Nghệ thuật cắm hoa ( tiếng Nhật : Ikebana) , còn có tên Hoa Ðạo (Kado) có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa trong các chùa để dâng cúng linh hồn người quá cố từ thế kỷ thứ 6 rồi dần dần được các nhà truyền đạo (Ikebono) truyền lại và trở thành nghệ thuật cắm hoa từ thế kỷ thứ 15 với nhiều trường phái khác nhau . Ảnh hưởng của thiền thâm nhập vào nghệ thuật nầy và biến việc cắm hoa trở thành một trong những phương pháp tu luyện tâm thức . Hoa đạo là một phương pháp loại bỏ ranh giới giữa chủ thể và khách thể . Ta và thiên nhiên có mối liên hệ chặt chẻ với nhau ." Ta chính là hoa và hoa cũng không khác ta " .
Trong hoa đạo người cắm hoa phải hoàn toàn nhập hồn mình vào hoa để sáng tạo những kiểu dáng tươi đẹp đem lại niềm vui thanh khiết cho người thưởng ngoạn . Nghệ thuật cắm hoa không theo những nguyên tắc cứng nhắc, trái lại phải có tinh thần tự do , khai phóng , phải thuận với không gian bố trí . Hoa chỉ là những bông hoa đơn giản , kể cả bình hoa cũng là những chai lọ thông thường trong nhà . Tính chất duyên dáng tinh tế trong nghệ thuật Ikebana nằm trong vẻ đẹp bất ngờ độc đáo khi phối trí hoa theo một hình thức tân kỳ.
Nghệ thuật Ikebana chú trọng về đường nét trong khi các quốc gia khác thì chú trong về hình thể và màu sắc . Ở Trung Hoa thì tìm những loài hoa quý và hiếm . Một cành hoa tầm thường phải được xếp đặt thế nào để tạo nên một đường chảy xuôi phối hợp với tính tự nhiên của nó . Ðiều nầy đòi hỏi sự hiểu biết của người cắm hoa về cách mọc tự nhiên của hoa lá, cũng như lòng yêu thiên nhiên của người đó trong mọi giai đoạn tăng trưởng của hoa lá cành.
Phương pháp cắm hoa phải mang tính cách tượng trưng, mô tả, nhưng một số hình thể của hoa lá lại phải được phối hợp với phong tục, tập quán và văn hóa. Vật liệu dùng trong nghệ thuật Ikebana không chỉ giới hạn vào màu sắc mà còn có vẻ đẹp nằm trong hình thể của lá và hoa, và trong sự tăng trưởng của hoa lá nơi thiên nhiên. Bởi thế người cắm hoa phải dùng cả cành, cuống , lá trong việc trang trí . Dùng hoa mọc tự nhiên trong vườn hay trong thiên nhiên . Hoa được phối hợp với đám lá tự nhiên của thứ hoa đó, điểm thêm vào là một vài bụi cây con hay bụi hoa nhỏ mọc tự nhiên ở dưới nền.
Không nên dùng hoa lá đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, tượng trưng sự suy tàn hay chấm dứt. Các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá cũng không được dùng đến, mà nụ lá, nụ hoa được ưa thích hơn, vì trong khi ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp... Nghệ thuật cắm hoa phải chú ý đến sự phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.
Cắm hoa phải biểu hiện được thời gian, tháng, mùa, cũng như sự tăng trưởng liên tục của vật liệu sử dụng. Vídụ:
Quá khứ: dùng hoa nở hết, trái cây khô hay lá cây khô.
Hiện tại: dùng hoa nở nửa chừng hay lá cây hoàn hảo.
Tương lai: dùng nụ hoa, nụ lá để hứa hẹn sự tăng trưởng sắp tới.
Vật liệu sử dụng cũng cần phải đi đôi với cách xếp đặt, trình bày:
Mùa Xuân: cách xếp đặt đầy sức sống với các đường cong biểu hiện sinh lực. Mùa Hạ: cách xếp đặt tỏa ra và tràn đầy.
Mùa Thu: cách xếp đặt mỏng và thưa thớt.
Mùa Đông: cách xếp đặt đượm buồn và lắng nghỉ.
Cách cắm hoa được chia làm ba nhóm xếp đặt theo hình tam giác :nhóm thẳng ở giữa theo hình thẳng đứng , nhóm thứ hai nghiêng về một bên và nhóm thứ ba nghiêng về phía ngược lại với nhóm thứ hai.
Có ba đường nét chính trong bình hoa tượng trưng cho Trời - Ðất - Người ( Thiên - Ðịa - Nhân) . Ðường nét quan trọng nhất là cành hoa tượng trưng cho Trời . Đây là đường trung tâm của toàn thể bình hoa, nên phải chọn cành hoa mạnh nhất . Cành thứ hai tượng trưng cho Người . Cành này phải được xếp đặt thế nào để diễn tả rõ đường hướng phát triển, bung ra từ đường trung tâm. Chiều cao của cành thứ bằng 2/3 chiều cao của cành chính, lại có phần hơi nghiêng về cành chính. Cành thứ ba tượng trưng cho Ðất, là phần ngắn nhất, được đặt xoay về phía trước hay hơi đối nghịch với phía gốc của hai cành kia. Cột tất cả ba phần vào một bộ phận giữ và phải trình bày cho thấy sự xuất phát từ một nguồn gốc . Sau đó, các bông hoa khác được thêm vào mỗi phần nhưng cách bố cục khéo léo của ba phần chính kể trên được coi là quan trọng nhất.
Trong khi cắm hoa, người ta đặt chiếc khay đựng tất cả các hoa, lá, cành... về phía bên phải và bình hoa hay đĩa cắm hoa cách 60 phân trước mặt người cắm hoa. Nếu đặt đĩa cắm hoa gần hơn thì dễ cắm hơn, nhưng để có thể dễ nhận ra cách bố cục thì nên đặt bình hoa xa hơn một chút. Bình hoa cũng nên được đặt hơi cao hơn là hơi thấp, bởi vì nếu đặt thấp, người ta sẽ quen với cách nhìn xuống và ảnh hưởng mang lại sẽ khác khi bình hoa sau này lại được đặt trên cao.
Hình dạng và kích cỡ bình hoa hay đĩa cắm hoa rất quan trọng bởi vì cách bố cục cũng tùy thuộc vào cỡ lớn , chiều rộng và chiều sâu của dụng cụ cắm hoa.
Sau khi các vật liệu cắm hoa đã được chọn lựa, bước kế tiếp là cắt tỉa . Các cành hay hoa, dù mọc gọn gàng và thứ tự tới đâu, cũng có các phần dư thừa, đặc biệt là khi được dùng vào công việc sắp xếp một cách nghệ thuật. Vì thế chúng cần được tỉa bớt trước khi các cành được tập hợp lại với nhau.
Để giữ cho hoa tươi mát, người ta dùng tới các phương thức vật lý và hóa học. Cách dễ nhất và đơn giản nhất là cắt cuống hoa trong nước (mizukiri). Phương thức này tránh cho cành hoa không bị cắt ngoài không khí làm kém đi sự hút nước. Về phương thức hóa học, một dung dịch loãng hydrochloric acid hay sulphuric acid sẽ làm sống lại hay làm tươi mát các bông hoa. Việc chà xát một chút muối vào đầu cuống hay cành hoa cũng mang lại kết quả tốt.
Các bông hoa và cành lá cần được xếp đặt chắc chắn, vững vàng và thăng bằng, bằng cách uốn cành dựa chắc vào phần bên trong của bình hoa hay đĩa cắm hoa. Việc uốn cành cây này cần phải làm rất chậm chạp và cẩn thận, làm bằng hai tay, tránh sao cành hoa không bị bẻ gẫy.
Cách cắm hoa cổ điển và phức tạp có từ xưa, gọi là rikka (hoa đứng). Lối cắm hoa nầy muốn biễu diễn cái cái vô cùng của trời đất, nên quy ước rằng hoa phải được cắm theo hình núi Sumeru, một ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật tượng trưng cho toàn vũ trụ. Các vật liệu được sử dụng cho lối cắm hoa này đều có tính tượng trưng. Cách nầy thịnh hành ở thế kỷ 17, nay không còn phổ biến nữa.
Từ thế kỷ thứ 15 xuất hiện lối cắm hoa tự nhiên. Các ngôi nhà dù nhỏ đều có kotonoma - một không gian nhỏ thụt vào của căn phòng để đặt các đồ mỹ nghệ hay để cắm hoa. Các luật lệ cắm hoa theo đó trở nên đơn giản để mọi người đều có thể thưởng thức được. Cuối thể kỷ 16 có lối cắm hoa tự nhiên gọi là nageire (quăng vào) như là một phần của nghi lễ trà đạo. Ðây là kiểu cắm hoa gần gũi triết lý Thiền nhất rất đơn giản và không gò bó được tạo ra bởi trà sư Sen no Rikyu (1521-1591). Hoa được sử dụng trong trà đạo được gọi là chabana (trà hoa), chỉ cần một bông hoa trong một bình hoa để tạo nên cảm giác giản dị, thuần khiết, thanh tao.
Cắm hoa hiện đại ảnh hưởng nhiều đến văn hoá phương Tây. Cách cắm hoa moribana (một rừng hoa) đã mở đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa, tìm cách thu nhỏ một phong cảnh hay một mảnh vườn. Đó là cách cắm hoa có thể thưởng thức được ở bất cứ đâu và thích hợp với mọi khung cảnh.
Ở Nhật Bản ngày nay có rất nhiều trường phái cắm hoa ,trong số đó có ba trường phái nổi tiếng : Ikenobo (cắm hoa theo truyền thống), Ohara (cắm hoa thành chùm ) và Sogetsu ( cắm hoa bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và sử dụng bất cứ vật liệu gì ) ...
Cắm hoa theo cách Ikebana là hình thức nghệ thuật thiền sinh động trong đó người cắm hoa hòa nhập vào hoa để phát triễn một kiểu dáng mỹ thuật của riêng mình trong việc sử dụng tất cả các loại hoa, lá và bình cắm cùng những vật thể có dáng tự do như đá, mảnh gỗ ... đều được phối họp tinh tế, cẩn thận để tạo ra một tâm trạng . Với một ít bông hoa nở , có thể diễn tả được sự trầm lặng và thư thái . Cảm hứng cắm một kiểu hoa đến từ Tâm Hư . Trong sự thanh thoát không gò bó làm cho ta thấy tự do trong cách cắm hoa , những sắc độ của đất trời , những bông hoa hồng rực rỡ của thiên nhiên , một cảm xúc bên trong là những cảm hứng tuyệt diệu cho một mẫu hoa nghệ thuật mang một thông điệp ấm áp tình người.
Sưu tầm từ vườn Thiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét