Translate

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ ĐỊA DANH "HOA LƯ"




1- Theo sự thống kê của chúng tôi từ 52 tài liệu văn bia, câu đối, đại tự, thần tích, thần phả… có ghi địa danh Hoa Lư thì có tới 52 chữ Hoa Lư được sử dụng với các cách viết như sau:
- 12 chữ Hoa Lư có nghĩa là “lô hoa” (hay dịch ngược ngữ pháp tiếng Hán là Hoa lau). Tuy vậy chữ Hoa lại có 5 cách viết khác nhau, cùng một nghĩa là bông hoa 花 ; chữ Lư có 2 cách viết khác nhau, cùng một nghĩa là cây lau 蘆 .
Tài liệu viết chữ Hoa Lư là Hoa lau, có niên đại xưa nhất (theo thống kê được) là bia Đức Long ở chân quèn động Hoa Lư (1630).
Cách đọc hai chữ này là Hoa lô, Hoa la, hoặc Hoa Lư.
Có 37 chữ Hoa Lư được viết theo nghĩa là làng Hoa, hay cổng làng Hoa. Chữ Hoa có 10 cách viết, với các nghĩa tinh hoa, vinh hoa, hoa lệ, xa hoa, phồn hoa, màu mỡ, tài hoa 華 , và bông hoa, màu sắc loang lổ, nốt đậu trẻ con, lãng phí, nhà trò, con hát, năm đồng tiền cổ gọi là 1 hoa 花 . Tựu chung có 2 nghĩa chính là tinh hoa và bông hoa. Chữ Lư có 2 cách viết đều cùng một nghĩa là làng hoặc cổng làng 閭 . Tài liệu xưa nhất viết Hoa Lư theo nghĩa này là Lời tâu của Tống Cảo lên vua Tống vào năm 990.
Một tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư có nghĩa là hoa màu đen, cái cung đen có hoa, con chó đốm tốt. Trường hợp này, chữ Hoa có nghĩa là bông hoa, chữ lư (lô) có các nghĩa đen, đốm 蘆 .
Một tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư theo nghĩa con lừa hoa 花 驢 .
Bốn tài liệu thời Nguyễn viết chữ Hoa Lư với nghĩa cai lò (hoặc lư, đỉnh hoa 鑪 ).
Một tài liệu viết chữ lư * không rõ là nghĩ gì. Trần Xuân Hảo sao lại từ bản thời Nguyễn.
Một điều đáng lưu ý là, trên cùng một tài liệu, chữ Hoa Lư được viết khác nhau:
+ Bia đá động Hoa Lư niên đại Đức Long 2 (1630), chữ Hoa có 3 cách viết, chữ Lư có 2 cách viết, tuy đều cùng một nghĩa là lô hoa (bông hoa lau).
+ Hai câu đối chùa Hưng Thống xã. Gia Hưng - Gia Viễn, thời Nguyễn, một câu viết chữ Hoa lư theo nghĩa là hoa lau, còn câu khác lại viết theo nghĩa: làng (cổng làng) Hoa 蘆 , 閭 .
+ Đinh triều sự tích, đền Đồng bến - Phúc Am, Đông Thành, thị xã Ninh Bình cũng tương tự, nhưng chữ Hoa có 2 cách viết, đã vậy, lúc thì gọi là Hoa Lư huyện, lúc thì Hoa Lư động, hay Thôn Hoa.
+ Bài ký sự chơi Hoa Lư của Phạm Xuân Quang, một chữ Hoa với 2 cách viết, một chữ Lư cũng hai cách viết với hai nghĩa khác nhau.
Tóm lại, chữ Hoa Lư trong 52 tài liệu vừa trích dẫn có quan hệ với vua Đinh, đến vùng đất “Hoa Lư động” và “Hoa Lư đô” xưa, có tất cả 6 nghĩa khác nhau, trong đó chữ Hoa được viết với 18 cách, chữ Lư được viết với 8 cách.
2- Một số nhận xét:
Tuy có 6 nghĩa khác nhau, theo chúng tôi, chữ Hoa Lư chỉ có một nghĩa chính là Hoa lau, bông lau.
Nếu Hoa Lư là Hoa lau, thì phải viết ngược lại là Lư hoa mới đúng ngữ pháp chữ Hán, và phải đọc là Lô Hoa mới chuẩn. Có nhiều tên Hán Nôm để chỉ cây lau, hoa lau, ví dụ “điều” hoặc “thiều”, “thảm”, “vi”, “địch”. Ngoài chữ “Lô hoa”, thì “Lô địch hoa” cũng có nghĩa là bông lau, hoa lau. Không hiểu từ đời nào, người ta đọc “lô” thành “lư” và “lư hoa” ra “Hoa Lư”? mà không nôm na đọc luôn là Hoa lau cho dễ hiểu. Trong ngôn ngữ Thái, cây lau, cây lách, lau sậy đều đọc là lư. Trong tiếng Anh, chữ cane vừa có nghĩa là cây trúc, mía, mây, cái gậy, lại vừa có nghĩa là cây lau.
Lau là loài thực vật trong dòng họ thảo quả. Từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1977 giải nghĩa lau là “loài cỏ cao, lá giống như lá mía, có bông trắng” Từ điển tiếng Việt. 1992 thì viết về lau: “cây cùng loài với mía, mọc hoang thành bụi, thân xốp, hoa trắng tụ thành bông”.
Theo cuốn Cây cỏ thường thấy ở Việt Nam, lau có tên khoa học là Sccharum arundinaceum retzs, họ lúa, loài cây hạt kín, 1 lá mầm. Trổ hoa từ tháng 6 đến tháng 12.
Chữ “Lư” là lau, chỉ có một cách viết đầy đủ và một cách viết tắt. Chữ “Lư” là làng hoặc cổng làng, cũng chỉ có hai cách viết thôi. Với chữ “lư” này, không thể đọc thành “lô” hoặc “la” như chữ lư-lau được. Riêng chữ “Hoa”, có nhiều cách viết, với nhiều nghĩa, thì rốt ráo cũng chỉ có hai nghĩa chính là bông hoa hoặc tinh hoa mà thôi. Sở dĩ có nhiều cách viết, là do người xưa kị húy tên vua chúa, tên ông bà cha mẹ hoặc thày cô giáo, mà cũng có thể kị húy cả tên thần linh nữa (Bạch Hoa công chúa, Trần Thị Hoa, vua Thiệu Trị có bà phi tên là Hoa…). Chữ Hoa không chỉ kị viết mà còn kị cả đọc nữa, có thể đọc hoa là huê.
Theo hiểu biết hiện nay, “Hoa Lư” có 10 khái niệm: Hoa Lư động, Hoa Lư thành, Hoa Lư xứ, Hoa Lư huyện, Hoa Lư quận, Hoa Lư giáp, Hoa Lư đô, Hoa Lư miếu, Hoa Lư sơn, Hoa Lư khẩu. Trong số này, động và thành (hoặc đô) là hai khái niệm được nói viết nhiều nhất, và chữ “động” có tới hai cách viết khác nhau, nhưng đều chỉ động núi cả 洞 , 峒 .
Vào giữa thế kỷ X về trước, Hoa Lư là tên gọi một sơn động vùng Gia Hưng-Gia Viễn bây giờ, đến năm 968 trở đi, sơn động Hoa Lư vẫn còn đó, những còn thêm một Hoa Lư thành (đô) ở vùng Trường Yên, Hoa Lư bây giờ. Địa danh Hoa Lư đã “phân thân” đi theo Đinh Bộ Lĩnh về vị trí đóng đô. Và chỉ có vậy thôi, các khái niệm còn lại như Hoa Lư huyện (quận, giáp…) không phổ biến và không mấy chính xác.
Do chữ “Hoa Lư” có gốc gác từ một sơn động đầy lau sậy, với một Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận, cho nên nói đến hoa lau, cờ lau là nghĩ ngay đến thuở ấu thời của Đinh Bộ Lĩnh. Lau mọc ở mọi miền đất nước, và trong văn học, lau được dùng như là hình ảnh của sự chia ly, cách biệt, biên tái, buồn bã đau khổ, hoang sơ. Chỉ riêng ở vùng sơn động Hoa Lư, lau mới đi vào lịch sử như một huyền thoại đẹp, một điển tích cờ lau tập trận của người anh hùng họ Đinh đáng tự hào. Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X ở Trường Yên chỉ mượn tên, còn nội dung đã hoàn toàn khác. Đó là một Kinh thành, Đô thành hẳn hoi, có thành lũy, lâu đài, cung điện, nhà cửa chùa đền. Nghĩa là tìm lại thành quách, khai quật tìm dấu vết một nền văn minh Đại Cồ Việt, điều mà tiền nhân tự hào đối sánh nó với kinh đô Tràng An ở Trung Quốc xưa. Thiết nghĩ việc trồng lau xung quanh hai ngôi đền Đinh và Lê bây giờ sẽ biến cảnh quan một Kinh đô hoa lệ xưa thành một sơn động Hoa Lư hoang sơ đầy lau lách, đó là điều không nên làm.
  Phụ chú:
 CỐ ĐÔ HOA LƯ
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Kinh đô này tồn tại 42 năm (từ 968 đến 1010), gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, chống giặc ngoại xâm và phát tích thủ đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù đóng đô ở Thăng Long và Huế nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13,87 Km2 thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trải qua thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư vẫn hiện hữu với quần các di tích kiến trúc độc đáo có giá trị đặc biệt ở Việt Nam. Khi cả nước đang chuẩn bị chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đất Hoa Lư rêu phong, cổ kính trầm mặc bỗng nhộn nhịp hơn cùng cả nước góp phần tô điểm thêm hùng khí non sông mừng thủ đô 1000 tuổi


3 TRIỀU ĐẠI - 6 VỊ VUA Ở HOA LƯ

Đinh Tiên Hoàng là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vì thế mà ông được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử.

Đinh Đế Toàn sinh năm Giáp Tuất 974. Đinh Bộ Lĩnh có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Ðinh Hạng Lang. Vì Đinh Bộ Lĩnh lập Hạng Lang làm Thái tử nên con cả Đinh Liễn tức giận đã giết chết Hạng Lang. Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị giết hại, Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Năm 980, vua Tống bên Trung Quốc nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, cử binh sang đánh Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều đình tôn Lê Hoàn lên làm vua, lập nên nhà Tiền Lê. Với hai trận lớn Bạch Đằng và Chi Lăng, Lê Hoàn đánh bại quân Tống. Đinh Toàn trở thành vệ vương trong triều đình và hy sinh năm 27 tuổi tại chiến trường.

Lê Đại Hành là vị vua trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt. Lê Hoàn cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, thủ đô hiện tại của Việt Nam. Xung quanh vị Hoàng đế này còn nhiều điều chưa được sáng tỏ như vấn đề thân thế, sự nghiệp và thụy hiệu.

Lê Trung Tông tên húy là Lê Long Việt, sinh năm Quý Mùi 983 tại Hoa Lư, con trai của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Vua Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử Long Thâu mất, Long Việt được lập làm Thái tử. Năm 1005, Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, đánh nhau 8 tháng, trong nước không có chủ. Tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Long Ngân là người lớn nhất trong số các anh em còn lại. Tháng 10 năm 1005, Long Ngân thua chạy đến châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì bị người bản địa giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, tức là Lê Trung Tông. Trong nước vẫn chưa yên ổn hẳn. Theo Dã sử, 3 ngày sau Trung Tông bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh sai người trèo tường lẻn vào cung hãm hại, thọ 22 tuổi.

Lê Long Đĩnh là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, trị vì 4 năm từ 1005 đến 1009. Cái chết của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý. Trong sử sách, ông vua này hầu như luôn được nhắc đến như là một kẻ dâm đãng, tàn bạo và độc ác. Gần đây xuất hiện các ý kiến cho rằng Lê Long Đĩnh là ông vua bị bôi nhọ và "đóng đinh" trong lịch sử

Lý Công Uẩn là người Bắc Ninh. Mẹ là Phạm Thị. Khi lên ba tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn đi tu từ đó. Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Lý Vạn Hạnh, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Là người khoan thứ nhân từ, có lượng đế vương, ham sùng đạo phật. Năm 1009, khi vua Lê Long Đĩnh bị giết, ông 35 tuổi. Lực lượng của Đào Cam Mộc cùng với sư Vạn Hạnh liền tôn ông lên làm vua. Một năm sau, Lý Công Uẩn thấy Hoa Lư chật hẹp bèn rời đô về Đại La, lấy cớ rồng bay lên vua cải Đại La thành Thăng Long (rồng bay), Hoa Lư thành Tràng An (muôn đời bình yên)                                                                                        Sưu tầm từ Tạp chí Hán nôm số1/1999

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét