Translate

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

TẦU ĐIỆN HÀ NỘI - 1




Hồi mình còn bé tí mình vẫn nhớ tiếng tàu điện leng keng khi chạy qua trên đường Lê Duẩn, hồi đó nhà nào có 1-2 chiếc xe đạp là oai lắm rồi nên việc trẻ con đi bộ đi học, đi chơi là chuyện bình thường. Lúc đó tụi mình muốn đi lên cửa ga chơi, xuống khu Kim Liên vớt rong, bắt cá cống, cá khổng tước ( hic hic.. trẻ con bây giờ không biết còn biết từ  này không nữa??), đi xuống chợ Hôm, chợ Mơ mua cá chọi, lên Tô Tịch mua quay... thì cách nhanh nhất (hihi... nhanh hơn đi bộ một tí) và rẻ nhất (tòan nhảy tàu, bám tàu trốn vé thôi) là đi xe điện, hồi đó mình chưa ý thức được và chưa có điều kiện để tìm hiểu về tàu điện của Hà Nội cho đến mãi gần đây.



Cũng là một cơ may khi mình được tham gia tổ chức một số sự kiện trong đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, được tiếp cận với một số tài liệu và một số những ký ức vụn vặt của một vài người về tàu điện. Lịch sử tàu điện Hà nội không ngờ lại hay như vậy, mình hy vọng vài ký ức cóp nhặt lại và những thông tin tìm được trên các website có thể thỏa mãn phần nào.

Tàu thường mắc hai toa hoặc ba toa. Toa đầu có lắp máy... Người Whatman (lái tàu điện) đứng ngay ở đầu toa. Máy đặt trong một khung sắt kín trên mặt là tay lái, có thể tháo rời ra, sau khi rút khỏi cái hộp số tốc độ.

Tay cầm lái, mắt ông ta nhìn thẳng về phía trước xem đường chỗ nào đi thẳng, chỗ nào rẽ trái rẽ phải, chỗ nào vào đường đợi tránh tàu... Chân người Whatman, thường đặt hờ lên cái cần chuông... Mỗi khi vào ga, hoặc xuất phát, qua ngã ba, qua chỗ đông người, ông ta lại dậm mấy cái: Keng... keng... keng... keng...

Tiếng chuông leng keng của tàu điện Hà nội dường như đã là ấn tượng không thể quên của những ai một thời đã sinh sống ở Hà Nội kể cả lũ nhóc như tụi mình, cho tới trước năm 1992 là năm tàu điện ngừng hoạt động. Mình còn nhớ mãi hình ảnh bác lái tàu điều chỉnh cần lấy điện bằng sợi dây thừng dài ngoằng ở cuối toa xe, bác ấy ra sức đuổi lũ nhóc con tụi mình khi tụi mình bám vào toa xe, nhảy lên, nhảy xuống mà không quan tâm đến an tòan.

Và người ta nhớ cả cái dáng đoàn tàu, hai hoặc ba toa, sơn màu đỏ, trên nóc có cái cần sắt vắt cong, có một ròng - rọc, ấn vào dây điện được mắc ở trên, song song với đường tàu...

Chiếc đầu tàu thường có hai máy ở hai đầu. Mỗi khi đến ga cuối, người phụ tàu (thường là người bán vé) lại xuống quay cái cần xe đúng 180o, từ ngược thành xuôi, hoặc xuôi thành ngược, tháo móc nối toa, quay đầu rồi lại nối lại thành cho toa sau, để đi theo chiều ngược lại...

Tàu điện Hà Nội ngày ấy có mấy tuyến: Bạch Mai - Bưởi; Kim Liên - Yên Phụ và bờ Hồ - Hà Đông... Tuyến Kim Liên - Yên Phụ thường chỉ mắc hai toa, còn tuyến bờ Hồ - Hà Đông thường mắc ba toa.



Trong toa là hai dãy ghế dài. Những chuyến tàu đông, người lên sau thường phải đứng. Những ô cửa sổ, có cửa chớp kéo lên, kéo xuống được dọc theo toa... Hai đầu toa là lối lên xuống, mỗi lối có hai bậc, có tay vịn mạ kền bóng ngời, để mọi người dễ đi vào hoặc xuống tàu...

Người bán vé có cái cặp bằng da, trên để những xấp vé dài khoảng hai ngón tay khép lại. Khi nhận tiền xong thì xé vé, đưa cho người đi tàu và lưu cuống lại... Ông ta thường ít nói, nhìn thấy ông là lấy tiền ra rồi cầm vé. Có ai hơi mải chuyện hay lơ đãng là ông vỗ vai nhẹ một cái là khách hiểu ý ngay...

Tiếng leng keng đó là một phần trong miền nhớ của người kinh kỳ- cũng như tiếng rao đêm- gợi lên những kỷ niệm một thời ngược xuôi phố phường với bao buồn vui lẫn lộn. Tàu điện đã được hiện diện ở Hà Nội ngót nghét một thế kỷ. Một thế kỷ ít ra là trải qua bốn thế hệ. Biết bao lớp người đã dùng tàu điện làm phương tiện đi lại, không chỉ những cặp tình nhân, không chỉ người ở nội thành mà cả bà con ngoại thành ven đô. Họ nhờ tàu điện mà chuyển vận vào nội thành cơ man nào là lương thực, thực phẩm vừa nhanh vừa đỡ mệt mỏi. Sự thật này cánh tư bản Pháp rất hiểu, như trên một số báo Eveil économique (Thức tỉnh kinh tế) ra ngày 27-1-1929 một tư bản pháp trong đề xuất nối đường tàu điện vào giữa thị xã Hà Đông đã khuyến nghị bọn cầm quyền thực dân “Trước đây, người nông dân An Nam thích đi bộ 2km hơn là phải bỏ ra một xu. Bây giờ khác rồi, họ biết hưởng thụ hơn, họ sẵn sàng bỏ ra hai xu để khỏi phải đi bộ một hai nghìn mét”.

Như vậy, tàu điện là một nguồn lợi đối với tư bản Pháp. Tại sao lại là tư bản Pháp? Vì Công ty tàu điện là của họ! Nguồn gốc như sau :

Tháng 5 năm 1890, Công ty Điền địa Đông Dương xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện gọi là “Nhà máy xe điện” thuộc vào Công ty này (tên pháp là Usine de la Société des tramways électriques de l’Indochine”). Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thụy Khuê nên dân Hà Nội ngày ấy gọi là “Nhà máy tàu điện Thụy Khuê”.

Ngày 13 tháng 9 năm 1900 chạy thử tuyến đường đầu tiên Bờ Hồ - Thụy Khuê. Chợ Đồng Xuân đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. “Nhà tàu” hái ra tiền, khối lợi nhuận. Do vậy sang năm 1901 có thêm đường Bờ Hồ- Thái Hà ấp, khánh thành ngày 10-11-1901, lúc đó đường tàu chạy dọc Hàng Bông sang Cửa Nam, theo đường Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) rẽ sang trước mặt Văn Miếu rồi ra đường Hàng Bột (nay là Tôn Đức Thắng).

Hai năm sau mới bỏ đoạn Cửa Nam - Sinh Từ - Văn Miếu mà cho tàu chạy theo phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học) tới lưng Văn Miếu thì rẽ sang Hàng Bột.

Năm 1906 làm đường Bờ Hồ - Chợ Mơ, khánh thành ngày 18-12-1906. ít năm sau, kéo dài đường Bờ Hồ - Thụy Khuê lên tận Chợ Bưởi, rồi năm 1915 đường Bờ Hồ - Thái Hà ấp được kéo vào thị xã Hà Đông nhưng phải dừng ở bên này cầu Đơ vì cây cầu này yếu, không chịu được tải trọng của tàu. Do vậy mà năm 1929 mới có một anh tư bản đề xuất làm cầu Đơ mới để đưa tầu điện vào giữa thị xã (nhưng rút cục vẫn không thực hiện được). Trong năm 1929 do có thêm được tuyến Yên Phụ - Ngã tư Đồng Lầm (nay là ngã tư Đại Cồ Việt - Lê Duẩn) để rồi mãi tới tháng 5 năm 1943 mới nối xuống trước cửa nhà thương Vọng (nay là bệnh viện Bạch Mai).

Như vậy là tới năm 1929, từ ga Trung tâm Bờ Hồ (Ga tàu điện Bờ Hồ nay là ngôi nhà “Hàm cá mập”) tỏa ra 6 ngã: lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi, sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống Chợ Mơ và Vọng, tức cũng là tỏa ra 6 cửa ô nối nông thôn với nội thành.



Tàu điện Hà Nội tồn tại trên chín thập kỷ. Tiếng chuông leng keng của nó tạo nên một nét riêng biệt của thành phố, đi vào tâm thức nhiều người dân Hà Nội, nên đã bật ra thành lời thơ như đã nêu ở trên. Do vậy ai đi xa, khi nhớ về Hà Nội đều phải nhắc đến nó như một cái gì đó rất đặc trưng, không bao giờ phai nhạt trong ký ức.

Thời Pháp thuộc, mỗi đoàn tàu có hai hoặc ba toa, ở toa đầu có chia ra hai hạng vé: hạng nhất, hạng hai. Hạng nhất, kỳ thực chỉ là một khoang nhỏ ở toa đầu, đằng sau chỗ đứng của người lái (mà tên gọi thời đó là Vát-man) có hai hàng ghế bọc đệm vải sơn. Khách ngồi ngang nhìn thẳng, vé đắt gấp đôi hạng hai ở phía trong toa cũng như các toa sau, vốn gồm hai hàng ghế gỗ chạy dài theo thân toa. Hàng hóa thì chất ở dưới ghế, thúng mủng quang gánh móc ở toa cuối.

Đáng nhớ nhất là bất cứ toa nào và đi về đâu, đều có những người quảng cáo bán các thứ thuốc cao đơn hoàn tán: thuốc cam Hàng Bạc, thuốc ho bà lang Trọc, dầu cù là... Còn là những người hát xẩm, vừa kéo nhị vừa hát để xin tiền. Cả bọn lưu manh ăn cắp hoặc cướp giật nhảy tàu như làm xiếc. Người mất của và cả người “sơ -vơ” (người bán vé) chỉ biết nhìn theo.

Thế rồi đến những ngày tháng Chạp năm 1946, những ngày “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời”, các toa tàu điện trở thành chướng ngại vật rất có hiệu quả ngăn chặn bước đi của các đoàn xe cơ giới của thực dân gây chiến trên các nẻo đường phố phường.

Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, ta tiếp quản Nhà máy tàu điện. Các đoàn tàu được xóa bỏ cách phân chia thứ hạng và dần dần chữ tàu điện được gọi là xe điện. Xe điện phục vụ nhân dân khá đắc lực trong mấy chục năm ròng, nhất là thời gian sơ tán chống Mỹ.

Sau đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có vài thông tin là năm 1992 nhưng theo một số nguồn tin chính xác mà tớ tìm hiểu được thì là cuối năm 1991, dường như là do yêu cầu thông thoáng đường phố hoặc văn minh hóa thành phố, các tuyến xe điện lần lượt ngừng hoạt động. Đường ray bóc đi, cùng đầu máy, toa xe hẳn là dồn về kho nhà máy. Mười mấy năm qua, những ai đã từng đi tàu điện vẫn cứ thấy văng vẳng bên tai tiếng leng keng náo nức một thời.


Bên cạnh nét văn hóa về tàu điện thì có những nét văn hóa khác đi kèm, một trong những nét độc đáo đó chính là "xẩm tàu điện"

Trong ký ức của nhiều người Hà Nội chắc hẳn vẫn chưa thể quên tàu điện - một loại hình phương tiện giao thông của cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Nó đã gắn liền với người dân Hà Thành gần một thể kỷ. Chắc hẳn những người đã từng đi tàu điện ngày xưa vẫn nhớ đã bắt gặp đâu đó những người hát xẩm lang thang trên những chuyến tàu, những nhà ga. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, xẩm đã “kết duyên” với tàu điện để sản sinh ra một loại hình nghệ thuật độc đáo, chỉ riêng có ở Hà Nội, Việt Nam. Đó là xẩm tàu điện.
                                                                                                          Còn tiếp................

                                                                                                           Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét