Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

BĂN KHOĂN VỀ CÁI VÀ CON

Ngô Nguyên Dũng
Tôi nhớ, thuở nhỏ, đọc được ở đâu đó một bài viết về mạo từ trong tiếng Việt. Tác giả, không nhớ là ai, cho biết, Việt ngữ chỉ có một mạo tự giống đực duy nhất là "đực rựa", còn lại rặt giống "cái". Không hiểu bài tiểu luận ngôn ngữ ấy được viết theo khuynh hướng nào, nghiêm túc hay chỉ là một kiểu biếm ký, đọc lúc trà dư tửu hậu. Chỉ biết, tôi đã nghĩ rằng, kiểu lý luận ấy có thể tin được!!!
Giờ đây, tôi mạn phép thay mặt "cái" giống đực duy nhất trong mớ ngổn ngang "mạo từ" của Việt ngữ, bộc bạch dăm ba nỗi băn khoăn: "Cái" của những "cái bàn", "cái nồi", "cái chổi", và nhiều rất nhiều "cái" khác nữa, lẽ nào được dùng để ám chỉ phái tính, như la đối với le trong tiếng Pháp, die đối với der trong tiếng Đức, cho sự vật trong tiếng Việt được chăng? Còn phái tính của những "mạo từ" khác trong Việt ngữ là gì? Chẳng lẽ gom hết chúng lại cho vào "giới thứ ba", nhập nhằng chẳng ra làm sao, như mạo từ trung tính das trong Đức ngữ? Sao thấy vừa đáng thương vừa bất công cho chúng quá! Chúng lỡ vướng tội gì mà lại bị "cái" giống người Việt ít ỏi ấy bố thí cho thứ phái tính lửng lơ, tuyệt vọng ấy?
Khi tôi lâm vào tình huống là "giáo viên Việt ngữ" cho một số người bản xứ tại Đức, tôi phải tìm hiểu thêm thì biết ra, không thể gọi những "cái", những "con" và những trợ từ khác là mạo từ như le, la hay der, die, das được. Mà, như một vài quyển văn phạm Việt ngữ dành cho người Đức, tác giả gọi đó là những Klassifikatoren: "Phân loại từ", hay ngắn gọn là "loại từ".
Trong bài viết này, tôi xin có đôi lời về một số loại từ điển hình.
"Cái" và "con" là hai dạng loại từ thông dụng nhất trong tiếng Việt. Nhiều tĩnh vật được mang loại từ "cái": cái nhà, cái tủ, cái đèn, cái áo, cái kéo, cái chén, cái muỗng, v.v… Nhưng đôi khi một số từ nêu trên cũng có thể là: "căn" hoặc "ngôi" nhà, "cây" hoặc "ngọn" đèn, "chiếc" áo, "cây" kéo. Không hiểu nguyên nhân gì đã dẫn đến những thay đổi trên? Chỉ có thể giải thích theo kinh nghiệm thuần cảm tính: cho "nhà" thì "cái" là loại từ tổng quát, còn "căn" có thể được hiểu là một trong một dãy nhiều nhà san sát; qua tới "ngôi", nghe ra đã văn vẻ và bề thế hơn nhiều lắm. Thí dụ: "Ngôi nhà thừa tự của dòng họ Nguyễn Bửu nằm trong vườn cây êm ả, nhiều bóng mát." Hoặc: ngôi chùa, ngôi nhà thờ, ngôi biệt thự. Hoán vị "cái" thay cho "ngôi", văn pháp thấy đã… xuống cấp vài ba mức. Còn "căn"? Có thể dùng được trong vài trường hợp, nhưng xét kỹ, thấy khang khác, chỉ còn là một phần của "ngôi" mà thôi.
Nhiều loại từ sử dụng trong tiếng Việt đậm nét biểu tượng, là điều không thấy có trong các ngôn ngữ khác (Ở đây, tôi xin khe khẽ đặt câu hỏi, rằng tôi có võ đoán không?). "Cây" là một trong vô số trường hợp điển hình. Tất cả những gì hội đủ một hoặc tất cả các điều kiện: thăng thẳng, đầu tà đầu nhọn, có tán rộng gợi hình một thân cây, mang loại từ "cây": cây đèn, cây viết, cây đinh, cây kim, v.v… Nhưng tại sao lại là "cây cầu"? Tôi đoán, vì dân mình ở quê thường dùng thân hay gỗ cây làm cầu bắc ngang sông.
"Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi"
Và, đặc biệt với "đèn", vì có nguyên thuỷ dính líu với "lửa", nên mang thêm loại từ "ngọn". Mặc dù suy xét chi ly, thấy "cây đèn" và "ngọn đèn", tuy cùng ngữ tộc nhưng ý nghĩa có hơi khác: "Trò Tèo, con nhà nghèo nhưng siêng học, đêm nào cũng ngồi học bài bên cây đèn dầu thắp ngọn leo lét."
Từ "cầu" còn sính thêm loại từ "chiếc". Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có sáng tác bài "Chuyện một chiếc cầu đã gãy" vang danh một thuở: "Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh. Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh…"
Thói thường, "chiếc" là loại từ dùng để chỉ trường hợp riêng lẻ của những sự vật có đôi: chiếc giày, chiếc đũa, chiếc nhẫn (cưới), chiếc bông tai, …; và các phương tiện di chuyển: chiếc xe đạp, chiếc xe bò, chiếc thuyền, chiếc máy bay, … Nhưng tại sao lại là "chiếc cầu", "chiếc áo", "chiếc hình"? Gượng, có thể giải thích, vì cầu, áo là những vật thể có nhiều cơ phận đôi chăng? Còn "hình", lẽ ra phải dùng loại từ "tấm" hoặc "bức", tại sao thỉnh thoảng cũng có thể nói là "chiếc hình"? Không biết giải thích sao cho chính xác.
"Chiếc" cũng còn là loại từ dùng cho "lá" (vì lá thường có dạng lá kép chăng?), chẳng hạn "Chiếc lá thu phai", tựa một ca khúc tuyệt vời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "…Mùa thu qua vội. Mười năm tắm gội. Giật mình ôi, chiếc lá thu phai…" Mà "lá" lại là loại từ định hình cho những vật thể mỏng, nhẹ, phất phơ: lá bài, lá thư, lá cờ, … Hoặc gợi hình chiếc lá: "lá gan", "lá phổi", "lá sách" là những bộ phận trong cơ thể con người, sẽ được bàn thêm ở phần dưới bài viết.
Nhưng, ngộ nghĩnh (hay cắc cớ) ở chỗ, một trang giấy cũng mỏng, cũng nhẹ, cũng phất phơ lại không được ban cho loại từ "lá", mà phải nói là "tờ giấy" mới đúng. Từ đó suy ra một số loại từ đồng dạng: tờ báo, tờ thư (còn gọi là "lá thư" hoặc "bức thư", nhưng khi thư được gói trong phong bì, có lẽ nên nói là "phong thư", nghe đúng hơn).
Nhiều tờ giấy đóng dán lại với nhau, có thể cuộn hay cuốn lại thành "cuốn sách", "cuốn vở", … Đặc biệt dành riêng cho những danh từ này có loại từ "quyển". Để rồi, chỉ cần nghe nói tới "quyển", ta có thể hình dung ra ngay đó là cái gì: quyển nhật ký, quyển tiểu thuyết, quyển tự điển, v.v… Bàn rộng ra, tập hợp của nhiều "quyển", tiếng Việt nói "bộ" hay "pho": Bộ sách, bộ tiểu thuyết, pho tự điển, pho kinh … "Bộ" cũng còn là loại từ đuợc dùng để chỉ định nhiều phần riêng lẻ thường được gộp chung với nhau: bộ bài, bộ chữ, bộ chén dĩa, bộ ấm trà, bộ quần áo, bộ bàn ghế, v.v…
Thay vì "bộ bài", "lá bài", người miền Bắc nói "cỗ bài", "cây bài", được thi sĩ Hoàng Cầm thầm thì gói ghém trong bài thơ "Cây tam cúc":
"Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ


Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì …
"
Khi bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cùng những "Lá diêu bông", "Qua vườn ổi" (tựa đúng của bài thơ là "Quả vườn ổi"), v.v…, cho thâu âm vào giữa thập niên 1980 ở ngoài nước kèm theo lời lý giải cường điệu và cực kỳ "phản động" của chính nhạc sĩ, đã khiến thi sĩ ở trong nước một phen khốn đốn [1]. Bỏ qua những lời bình…trật lất, cá nhân tôi cho đó là một trong những ca khúc phổ thơ đẹp nhất của tân nhạc Việt nam.
"Bài" cũng là loại từ được dùng cho những danh từ có liên quan tới chữ viết: bài báo, bài hát, bài thơ, … Đôi khi "bài" đứng trơ trọi một thân một mình vậy thôi, như tựa ca khúc "Bài cho em" của nhạc sĩ Từ Công Phụng; nhưng nghe qua, hiểu ngay ý nhạc sĩ: "Chiều nay ngồi viết riêng cho em, cho em bài hát êm đềm, trôi theo từng tiếng tơ mềm…"
Dùng chung cho trái cây, người miền Nam có "trái" (người miền Bắc nói "quả"): trái chuối, trái xoài, trái mãng cầu (quả na), … Loại hoa trái hay sự vật nào đơm thành chùm, thành nhúm, loại từ cứ vậy mà biến dạng: chùm nho, chùm hoa, chùm chìa khoá, nhúm tóc, chùm lông … Sau này "chùm" còn mon men len vào lãnh vực thi ca: "Chỉ với chùm thơ năm bài, thi sĩ X đã để lại dấu ấn sâu sắc trong thi đàn Việt nam", nghe rất… ấn tượng.
Rộng hơn, tất cả những gì có hình dạng trái cây, đều mang loại từ "trái" hoặc "quả": quả địa cầu, quả bóng, trái tim, … Cũng thi sĩ Hoàng Cầm, trong thi phẩm "Namô Xuân":
"Địa cầu bằng quả táo gầy, cắn bao giờ chạm ngón tay em cầm …"
Cho riêng trứng gà, trứng vịt, Bắc nói "quả ", Nam không nói "trái" mà dùng từ "hột"; Bắc đa sự: "quả trứng gà", Nam ngắn gọn: "hột gà". "Hột" hay "hạt" (giọng Bắc) còn là loại từ dành cho những mầm cây trái (có thể suy ra, vì lẽ đó mà người miền Nam nói "hột gà", "hột vịt" chăng?): Hạt na, hạt nhãn, hột sầu riêng, hột xoài, … Nhỏ hơn có: hạt tiêu, hạt vừng, hột gạo, v.v… Và, ngay cả những mảnh vụn của tổng thể: hạt sạn, hột cát, hạt mưa … là những thứ không có mầm miếc gì ráo.
Ca dao Việt nam có những câu tỏ tình mặn mà:
"Hột muối mặn, ba năm còn mặn. Lát gừng cay, sắc chín nước còn cay. Anh thương em cha mẹ không hay, như ngọn đèn trước gió, biết xoay hướng nào?"
Hay khi cô con gái ngẩn ngơ buông lời chấp nhận cho duyên phận:
"Thân em như hạt mưa rào, hạt rơi giữa chợ, hạt vào vườn hoa. Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày."
Phần trên có nhắc tới tóc và lông và loại từ "chùm". Dành cho bộ tóc dài của nữ phái, hồn thơ của người Việt ban cho loại từ "dòng", gợi hình một con sông, dòng suối mượt mà, buông thả sau lưng, trên gối. Còn tóc của nam phái? Ngày xưa cha ông ta cũng để tóc dài, khi đi ngủ, xoã ra biết đâu chừng trông cũng não nùng, gợi cảm lắm chứ, nhưng thơ văn kim cổ không thấy ai ca ngợi, rằng "chàng có dòng tóc đen mịn màng…" Không, tuyệt đối không. Mà, tóc đàn ông chỉ là một mớ… lông che đầu không hơn không kém, có được "mái" làm loại từ là phước đức lắm rồi. Thì ra, ngôn ngữ đôi khi cũng biết kỳ thị phái tính. Còn lông? Không nghe ai nói "dòng lông" hay "mái lông" cả, vì lông người không mấy dài và cũng không được mịn màng như tóc. Thôi thì "nhúm", "chùm" vậy! Cùng chung số phận như lông là râu: chòm râu. Trang trọng hơn chút thì nói: bộ râu.
Chẻ tóc, lông và râu ra, tiếng Việt có "cọng" hoặc "sợi":
"Tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm."
Tương tự vậy, chia trận mưa, cơn nắng ra, có: cọng mưa, sợi nắng, là loại từ ngữ thường được quí vị văn thi sĩ sính dùng. Lấn sang ngôn ngữ ẩm thực, các loại thực phẩm chính cho phở, mì, hủ tiếu, cũng như các món bún, đều là tổng hợp của vô số "sợi", "cọng" mà thành. Mà "cọng" cũng còn là loại từ của rau cỏ:
"Giơ tay anh bứt cọng ngò. Thương em đứt ruột, anh giả đò ngó lơ."
Tới đây, người viết bàn sang những loại từ được dùng cho động vật trong Việt ngữ.
"Người" là một trong nhiều loại từ được dành cho sinh vật người: người đàn ông, người đàn bà, người chủ nhà, người ăn xin, … Dùng chỉ trẻ nhỏ, hoặc ngụ ý khinh miệt, có "đứa": đứa con trai, đứa con gái, … hoặc: đứa ở, đứa đứng đường, đứa cờ bạc, … Hàm ý coi thuờng, tiếng Việt phân biệt rành rẽ: thằng cha, thằng lưu manh, con mẹ, con gánh nước, … Trời, lôi cha mẹ ra mà kêu "thằng" với "con", đích thị con nhà mất dạy, dữ dằn, hỗn ẩu. Hay nặng tính kỳ thị chủng tộc: thằng Tây, thằng Mỹ, thằng chà-và, con Đầm, con xẩm, …
Với riêng loại từ "con", người viết nhận thấy có vài điểm đặc thù: vừa dùng ám chỉ thiếu niên nam nữ, vừa phân định giới tính phụ nữ, và định loại cho số đông thầm lặng: thú vật. Có thể kết luận mà không ngại hớ hênh: "Con" là loại từ đặc quyền của tất cả sinh vật. Phát ngôn theo con nhà bình dân, những gì tự chúng có thể cục cựa, nhúc nhích được, đều là "con", từ "con người" cho tới "con vi khuẩn". Ngay tới cảnh vật, nếu chuyển động được, là "con" tuốt: con sông, con suối. Đối với "con đường", tuy không trực tiếp chuyển động, nhưng theo tôi, vì dòng xe cộ ngược xuôi khiến ta có cảm giác "đường" cũng chuyển động, thôi thì… "con" luôn cho khoẻ!
Ấy, không đơn giản vậy đâu! Bới lông tìm vết, rốt cuộc cũng ló ra vài thứ không thuộc vào số đông thầm lặng nói trên, không biết nhúc nhích, cục cựa gì ráo, mà "cái" giống người Việt ma mãnh kia, có lẽ nhằm hôm ăn không ngồi rồi, gán luôn cho "con": con ốc (đinh vít) và con dao. Cho "con ốc" có thể đôi co lý luận như sau: vì lỡ mang danh nghĩa một loài sinh vật có vỏ cứng, nên thành "con" là phải rồi, oan ức gì nữa? Còn dao? Rắc rối dữ!
May thay, tác giả bài viết này có chút ít khả năng sáng tạo. Xin mời Quí vị và các Bạn theo dõi câu chuyện về nguồn gốc phát sinh loại từ "con" cho dao sau đây, cam đoan hư cấu một trăm phần trăm:
"Xưa kia, xưa lắm… Ngày nọ, thần chữ ra lệnh cho tất cả sinh linh trên địa cầu tới diện kiến để nhận giấy chứng minh loại từ đem về làm ăn. Đúng ngày hẹn, thú, người lũ lượt mang theo đủ mọi đồ vật tới dinh thần chữ. Người và thú đứng một bên. Đồ vật được để riêng một bên. Không khí trong đại sảnh cực kỳ căng thẳng, vì có mặt cả dòng họ nhà dao được bày biện lẫn lộn trong đám đồ vật.
Thần chữ đã từng nghe tiếng con nhà dao bản tính hiếu động, thích gây sự để thoả mãn nhu cầu chặt chém, nên đề nghị với muôn loài và dao rằng:
- Ta ban cho dòng họ nhà ngươi loại từ ‘con’, biết cử động và có bổn phận phục dịch giống người, vậy ngươi hãy qua bên chỗ người và thú mà đứng. Lỡ như các ngươi có nổi máu hung dữ, đòi xin tí huyết, thì chúng nó còn biết đường lẩn tránh.
Bè lũ nhà dao vừa rục rịch, rổn rảng bước qua, thì người và thú hãi quá, giẫm lên nhau tìm cách chạy trốn. Quang cảnh vô cùng hỗn loạn. Thần chữ thấy vậy, lập tức làm phép cho dao trơ trơ bất động trở thành tĩnh vật như cũ. Trong lúc hấp tấp, thần quên rút lại loại từ ‘con’. Lúc nhớ lại, thì dòng họ nhà dao đã qui cố huơng mất rồi!"

Khi đề cập tới những bộ phận trong và ngoài cơ thể con người, thấy lộ ra vài điểm cần lưu ý. Cho dễ giải thích, người viết đính kèm dưới đây một bức vẽ của Leonardo da Vinci, tấm "Vitruvmann", nhằm phát hoạ tỉ lệ cân xứng và đối xứng của con người, ở đây là một người nam:
clip_image002
Thử tưởng tượng có một đường ranh ảo phân đôi nguời đàn ông theo chiều dọc, ta sẽ được hai phần đối xứng gần như hoàn toàn, có thể gấp lại gần khít khao lên nhau. Những bộ phận nào… xui xẻo nằm tiếp cận ngay trên đường ranh ấy, tạo hoá ban cho chỉ có một. Nằm ngoài, chúng đều có đôi, ngoại trừ tim và… cuống ruột dư. Trong bài viết này, người viết có ý luận bàn tới những loại từ của Việt ngữ dành cho chúng. Hơi… bị lạ.
Như đã xét ở trên, những gì có đôi có cặp, khi đứng riêng, tiếng Việt có loại từ "chiếc". Nguyên lý này lại không thể áp dụng cho bất kỳ bộ phận đôi nào, bên ngoài cũng như bên trong cơ thể con người. Không ai nói "chiếc" mà phải nói là "con mắt" mới đúng. Nhưng tại sao là "con"? Thôi thì cứ cho là mắt tự nó có thể nhúc nhích được, chẳng hạn trong trường hợp tự nhiên con mắt mấp máy, mà ta cho là đang được (hoặc bị) ai đó vắng mặt nhắc nhớ (hoặc chửi rủa). Chia riêng đôi tay, ta có "cánh", "bàn" và "ngón tay". Cho bộ nhũ hoa của nữ giới, lại… không là gì cả, vì người phụ nữ nào không may độc nhũ thì khổ, khổ lắm lận, dám chừng ở góa suốt đời. Còn đôi vú kẹp lép của nam giới lại bị người đời quên lãng, vì chúng không giữ nhiệm vụ nào thiết thực cả. Xuống thấp hơn, thấy cặp tinh hoàn, hình dáng tròn tròn giống hòn sỏi, quả trứng thì là "hòn" hoặc "trứng", chớ còn gì nữa. Cho cặp chân, người Việt nói "ống chân", hay rõ ràng hơn: "bắp đùi", "ống quyển", "bàn chân", "ngón chân", v.v…
Săm soi moi móc lục phủ ngũ tạng, loại từ thường gặp là "lá" (đã bàn ở trên). Bộ phận nào có hình dáng như cây trái, lập tức lãnh ngay "trái" hay "quả", chẳng cần cãi cọ, khiếu nại làm gì vô ích: trái thận, trái tim. Ngoài ra, tim tự nó biết phập phồng, còn được ban cho loại từ "con", đúng điệu quá.
Còn cái giống của người nam, người nữ? Dễ hiểu thôi. Của quí ông, nếu gặp đúng đối tượng, đang là "phần mềm" tự động cựa quậy trở thành "phần cứng". Ông thần chữ thấy vậy, không cần suy nghĩ lâu lắc, cho ghi ngay vào sổ sách từ "con", tránh chuyện tranh cãi lôi thôi về sau. Liếc qua cái ấy của quí bà, thấy ù lì, không biết cử động chi hết, kêu lãnh "cái" về, để ghi vào bách khoa tự điển, lưu truyền hậu thế.
Viết về loại từ mà không đả động tới phần ngôn ngữ trừu tượng là một thiếu sót lớn. Ở đây người viết chỉ chú trọng tới loại ngôn ngữ nặng về cảm tính. Có thể phân loại thành hai nhóm: bi và lạc quan. Cho những từ bi quan, người Việt thường nói "nỗi": nỗi buồn, nỗi đau, nỗi ngậm ngùi, nỗi uất ức, … Từ "nỗi" tự nó đọc lên, khơi dậy trong ta thứ cảm xúc ăm ắp những ấn tượng sầu bi, không được đáp ứng; gần như đối chọi với "niềm": niềm vui, niềm hân hoan, niềm tự hào, …
Tiếng Việt không thiếu, mà có thể nói là lạm phát, những ngữ vựng trừu tượng loại ấy. Nếu thiếu, là thiếu những từ ngữ học thuật, thí dụ dành cho triết học. Xưa cũng như nay, chủng tộc Việt không có ai có thể được gọi là triết gia, nói chi tới lỗi lạc. Tiếng Việt không phải là thứ tiếng dùng để biện luận như tiếng Trung hoa, tiếng Ấn ở phương đông hay tiếng La-tinh, tiếng Đức, tiếng Pháp ở phương tây.
Trong bài tiểu luận "Đố kỵ cái trừu tượng" [2] của nhà văn Võ Phiến, có đoạn:
"Người có hai phía: phía cảm thụ, phía suy tư; văn có hai thứ: thứ nghệ thuật, thứ luận thuyết. Ta xuất sắc về một phía thứ nhất. Không chừng đó lại là phía hay ho đa. Có được các giác quan mẫn nhuệ, có cảm xúc tinh vi, ta tha hồ hưởng thụ, sống một đời phong phú, đậm đà. Phía thứ nhất mà kém, không thể trông cậy vào ai được; ta không thể mượn chiếc lưỡi tinh tế của kẻ khác để thưởng thức chén trà ngon, tô phở ngon, ta không thể nghe nhạc hay bằng đôi tai sành sõi của kẻ khác, không thể xem tranh ngoạn cảnh bằng mắt kẻ khác, yêu đương rào rạt bằng con tim kẻ khác. Một dân tộc có thiên khiếu về cái cụ thể, một dân tộc sở hữu những giác quan tinh nhạy không phải là được Trời cưng sao?"
Tôi xin được thêm thắt đôi điều: Chữ viết là biểu tượng của tiếng nói, mà tiếng nói, tôi nghĩ, là một sự thoả thuận giữa một số người chia sẻ nhau ít nhiều điểm chung. Chung điểm lớn nhất là có cùng bản sắc, cùng tạng An-nam-mít. Cái tạng ấy, từ nào tới giờ, có hài tính cao, giàu tưởng tượng, nặng "tình" hơn "lý", tranh cãi giỏi hơn biện luận, chuộng cái qua quít hơn tinh tế, thích điều đơn giản hơn phức tạp, xét đoán mông lung hơn tập trung, … Tất cả những ưu và khuyết điểm này được biểu lộ tương đối rõ trong ngôn ngữ Việt nam, điển hình là kho tàng ca dao truyền khẩu vô cùng phong phú, mà từ đó ta có thể nhặt ra cái Việt-tính tiềm tàng bấy lâu nay.
Có điều mà cá nhân tôi cứ hoài nghi, không hiểu từ "đực" trong "đực rựa" có thật sự là loại từ hay không? Thì ra, ngay bản thân tôi cũng còn lắm nỗi băn khoăn, đâu chỉ riêng gì "con" với "cái".

(11.2009)

[1] http://www.vietnhim.com/dongnhim/archive/index.php/t-20794.html
[2] http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=5082

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét