MẬT TÔNG
(CHÂN NGÔN TÔNG - MẬT THỪA -
KIM CƯƠNG THỪA)
KIM CƯƠNG THỪA)
TÊN TÔNG: Tông này gọi là Chân Ngôn Tông hay Mật Tông là dịch nghĩa từ chữ "Mantra" một thứ giáo pháp không thể phát biểu bằng thứ ngôn ngữ thông thường, mà được nói bằng chính ngôn ngữ của Phật, được phân biệt bằng ý tưởng ẩn kính trong tâm Phật, vốn không biểu lộ bằng lời. Chân Ngôn Tông tìm hiểu những Phật lý không biểu hiện thành ngôn ngữ ấy.
Tông này lấy ba bộ kinh sau là chỗ dựa chính:
1. Kinh Đại Tỳ Lo Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì gọi tắt là kinh Đại Nhật.
2. Kinh Kim Cương Đỉnh Nhất Thiết Như Lai Chân Thực Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương gọi tắt là kinh Kim Cương Đỉnh.
3. Kinh Tô Tất Địa Yết La ra gọi tắt là kinh Tô
Tất Địa.
GIÁO NGHĨA: Tông chân ngôn phán thích giáo pháp của đức Phật thành hai hệ thống giáo lý và mười trụ tâm. Đó là:
1. Hiển Giáo: Là tất cả những giáo pháp về Tiểu thừa và Đại thừa do ? ứng thân của Phật tức là Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai nói ra.
2. Mật giáo: Là giáo pháp chân ngôn bí mật do Pháp thân của Phật tức là Đức Tỳ-lô-giá-na (dịch là Đại Nhật Như Lai) nói ra. Hiển giáo đại thừa thì mượn các kinh điển để hiển thị thực tướng. Mật giáo không những khai thị thực tướng trên giáo nghĩa mà còn biểu hiện thực tứ trên sự thật, chỉ thẳng thâm nghĩa thực tướng trên sự thật đó, nhất nhất biểu hiện rõ cảnh giới bất tư nghị, diệu lý thực tướng được kiến lập minh bạch trên ba nguyên tố lớn đó là:
- Thể đại tức duyên khởi của sáu đại.
- Tướng đại tức chẳng lìa, tức không lìa bốn Mạn.
- Dụng đại tức ba mật Du-già.
Tất cả muôn sự muôn vật ở thế gian không có sự vật nào mà không phải là duyên khởi của sáu đại: Địa, Thuỷ, Hoả, Phong, Không, Thức. Việc tu hành xuất thế gian cũng không ngoài sáu đại này, tất cả chúng sinh từ đỉnh đầu đến gót chân từ trong ra ngoài cũng đều do sáu đại này mà thành. Và vô lượng Phật thân Tỳ-lô-giá-na Như Lai cũng do sáu đại này. Vì thế, tất cả các pháp không lìa khỏi sáu đại Pháp tính của sáu đại biến khắp pháp giới. Lại tất cả pháp tính không pháp nào không phải là Đại Nhật, mà Đại Nhật Như Lai biến khắp pháp giới. Nghĩa là tất cả chúng sinh đều là Tỳ-lô-giá-na, tất cả các tướng không tướng nào không phải là cảnh giới Pháp Vương. Sáu đại của thân Phật và sáu đại của chúng sinh cho đến sáu đại của tất cả các pháp không cách biệt nhau. Do đó, nên căn cứ trên bản thể mà suy luận thì tất cả các pháp vốn đều là thực tướng cả. Đây gọi là duyên khởi của sáu đại.
Để biểu thị sự phát triển của tâm, Tông này chia làm mười giai đoạn (tức Thập trụ tâm) như sau:
1. Di sinh đê dương tâm: Chư hữu tình chúng sinh sát sinh, trộm cắp, mê muội, dâm dục, tạo tác tội nghiệp như con dê đực tự đâm đầu vào đường ác, tức thuộc tâm này.
2. Ngu đồng trì trai tâm: Chư hữu tình chúng sinh phát tâm làm lành, đều giữ hạnh lành, tuy có thể sinh ở nhân đạo, mà không thể xuất thế giải thoát được, tức thuộc tâm này.
3. Anh đồng vô uý tâm: Hàng ngoại đạo tiên nhân cầu sinh cõi trời, chẳng nghĩ đến sự thoái đoạ về sau, chẳng giải thoát sinh tử thế gian, tức thuộc tâm này.
4. Duy uẩn vô ngã tâm: Pháp tiểu thừa dạy người, tu tập Tứ Đế, biết tất cả là vô ngã, nhưng nhận thể của pháp là có, chứng ngã không mà chẳng thể chứng pháp không, đây là giáo pháp Thanh Văn Thừa.
5. Bạt nghiệp nhân chủng tâm: Quán mười hai nhân duyên tự đoạn được chủng tử nghiệp khổ, mà chẳng thể tế độ chúng sinh. Đây là Giáo pháp của Duyên Giác Thừa.
6. Tha duyên đại thừa tâm: Pháp đại thừa dạy người, vì muốn tự lợi, lợi tha, chỉ chỗ chí lý về pháp tướng của y tha khởi tính và viên thành thật tính. Đây là giáo pháp của tông Pháp Tướng.
7. Giác tâm bất sinh tâm: Liễu chi các pháp thực tướng xưa nay vắng lặng, không mê, không giác, chẳng sinh, chẳng diệt. Đây là giáo pháp của tông Tam Luận.
8. Nhất đạo vô vi tâm: Tuyên thuyết ba đế viên dung, vạn pháp nhất như, nghĩa là tất cả vạn hữu đều là một đạo thanh tịnh vô vi thật tướng. Đây là giáo pháp của tông Thiên Thai.
9. Cực vô tư tính tâm: Nói pháp giới Hoa Nghiêm viên mãn dung tức. Nghĩa là quán pháp thập huyền và lục tướng đều là thật tướng, vì phân ra mà nói. Đến quả phần của thật tướng còn phải lìa ngôn ngữ, dứt tư lự là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Do đó gọi là cực vô tự tính. Đây là giáo pháp của Tông Hoa Nghiêm.
10. Bí mật trang nghiêm tâm: Chỉ quả phần của thật tướng, nghĩa là cảnh giới bí mật chỉ Phật với Phật mới biết, là chân ngôn giáo của vô lượng vạn đức trang nghiêm bí mật.
Ngoài ra, Mật tông còn cho rằng chúng sinh và đức Như lai đều do sáu đại làm thể, và bốn pháp Mạn-đà-la làm tướng không sai khác.
Mạn-đà-la dịch là Luân viên cụ túc. Nghĩa là tròn đầy rộng lớn khôn lường. Tứ Mạn-đà-la là bốn tướng rộng lớn đầy đủ của bản thể do sáu đại mà biến hiện ra.
Bốn Mạn-đà-la như sau:
1. Đại Mạn-đà-la - Nghĩa rộng là thân của các loài hữu tình trong mười pháp giới, là sắc tướng của muôn pháp trong vũ trụ, đi theo lục đại mà hiện.
Nghĩa hẹp là chỉ cái sắc tướng trang nghiêm của Phật, Bồ tát được thể hiện trong các pho tượng chạm trổ, tô
vẽ v.v...
2. Tam-muội-gia Mạn-đà-la - Nghĩa rộng là hết thảy các cơ khí trong vũ trụ, những vật thường ngày của chúng sinh, hay rộng hơn nữa là cái đặc tính riêng biệt của mỗi pháp, núi sông, cây, cỏ v.v... Nghĩa hẹp là chỉ những vật mà Phật và Bồ tát thường cầm như hoa sen, ngọc bảo châu, cành dương liễu v.v... để tiêu biểu cho lời thề nguyện hay cái đặc tính thù thắng riêng của quý Ngài trong việc cứu độ chúng sinh.
3. Pháp Mạn-đà-la - Nghĩa rộng là hết thảy âm thanh, lời nói, hình ảnh, tên gọi, ký hiệu trong vũ trụ. Nghĩa hẹp là chỉ cho những chủng tử hay chân ngôn của các đức Phật hay Bồ tát. Chủng tử đây tức là chữ cái, chữ tiêu biểu cho bản thể của Phật và Bồ tát như chủng tử của Đức Đại Nhật Như Lai là chữ (đọc là A), chủng tử của Ngài Kim Cương Tát Đoả là chữ (đọc là hùm). Còn chân ngôn tức là mật chú, và danh hiệu của Phật, Bồ tát cùng tất cả văn nghĩa trong các kinh điển.
4. Yết Ma Mạn-đà-la - Yết-ma nghĩa là cử động làm các sự nghiệp. Vậy nghĩa rộng của Yết-ma Mạn-đà-la chỉ cho hết thảy động tác của chúng sinh và muôn vật. Nghĩa hẹp là chỉ cho hết thảy uy nghi động tác của chư Phật và Bồ tát để làm sự nghiệp độ sinh.
Bốn Mạn-đà-la này đồng thời tồn tại, đã có một Mạn-đà-la, tức phải có ba Mạn-đà-la kia. Bốn Mạn này Phật, Bồ tát và chúng sinh đều có. Bốn Mạn của chúng sinh không lìa bốn Mạn của Phật. Vì thế, kinh thường gọi bốn Mạn không lìa nhau.
Còn tiếp...
(Lược
sử các tông phái Phật giáo, T.T Thích Viên Thành, 1999)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét