Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

HUYỀN KHÔNG CỔ TỰ


h3
  Trước kia đọc bộ Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung tiên sinh, cứ tưởng là Ngài hư cấu, hóa ra chùa Huyền Không là có thật.

          Một trong 3 đại danh lầu Giang Nam TQ (Đời Đường – 713)
   Chùa Huyền Không nằm ở huyện Hồn Nguyên tỉnh Sơn Tây, cách thành phố Đại Đồng 65km. Đây là một ngôi chùa độc đáo hợp nhất ba tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo hiện còn tồn tại ở Trung Quốc. Ngôi chùa này là đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm quốc gia. Chùa Huyền Không xây vào hậu kỳ vương triều Bắc Ngụy, cách đây hơn 1400 năm. Vương triều Bắc Ngụy đã đưa đàn lễ của Đạo giáo từ Bình Thành thay là Đại Đồng) chuyển đến đây. Các thợ làm chùa cổ đại xây chùa Huyền Không theo yêu cầu của Đạo giáo “Không nghe tiếng chim kêu chó sủa".
(Ảnh: Community.vietfun.com)
  Chùa Huyền Không cách mặt đất khoảng 50m, nằm trên vách núi cheo leo. Hai bên là vách núi cao hơn 100m. Vách núi thẳng đứng như bị dao cắt. Chùa có cảm giác như bị dính trên vách đá, chính vì thế nên chùa mới được đặt tên là Huyền Không ( nghĩa là treo lơ lửng trên không trung ). Nếu đứng từ xa ngẩng đầu nhìn lên chùa sẽ thấy các điện, gác tầng tầng lớp lớp, chỉ có mấy chục chiếc cột gỗ như chiếc đũa chống đỡ cả khu chùa. Nóc chùa là những tảng đá vàng sẫm lớn nhô ra phía trước, hình như sắp sập xuống. Rất nhiều người dùng hình ảnh “Điện gác nguy hiểm lơ lửng trên vách núi” để miêu tả chùa Huyền Không. Vậy chùa trên vách núi cheo leo này được xây dựng như thế nào? Vì sao lại chọn địa điểm xây trên vách núi cheo leo? Nguyên nhân gì khiến cho nó trải qua nghìn năm vẫn được bảo tồn hoàn hảo đến vậy?
  Mấy năm gần đây, các chuyên gia đã nhiều lần tiến hành khảo sát thực địa đối với chùa Huyền Không, nêu ra rất nhiều quan điểm mới. Có chuyên gia cho rằng, chùa Huyền Không sở dĩ có thể xây trên vách núi cheo leo, chủ yếu là do “đòn gánh sắt” treo điện, gác trên không. Các chuyên gia còn nói, từ trong hang đá sau điện Tam Quan nghiêng người thò đầu ra ngoài trông lên sẽ phát hiện đường sạn đạo( Đường làm bằng gỗ, trên vách đá, men theo vách núi) trên không chỉ có mấy chiếc xà ngang và cột đứng chống. Những chiếc dầm ngang này còn gọi là đòn gánh sắt - những thanh xà gỗ này được làm bằng gỗ Sam sắt - một loại gỗ cứng ở địa phương. Những thanh dầm gỗ Sam được ngâm trong dầu trẩu cắm vào đá núi không bao giờ bị mối mọt hoặc mục nát. Đây là phương pháp xây đường sạn đạo trên vách núi để đi ở thời cổ đại. Chùa Huyền Không cũng xây theo phương pháp làm đường sạn đạo. Các bệ đáy lầu các đều nằm trên rất nhiều “đòn gánh sắt”. Có chuyên gia chỉ rõ, chùa Huyền Không sở dĩ có thể treo trên vách đá, ngoài việc dựa vào những thanh dầm gỗ Sam, các cột đứng cũng được coi là điểm tựa vững chắc. Những chỗ đặt chân cột đều được thiết kế tính toán tỉ mỉ, đúng với thiết kế khoa học để đảm bảo có thể chống được toàn bộ ngôi chùa.  Có chiếc cột có tác dụng chịu lực, có chiếc cột dùng để cân bằng độ cao thấp của lầu gác, có chiếc phải đè trọng lượng nhất định ở trên mới có thể phát huy tác dụng chịu lực. Nếu không có vật nặng ở trên, cây cột sẽ “lắc lư".
Có chuyên gia cho rằng, chùa Huyền Không có tất cả 40 gian điện và gác. Nhìn bên ngoài chỉ có mười mấy chiếc cột gỗ to bằng miệng bát ăn cơm chống đỡ. Thực ra, có một số cột không chịu lực, cho nên có người dùng câu: “Huyền Không Tự, cao nửa trời, ba sợi đuôi ngựa treo trên không" để hình dung chùa treo trên không này. Trọng tâm thực sự của chùa nằm trong vách đã cứng, lợi dụng nguyên lý lực học dùng xà cắm vào đá đua ra ngoài. Điều này có nghĩa, trên vách đá đục những lỗ để cắm xà đua. Hơn một nửa xà đua nằm trên nền đá, chỉ còn hơn 1/3 xà đua ra ngoài nhằm tăng diện tích chùa. Nhìn bề ngoài chùa như bị treo trên không, song thực tế trọng tâm của chùa nằm trên núi đá.
(Ảnh: khaocoviet.net)
   Vì sao chùa Huyền Không phải xây trên vách đá cheo leo? Vì sao trải qua hơn 1000 năm, chùa vẫn bảo tồn hoàn hảo tốt như vậy? Đối với những câu hỏi này, mỗi người đưa ra quan điểm riêng mình. Có người nói, trước kia, nơi này mưa gió thất thường, gây tai họa lớn cho các công trình kiến trúc. Chủ trì chùa phải tìm cách xây chùa trên vách núi mới mong tránh được mưa to, gió lớn. Chùa Huyền Không nằm ở trong thung lũng khe núi sâu, treo giữa vách núi. Đỉnh núi nhô ra như một chiếc ô, khiến chùa tránh được mưa gió. Khi nước lũ trên núi đổ xuống, chùa không bị ngập úng.
   Một ý kiến khác cho rằng, trước kia nơi đây là nút giao thông Bắc lên Đại Đồng, Nam về Ngũ Đài. Chùa Huyền Không ở đây, để tiện cho tín đồ khắp nơi đến dâng hương cúng bái. Sông Hôn Hà chảy dưới chân núi trước chùa, thời đó thường có mưa bão, nước sông ngập tràn. Nhân dân cho rằng có rồng vàng tác quái, cho nên xây chùa trên vách núi để trấn giữ. Cũng có người chỉ rõ, thế núi như một chiếc nồi treo, ở giữa bị lõm. Chùa Huyền Không xây dưới đáy nồi. Vị trí có lợi này không những khiến cho gió bão dữ dội không thể thổi vào chùa mà ngọn núi trước mặt chùa cũng như một chiếc bình phong che chắn. Tương truyền, khi đến mùa hè, mỗi ngày chỉ có ba tiếng đồng hồ ánh sáng Mặt trời chiếu vào chùa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao chùa Huyền Không trải qua hơn 1000 năm gió táp mưa sa vẫn đứng vững trên vách đá cheo leo. Gần đây có một số chuyên gia nhận định, chùa Huyền Không sở dĩ trải qua nghìn năm vẫn bảo tồn hoàn hảo đến như vậy, ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có nguyên nhân chùa xây dựng rất độc đáo. Khi đi vào cổng chùa, có một sân chùa hình chữ nhật dài gần 10m, rộng gần 3m, có thể chứa được mấy chục người, còn các điện, lầu gác khác đều liên kết với nhau bằng hành lang hẹp và thang treo.   Du khách chỉ có thể đi theo hàng một vào chùa, vì vậy không gây ra ùn tắc. Điều này giảm được trọng lực của du khách đối với hành lang và thang treo. Ngoài ra, có chuyên gia còn cho rằng, chùa Huyền Không có một kết cấu rất đặc biệt so với nhiều chùa khác. Đó là “ba giáo hợp nhất”.
   Tầng cao nhất phía Bắc chùa có một điện Tam giáo. Trong đó có Phật tổ, Lão Tử, Khổng Tử đại diện cho ba tôn giáo khác nhau. Từ xưa đến nay, để giành sự sùng tín của dân chúng, Đạo Phật, Đạo giáo, Nho giáo mỗi giáo phái đều có quan điểm riêng, tranh luận không ngừng. Vì vậy, chùa trong thiên hạ phần lớn thờ một tôn giáo riêng. Điều đặc biệt hơn cả, chùa Huyền Không có tới ba giới ở chung một điện thờ, thật là hiếm có. Chùa thờ 3 tôn giáo, được dân chúng càng yêu quý. Đây cũng là một nguyên nhân chùa được bảo tồn hoàn hảo.
  Nhìn từ xa, chùa Huyền Không như đang muốn bay vào không trung, như chim én đang giang cánh bay. Nếu đến gần, chùa như được gắn vào vách núi cheo leo. Nhà thơ lớn đời Đường Lý Bạch du ngoạn chùa Huyền Không đã vung bút viết hai chữ “Tráng Quan” (Kỳ quan tráng lệ). Nhà du lịch đời Minh Từ Hà Khách năm xưa du ngoạn đến đây thán phục nói chùa là “kỳ quan lớn thiên hạ". Vẻ đẹp cũng như sự bảo tồn hoàn hảo của chùa Huyền Không khiến cho những câu hỏi đặt ra về chùa vẫn chưa có lời giải đáp thống nhất.
(Nguồn Bí ẩn kiến trúc thế giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét