Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

VÀI SUY NGHĨ VỀ LỢI ÍCH CỦA VIỆC DẠY CHỮ HÁN CHO LỚP TRẺ HIỆN NAY

Trên Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 2005 có bài: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam của GS. Nguyễn Đình Chú. Đọc bài viết của GS. Nguyễn Đình Chú, tôi cảm nhận được nỗi lo lắng, trăn trở của một nhà sư phạm có nhiều năm trong nghề đào tạo con người. Tôi đồng cảm với những suy nghĩ và kiến nghị của ông, bởi lẽ, nhiều năm qua, tôi cũng từng nghĩ và mong muốn Nhà nước ta phục hồi việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay.
Trong bài viết của mình, GS. Nguyễn Đình Chú đã chỉ ra những điểm mạnh của chữ Hán đối với công cuộc nâng cao đời sống văn hóa nhân dân, từ đó làm cơ sở để phát triển kinh tế đất nước. Giáo sư còn dẫn lại nhận định của nhà Hán học nổi tiếng Léon Vandermeersch trong tác phẩm Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay) rằng: Sở dĩ các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore phát triển thành những “con rồng” được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán. Điều khẳng định trên đây của Léon Vandermeersch, cũng cần nói thêm rằng, đã được nhiều học giả nổi tiếng trong nước và ngoài nước tán đồng.
Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin bàn về lợi ích của việc dạy chữ Hán đối với lớp trẻ hiện nay mà thôi. Bởi mọi người đều hiểu rõ lớp người trẻ tuổi ở bất kỳ xã hội nào, thời gian nào cũng vô cùng quan trọng đối với việc tồn vong, phát triển của đất nước.
Ở đây tôi xin bàn trên ba phương diện:
1. Nắm vững chữ Hán khiến cho việc hiểu và sử dụng tiếng Việt được thuận lợi, chính xác hơn
Một trong những điều thật đáng phàn nàn hiện nay là mỗi khi xem tivi, đọc báo và nghe đài, chúng ta thường gặp phải các trường hợp sử dụng sai hoặc hiểu sai tiếng Việt, mà chủ yếu là các từ Hán - Việt. Thí dụ: người ta thường nhầm giữa từ “yếu điểm” với từ “điểm yếu”, như: “Yếu điểm nhất của đội bóng A là ở cánh phải, đội bóng B là hàng hậu vệ…”. Đúng ra là phải thay từ “yếu điểm” bằng “điểm yếu”. Vì “yếu điểm” có nghĩa là “điểm mạnh nhất, điểm quan trọng nhất” Cũng như vậy, “yếu nhân” là nhân vật quan trọng nhất của một tổ chức, đảng phái nào đó.
Còn chuyện đáng chê trách hơn nữa là: trên một số báo Văn nghệ, cách đây khoảng hơn một năm, trong mục Dọn vườn, có người “dọn lại” cái sai của một tác giả viết và giải thích câu: “Môn đăng hộ đối” thành “Môn đăng hậu đối”. Ông góp ý rằng viết “Môn đăng hậu đối” là sai mà phải viết “Môn đăng hộ đối”. Đọc đến đây, tôi thầm nghĩ “đúng là phải thế !”. Những buồn quá, đọc xuống dưới thì thấy chính tác giả viết bài “Dọn vườn” này lại giải thích “Môn đăng hộ đối” là: “Đèn ở cửa nhà này sánh được với câu đối treo trong nhà kia ! ”. (Chắc ông nghĩ rằng chữ “Đăng” ở đây có nghĩa là Đèn, và chữ “Đối” có nghĩa là Câu đối!). Ý của ông muốn nói hoàn cảnh, gia thế của hai nhà chẳng ai kém ai! Thật là vốn có ý định tốt “nhổ hộ cỏ dại”, lại vô tình “thả sâu độc” vào vườn! ở đây, trách tác giả “Dọn vườn” thì ít mà trách người phụ trách mục “Dọn vườn” của báo Văn nghệ thì nhiều. Vì ai cũng thừa biết báo Văn nghệ là cơ quan ngôn luận của nhà văn Việt Nam, những người nắm vững chữ nghĩa hơn ai hết ! Tôi nghe nói, trước đây khi còn sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên thường được giao giữ mục Dọn vườn này. Nếu đúng là như thế thì: “Lạy cụ! ở dưới suối vàng, cụ phù hộ cho con cháu cầm bút ngày nay cũng được hay chữ như cụ!”
Cách đây khá lâu, một người biên tập của nhà xuất bản nọ, đọc bài viết về vấn đề hôn nhân thời Hùng Vương của một vị Giáo sư đáng kính ngành ngôn ngữ học. Đến câu “Việc hôn nhân lấy sính lễ làm đầu…”, chỉ vì không hiểu sính lễ (vốn chỉ lễ vật của nhà trai đem đến nhà gái để xin cưới) là gì, người biên tập bèn chữa thành: “Việc hôn nhân lấy sinh lý làm đầu…”. Vị Giáo sư đọc đến đây chỉ còn biết lắc đầu mà thở dài.
Tôi rất đồng ý với nhận định của GS. Nguyễn Đình Chú trong bài viết vừa dẫn ở trên: “… Hán Việt không phải là Hán hoàn toàn; Hán là của người Việt. Nó chiếm hơn 70% vốn tiếng Việt”. Để hiểu tiếng Việt và sử dụng thông thạo nó, thử hỏi nếu không nắm vững các từ Hán - Việt, thì có được không ? Chưa kể như GS. Nguyễn Đình Chú đã phân tích về tính năng, tính trội của từ Hán - Việt trên hai phương diện ngữ pháp và tu từ. Tôi nghĩ về mặt ngữ pháp, nếu viết thật cẩn thận, cụ thể thì một câu thuần Việt cũng có thể khắc phục được phần nào tính lỏng lẻo, thiếu chính xác và không chặt chẽ của nó. Nhưng về mặt tu từ thì rất nhiều trường hợp không thể thay thế từ Hán - Việt bằng từ thuần Việt. Thí dụ: ta chỉ có thể đưa tin: “Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng và phu nhân đi thăm nước Trung Quốc” chẳng hạn, chứ ta không thể thay từ phu nhân bằng từ thuần Việt là người vợ, vì như thế sẽ thiếu trang nhã.
Tôi và các bạn sẽ dễ dàng dẫn ra tại đây hàng trăm, thậm chí hàng nghìn từ Hán - Việt với sắc thái ngữ nghĩa trang trọng, cổ kính… mà các từ thuần Việt với nghĩa tương đương không thể thay thế được. Thí dụ như: Học giả Hoàng Xuân Hãn, Học giả Nguyễn Hiến Lê, Thi hào Nguyễn Trãi, Thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh,…; tổ chức hôn lễ, đến dự lễ thành hôn…, v.v… Không ai vì muốn dùng từ thuần Việt, lại “dịch ra” thành Nhà học nhiều Hoàng Xuân Hãn… Bậc thơ giỏi Nguyễn Trãi… Người nổi tiếng văn hóa thế giới Hồ Chí Minh tổ chức lễ cưới xin v.v. Như trên, chúng ta thấy, có từ có thể dịch ra từ thuần Việt được, nhưng sắc thái ngữ nghĩa không trang nhã bằng từ Hán - Việt, và còn nhiều từ thì không thể dùng thay từ Việt được, nếu cố ý dùng chỉ tạo ra những từ lạ tai và ngô nghê mà thôi ! Người nắm vững tiếng Việt sẽ không bao giờ làm như vậy.
2. Nắm vững chữ Hán, văn hóa Hán là cơ sở quan trọng để hiểu rõ văn hóa truyền thống Việt Nam
Chỉ tính từ khi nước ta giành được độc lập vào thế kỷ X cho đến khi bỏ thi chữ Hán (năm 1919), cha ông ta đã có đúng 1.000 năm tiếp xúc với chữ Hán, sử dụng chữ Hán, văn hóa Hán vào 3 phương diện vô cùng quan trọng, đó là: tổ chức chính quyền Nhà nước; sáng tạo văn hóa, soạn thảo luật pháp và đào tạo, tuyển chọn nhân tài.. Có thể nói, trong văn hóa truyền thống Việt Nam, động đến lĩnh vực nào, chúng ta cũng thấy hiện diện của chữ Hán và văn hóa Hán. Như vậy, để hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam, từ một người dân bình thường sống trong làng xã đến vị học giả khả kính ở các viện nghiên cứu, ở các trường đại học v.v… đều ít hay nhiều cần phải có vốn hiểu biết về chữ Hán, văn hóa Hán.
Tôi xin bắt đầu từ nông thôn nước ta. Hiện nay, có một hiện tượng đáng trân trọng và nên khuyến khích là việc phục hồi các phong tục, lễ hội… hoặc tu bổ các công trình kiến trúc cổ truyền như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ… Nhưng bởi vì nhiều vị phụ trách công tác văn hóa của tỉnh, của huyện và hầu hết nhân dân các địa phương đó đều không biết chữ Hán, không nắm vững văn hóa Hán, cho nên việc phục hồi các lễ hội hay xây dựng, tu sửa lại đình, chùa… gặp không ít khó khăn bất cập Công trình sau khi hoàn thành mặc dù xây dựng khá đẹp nhưng phần bố trí nội thất thường sai sót, các hoành phi, câu đối chữ Hán rất nhiều câu, nhiều chữ bị viết nhầm: chữ “tác” đánh chữ “tộ”; chữ “ngộ” đánh chữ “quá” Thí dụ chữ “lưu (留 ) thanh sử” là “để lại trong sử sách” lại viết thành lưu (流) là chảy, lưu chuyển.
Mấy năm gần đây, tôi thường được các cụ ở địa phương mời về quê hương đọc và dịch hộ các bức hoành phi, câu đối, thần phả, sắc phong đình làng của họ. Tôi mới vỡ ra một điều là: Cho đến đầu những năm của thế kỷ XXI này, sau khi nước ta bỏ thi chữ Hán được gần 100 năm, thì số người biết chữ Hán tại các làng quê Việt Nam là vô cùng hiếm. Có nhiều địa phương, vốn là quê hương từng có người đỗ Tiến sĩ Nho học (ông Nghè), mà nay cả làng không có một ai biết gọi là đôi chút chữ Hán. Thí dụ gần đây, tôi về xã Đôn Thư cũ (nay là xã Kim Thư) huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (để thăm viếng phần mộ của Thám hoa Vũ Phạm Hàm), nhưng nghe nói ở đây hiện còn ngôi nhà thờ các đời chúa Trịnh khá khang trang, đẹp đẽ; con cháu của Trịnh Căn về cư trú từ lâu đời, nên có rẽ vào chiêm ngưỡng. Thật bất ngờ, ở ngôi nhà thờ “bị bỏ quên này” có đến 6 bức hoành phi sơn son thiếp vàng, được viết chữ Hán quá đẹp. Đặc biệt 3 bức hoành phi ở phía ngoài có niên đại cuối thế kỷ XVIII khắc 3 tác phẩm khá nổi tiếng: Thiên hòa doanh bách vịnh của Trịnh Căn, Đại Nam văn tuyển, Bình Nam nhật ký của Trịnh Sâm… Nếu cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm còn sống chắc không “đối xử” với Nhà thờ các chúa Trịnh như vậy…!
Ngay như ở thủ đô Hà Nội, tại đây, chúng ta có một ngôi đền thiêng văn hóa của cả dân tộc, đó là Văn miếu - Quốc tử giám. Thử hỏi, xem có bao nhiêu người từng vào chiêm ngưỡng Văn miếu - Quốc tử giám mà thấy hết được cái giá trị văn hóa của nó, nếu họ không có hiểu biết nhất định về chữ Hán ? Thật đáng buồn, cách đây chục năm, có vị đứng đầu khu công trình văn hóa - lịch sử này lại không biết gì nhiều về chữ Hán, văn hóa Hán. Họ không biết bức hoành phi to nhất, đẹp nhất được treo tại vị trí quan trọng nhất của nhà Tiền tế là bức Vạn thế sư biểu của ai viết, và để ca ngợi ai ! Vì thế, dẫn đến việc dở khóc, dở cười là cách đây dăm năm, tôi được vị phụ trách một câu lạc bộ văn hóa nọ, mời đến Văn miếu để tọa đàm khoa học về vị Vạn thế sư biểu Chu Văn An ! Nhưng có việc bận, nên tôi không thể tham dự được. Có lẽ, chỉ vì người ta vô tình đặt bức ảnh chụp bức vẽ Chu Văn An ở ngay dưới bức hoành phi Vạn thế sư biểu này, nên họ cho là câu đó nhằm ca ngợi Chu Văn An chăng ? Không biết, vào ngày diễn ra cuộc tọa đàm khoa học ấy, có ai giải thích cho Ban tổ chức rõ câu Vạn thế sư biểu là do vua Khang Hy nhà Thanh viết ra để ca tụng Khổng Tử không ? Tôi nghĩ, cụ Đại nho đời Trần là Chu Văn An vốn sống khôn, chết thiêng chắc chắn không dám nhận lời tôn vinh mình là Vạn thế sư biểu ? !...
Ai hành hương về khu Đền Hùng (Phú Thọ), ngay tại chân núi đã nhìn thấy cổng Tam quan khá bề thế, phía trên có viết 4 chữ Hán Cao Sơn Cảnh hàng (高 山 景 行). Tôi có hỏi Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (người phụ trách Đền Hùng) là đọc 4 chữ Hán như thế nào và nghĩa là gì, thì được chị cho biết có nhiều người đã đọc, mỗi người đọc một kiểu, và cũng nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi trả lời Tiến sĩ Hạnh rằng chỉ có mỗi một cách hiểu thôi, là vì câu này nói tắt từ hai câu của bài Xa hạt phần Tiểu nhã trong Kinh Thi.
Nguyên văn:
“Cao sơn ngưỡng chỉ;
Cảnh hàng hành chỉ”.
Nghĩa là:
Núi cao thì ai cũng muốn trông
Đường lớn thì ai cũng muốn đi.
Đương nhiên, “Núi cao” và “Đường lớn” ở đây phải hiểu theo nghĩa bóng để chỉ “Đức lớn của các Vua Hùng” và “Con đường lớn trở về cội nguồn của dân tộc”. Rõ ràng, để đỡ phải “tranh luận” về cách đọc và hiểu 4 chữ Hán tại cổng Đền Hùng này, thì chỉ cần học chữ Hán, và đã từng đọc qua Kinh Thi là ổn cả !
Và ngay trong số gần 300 bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì có đến 165 bài thơ chữ Hán (133 bài trong Nhật ký trong tù và 32 bài làm thời kỳ sau này), nếu chúng ta chỉ đọc thơ của Bác trên các bản dịch thơ của Nam Trân, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Quách Tấn… chẳng hạn; dù cho được dịch rất hay chăng nữa, thì sao thực sự cảm được tứ thơ đích thực của Người ?
Biết chữ Hán và hiểu văn hóa Hán có lợi ích rất thiết thực khi tìm hiểu văn hóa cổ truyền của dân tộc và đương nhiên mới có thể kế thừa, phát huy nó trong đời sống văn hóa hiện đại.
3. Dạy chữ Hán góp phần không nhỏ trong việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho thanh niên từ khi còn ít tuổi
Mấy ngày gần đây (đầu Trung tuần tháng 5-2005), báo chí cũng như tivi đưa tin về việc công an quận Đống Đa - Hà Nội liên tục triệt phá các “Động lắc” ở trong quận. Những ngày này, Quốc hội cũng đang họp, nhiều đại biểu tỏ ra cũng lo lắng, bức xúc về việc này. Trong những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tôi chú ý tới ý kiến của ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai và là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay. Ông Dương Trung Quốc cho rằng: các em ở “Động” và “Lắc” tới gần 2 ngày liên tục rõ ràng là đáng trách rồi, nhưng còn đáng trách hơn là bố mẹ các em ! Vì làm sao trong thời buổi này, điện thoại di động hầu như em nào cũng có, con cái vắng nhà ngần ấy tiếng đồng hồ, mà cha mẹ không kiểm tra xem con mình đi đâu? đang làm gì ? Ông Dương Trung Quốc kết luận: Người lớn chúng ta giờ đây không mấy chú ý tới điều mà người xưa thường nhắc nhở là phải biết: “Tu thân, tề gia,..”. Đúng vậy, lâu nay chúng ta ít nhắc tới việc “Tu thân”, kể từ trẻ em đến người lớn ! Và càng ít chú ý tới việc “Tề gia” tức dạy dỗ con cái trong gia đình mình.
Việc “tu thân” này, tức luôn tự mình hoàn thiện đạo đức, nhân cách của mình, nếu học chữ Hán và văn hóa Hán, thì luôn luôn được nhắc nhở trong những câu chữ đọc hằng ngày. Chúng tôi hiểu rằng, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, nếu chỉ tu dưỡng theo đạo đức Nho giáo không thôi thì chưa đủ. Con người mới cần có nhiều đức tính mới, phẩm chất mới ngoài Nho giáo, nhưng trước khi để có thể tiếp thu những cái mới ấy, thì trước hết phải giữ vững đạo đức truyền thống đã.
Những người nghiên cứu lịch sử giáo dục Nho học Việt Nam đều nhận thấy điều này: Con cái của những gia đình nhà Nho rất ham học và phần lớn đều học giỏi. Nhận định này đã được các nhà nghiên cứu đi trước như: Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê, Phan Ngọc v.v.. từng viết trong các tác phẩm của họ. Tôi nghiệm thấy nhà Nho xưa kia có 3 điều sở trường: ham học suốt đời, thích đọc sách và yêu cuộc sống yên tĩnh, đạm bạc. Có bạn trẻ nghĩ rằng như thế kém hiện đại chăng ? Xin thưa, hiện đại hay không, chưa thể biết được, nhưng nếu ngay khi bạn còn trẻ, mà bạn đã có được 3 sở trường của nhà Nho nói trên thì, tôi xin đoán chắc bạn sẽ không bao giờ bị trượt chân rơi vào “Động lắc” như các bạn trẻ vừa nói ở trên kia !
Tôi nghĩ việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay là có nhiều lợi ích. Tôi mong các bậc thức giả trong cả nước góp thêm tiếng nói để mong muốn này sớm trở thành hiện thực. Vấn đề này theo tôi đã chậm lắm rồi! Vì nếu như Quốc hội chấp thuận, Nhà nước ta cho phép khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông ngay từ bây giờ, thì ít nhất phải chừng 10 năm nữa mới thực hiện được. Ai cũng biết phải đào tạo một đội ngũ giáo viên có đủ kiến thức để dạy chữ Hán là không phải việc dễ, không phải một sớm một chiều là thành công. Muốn có một đội ngũ giáo viên ấy, thì các nhà nghiên cứu, các Tiến sĩ, các Giáo sư ngành Hán học ngay lập tức phải vào cuộc: soạn giáo trình, tổ chức lớp, chọn người và giảng dạy… Tóm lại, còn nhiều việc phải làm !
Chúng ta nên học tập kinh nghiệm dạy chữ Hán trong trường phổ thông của các nước có hoàn cảnh văn hóa, địa lý tương tự như nước ta: Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore. Nếu không, tôi cho rằng việc một bộ phận giới trẻ ngày càng xa rời văn hóa, đạo đức truyền thống là điều không thể nào tránh khỏi trong hiện tại và trong tương lai không xa./.
N.M.T
       sưu tầm từ Tạp chí Hán Nôm số 3, năm 2005
PS: Đúng ra trong ví dụ trên phải là Môn đương hộ đối vì theo quy định ngày xưa , khi làm nhà, tùy theo cấp bậc phẩm hàm mới được làm to, cao đến đâu. Chữ Đương  nghĩa là tương đương, vì thế câu này nói về sự tương xứng trong hôn nhân, khi mà cả hai cùng được hưởng nền giáo dục cũng như cơ sở vật chất ngang nhau, điều kiện tiên quyết để có hôn nhân hạnh phúc.                                                            
        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét