Translate
Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012
ĐÌNH ỨNG THIÊN
Lối vào Đình luôn đông như trảy hội.
Đình Láng Hạ là tên gọi theo địa danh, đình còn có tên là Ứng Thiên, hiện nay thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Ba chữ Ứng Thiên Môn trên cửa đình
Hai bên cổng Đình là hai ông Voi chầu.
Bãi xe để chật cả mảnh sân to trong Đình, ngay cạnh đấy là nơi hoá vàng
Tiếp đó là hồ nước có ngọn giả sơn tuyệt đẹp
Đối diện toà giả sơn là cây Mít quả sai trĩu chịt
Cây hương ở giữa sân để mọi người thắp ngay tại đây, không thắp trong Đình nữa.
Trước khi vào lễ, mọi người có thể sắp lễ ở ngoài sân, hai bên đều có chỗ dành cho khách đến lễ xong có thể nghỉ ngơi trước khi ra về.
Các nguồn tư liệu thành văn và truyền thuyết dân gian cho biết Đình Ứng Thiên có nguồn gốc từ ngôi đền cổ thờ Hậu thổ, được vua Lý Thánh Tông xây dựng sau cuộc Nam chinh đánh Chiêm Thành năm 1069. Đền thờ nữ thần Chiêu Quân Hậu thổ, người có công phù giúp nhà vua đánh thắng quân giặc trong cuộc chinh phạt này. Sang thời Lê Trung Hưng, đền Ứng Thiên được mang chức năng đình làng. Thêm vào đó, đình còn được thờ những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của thời dựng nước và giữ nước làm Thành hoàng như Cao Sơn Đại vương, Công chúa Vĩnh Gia, Hoàng tử Linh Lang và Từ Hương Tôn Thần.
Đình Láng Hạ ra đời dưới thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171), vua Lý Anh Tông cho sửa sang lại đền. Đến thời Lê Trung Hưng, đền được quy hoạch và mở rộng thêm. Niên đại tu sửa cuối cùng của triều Nguyễn hiện được ghi trên thượng lương của nhà hậu cung là năm Thành Thái thứ 2 (1890).
Đình được xây dựng theo hướng Tây Nam trông ra dòng sông Tô Lịch. Đây cũng là một kiến trúc theo hướng thường thấy của các đình chùa ở miền Bắc. Đình được quy hoạch theo chiều sâu, phía trước là tường gạch, bên phải của đường vào đình có ao nhỏ và tường xây bao quanh, phía sau là khu vực trung tâm của đình.
Đình kiến trúc theo kiểu chữ công. Hai dãy giải vũ nằm song song với phương đình. Tiền đình gồm 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Ngoài cùng có một trụ biểu, đỉnh trụ đặt hai tượng nghê quay mặt vào phía trong. Kết cấu bộ khung nhà tiền đình kiểu giá chiêng, kẻ chuyền, các quá giang, hoành, xà được bào trơn, bào soi, đề tài trang trí vân mây, rồng lá.
Toà phương đình được nối giữa tiền đình và hậu cung, kiến trúc hai tầng tám mái, tám góc đao cong, kết cấu 4 hàng chân cột. Trong nhà phương đình đặt một hương án lớn, phía trên treo một bức cửa võng chạm trổ lưỡng long chầu nhật, hai diềm trang trí rồng, quy, điểm tùng, cúc, trúc, mai, bên cạnh là các đồ thờ.
Hai bên toà phương đình là hai dãy giải vũ, mỗi dãy 3 gian, kiến trúc kiểu vì kèo quá giang, sát tường dựng tấm bia hậu.
Phần chính của đình là cung cấm được xây liền sát toà phương đình. Cung cấm gồm ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Bốn bộ vì được làm giống nhau theo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ, hai gian bên của cung cấm để trống, gian giữa thờ nữ thần Chiêu Quân Hậu thổ và hai vị phụ tá. Tượng Thánh Mẫu đặt trong khám lớn, chạm khắc cầu kì.
Hai vị quỳ kia đang lễ vọng Cung cấm
Trang trí trên kiến trúc của đình gồm các hình mây, vân triện, vân thực vật, hai bức cốn trước có đề tài rồng, long mã, phượng, rùa, kỹ thuật và đề tài trang trí mang nét nghệ thuật thế kỉ XIX.
Cánh cửa chạm trổ đặc trưng cho đình chùa miếu mạo.
Đình Láng Hạ là một trong những ngôi đình cổ của thủ đô Hà Nội. Sau gần 1000 năm tồn tại với bao bước thăng trầm của lịch sử, đình Láng Hạ vẫn bảo lưu được một số di vật của nhiều triều đại khác nhau như một khám lớn, hai hương án chạm, bát hương đồng đúc vào thời vua Thành Thái triều Nguyễn, một cuốn Thần phả, 15 đạo sắc phong của 3 triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn cùng nhiều hiện vật khác.
Đôi bình bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ với hai chữ Phúc ( bình trên ),chữ Thọ ( bình dưới).
Đình Láng Hạ hiện nay tuy không còn nguyên vẹn song lại là một vốn quý giá trong kho tàng văn hoá nước nhà. Với bố cục, cảnh quan đẹp, lại nằm sát bên dòng sông Tô Lịch, ngôi đình này đã tạo nên một điểm tham quan lý thú của thủ đô Hà Nội.
Đây là quán bánh Đúc nổi tiếng nằm ngay cạnh Đình, hầu như mọi người đi lễ lúc về thường ghé qua đây không ăn luôn thì cũng mua về làm quà.
Bài và Ảnh: Nguyễn Quốc Việt
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét