Translate

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

ĐI TÌM DANH VÀ TƯỚNG THIỀN SƯ VIÊN KHÔNG

Họa sĩ LÊ QUỐC VIỆT

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật

PHẠM TUẤN

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Dẫn nhập

Nằm giữa tam giác Phật giáo chùa Dâu (Hán), Kiến Sơ (Đường) và Phật Tích (Lý), nhiều người biết đến chùa Bút Tháp (x. Đình Tổ, h. Thuận Thành, t. Bắc Ninh) như cái nôi của thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài do Chuyết Chuyết - một thiền sư người Hoa truyền vào.


Theo Âu Dương Vựng Đăng, một cư sĩ người Hoa viết văn bia 顯 瑞 庵 報 嚴 塔 碑 銘Hiển Thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh xác nhận: Trung hưng Thiền phái Lâm Tế đất Đông đô bắt đầu từ Chuyết Chuyết. Chuyết Chuyết sinh năm 1590 người Phúc Kiến, xuất gia theo học Tiệm Sơn trưởng lão, sau đắc pháp từ Trạng nguyên tăng Đà Đà Hòa thượng. Sau khi Lý Tự Thành đánh vào hậu tẩm nhà Minh, trong nước loạn to, Đại Nam bấy giờ cũng rơi vào thời kỳ nội chiến. Khoảng năm 1630, Chuyết Chuyết cùng đệ tử Minh Hành và một số Nho sĩ người Hoa đáp thuyền buôn sang Cao Miên, không lâu sau thì vượt Chiêm Thành sang Đại Việt (Đàng Trong) rồi lục tục ra Đàng Ngoài, trên đường đi, Chuyết Chuyết có khai hóa ra chùa Thiên Tượng ở Nghệ An và Trạch Lâm ở Thanh Hóa. Năm 1633, thầy trò ra đến Đông Đô được Thần Tông, Thanh vương nhiệt thành đón tiếp và mời ra trụ trì chùa Khán Sơn mở trường giảng pháp, được một thời gian thì dời đạo tràng về chùa Phật Tích (Kinh Bắc). Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Pháp Tính) cùng con gái là Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên (Diệu Tuệ), Đệ nhị cung tần của Thanh vương là Trần Thị Ngọc Am cùng xuất gia theo học, nhân đó Hoàng hậu xin chồng (vua) và cha (chúa) bỏ tiền dựng chùa Bút Tháp vào năm 1642. Năm sau chùa dựng xong, Chuyết Chuyết từ Phật Tích dời sang làm Thuỷ tổ chùa Bút Tháp thì đệ tử Minh Hành trở thành Viện chủ chùa Phật Tích. Được một năm thì Chuyết Chuyết viên tịch ở tuổi 55, được vua Chân Tông phong hiệu. Minh Hành dựng tháp Báo Nghiêm thờ vọng tại chùa Bút Tháp và an táng chân thân xá lỵ trong một ngôi tháp cùng tên tại chùa Phật Tích (Diệu Tuệ trùng tu lại vào năm 1692). Minh Hành cũng mất vào năm 1659, thọ 64 tuổi.

Ghi chép trên khái quát tình hình truyền giáo hồi nửa đầu thế kỷ XVII của hai thầy trò thiền sư người Hoa tại Đàng Ngoài mà trung tâm Phật giáo tại trấn Kinh Bắc. Dưới sự ủng hộ của triều đình, thiền phái này có cơ hội bành trướng và phát triển thoạt đầu ở một vài thủ phủ Phật giáo, sau đó lan tỏa với một biên độ ảnh hưởng rất rộng, với một phả hệ truyền thừa có tính chính mạch nhưng cũng phân chi lập nhánh phức tạp kéo dài cho đến cuối thời Nguyễn.
Lần giở lại những ghi chép về phả hệ truyền thừa của Chuyết Chuyết, tựu chung có hai nhánh chính, 禪 苑 傳 燈 錄Thiền uyển truyền đăng lục quyển Hạ tờ 20b do Hòa thượng Phúc Điền biên soạn và cho khắc vào thời Nguyễn viết về hệ phái truyền thừa ở chùa Bút Tháp như sau:“北 寧 雁 塔 社 天 福 寺 初 開 始 祖 拙 公 和尚 下 二 傳 明 行 祖 師 下 三 傳 真 住 祖 師 下 四 傳 如 隨 祖 師 -Sơ khai thủy tổ ra chùa Thiên Phúc (Phúc Điền viết nhầm, viết đúng là Ninh Phúc) ở xã Nhạn Tháp tỉnh Bắc Ninh là Chuyết Công Hòa thượng, truyền xuống đời thứ 2 là Minh Hành tổ sư, truyền xuống đời thứ 3 là Chân Trú tổ sư, truyền xuống đời thứ 4 là Như Tùy tổ sư”. Nhưng theo 連 釘 選 佛 場 圖 引Liên đính tuyển Phật trường đồ dẫndo Pháp ấn Sa môn là Tính Ngạn Thích Ngột Ngột (đệ tử của Trịnh Thập) soạn và cho khắc in năm Long Đức thứ 1 (1732) lại dẫn thiền phái theo nhánh của chùa Liên Phái, nhưng cũng chỉ nói đến Trịnh Thập là hết. Thích Ngột Ngột nói: “東 都始 祖 拙 大 和 尚 得 法 於 狀 元 僧 陀 陀 和 尚 傳 至 明 良 傳 至 真 源 傳至 鱗 角 上 士 是 蓮 宗 寺 離 塵 院 之 開 山 始 祖 也 -Thủy tổ đất Đông Đô là Chuyết Chuyết được pháp từ Trạng nguyên tăng là Đà Đà Hòa thượng, trải truyền đến Minh Lương, Minh Lương truyền cho Chân Nguyên Hòa thượng, Hòa thượng truyền tới Lân Giác Thượng sĩ, Thượng sĩ là thủy tổ khai sơn ra chùa Liên Tông viện Ly Trần vậy”. Lại nữa, theo 重 興 蓮 派 寺 離 塵 院 別 誌Trùng hưng Liên Phái tự, Ly Trần viện biệt chí do Tỷ kheo Thanh Trang soạn cũng đồng nhất quan điểm với Ngột Ngột khi cho tông Long Động bắt đầu từ Chân Nguyên, Chân Nguyên truyền cho Thượng sĩ Cao Thiền (tức Trịnh Thập), Trịnh Thập là Tổ khai sơn ra sơn môn Liên Phái. Mỗi tư liệu đều nghiêng theo một hướng truyền thừa và chỉ xác lập được bốn đời bắt đầu từ Chuyết Chuyết, tiếp đó là một diễn tiến phát tán truyền thừa phả hệ theo quan điểm và ghi chép riêng của mỗi chùa.




Đáng chú ý nhất ở chùa là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Tượng cao 3,7 m, ngang 2,1 m, dày 1,15 m. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 200 cm. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 789 tay dài ngắn khác nhau. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc. Phật ngồi trên toà sen hồng qua bệ tượng hình vuông được trang trí bằng những nét chạm khắc cổ với dáng hành đạo, thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ. Ở đây có nhiều mô tip quen thuộc được trang trí ở chùa Việt Nam như hoa lá, cây cảnh cùng các con vật - trong đó có rồng - ngư với viên ngọc; lân với quả cầu; quạt hai vòng tròn, sóng nước, hoa sen,... Tượng Quan Âm hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định; các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người; những tay được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm (ngay sau gáy Phật) trong lòng mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt. Nhìn tổng thể tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm.

Hai kiệt tác điêu khắc khác nữa làm thành một bộ ba tác phẩm danh bất hư truyền là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Thị Kính. Pho tượng Tuyết Sơn ở đây cũng là một kiệt tác của thế kỷ 17. Qua nhà tiền đường là đến nhà thiêu hương.
Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ,... còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo.
Phủ thờ nằm sau Phật điện là ngôi nhà 5 gian có hai pho tượng đáng chú ý. Hai pho tượng này là chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (nhà Lê) đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên. Cả hai pho tượng đều ngồi theo dáng toạ thiền.
Từ thượng điện, đi qua một chiếc cầu đá có ba nhịp uốn cong dẫn đến ngôi nhà gọi là Tích Thiện am. Trên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông hoa lá. Tích Thiện am là một ngôi nhà có ba tầng mái.
Trong Tích thiện am, có cây Cửu Phẩm Liên Hoa, là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại.

Đại lược với hai nhánh truyền thừa thoạt đầu cùng một xuất phát điểm tại chùa Bút Tháp nêu trên, tuy chưa thể nêu hết các chi thứ, nhưng cũng đủ biết biên độ khuếch tán của thiền phái này rất rộng trải dài từ Nghệ An lên đến Quảng Ninh như là những trung tâm Phật giáo, phát triển mạnh vào giữa thế kỉ XVII đến hết thời Cảnh Hưng (1786). Chùa Bút Tháp đến nay vẫn còn giữ được vẻ cổ kính gần như nguyên xưa cho dù trải qua nhiều lần canh cải, là điểm giao thoa giữa hai dòng văn hóa Phật giáo Việt - Hoa và là hiện thân tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc trang trí bậc thầy thế kỷ XVII. Nếu “du khách lần giở trang hoài cổ, mơ lại ngày xưa xóm Ngự viên”, sẽ khám phá ra thân phận u buồn của lớp hoàng thân quốc thích Lê Trịnh và kiếp sống tu hành lưu vong của những thiền sư, cư sĩ người Hoa.
Như tiêu đề bài nghiên cứu đề cập, trong số những thiền sư thuộc môn nhân thiền phái Lâm Tế, có pho tượng chân dung thiền sư Viên Không được thờ tại chùa, tượng không lấy gì làm đặc sắc về nghệ thuật, nhưng khiến nhiều người nghiên cứu Tôn giáo phân vân khi tiến hành xác minh lai lịch hành trạng pho tượng. Thật dễ dàng xác minh nếu nhân vật đó quá điển hình và được người đời truyền tụng, được sử sách ghi chép cẩn thận hoặc sống không xa hiện tại là bao. Nhưng đối mặt với những nhân vật lịch sử mà nói theo cách nói của các cụ là mất cả danh lẫn tướng, tướng một nơi danh một nẻo, hoặc giả còn tướng mất danh và ngược lại thì để thiết lập lại một hồ sơ hoàn chỉnh về nhân vật được thờ là một vấn đề không dễ dàng chút nào !
Tượng được thờ bằng chất liệu gỗ phủ sơn, tạc trong tư thế ngồi kết già cao chừng 80cm, đặt trong một khám thờ long đình được chạm khắc hoa văn và sơn thếp tráng lệ. Duy nhất trên khám có khắc nổi hàng chữ Hán với nội dung: “南 無 圓 空 菩 薩 直 入 净 土 門 坐 華 藏 龕- Nam mô Viên Không Bồ tát, trực nhập Tịnh độ môn, tọa Hoa tạng khám”
(Nam mô Viên Không Bồ tát, vào thẳng cửa Tịnh độ, ngồi khám Hoa tạng).
Từ nội dung chữ Hán, chỉ có thể xác định bước đầu: Vị thiền sư được thờ trong khám có tên là Viên Không, phẩm phục phản ánh thiền sư không phải là tăng quan. Ngoài ra có hai chi tiết gợi mở rất cần chú ý: a/ Viên Không được đặt bên hữu tượng Chuyết Chuyết, đăng đối với Minh Hành. Vì thế, xét về quy cách bài trí chiêu mục, xác định Viên Không thuộc hàng pháp tôn (cháu) hoặc pháp điệt (chắt) của Chuyết Chuyết ngồi ở giữa; b/ Phong cách nghệ thuật điêu khắc, hoa văn trang trí và nhất là kiểu chữ khắc rất gần với lối viết sắc phong và bi ký thời Lê mạt, cho phép cảm nhận và ước đoán Viên Không sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII nửa đầu thế kỷ XVIII.
Thiền sư Viên Không là ai ?
Bút Tháp giống như chùa Phật Tích, đã từng là một trung tâm in ấn và tàng bản vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, nhưng thực sự đáng tiếc đến nay ván và sách đều không còn, thiền phả cũng mất, ngoại trừ sót lại bộ ván áo 六 銖 海 會Lục thùHải hội, 什 物Thập vật và một số ván kinh 觀 音 顯 相 圖 Quan Âm hiển tướng đồ. Cùng vài ba đầu mục sách kinh Phật lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm do Minh Hành và Diệu Thiện tổ chức khắc in, bặt không một thông tin liên đới đến danh tự Viên Không. Rà soát khắp một lượt nội dung văn bia tại chùa cũng không nhắc đến ai có tên như vậy, ngoại trừ và khả nghi một thông tin từ một khoán ước được lập và khắc vào năm Lê Vĩnh Hựu 5 (1739) trên thân tháp Ni Châu (tháp ni sư Diệu Viên) cho biết một người, nhưng người đó lại có tên là 竹 林圓 證 教 授 摩 訶 比 丘 如 隨 禪 師 化 身 菩 薩 - Trúc Lâm Viên Chứng giáo thụ Ma ha Tỷ khưu Như Tùy Thiền sư Hóa thân Bồ tát” ấn chứng cho Quận chúa Diệu Viên đương thời trụ trì chùa Bút Tháp. Nay Viên Chứng mất, Quận chúa mua ruộng giao cho Tính Hài (cùng trụ trì chùa Bút Tháp) thu lấy hoa mầu cúng giỗ Như Tùy. Trúc Lâm Viên Chứng giáo thụ với Ma ha tỷ khưu Như Tùy thiền sư (danh xưng chỉ của một người) chép trong tờ khoán với Như Tùy mà Phúc Điền ghi là “truyền xuống đời thứ 4 là Như Tùy tổ sư” nêu ở phần trên là một. Trong khi đó tờ khoán không hề xác nhận: Như Tùy là Tổ, đồng thời giữ ngôi trụ trì chùa Bút Tháp. Không hiểu Phúc Điền căn cứ vào đâu để cho đời thứ 4 thuộc phả hệ truyền thừa chùa Bút Tháp là Như Tùy ?
Có sợi dây liên kết gì không giữa Như Tùy của tờ khoán với Như Tùy của Phúc Điền? Mặc dù biết trên bia và trên long đình (tự dạng đều khắc rất cẩn thận), không cho phép có thể khắc nhầm Viên Chứng thành Viên Không ! Để lý giải cho vấn đề có nguy cơ đi vào bế tắc, bài viết bắt buộc xác lập bảng thống kê lịch đại và đồng đại trụ trì tăng chùa Bút Tháp trên cơ sở ghi chép của toàn bộ hệ thống bi ký thời Lê hiện còn lưu giữ tại bản chùa như sau:

Thế hệ
Tục danh
Pháp danh
Đạo hiệu
Phong tặng
Thụy
Tháp hiệu
Thời gian trụ trì
34Lý Thiên Tộ Thích Viên Văn Chuyết Chuyết Mân Chương Hải Trừng Minh Việt Phổ Giác Quảng
Tế Đại Đức Thiền sư
Nhục thân Bồ tát
Đông Đô Thuỷ tổ
Báo Nghiêm 1643
 
35Họ Hà Thích Minh Hành Tại Tại Nhân
Thiên Đạo sư
Thành Đẳng Chính
Giác Đại Đức Thiền
Sư Hóa thân Bồ tát
 Tôn Đức 1644 - 1659
36/1 Lê Thị Ngọc DuyênThích Diệu TuệThiện Thiện Thánh Thiện Bồ tát  (Chưa rõ) 1660 - ?
 
36/2 Lê Ngọc Nghênh Thích Chân Phúc (Chưa rõ)    (Chưa rõ)? - 1684
36/3 Hà Đăng Đệ Thích Huệ Thông  Huyền Thanh Trí Tuệ
Tinh Tiến Phổ Tế
Thiền sư
Tiên nhân (Chưa rõ) 1685 - 1691
37/1 (Chưa rõ) Thích Như Đạo (Chưa rõ)    (Chưa rõ) 1692 - 1722
37/2 Họ Nguyễn Thích Như Chúc (Chưa rõ)    (Chưa rõ) 1723 - 1736
37/3 (?)Thích Diệu Viên (chưa rõ)    (Ni Châu) ? - 1739 - ?
38/1 (Chưa rõ) Thích Tính Lượng(Chưa rõ)    (Chưa rõ) ? - ?
38/2 (Chưa rõ) Thích Tính Hài (Chưa rõ)    (Chưa rõ) ? - 1739 -

Từ những ý niệm cảm nhận ban đầu về Viên Không cho đến ghi chép của thư tịch cổ lẫn bi ký, phần nào xác lập danh sách những thiền sư từng giữ ngôi trụ trì Tổ đình Bút Tháp từ Tổ đệ nhất dòng thiền Lâm Tế thế hệ thứ 34 trở đi, đã chứng minh Viên Không không phải là trụ trì tăng chùa Bút Tháp, mặc dù tư liệu văn bia không cho biết về đạo hiệu, tháp hiệu của Chân Phúc, Như Đạo, Như Chúc, Tính Lượng và Tính Hài. Tương tự, tác giả bài viết cũng không lý giải nổi một Thích Huệ Thông lạc lõng về nhiều khía cạnh khi quy chiếu Huệ Thông trong khuôn khổ bài nghiên cứu này, tạm thời coi đây là câu hỏi để ngỏ đợi các bậc thức giả liên kết nghiên cứu và đợi bổ sung tư liệu.
Với bảng thống kê nêu trên, chúng tôi đặc biệt để ý đến hai vấn đề được nêu dưới đây hy vọng nhanh chóng xác minh ra danh tướng Thiền sư Viên Không.
a. Quy cách đặt pháp danh theo tự phái, tự bối
Người Hán từ xưa có quy cách đặt tên, tức là “danh” và “tự”. Sách Lễ ký chép: Ấu danh quán tự 幼 名 冠 字khi bé đặt tên, khi đội mũ thì đặt tên chữ, tỷ như Lưu Tiên chúa thời Tam Quốc tự giới thiệu: “Tại hạ họ Lưu tên Bị, chữ là Huyền Đức”, hoặc như Vũ hầu họ Gia Cát tên Lượng, chữ là Khổng Minh… Theo 高 僧 傳Cao tăng truyện, người xuất gia thoạt đầu không có pháp danh, đến đời Đông Tấn bắt đầu mới có pháp danh và đặt họ Thích. Đến thời Đường thì thêm đạo hiệu, từ đó về sau trở thành một luật định, đặc biệt là quy cách đặt tên cho từng thế hệ tương ứng với từng chữ trong một câu thơ hoặc bài kệ, gọi là tự phái 字 派hoặc 字 輩tự bối.
Môn nhân thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài của Chuyết Chuyết được đặt pháp danh theo bài kệ diễn phái của đời thứ 25 Thiền phái Lâm Tế là Thiền sư Đột Không Trí Bản gồm 16 chữ: 智 慧 清 淨 道 德 圓 明 真 如 性 海 寂 照 普 通Trí tuệ thanh tịnh, Đạo đức viên minh, Chân như tính hải, Tịch chiếu phổ thông”. Tức là mỗi một chữ trong bài kệ tương ứng với một thế hệ truyền thừa, ví dụ: Lâm Tế đời thứ 34 tương ứng với chữ Viên, 35 tương ứng với chữ Minh. 36 tương ứng với chữ Chân… Điều này chứng minh: Không có Thiền sư trụ trì chùa Bút Tháp nào có pháp danh là Viên Không và không có tông nhân môn đồ nào thuộc dòng thiền Lâm Tế Đàng Ngoài có pháp danh bắt đầu từ chữ Viên, ngoại trừ Chuyết Chuyết Viên Văn Hòa thượng.
b. Quy cách đặt đạo hiệu dùng điệp tự
Theo điều tra thực tế thì quy cách này không áp dụng triệt để, nhưng tương đối phổ biến, đủ biết đây là đặc trưng thứ hai để nhận biết vị thiền sư này tu hành thuộc thiền phái Lâm Tế hay Tào Động, phạm vi hẹp hơn là thuộc sơn môn nào trong cùng một thiền phái. Ví dụ:
Trạng Nguyên tăng là thầy của Viên Văn lấy đạo hiệu là Đà Đà Hòa thượng, đạo hiệu của Viên Văn là Chuyết Chuyết, trò Chuyết Chuyết là Minh Hành lấy đạo hiệu là Tại Tại, trò của Tại Tại là Thiện Thiện. Sơn môn Liên Phái bắt đầu từ Lân Giác Trịnh Thập là Như Như, đệ tử Như Như là Tính Ngạn lấy đạo hiệu là Ngột Ngột, Hạo Hạo, Hoa Hoa,... Cũng có ý kiến cho rằng: Thiền sư nào dùng điệp tự để đặt đạo hiệu thì thuộc chi trưởng, đích tử, đích tôn, ngoài ra đều thuộc bàng thứ (?).
Vì thiếu thông tin tư liệu, cho nên không thể quy chiếu thiền sư Viên Không trong quy cách này, nhưng cũng tạm thời có thể kết luận (tuy thiếu căn cứ): Viên Không không phải là đạo hiệu và bài viết đi đến lý giải vấn đề cuối cùng, ấy là:
Viên Không chỉ là tháp hiệu
Quá trình tìm kiếm và xác minh ngôi tháp có tên là Viên Không quả thực mất rất nhiều thời gian, cho dù phạm vi được khoanh vùng và đặt trọng tâm vào những ngôi tháp có niên hiệu thời Lê. Bất ngờ đã xảy ra sau khi từ Bút Tháp sang Phật Tích, Hàm Long rồi sang chùa Bảo Quang (tức chùa Bụt Mọc) trên núi Lãm Sơn thuộc thôn Sơn Đông xã Nam Sơn huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh), đã tìm ra ngôi tháp cần tìm. Với tấm bia 圓 空 塔 記Viên Không tháp ký gắn trên thân tháp do Tỷ khưu Hải Khâm Thích Thân Thân ở am Thụ Thụ chùa Bảo Quang soạn năm 1774 hầu như đã giải đáp toàn bộ vấn đề: Thiền sư được an tàng xá lỵ trong ngôi tháp hiệu là Viên Không có tên là Trúc Lâm Viên Chứng Tỷ khưu, pháp danh là Như Tùy, đạo hiệu là Vô Trụ Tổ sư, ông họ Nguyễn, người xã Nghi Dương huyện Nghi Dương phủ Kinh Môn đạo Hải Dương (nay thuộc huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương). Thiền sư sinh ngày 17 tháng 6 năm Lê Chính Hòa 17 (1696), tuổi trẻ hâm mộ nội điển nhà Phật, khi lớn lên chùa Long Động núi Yên Tử yết kiến Chân Nguyên Tổ sư và được thầy thế tóc thụ giới cho đi theo hầu. Một hôm Chân Nguyên hỏi: “Thị giả được bao năm rồi?” Ông đáp: “Xin trọn đời”. Vì thế mà được Chân Nguyên đặt tên là Như Tùy. Ông thờ thầy hết mực, trọn đạo cho đến khi Chân Nguyên viên tịch (1726). Trước đó một năm, sư huynh ông là Như Thích - Tổ sư khai sáng chùa Bảo Quang trên núi Lãm Sơn mất, đến khi Chân Nguyên mất, ông quyết định về trụ trì chùa của Như Thích và dựng nên một sơn môn với một phả hệ truyền thừa kéo dài đến hết thời Nguyễn. Ông mất vào ngày 26 tháng 10 năm Lê Long Đức thứ 2 (1733) khi mới 33 tuổi, đệ tử hơn 30 người dựng tháp Viên Không và tạc tượng ông thờ tại bản tự. Để xác nhận hệ phái Lâm Tế của riêng chùa Bảo Quang, Hải Khâm đã không quên lược dẫn thiền phái đồ ở cuối bia: 圓 空 塔 記Viên Không tháp kýtheo trình tự: 略 引 傳 宗 多 難 盡 述 計 自 黎 朝 中 興 東都 始 祖 報 嚴 塔 弘 法 度 人 圓 文 拙 大 和 尚 傳 至 金 剛 塔 滿 覺 和 尚 明 良 祖 師 傳 至 寂 光 塔 正 覺 和 尚 真 源慧 燈 禪 師 傳 至 圓 空 塔 如 隨 無 住 禪 師 師 是 佛 祖 分 燈 列 焰 - Lược dẫn truyền thừa tông phái (thiền tông Lâm Tế Đàng Ngoài) nhiều đến mức không thể kể xiết, (vị thiền sư) bắt đầu từ triều Lê Trung hưng (được ban tên thụy là) Đông Đô Thủy tổ, tháp hiệu là Báo Nghiêm, (được phong tặng là) Hoằng pháp Độ nhân, (pháp hiệu là) Viên Văn, (đạo hiệu là) Chuyết Đại Hòa thượng, (Đại Hòa thượng) truyền tới tháp hiệu là Kim Cương, (đạo hiệu là) Mãn Giác Hòa thượng, (pháp danh là) Minh Lương Tổ sư, (Tổ sư) truyền tới tháp hiệu là Tịch Quang, (đạo hiệu là) Chính Giác Hòa thượng, (pháp hiệu là) Chân Nguyên Tuệ Đăng Thiền sư, (Thiền sư) truyền tới tháp hiệu là Viên Không, (pháp danh là) Như Tùy, (đạo hiệu là) Vô Trụ Thiền sư, sư chính là người được Phật tổ chia đèn cùng sáng vậy”.
Trong thời gian Viên Không còn tại thế, Ni sư Quận chúa Diệu Viên họ Trịnh tên là Thụy Nhũ (cháu bà tổ cô Diệu Thiện Lê Thị Ngọc Duyên, chắt của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, cùng tu tại chùa Bút Tháp), xuất gia theo tông Long Động, tôn Viên Không làm nghiệp sư sau đó được chứng giám trao quyền trụ trì chùa Phật Tích và Bút Tháp. Không lâu thì Viên Không mất, bà tạc tượng thầy và rước về thờ tại chùa Bút Tháp, bà mất sau thầy khoảng chừng 5 hoặc 6 năm sau, xá lỵ được an táng trong một ngôi tháp đá có tên là Ni Châu.
Ngoài ra tại chùa Bảo Quang còn lưu giữ bộ 御 製 重 鋟 如 來 應 現 圖 Ngự chếtrùng tẩm Như lai ứng hiện đồ, được khắc lần đầu vào khoảng giữa thời Lê Cảnh Hưng. Đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), Sa môn Phổ Hòa cũng trụ trì tại bản tự mới cho trùng san. Công quả của việc in sách này nhằm mục đích cầu siêu cho các chư vị tiền tổ thuộc nhánh phả hệ truyền thừa sơn môn chùa Bảo Quang, cuối sách có chép các vị thiền tổ theo thứ tự:
黎 朝 中 興 東 都 始 祖 報 嚴 塔 弘 法 度 人圓 文 拙 拙 大 和 尚
金 剛 塔 福 慧 廣 大 滿 覺 和 尚 明 良 祖 師
寂 光 塔 慧 燈 永 照 真 元 祖 師 正 覺 和 尚
圓 空 塔 竹 林 圓 證 比 丘 如 隨 無 住 祖 師
- Lê triều Trung hưng Đông Đô thủy tổ, Báo Nghiêm tháp Hoằng pháp Độ nhân Viên Văn Chuyết Chuyết Đại Hòa thượng.
- Kim Cương tháp, Phúc tuệ Quảng đại Mãn Giác Hòa thượng Minh Lương Tổ sư.
- Tịch Quang tháp, Tuệ đăng vĩnh chiếu Chân Nguyên Tổ sư Chính Giác Hòa thượng.
- Viên Không tháp, Trúc lâm Viên chứng tỷ khưu Như Tùy Vô Trụ Tổ sư.
Ghi chép này trùng khớp với những gì tháp Viên Không đã ghi và lý giải được thông tin thiếu căn cứ của Hòa thượng Phúc Điền.
Kết luận
Cốt lõi vấn đề cho dù đơn giản chỉ là việc tìm ra sự liên kết giữa pho tượng và hành trạng (hay nói cách khác: giữa điêu khắc và văn bản Hán Nôm), xác lập lại mối quan hệ giữa Viên Không và chùa Bút Tháp. Nhưng trên thực tế đã đụng vào một cấu trúc phức tạp của cả một thiền phái không dễ bóc tách. Trong khi đó giới nghiên cứu tôn giáo đều biết Thiền tông Lâm Tế mặc dù phát triển trong cùng một địa bàn rất tiện ở chỗ chùa nào cũng là phe nhà mình, nhưng tệ đoan không phải không ít, ai cũng coi mình là người được truyền thừa chính tông đến mức không phân hoạch rõ: ai là đệ tử đắc pháp với ai là đệ tử giữ ngôi trụ trì. Trên thực tế phản ánh người đắc pháp không chắc giữ ngôi trụ trì, người trụ trì chưa hẳn đã đắc pháp. Thần Tú và Huệ Năng là một ví dụ cực kỳ điển hình cho câu chuyện này đồng thời phản ánh nhãn quan chứng đắc của mỗi người một khác, dẫn đến hệ phái truyền thừa mỗi người mỗi chùa ghi một cách. Sự rối rắm trong việc phân chi lập phái có thể làm hỏng sự liên kết trong một cấu trúc truyền thừa nhưng lại là hiện tượng phát tán tất yếu tạo ra sự củng cố và liên kết vững chắc giữa các sơn môn.
Viên Không tuy không phải là trụ trì chùa Bút Tháp, nhưng ông may mắn gặp và học được tông Long Động của Chân Nguyên, nối được chí của Như Thích, biệt thành nhất gia, môn đồ trụ trì tứ tán, trò ở đâu thì tạc tượng thờ thầy ở đó là đạo lý dễ hiểu. Đó chính là nguyên nhân tại sao trong một tấm bia có nhắc chuyện Diệu Viên mua ruộng giao cho thôn để thôn đồng ý cho mình được gửi giỗ thờ cúng Viên Chứng như một trụ trì tăng chùa Bút Tháp.
Tư liệu tham khảo
- Kinh Lễ, Nguyễn Tôn Nhan giới thiệu và chú giải, Nxb. Văn học, Tp. Hồ Chí Minh, 1999.
- Cao tăng truyện, Đại tạng kinh.

- Ngũ đăng hội nguyên, Đại tạng kinh.

- Văn bia Trùng hưng Liên Phái tự, Ly Trần viện biệt chí (1872) chùa Liên Phái - Hà Nội.
- Văn bia Viên Không tháp kí (1774) chùa Bảo Quang -Bắc Ninh.
- Văn bia Hiển Thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh (1647) chùa Bút Tháp - Bắc Ninh.
- Liên đính tuyển Phật trường đồ dẫn (1732), Thích Ngột Ngột bản in tại chùa Hàm Long.
- Kế đăng lục, Như Sơn, bản lưu tại chùa Liên Phái.
- Thiền uyển truyền đăng lục, Phúc Điền, bản lưu tại chùa Ngọc Quán.
- Ngự chế trùng tẩm Như Lai ứng hiện đồ, Bản lưu tại chùa Bảo Quang.
- Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, Nxb. Văn học, H. 2000.
(Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.58-65)
Sưu tầm                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét