PHẦN IV


TẾT NGUYÊN ÐÁN
&
LỀ NGHÊNH XUÂN
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh



B - PHONG TỤC DÂN GIAN
1 - "Tháng giêng ăn Tết ở nhà"
Cuối tháng chạp, mọi nhà đều nhộn nhịp quét dọn, đánh bóng sập gụ, tủ chè, đồ đồng trên bàn thờ, trang hoàng nhà cửa bằng tranh Tết, câu đối, hoa vv...


a - Ông Ðồ - Ðã có nhiều sách viết về tranh Tết con lợn, con gà, Cóc dậy học vv. nên tôi chỉ nhắc đến một phong tục ít người biết : Ở Hà-nội, trước1945, bắt đầu khoảng 20 tháng chạp là thấy các ông Ðồ khăn đóng, áo dài, đến xin giải chiếu ngồi nhờ ở vỉa hè phố hàng Bồ, bầy câu đối giấy đỏ, giấy trang kim để bán. Có ông "văn minh" chép cả thơ bằng chữ quốc ngữ, đến nay tôi còn nhớ một câu tả cảnh Xuân vì mẹ tôi đọc xong cứ tủm-tỉm cười, nhắc đi nhắc lại mãi :
Lá ngọc, cành vàng tóe nở ra !
b - Hoa - Trang hoàng nhà cửa, ngoài câu đối, tranh Tết, dĩ nhiên phải có hoa. Người ta thường sắm các chậu hoa đủ đôi để bầy cho cân đối : hai chậu quất mầu cam, hai chậu cúc mầu vàng, hai chậu hải đường mầu hồng tía... chỉ hoa đào là cắm có một cành. Tục cắm cành đào ngày Tết, theo Sơn Hải Kinh, là vì xưa kia ở núi Sóc sơn có một cây đào cổ thụ rất đẹp. Hai vị thần Trà và Uất Lung, cư ngụ ở đấy, có công đánh đuổi ma quỷ đến tận gốc cây đào nên từ đấy ma quỷ thấy cây đào là sợ. Nhưng đến cuối năm, hai Thần phải lên Thiên-cung chúc Tết Ngọc Hoàng Thượng Ðế, ma quỷ thừa cơ Thần vắng mặt, không ai kiềm chế, bèn từ Ðịa-ngục lên dương gian quấy nhiễu. Người ta biết chúng sợ cây đào nên cắm cành đào trước cửa, trên cành treo bùa, nhà nào không có đào thì treo tranh hai vị Thần để trừ tà đuổi ma đi. Ngày nay người ta không treo bùa hay tranh vẽ Thần nữa mà treo tranh Tết (24).
Ngày Tết đến chơi nhà ai thấy không cắm đào lại cắm một cành hoa mai trắng thì biết là nhà ấy đang có tang. Hà-nội không có mai vàng nên khi còn nhỏ, đọc thơ Huyền Kiêu :
Hỡi hỡi cô mai vàng...
tôi cứ băn khoăn tự hỏi sao thi sĩ lại có thể tự tiện đổi cả sắc hoa ?
Thủy tiên cũng là thứ hoa chỉ ngày Tết mới xuất hiện. Những người khoe khéo mua củ về tỉa lấy, phải tính toán sao cho hoa nở đúng giao-thừa hay mồng một Tết mới là khéo. Nếu thấy hoa có triệu chứng nở sớm thì hãm bằng cách quấn bông xung quanh, để ở chỗ thật lạnh ; ngược lại, nếu hoa ra chiều nở muộn thì thúc giục nó bằng cách thay nước ấm, để ở chỗ có nhiều nhiệt khí. Chơi thủy tiên, người ta không chỉ chơi hoa mà chơi cả lá (tỉa sao cho lá uốn cong xuống theo ý mình) và cả rễ nữa, vì thế hoa thường được bầy trong cốc thủy tinh trong suốt, có chân cao nâng ngang tầm mắt người thưởng thức.
Tỉa thủy tiên dĩ nhiên phải nhẹ tay. Trong bài thơ Vết thương lòng, nhà thơ Lan Sơn tả một thiếu nữ đang ngồi tỉa thủy tiên, chợt thấy :
Bóng ai thấp thoáng ngoài hiên vắng,
Em đã vô tình vội ngửng lên.
Em vội ngừng tay, vội ngó ra,
Dao cầm xẩy chạm tới giò hoa ;
Giò hoa ngày lụi, màng hoa úa,
Hoa đã vì em chịu xót xa...(25)
Tôi nghi là thi sĩ chưa từng tỉa thủy tiên bao giờ, cái "xẩy tay" của thiếu nữ trong thơ xem ra phải dùng đến "bẩy thành công lực" mới làm cho giò hoa lụi được ! Củ thủy tiên giống như củ hành, có nhiều lớp, mà giò hoa thường ẩn sâu bên trong chứ không nằm ở lớp ngoài cùng. Muốn cho cành hoa đừng vươn lên cao, có khi người ta phải gọt cả chân giò hoa, mỗi ngày một tị, thế mà hoa vẫn nở.
Sự tích hoa thủy tiên : Xưa có một ông nhà giầu chia gia tài làm bốn phần đều nhau cho bốn con, nhưng sau khi ông chết, ba người anh chiếm hết chỉ cho em út một mảnh đất nhỏ cằn cỗi. Người em buồn rầu, chợt có bà tiên hiện lên an ủi rằng mảnh đất ấy có giống một loại cây đến mùa xuân sẽ nở hoa rất đẹp và thơm, bán được nhiều tiền. Quả nhiên, người em út nhờ bán hoa mà thành giầu có, và để tưởng nhớ ơn bà tiên đã đặt tên cho hoa là Thủy tiên [xin xem chú thích (22)].
c - Tết ông Công, ông Táo - 30 tháng chạp, cúng "ông Công, ông Táo", tục gọi là Vua Bếp, lên chầu Trời để phúc trình những hành vi của gia chủ trong năm qua. Tiếng gọi là "ông Công, ông Táo" nhưng thực sự lại là "hai ông, một bà". Có nhiều "sự tích" khác nhau chẳng hạn, theo Benito Thiện : (...) Bếp thì thờ Táo quân, gọi là Vua Bếp. Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng còn thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một lỗ ấy ; thì người ta nói bầy đặt rằng : ấy là Vua Bếp, thì phải cậy cho làm mọi việc nên"[xem chú thích (13)].
Vì họ là Vua Bếp nên cái kiềng trong bếp mới có ba chân. Người ta cúng một cỗ mũ nữ mầu vàng, đặt ở giữa, hai cỗ mũ nam mầu đen ở hai bên. Có nhà chỉ cúng một cỗ mũ với một đôi hia, nhưng tuyệt nhiên không nhà nào cúng quần áo, nên mới có câu giễu Vua Bếp :                                
Ðội mũ, đi hia, chẳng mặc quần !(1)
Cúng ông Táo có cả cá chép sống thả trong chậu nước, cúng xong đem ra sông, hồ, phóng thích. Cá là phương tiện di chuyển duy nhất của Vua Bếp để lên chầu Trời vì thời xưa chưa có phi cơ, phi thuyền.
d - Cây nêu. Ở nông thôn có tục trồng cây nêu trong sân đình hay trước cửa nhà vào ngày cuối năm. Cây nêu là một cây tre cao độ 10 thước, gọt hết cành lá chỉ chừa một chùm ở trên đỉnh, có treo phướn, giấy đỏ vẽ hình Bát quái, một chùm lông gà nhuộm ngũ sắc, một lẵng trầu cau để mời Thần Phật, khánh sành... mỗi khi có gió, cờ bay phất phới vui mắt, khánh kêu lanh canh vui tai.
Tương truyền xưa kia ma quỷ hay quấy nhiễu dân gian, bị Phật trừng phạt nên quỷ hứa sẽ không dám động đến đất nhà Phật, chỗ nào có cây nêu, cành phướn, biết là đất Phật, ma quỷ tránh xa. Vì cuối năm Phật lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Ðế 7 ngày mới về nên người ta trồng cây nêu 7 ngày mới hạ để ma quỷ khỏi ám.
e - Cung tên vôi bột. Ta còn có tục trong sân hay trước ngõ vẽ cung tên bằng vôi bột. Tương truyền khi xưa Ðinh Tiên Hoàng dẹp loạn xong lại gập lúc nước phải nạn dịch hạch. Vua cầu khấn thì có một ông thần hiện ra bảo lấy vôi bột rắc hình cung tên trước cửa nhà để trị, quả nhiên bệnh dịch lui. Từ đó thành lệ [xem chú thích (22)].
f - Súc sắc, súc sẻ. Thời xưa, cũng vào những ngày gần Tết, trẻ con trong làng họp thành đoàn, rủ nhau đi chúc Tết xin tiền, vừa đi vừa lúc lắc cái ống tre đựng tiền, đến từng nhà hát :
Súc sắc, súc sẻ,
Nhà nào còn đèn, còn lửa,
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào.
Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp,
Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu,
Bước ra đằng sau, thấy nhà ngói lợp,
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm.
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ,
Vợ ông sinh đẻ những con tốt lành,
Những con như tranh, những con như vẽ...
g - Giao thừa. Vào khoảng nửa đêm 30 tháng chạp, cũng gọi là đêm Trừ-tịch, mọi nhà đều bầy cỗ cúng hoa quả, bánh trái ở giữa sân rồi đốt pháo cúng giao thừa, làm lễ Tống cựu, Nghênh tân, tiễn vị Hành khiển năm cũ đi, đón vị Hành khiển năm mới đến. Có tất cả 12 vị Hành khiển thay mặt Ngọc Hoàng Thượng Ðế điều khiển mọi việc ở nhân gian ; mỗi năm cứ đến lúc giao thừa thì vị Hành khiển cũ bàn giao công việc lại cho vị Hành khiển mới.
h - Tục kiêng quét nhà : Xưa có một nhà buôn đi qua Ðộng Ðình Hồ gập cô gái đẹp đem về làm thiếp, từ đó làm ăn phát đạt hẳn lên. Một hôm, ngày mồng một Tết, người thiếp lỡ tay đánh vỡ một chiếc bình quý, bị chồng đánh đập, nàng bèn trốn trong đống rác, đến khi người ta tìm bới rác ra thì nàng đã đi đâu mất. Từ đấy người lái buôn làm ăn thua lỗ đến sạch nghiệp. Dân gian thành lệ ngày Tết không quét nhà, đổ rác, sợ làm ăn lụn bại [xem chú thích (22)].
i - Món ăn ngày Tết. Trước hết phải kể đến bánh chưng. Có nhà treo cả dẫy trên một cái sào, gác ở trần nhà cho thoáng gió, giữ được lâu. Tuy nhiên, khí hậu ẩm ướt của Hà-thành thường làm bánh bị mốc, lúc ấy người ta gọt chỗ mốc đi đem tán nhuyễn, rán ròn, thành những chiếc bánh mỏng và tròn như chiếc đĩa. Hà-nội có hai loại bánh chưng : bánh mặn nhân đậu xanh, thịt và cà-cuống, bánh ngọt thì có đường nhưng không có cà-cuống. Tôi vốn không thích ngọt nhưng ăn bánh chưng rán thì lại chọn bánh đường.
Bánh chưng được dọn chung với "cá kho ngày Tết". "Cá ngày Tết" phải là những con cá chép to, kho đầy nồi với thịt rọi thái miếng vuông quân cờ, giềng và nước chè (không dùng nước hàng bằng đường thắng) cho khỏi tanh. Kho đi kho lại sao cho miếng cá còn nguyên nhưng thật dừ, ăn được cả xương mới là khéo.
Ngoài bánh chưng, cá kho, Tết còn phải có thangcuốn. Cuốn ở Hà-nội khác cuốn ở miền Nam ở chỗ cuốn từng khúc ngắn nhỏ, bún, tôm, thịt rọi luộc để ở trong, rau diếp xanh quấn ngoài, buộc bằng hành lá. Khi bầy, dựng đứng khúc cuốn trên đĩa, trông thấy rõ nhân bún trắng, tôm hồng bên trong, viền một vòng rau xanh bên ngoài.
Nhìn bát thang, khách có thể đoán biết trình độ "nữ công" của bà chủ. Bún đơm phải khơi lên chứ không được nén chặt, mặt phải bằng phẳng để bầy mặt cho dễ. Các thứ bầy mặt : ruốc tôm, gà luộc, giò lụa, trứng tráng, rau răm thái nhuyễn. Lúc bầy, chọn mầu sắc đối chọi để cạnh nhau cho vui mắt, chẳng hạn không nên để thịt gà luộc cạnh giò lụa. Bày khéo thì đường phân chia ranh giới hai món cạnh nhau thẳng tắp, không có chuyện "giao lưu văn hóa" món này lem nhem xen lẫn với món kia. Thường chỉ bầy bốn món rồi ở giữa để một miếng trứng muối luộc với nhiều lòng đỏ. Ăn thang phải thật nóng nên trước khi dọn ra người ta đem chao, tức là múc nước dùng thật sôi đổ vào bát thang cho nóng rồi chắt đi, múc thêm nước lần thứ nhì, có khi thứ ba rồi mới bưng ra mời khách. Chao khéo thì bát thang bưng ra các thứ bầy mặt vẫn nằm nguyên chỗ. Ăn thang có cà-cuống và dưa hành đi kèm mới đủ vị.
Khách đến chơi nếu không gập bữa cơm, không muốn ăn bánh chưng hay thang, thì được mời những món ăn vặt như hạt dưa, kẹo, mứt... Hà-nội đặc biệt có bánh Xuân-cầuhình vuông, rán lên nở phồng, mỗi bề bằng ngón tay, mầu trắng, vàng, hồng, trên mặt rắc mật nấu với thảo quả thành những đường chỉ chằng chịt mầu nâu. Chủ nhà còn mời uống rượu ngày Tết để trừ tà khí.


(1) - Nguyên bản bài thơ như sau:
Năm ba ông Táo dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần
Thượng Đế phán rằng sao chướng vậy
Tâu rằng Hạ giới nó duy tân.
                                                                                                         Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét