Translate

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

TRƯỢNG PHU QUYỀN

6
        La-Phù Sơn nằm giữa Quảng-Châu và Huệ-Châu.  Trước thời nhà Ðường, vùng này thuộc đất Giao-Chỉ.  Tương truyền tại La-Phù nửa đêm có thể nhìn thấy mặt trời.  Núi có hai lầu đá, chùa Diên-Tường ở lầu Nam; động Chu-Minh ở phía sau Xung-Hư quán, được coi là động thứ bảy của cõi Bồng-Lai.  Sau quán Xung-Hư có đàn Triều-Ðẩu (đàn ngắm sao) của Chu-Minh Chân-nhân.  Vùng này nghe đồn có nhiều đan sa, nên Cát-Hồng tự Bảo-Phác-tử đời Ðông Tấn thích phép Ðạo-dẫn của thần tiên, đã đưa gia đình về đây để luyện tiên đan, trường sinh bất tử.  Ngoài ra ngọn núi này cũng là nơi xuất phát của môn phái Hồng-Gia Quyền, Huyền Công La-Phù sơn.
        Từ nghìn xưa, Hồng-Gia là một môn phái đứng hàng đầu trong Thập Ðại danh gia của võ lâm Trung-quốc (Hồng, Lưu, Lý, Thái, Mạc, Phật, v.v...).  Ðệ tử của giòng phái này được chia làm hai nhánh rõ rệt.  Nhánh nội-gia gồm những người đã quyết-tâm rũ bỏ bụi trần, chọn con đường tu hành để tìm nguồn tịnh độ; nhánh tục-gia là hậu-duệ của những anh hùng, hào kiệt được tuyển chọn lên La-Phù, chịu sự rèn luyện, hun đúc để trở nên những bậc anh tài, văn võ kiêm toàn.  Môn đệ Hồng-Gia quyền khi hành hiệp thấy việc nghĩa thì không thể không làm, nên thường được thiên hạ quý trọng đặt danh hiệu cho môn phái là "Trượng-Phu-Quyền".  Vào những thế kỷ gần đây, khi quân Mãn Thanh xâm chiếm Trung-Hoa lục địa, triệt hạ nhà Minh và đặt ách cai trị khắc nghiệt trên toàn lãnh thổ, khắp nơi quần hùng nổi dậy.  Với hoài bão "Phản Thanh, Phục Minh", trong cuộc trường kỳ kháng chiến, chỉ riêng Hồng-Gia đã hy sinh khá nhiều anh tài, nhân kiệt cho lý tưởng cao thượng này.  Ðến đời chưởng môn thứ tư, năm 1949 Ðảng Cộng-Sản Trung-Hoa nổi lên cướp chính quyền, e ngại truyền thống cách mạng của La-Phù, Mao-Trạch-Ðông ra lệnh truy kích và tận diệt toàn bộ cơ cấu của Hồng-Gia Quyền.  Sau cơn đột biến, chỉ có một số ít đệ tử Hồng-Gia thoát nạn.  Trong số này có môn đồ Nguyễn-Mạnh-Ðức, hiệu Nam-Hải Chân-Nhân (1), sau này trở thành chưởng môn đời thứ năm của giòng phái Huyền-Công La-Phù Sơn, và ông cũng chính là Sư-tổ sáng lập môn phái Hồng-Gia Việt-Nam.
        Nam-Hải Chân-nhân thuộc giòng dõi của cụ Tam-nguyên Yên-Ðổ, một đại thần triều Nguyễn.  Buổi thiếu thời mang trong người nhiều tật bệnh, nhờ cơ duyên được một vị Chân-nhân cứu tử, nhận làm dưỡng tử và đưa lên La-Phù truyền thụ võ công.  Sẵn thiên khiếu, không những tinh thông thập bát ban võ nghệ ông còn am tường Dịch-học, và nắm vững toàn khâu của bộ Thái-Ất chân kinh.  Khi lãnh địa La-Phù bị tàn phá bởi cơn Hồng-Thủy, để trả nghĩa sư phụ, ông đã xả thân giúp đỡ một số đông huynh đệ đào thoát qua Ðài-Loan, một số khác theo ông xuyên bộ trở về Bắc-Việt trong khi tình thế hết sức nguy kịch, khẩn trương.  Ðiều này đã nói lên tinh thần tích cực, lòng đôn hậu, tính trọng nhân nghĩa của ông đối với tha nhân nói chung, và với đồng môn nói riêng, cho dù không cùng chung một huyết thống, giống nòi.
        Thời gian này, đất nước Việt-Nam hoàn toàn bị thống trị, dầy xéo bởi thực dân Pháp và bè lũ tay sai, tham quan, ô lại.  Triều đình thì hủ bại, lây bệnh giáo điều của Tống-Nho, giới trí thức tân học bị ru ngủ bởi bả vinh hoa, phú quý, nên chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ quên mất hận vong quốc, khiến tinh thần nhân dân ly tán, sinh lực dân tộc ngày càng kiệt quệ.  Thảm hại hơn nữa, chính quyền thực dân còn có cả những chính sách cai trị cực kỳ thâm hiểm.  Họ chủ trương đầu độc, làm sa đọa thanh thiếu niên Việt-Nam, đồng thời hủ hóa và bóc lột giới trung lưu, là thành phần có học, tương đối lãnh đạo được nông, công nhân.  Tất cả những thủ đoạn trên đây không ngoài mục đích làm suy yếu, hủy diệt tiềm năng tranh đấu, ý chí quật cường, truyền thống cách mạng của dân tộc.
        Trong một bối cảnh lịch sử nhiễu nhương, Nam-Hải Chân-nhân, đường đường Chưởng-môn đời thứ năm của một danh phái đã phụng mệnh sư phụ trở về quê mẹ, mang theo những tinh hoa Võ học, Dịch học, Y học của tiền nhân ưu ái trao lại cho người nước Nam.  Là bậc võ công cái thế, văn võ song toàn, nhưng chỉ riêng tâm tư  đầy ắp tình dân tộc của ông đã  đủ là một hấp lực lôi cuốn thanh niên, nam nữ gia nhập Hồng-Gia Việt-Nam trong giai đoạn này.  Giai đoạn đất nước qua phân, trật tự xã hội đảo lộn, luân thường, đạo lý trên đà suy thoái.  Sự xuất hiện của Hồng-Gia Việt-Nam đã khiến nhiều người kinh ngạc, bàng hoàng và thán phục! Không hẳn vì những chiêu thức "Ma vân thủ" biến ảo khôn lường, chưa phải ở phần nội lực sung mãn của những "Thiết bố sam" hoặc "Kim chung cháo", hay ở bộ pháp linh hoạt, đầy địa sát khí của 108 thế "Ðịa đường tấn".  Nhưng chính ở những tâm pháp "Xả kỷ tùng nhân", "Tiên ưu, hậu lạc", "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín", tuy là những sắc thái đặc thù của Nho học, nhưng khi được ông phát huy theo không gian, thời gian của giòng Việt-nho đã đánh động, chinh phục nhân tâm đang hoài vọng chạy theo những trào lưu Âu, Á.  Trong khi đó tại non sông nhà cả một kho tàng văn hóa hiển lộng đã khiến văn học giới Tây phương không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt khi vừa chạm đến.
        Khi chuyên cần luyện tập nội công và quyền pháp của Hồng-Gia, chúng ta sẽ nhận ra những nét thuận nghịch của Âm Dương, khám phá được sức vận chuyển âm thầm nhưng tinh tế của ngũ hành.  Hoặc đi xa hơn nữa qua Ðạo-Ðức kinh, ta lại bắt gặp ẩn tàng những tuyệt kỹ võ công mà tiền nhân đã có ý gởi gấm, trao lại cho hậu thế.  Ngoài những quan niệm khá phổ thông như dùng hình ảnh "nước mềm mà làm mòn đá cứng" để ám chỉ việc lấy nhu nhược thắng cương cường, hoặc "không họa nào lớn hơn bằng khinh địch" nhắc nhở ta luôn cẩn trọng trước đối thủ.  Còn có những ẩn dụ tinh diệu như "ba chục căm xe kết lại thành bánh xe, nhưng phải có chỗ hổng ở giữa bánh xe mới quay được" ngụ ý  muốn nói cái chỗ không có gì cũng có cái công dụng của nó, tức quan niệm hư vô của Vô-Cực công (2), hay trong chương 66 "nước từ trăm nguồn đều chảy về biển, vì lẽ biển thấp hơn" hồ như muốn gợi ý cho chúng ta nên có tinh thần khiêm hạ, nhún nhường thì người khác mới tìm đến mình.  Chợt đến khi áp dụng vào tấn pháp lại đạt đến trạng thái cực tĩnh để quán thông được nhất cử, nhất động của đối phương.  Ðây chính là cái tĩnh của những bậc thánh hiền khi tâm tư đã lắng đọng để giao hòa cùng thiên nhiên, vạn vật.
        Hai mươi năm sau, thanh niên Lý-Hồng-Thái đứng lên nhận lãnh trọng trách từ tay Sư-phụ, và cũng là thân phụ của ông trao phó:  xiển dương giòng phái, mang những tinh hoa võ học của người xưa truyền lại cho người Việt-Nam.  Từ những võ quán của Hoa-kiều trong Chợ-lớn, đến những làng mạc hẻo lánh của những địa danh xa lạ như Tân-Khánh, Trà-Bà, U-Minh thượng, U-Minh hạ, v.v...Ông đã nhiều lần thi triển và trình bày sự ảo diệu của Hồng-Gia Quyền, khiến nhiều người ngưỡng mộ và cảm phục tặng ông danh hiệu "Ma Vân Thủ" (ý nói quyền pháp ẩn hiện như mây vờn, sóng lượn), một kỹ thuật tối cao của quyền thuật ngay cả những cao thủ trong làng võ lâm Trung-Hoa từng nghe nói đến, nhưng chưa được hân hạnh chân-diện-mục.
        Hiện nay tại quê nhà, danh hiệu Hồng-Gia Việt-Nam đã được nhiều người biết đến.  Mười ba quận tại đô thành, là nơi 13 trung tâm huấn luyện của Hồng-Gia Việt-Nam đang luân phiên hoạt động.  Lục tỉnh miền Tây, là sáu chi nhánh của giòng phái đang vươn mình lớn mạnh.  Tại Hoa-Kỳ, ngoài trụ sở Tổng-Ðàn đặt tại thị xã Westminster, còn có sân tập của anh Chương tại San Jose, và ở Washington D.C. sẽ có thêm võ đường của anh Lê-Văn-Trí.  Kế đến là Pháp, Ðức, Úc, Gia-Nã-Ðại là những nơi có đông đảo người Việt sinh sống đều có những sinh hoạt của Hồng-Gia Việt-Nam.  Và trong tương lai rất gần Hồng-Gia Việt-Nam hy vọng cũng sẽ góp mặt tại Palaguan, Phi-Luật-Tân.  Nơi có trên 2,000 người Việt tị nạn qua sự vận động của Hội-Ðồng Giám-Mục Phi, đã được chính quyền nước này cho phép định cư.
        Ngày nay, trên huy hiệu của giòng phái, ba chữ La-Phù-Sơn đã được gắn liền với sinh mệnh của Hồng-Gia Việt-Nam, như biểu hiện cho tinh thần "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc này.  Một dân tộc tuy nhỏ bé hiếu hòa nhưng bất khuất và hào hùng.  Suốt giòng lịch sử đã dung hòa được Tam giáo để tiếp nhận những tinh túy của văn hóa Hán tộc, từ đó kết hợp với những nét đặc thù của văn hóa dân tộc để chế biến thành một lợi khí sắc bén trong công cuộc lập quốc, trấn quốc và kiến quốc, xứng đáng được những nước đồng văn nghiêng mình nể trọng, kiêng dè như một văn hóa chi bang!
        Khổng-Trung-Linh
 Sưu tầm từ:http://www.honggiavietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét