Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

BÍ ẨN CỦA PHONG THỦY - 3

TRUYỆN HỌ VŨ XÃ TRUNG HÀNH
 
Tại xã Trung hành - huyện An Dương có một người họ Vũ, nhà nghèo nhưng hay làm việc thiện. Bấy giờ trong làng thường có một người hay nhờ thày Địa lý xem đất. Sau khi tìm được một ngôi đất đẹp và đem mộ Tổ đến táng. Một đêm, người ấy nằm mơ thấy một vị Thần nhân đến bảo rằng:

-Ta cai quản địa phương này. Ngươi là ai mà dám đem mộ đến táng ở đất của ta. Ngươi phải di mộ đi nời khác ngay, nếu không sẽ có tai vạ.Người ấy còn trù trừ chưa quyết, thì cả nhà đau ốm, trong họ không yên. Lại nằm mơ thấy Thần nhân đến bảo:

- Nhà ngươi ít phúc, không đương nổi cái huyệt ấy. Ta giữ cái huyệt cho họ Vũ. Ngươi nên nhường cho họ đó, thì con cháu ngươi sau này sẽ được họ ấy báo đáp.

Người ấy theo lời Thần bảo, đến nói với người nhà họ Vũ rằng:

-Tôi có một ngôi đất tốt. xin nhường cho ông. Sau này nhà ông phát đạt, thì đừng quên con cháu tôi.

Người họ Vũ xin vâng, rồi đem mộ phần tiên nhân táng vào ngôi đất ấy. Về sau, họ Vũ hưng thịnh, sinh ra nhiều người tài nghệ và vũ dũng hơn người. Trong khoảng Trung hưng, họ này có công dẫn đường diệt Mạc, được phong công thần. Đến nay, con cháu được kế tiếp nhau nắm giữ quyền binh, tước lộc đương thịnh. Bấy giờ có câu tục ngữ: "An Dương trung hành, Kim Thành Quỳnh Khê" - Ý nói làng Trung Hành thuộc Huyện An Dương và làng Quỳnh Khê thuộc Huyện Kim Thành là những làng đời nào cũng có nhiều quan chức.

Ảnh: Quang Hưng (Viettimes, VNN)
TRUYỆN MỘ TỔ Ở VỊNH KIỀU
Thượng thư (triều Mạc) Nguyễn Văn Huy là người xã Vịnh Kiều, huyện Đông Ngàn. Nguyễn Phúc Ngộ là ông nội, bình sinh hay làm việc thiện. Ông ngụ cư ở xã Đông Lâu, huyện Yên Phong, làm nghề nấu rượu. Bên cạnh nhà ông có một cây Bồ đề cổ thụ bị bão làm đổ. Ông mua cây ấy làm củi đun. Khi đào đến rễ cây, thấy ở dưới có một cái huyệt chôn bạc ước độ đôi ba thùng. Ông đem số bạc ấy về nhà cất giấu, rồi chuyển nhà đi nơi khác. Hai ba năm sau, một người Khách Trung Quốc đến lấy bạc, nhưng không thấy bạc đâu mà chỉ thấy một cái huyệt không. Người Khách hỏi những người lân cận, biết ông đã được số bạc ấy, bèn tìm đến nhà ông đưa ra một bản sấm cũ và nói rằng:
-Tôi vì gia sản của tiên nhân lặn lội đến đây, không hay Trời đã cho ông rồi. Nay tôi định trở về nước, xin ông tư cấp cho một ít lộ phí, thì tôi được đội ơn ông nhiều lắm.Nguyên từ khi được số bạc ấy, ông đem về cất đi, không biết là bao nhiêu. Đến đây, ông xem bản sấm thì thấy số bạc ông được đúng như số bạc đã ghi ở trong bản sấm, không sai một ly. Ông bèn khoản đãi người Khách và bảo rằng:
- Số bạc này chính là tôi bắt được, nhưng cứ để nguyên cất đi, không hề lấy một chút nào ra tiêu dùng. Số bạc ấy, vốn là di sản của nhà ông, thì tôi xin hoàn lại ông tất cả.
Người Khách từ chối mà rằng:
- Số bạc ấy tuy là di sản của nhà tôi, nhưng nay ông đước thì là của ông. Nếu ông có cho, thì tôi chỉ xin đủ tiền ăn đường về nước thôi. Còn việc ông hoàn cả, thì tôi không dám tuân mệnh.
Ông nhất định không nghe. Người Khách lại nói:
- Ông đã có lòng thành thì tôi xin lĩnh một nửa.

Ông nói:

- Tôi đây há không quý tiền bạc hay sao? Nhưng số bạc này không phải của nhà tôi. Trời chỉ sai tôi giữ cho ông, cho nên tôi phải cất đi để đợi ông. Vậy ông đừng từ chối nữa.Người Khách thấy ông kiên quyết như thế không dám trái ý, bèn lĩnh bạc ra về. Sau khi về nước, người Khách thường đem việc ấy kể cho mọi người cùng nghe. Một thày Địa lý nghe được câu chuyện, nói rằng:

- Ít có người tốt bụng như thế, nay ta già rồi, giá ta còn trẻ thế nào ta cũng sang An Nam tìm cho nhà ấy một ngôi đất tốt để đền ơn.
Người Khách khẩn khoản nhờ thầy giúp. Thầy Địa lý nói:
- Ta có hai người học trò có thể sai đi được.
Người Khách cùng hai người học trò đó sang An Nam. Bọn họ đến xã Vịnh Kiều hỏi thăm thì Phúc Ngộ đã mất từ năm trước rồi. Người Khách sắm một lễ phúng đem đến nhà ông cúng tế. Cúng xong ra đi, không biết đi đâu. Hơn hai tháng sau, người Khách lại đến bảo con ông rằng:
- Tôi chịu ân đức của Tiên công, không biết lấy gì báo đáp. Nay tôi đem hai thày Địa lý giỏi sang tìm cho ngài một ngôi đất tốt để tạ ơn. Một ngôi kiểu "quần sơn củng phục"(Các núi chầu lại), có thể làm một đời Đế Vương. Một ngôi kiểu "Cáo trục hoa khai"(Phong tước nở hoa), có thể làm được một đời Phò mã. Trong hai ngôi ấy, ông thích ngôi nào?
Con ông trả lời rằng:
- Nhà tôi ở chỗ thôn quê bỉ lậu, dám đâu hy vọng những sự lớn lao ấy. Tôi chỉ mong có được một ngôi đất đời nào trong nhà cũng có văn nho mà thôi. Hai thày Địa lý nói rằng:

- Nếu anh muốn như thế, thì ở làng ta đây đã có sẵn ngôi đất đó rồi, không phải đi tìm ở đâu nữa.

Xét ngôi đất ấy, long mạch khởi từ xã Cẩm Chương đi lại, đến đầu làng Vĩnh Kiều thi nhô lên thành hai mô đất. Một mô hơi to và bằng phẳng. Một mô hơi bé và hơi méo lệch. Người học trò thứ nhất bảo huyệt mộ ở mô to. Người học trò thứ hai cho là không phải, anh ta bèn đến một cái vũng nước sâu ở phía trước mặt, nằm xuống ngắm trông một hồi lâu rồi đứng dậy mà nói rằng: Tôi đã nghiên cứu kỹ, đích thực huyệt ở mộ bé. Hai người tranh luận mãi không quyết định được.

Phượng. Đất nung. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.
Họ bèn vẽ bản đồ chỗ đất ấy, sai người đem về Trung quốc xin Sư phụ định đoạt. Sư phụ nói rằng:
- Ngôi đất này là kiểu "Hoàng xà thính cáp"(Rắn vàng nghe ngóe), khí ở tai. Hai mộ đất tức là hai tai vậy. Mô lớn tất điếc. Mô bé hơi chéo có khí, huyệt ở mô bé ấy.
Con ông theo lời đem hài cốt cha di táng vào đấy. Mô đất ngồi ở phương Cấn (Đông Bắc) ngoảnh mặt về phương Khôn (Tây Nam). Quả nhiên đến đời Văn Huy là cháu đích tôn của Phúc Ngộ thì phát.
Văn Huy đỗ Thám hoa khoa Kỷ Sửu (1529), niên hiệu Minh Đức (1527 - 1529) và làm quan đến Thượng thư thì về hưu.
Văn Huy có ba con trai:
- Con cả là Trọng Quýnh, đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi (1547) niên hiệu Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên, và cũng làm đến Thượng thư.
- Con thứ hai là Đạt Thiện, năm mười tám tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Kỷ Mùi (1559) niên hiệu Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên, và làm đến Thị lang.
- Con út là Nguyễn Danh Nho đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1550) và làm quan đến Đô khoa.
Cháu đích tôn của Văn Huy là Giáo Phương đỗ Hội nguyên khoa Bính Tuất (1586) niên hiệu Đoan Thái đời Mạc Mậu Hợp. Lúc vào thi Đình đỗ Thám hoa, bài đối sách được quan trường phê rằng: “Văn của Giáo Phương trôi chảy như nước sông Giang sông Hán, càng viết càng hay”.
Cháu bốn đời của Văn Huy là Đức Vọng đỗ Hội nguyên khoa Quý Sửu (1673) niên hiệu Đương Đức đời Lê Gia Tông, lại đỗ khoa Đông các và làm quan đến Đô đài. Công Viên, Đức Đôn và Quốc Ích kế tiếp đăng khoa, đều là cháu chắt của Văn Huy.Tương truyền họ ấy những người đỗ đại khoa, mặt đều hơi lệch, đó là do khí đất chung đúc tạo ra như thế”.
        Sưu tầm từ:http://nguyenxuandien.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét